Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã qua đi nhưng dư âm vẫn đọng lại theo thời gian và năm tháng. Những sự kiện lịch sử hào hùng, oanh liệt, những ngày tháng gian khổ hy sinh nhưng đầy vẻ vang vẫn lắng sâu trong ký ức của mỗi người lính.
Trong những dấu mốc hào hùng của dân tộc không thể không kể đến đóng góp to lớn của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) nói chung và Cảnh sát PCCC thủ đô nói riêng. Hơn 30 năm sau những sự kiện và chiến thắng lịch sử ấy, tôi có dịp gặp gỡ với người lính chữa cháy năm xưa - người viết bức huyết tâm thư tình nguyện vào chiến trường miền Nam bảo vệ Tổ quốc.



Trò chuyện với ông giữa đời thường vào những ngày tháng tư lịch sử, câu chuyện của ông đưa tôi trở lại những thời khắc oanh liệt của thủ đô năm xưa. Hơn 30 năm đã trôi qua nhưng chất lính trong ông vẫn nguyên vẹn: mộc mạc và đơn sơ khi kể cho tôi về những kỷ niệm trong cuộc chiến tranh tàn khốc đã qua và năm tháng hòa bình với bao nỗi lo toan, vất vả của cuộc sống. Nhớ về những năm tháng ấy, ánh mắt ông long lanh, không giấu nổi niềm tự hào và dòng cảm xúc đang trào dâng mãnh liệt. Ông sinh ra trên mảnh đất Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình vào đúng ngày 7/5/1954 - Ngày Điện Biên lịch sử. Là con vợ lẽ, mẹ mất sớm khi ông vừa 6 tuổi, cha phục vụ trong quân đội, ông thiếu tình thương và hơi ấm của mẹ, cha ngay từ tuổi ấu thơ. Anh em ly tán mỗi người một nơi. Ông lớn lên trong sự yêu thương che chở của họ hàng và sớm phải lo toan gánh vác công việc gia đình. Những ngày tháng gian khổ đó, ông vừa học vừa giúp gia đình tất cả những công việc để mưu sinh. Chiến tranh ngày một khốc liệt, cha đi bước nữa, ông theo dì ba sơ tán hết nơi này qua nơi khác… Tuổi thơ khắc nghiệt và nhiều cay đắng đã bồi đắp cho ông chí khí cách mạng và lòng yêu nước, căm thù giặc ngoại xâm. Năm 1971, ông đăng ký nghĩa vụ quân sự và được Công an Ninh Bình tuyển dụng đi học tại Trường Cảnh sát Nhân dân Trung ương. Năm 1972, Đế quốc Mỹ âm mưu dùng bom B52 đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá. Ông được điều về PCCC Hà Nội tăng cường.

Theo tiếng gọi của Đảng tất cả vì miền Nam ruột thịt, ông viết “huyết tâm thư” với tiêu đề “Đơn tình nguyện đi chiến đấu” gửi Ban Chỉ huy, Phòng Cảnh sát PC&CC, Sở Công an Hà Nội tình nguyện ra nhập “Trung đội Thanh niên kháng chiến chống Mỹ”, tham gia chiến đấu tại những nơi gian khổ, nguy hiểm và khốc liệt nhất để phục vụ chiến trường miền Nam. Trong thư ông viết: “…Là một chiến sỹ Cảnh sát nhân dân, với nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, tôi không thể ngồi yên nhìn bọn Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai gây tội ác với đồng bào. Mặt khác, đối với thanh niên lúc này thì không có hạnh phúc nào bằng được đứng trên trận tuyến đánh quân thù, không có vinh dự nào bằng là được đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho loài người…đây là nguyện vọng tha thiết nhất và khẩn cấp nhất của tôi..”. Bức thư đó chưa được cấp trên xét duyệt nhưng giữa Thủ đô Hà Nội, ông đã cùng đồng đội làm nên những kỳ tích trên mặt trận chống giặc lửa, góp phần làm nên một Điên Biên lịch sử trên không khắc ghi vào lịch sử một mốc son chói lọi. Những ngày đó, Hà Nội chìm trong khói lửa chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ. Lực lượng PCCC Thủ đô “chân không không lúc nào dời khỏi ủng”, lúc ăn, ngủ vẫn vận nguyên trang phục chữa cháy để khi có báo động là lập tức lên đường làm nhiệm vụ bởi tình thế của cuộc kháng chiến lúc đó hết sức cam go.

Trong cuốn Biên niên sử của Công an Thủ đô đã ghi lại chi tiết kế hoạch của quân địch: "Ném bom các khu dự trữ xăng dầu của Bắc Việt Nam sẽ gây tổn hại nhiều hơn đến khả năng vận chuyển các đồ chi viện chiến tranh ở trong nước và các đường vào Nam Việt Nam hơn là bắn phá bất kỳ một hệ thống riêng biệt nào". Nắm rõ ý đồ ấy của Đế quốc Mỹ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Trần Quốc Hoàn - Bộ trưởng Bộ Công an và Lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội... Công an Hà Nội đã chủ động xây dựng trước chi tiết kế hoạch chữa cháy: củng cố, tăng cường lực lượng PCCC chuyên nghiệp ngày càng mạnh hơn đồng thời trang bị tối đa những thiết bị chuyên dụng phục vụ công tác chữa cháy bảo vệ Thủ đô. Ông bồi hồi nhớ lại: “Lực lượng PCCC Thủ đô lúc đó còn rất mỏng.

Trình độ của cán bộ, chiến sỹ quá non trẻ và hầu như chưa được đào tạo chuyên nghiệp mà chỉ qua những lớp tập huấn ngắn ngày. Phương tiện chữa cháy thiếu thốn trăm bề. “Oách” nhất là chiếc xe Zil130 của Liên Xô, một số phương tiện của Pháp, còn chủ yếu là các phương tiện chữa cháy của Trung Quốc. Cuộc sống gian khổ ngoài sức tưởng tượng. Nhiều khi đi chữa cháy mà không được tiếp tế nên khát nước phải lật chum sành “vét” từng giọt nước uống. Ngoài lúc chữa cháy thì phải khổ luyện ở thao trường rất vất vả và anh em chiến sỹ không giấu nổi những lúc mặc cảm vì một thực tế là lực lượng PCCC lúc đó chưa được đánh giá cao như bây giờ. Nhưng khi có tình huống cháy xảy ra thì nhiệt huyết của tuổi trẻ trỗi dậy và anh em xung trận diệt giặc lửa rất dũng cảm và hăng hái”. Có lẽ, trong ký ức của người hùng chống giặc lửa không thể nhớ hết những chiến công mà ông đã cùng đồng đội bảo vệ Thủ đô yêu dấu. Bởi công việc chữa cháy lúc đó “như cơm bữa”, thấy báo động có lệnh là lên đường làm nhiệm vụ. Nhưng ký ức về những trận chiến đấu chống giặc lửa năm 1972 đã để lại trong ông dấu ấn thật khó phai. Nhớ về trận chữa cháy Nhà máy Thuốc lá Thăng Long (1972) khi Mỹ ném bom B52 đánh sập kho nguyên liệu của Nhà máy, ông kể: “Lúc đó, các chiến sỹ chữa cháy chưa có mặt nạ phòng độc như bây giờ nên nhiều anh em khi lao vào chữa cháy đã hít phải khí độc và ngất đi. Sau nhiều giờ chữa cháy, mồ hôi ướt đầm đìa. Nước của nguyên liệu thuốc lá ngấm vào người. Anh em phải lấy bộ quần áo công nhân để mặc tránh bị cảm lạnh. Mồ hôi thấm vào quần áo vải phai màu nhuộm làn da của chiến sỹ xanh như màu mực”. Cũng trong năm 1972, khi Đế quốc Mỹ ném bom trúng khu dân cư gần khu vực Lò Đúc, lửa bốc cháy ngùn ngụt giữa hai tuyến phố. Ông cùng Đội PCCC Phan Chu Trinh lúc đó ngồi trên chiếc xe do đồng chí Tạ Xuân Đài lái xe lao qua “vòng lửa” tới khu vực nhà dân chữa cháy, kịp thời bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra. Trận chiến đáng nhớ nhất trong cuộc đời ông là trận chữa cháy tại Khâm Thiên. Cháy không lớn nhưng thiệt hại về người rất nặng. Ông cùng đồng đội không cầm nổi nước mắt khi lần lượt đưa từng thi thể nạn nhân ra khỏi đám cháy. Trận chiến chống giặc lửa đó luôn là nỗi ám ảnh về tổn thất do cháy gây ra đối với ông. Đó là động lực thôi thúc ông trong trận chiến sau đó ông đã một mình dũng cảm nhảy lên toa tàu giật chốt cắt đứt toa tàu ngăn cháy lan sang các toa khác tại Ga Gia Lâm năm 1972.Đoàn tàu khi ấy là đoàn tàu chở hàng quân sự cho chiến trường miền Nam. Nhận được tin báo cháy, ông cùng đồng đội gấp rút lên đường làm nhiệm vụ. Máy bay báo động địch ném bom, nhân dân xuống hầm trú ẩn còn anh em chữa cháy cứ tiếp tục làm nhiệm vụ. Lần đó, xe chữa cháy đỗ bên này sông còn Tiểu đội của ông thì rải vòi qua cầu treo và vượt sông chữa cháy. Trước một biển lửa vô cùng nguy hiểm, trên đường ray chênh vênh, ông cùng đồng đội tay cầm vòi phun xông thẳng vào đám cháy xối nước tập trung vào khu vực trọng điểm cháy lớn nhất để cắt ngang ngọn lửa. Ông đã nhảy lên giật chốt cắt đứt toa tàu đang cháy với các toa khác để chống cháy lan và bảo vệ được chuyến hàng quân sự. Ông tâm sự: “Phương án đó, chúng tôi cũng chưa được đào tạo qua một giáo án từ một trường học nào mà chỉ là phản ứng nhanh nhạy tức thì trước một tình huống hết sức hiểm nguy với mục đích duy nhất là hoàn thành nhiệm vụ và giữa an toàn cho tàu”. Với tinh thần chiến đấu quên mình, quyết tâm bảo vệ đến cùng Thủ đô yêu dấu, trong năm 1972, ông được nhận Bằng khen của Chính phủ, được phong hàm vượt cấp, được Bộ Công an, UBND Thành phố Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng Bằng khen. Trả lời câu hỏi của chúng tôi: “Động lực nào đã thôi thúc ông viết bức huyết thư đó?”, ông cười: “Nhiệt huyết của tuổi trẻ và một phần chúng tôi lúc đó có lẽ cũng giống như các bạn trẻ bây giờ thích chơi trội chăng?” Câu trả lời hài hước của ông càng làm tăng thêm chất “lính” sâu đậm và sự khiêm tốn của người hùng chống giặc lửa. Nhưng lật giở từng trang trích yếu lý lịch của ông, chúng tôi biết rằng, truyền thống gia đình đã thấm đẫm trong ông từ lúc sinh thời. Một gia đình với 3 thế hệ là Đảng viên Đảng Cộng sản. Người cha thường xuyên chăm lo giáo dục con bằng những tấm gương qua mỗi câu chuyện kể từ trong cuốn sách “Người tốt việc tốt”, đã hun đúc tâm hồn ông từ thuở thiếu thời một lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần sẵn sàng hy sinh vì đất nước. Và tinh thần yêu nước trong người hùng chống giặc lửa đã đúc kết thành bức huyết thư ngắn gọn với lời văn hết sức giản dị nhưng có sức lan tỏa mãnh liệt và làm rung động, thôi thúc tâm hồn của những người chiến sỹ Công an nhân dân “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” trong suốt những ngày chiến tranh khốc liệt nhất. Nó giống như tiếng kèn xung trận của lớp lớp thế hệ trẻ trong lực lượng Công an nhân dân nói riêng và thế hệ trẻ Việt Nam nói chung suốt chiều dài lịch sử, không chỉ trong những ngày chiến tranh khốc liệt mà đến mãi sau này. Bức huyết thư đó đã và đang được trân trọng lưu giữ trong Bảo tàng Công an nhân dân như một kỷ vật vô giá.

Sau chiến thắng mùa xuân năm 1975, ông được điều về công tác tại Phân hiệu Cảnh sát PCCC nay là Trường Đại học PCCC.Lận đận với nghề nhưng ông vẫn trăn trở, đầy đam mê. “Người hùng chống giặc lửa” giữa đời thường lại mắc phải nỗi “sợ”… lấy vợ. Năm 1976, ông được cử sang Liên Xô học tập nâng cao nghiệp vụ về PCCC. Năm 1980, ông tiếp tục trở về công tác tại Trường Hạ sỹ quan Cảnh sát PCCC. Cuộc gặp gỡ tình cờ với cô nuôi dạy trẻ Nguyễn Thị Dung vào năm 1985 đã mang đến cho người hùng chống giặc lửa một mái ấm gia đình hạnh phúc.