Ngày tháng lịch sử của thời kỳ hiện đại ngành PCCC thì biên niên sử ghi rõ: 46 năm trước, vào ngày 4/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký lệnh công bố Pháp lệnh quy định việc quản lý Nhà nước đối với công tác PCCC.
Trước ngày lịch sử ấy là hàng loạt sự kiện lịch sử đối với lực lượng Cảnh sát PCCC, tiêu biểu dưới đây:
- Ngày 24/8/1945, Sở Chữa lửa Sài Gòn - Chợ Lớn là 1 trong 6 đơn vị treo cờ đỏ sao vàng đầu tiên ở Sài Gòn.
- Ngày 28/8/1945, đoàn xe chữa cháy tham gia diễu hành cùng nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn, 2 chiến sĩ cứu hỏa hy sinh.
- Tháng 10 và tháng 12/1954, tiếp quản cứu hỏa Hà Nội và thành lập Đại đội Cứu hỏa Hà Nội thuộc Phòng Trị an - Dân cảnh với 7 xe chữa cháy và hơn 50 cán bộ, chiến sĩ.
- Ngày 27/3/1956, thực hiện thông tư của Chính phủ, Bộ Công an có chỉ thị xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên nghiệp.
Đó là những thời điểm rất có ý nghĩa đối với lực lượng PCCC của chặng đường Cách mạng và Kháng chiến. Thế còn cha ông ta, từ bao giờ đã quan tâm đến loại công việc quan trọng này trong việc đảm bảo an ninh cộng đồng?
Ngẫm lại xuất xứ của câu ngạn ngôn "Thủy hỏa đạo tặc" đã thấy bên cạnh thiên tai lũ lụt, ngay từ xa xưa các cụ đã coi lửa như một thứ giặc. Thế mà nhà cửa của Việt Nam ta, xa xưa và cả gần đây nữa, đa phần vẫn là nhà lá. Mặc dù lịch sử gạch ngói ra đời ở Việt Nam rất sớm. Theo Đại Việt sử ký toàn thư (Bản Chính Hòa) thì vào thời vua Lý Thần Tông, nhà vua đã lấy đất cúng trời xin được nung lên làm vật liệu xây dựng và xuống chiếu cho toàn dân nung đất để làm ngói lợp nhà. Dù thế, nhà dân vẫn lợp lá cọ, lá tranh, kể cả dân chúng Thủ đô. Do vậy mà nạn cháy nhà diễn ra liên miên. Ấy chính là bối cảnh ra đời một ngôi đền rất kỳ lạ ngay giữa lòng Hà Nội, đấy là đền Nhà Hỏa.
Hiện nay ngôi đền này ở vào số nhà 30 phố Hàng Điếu - Hà Nội. Số nhà ấy cũng là trung tâm của phường Nhà Hỏa của kinh đô Thăng Long xưa. (Người ta hay nói: Hà Nội ba sáu phố phường. Con số 36 chỉ là con số ước lệ. Phường Nhà Hỏa là 1 trong số 38 phường khi ấy).
Không ai biết thật rõ nhà cửa của dân chúng nơi kinh đô Thăng Long triều Lý cách nay đã gần 1.000 năm. Chỉ biết, khi ấy, Thăng Long ở vào vùng đất trũng. Con sông chảy trong nội đô là sông Tô Lịch. Sở dĩ, cho đến ngày nay Hà Nội có phố Hàng Buồm là vì ở đó bán buồm cho thuyền chạy trên sông và trên biển. Hồ Tây (còn gọi là Dâm Đàm, Kim Ngưu) và cả hồ Gươm đều nối thông với sông Hồng bằng sông Tô Lịch. Khi Thăng Long thất thủ lần thứ hai, sách sử còn chép rằng, dân phường Bố Cái tự đốt nhà để làm vườn không nhà trống. Và hàng trăm con thuyền trên sông Tô Lịch đã chở dân chạy giặc.
Một số bản vẽ của người Pháp cuối thế kỷ XIX để lại cho thấy, cho đến tận bây giờ, nhà cửa xung quanh hồ Gươm đều là nhà sàn. Sự ám ảnh của giặc lửa đã đi vào ký ức các nhà văn mà điển hình là tác phẩm Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng. Cung điện tồn tại trong tưởng tượng ấy cũng không còn vì một trận hỏa hoạn. Cũng là lửa cháy nhưng cháy một cách hào hùng trong một tác phẩm khác của Nguyễn Huy Tưởng là trong "Lũy Hoa", viết về những ngày Toàn quốc kháng chiến tại Thủ đô Hà Nội.
Thế còn Hà Nội đã cháy lên thế nào vào những ngày đêm của trận Điện Biên Phủ trên không, 12 ngày đêm B52 Hà Nội? Chính từ việc đi tìm câu trả lời ấy mà tôi đã lần tìm đến đền Nhà Hỏa.
Dân chúng Hà Nội bây giờ, đặc biệt là giới trẻ, không mấy người biết đến ngôi đền khiêm nhường ấy. Người ta biết đến một phố ngắn tên là phố Nhà Hỏa mà không biết đến ngôi đền mang tên ấy, cách phố Nhà Hỏa không xa. Mà tìm đến tận nơi chưa chắc đã thấy.
Đền Nhà Hỏa ngày xưa khang trang lắm. Bây giờ, toàn bộ mặt tiền của ngôi đền ở số nhà 30 phố Hàng Điếu đã bị lấn chiếm, trở thành một phần trụ sở của phường sở tại. Lối vào đền bây giờ rất hẹp, phải lách khéo mới dắt xe máy vào được. Di vật quý nhất của ngôi đền là 4 cái chuông thì bây giờ chỉ còn 1 cái.
Tại sao gọi chuông của đền Nhà Hỏa là di vật quý? Bốn cái chuông ấy là lý do xây dựng ngôi đền: ấy là chuông thỉnh, chuông gọi Đức Quan Thế Âm Bồ Tát về dập lửa mỗi khi thành Thăng Long có cháy.
Theo một số vị sư sãi thì chuông đền Nhà Hỏa được đúc ở phường Ngũ Xã bên bờ hồ Trúc Bạch. Phường Ngũ Xã cũng là phường đúc đồng sớm nhất của kinh thành Thăng Long xưa. Chuông đền Nhà Hỏa vừa có ý nghĩa về một hình ảnh Thăng Long thời nhà Lý, vừa là sản vật văn hóa xa xưa. Từ bao năm nay, ngày rằm và mùng một, đền Nhà Hỏa vẫn nhiều đèn nhang. Nhưng ngày hội đền, đông người đến nhất là ngày mùng một tháng tư âm lịch. Bởi đấy là ngày vào hạ - ngày bắt đầu vào mùa cháy.
Hiện giờ, đền Nhà Hỏa đã được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp bằng xếp hạng là di tích lịch sử phải được bảo tồn.
Nguồn: CAND.com
Bookmarks