Đại thắng mùa Xuân năm 1975 cách đây đã 36 năm nhưng dư âm vẫn đọng lại theo thời gian và năm tháng. Đó là những thời khắc lịch sử không thể nào quên. Vào thời khắc đó, trên khắp đất nước Việt Nam, hàng triệu mái nhà vẫn sáng đèn, hàng triệu gia đình không ngủ…
Cho đến bây giờ, trong ký ức những người lính tiếp quản Sài Gòn vẫn luôn hiện hữu giờ phút mà vận mệnh của đất nước đã rẽ sang một con đường mới- đất nước thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà.Trong số những người lính làm nhiệm vụ tiếp quản Sài Gòn có những người lính PCCC. Nhân Kỷ niệm 50 năm Ngày Truyền thống của lực lượng Cảnh sát PCCC, phóng viên Tạp chí Phòng cháy và Chữa cháy đã có dịp gặp gỡ, trò chuyện với đồng chí Đoàn Văn Vinh - người lính PCCC tham gia tiếp quản Sài Gòn năm xưa và ghi lại những ký ức của ông về những ngày đầu tiếp quản Sở Cứu hỏa Đô Thành Sài Gòn.
Đã qua 36 năm, những ngày đầu tiếp quản Sài Gòn vẫn mãi là một nỗi nhớ rất đỗi tự hào trong cuộc đời tôi. Tất cả vẫn vẹn nguyên trong ký ức tôi niềm tự hào về những ngày lịch sử ấy. Thật khó quên được những ngày mà khí thế của toàn quân, toàn dân ta “thắng như trẻ tre”, “ào ào như thác đổ”… Chúng tôi Nam tiến với tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ và niềm phấn khởi vì non sông đất nước đã thu về một mối, dù chúng tôi chưa biết những ngày sắp tới, công việc của mình sẽ được phân về đơn vị nào. Nhưng với lời thề thiêng liêng “đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc và nhân dân cần đến”, chúng tôi tiến về Sài Gòn với kỷ luật hết sức nghiêm minh.
Đoàn chi viện của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) cho miền Nam khi ấy gồm 200 xe chữa cháy, 20 máy bơm chữa cháy và khoảng 400 cán bộ chiến sỹ từ 11 địa phương. Đồng chí Thiếu tá Đinh Mười - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC Hà Nội làm trưởng đoàn; còn tôi - Đoàn Văn Vinh lúc đó mới là Thượng úy - Phó Phòng Cảnh sát PCCC Quảng Ninh làm Phó đoàn cùng một số đồng chí khác. Hà Nội là nơi có quân số đông nhất, chiếm tới 1/3 quân số của Hà Nội chi viện cho miền Nam. Đoàn xe chúng tôi cắm cờ Tổ quốc, màu đỏ của cờ, của xe và sắc phục của quân giải phóng mà chúng tôi mặc trên mình càng làm bừng lên khí thế hào hùng của ngày hội lớn mà non sông, đất nước đã bao ngày mong đợi. Nhân dân 2 bên đường chào đón chúng tôi với tất cả sự vui mừng, phấn khởi, họ nói rằng: “trông các anh đẹp hơn quân giải phóng”.
Khi đoàn chúng tôi tiến vào gần đến cửa ngõ Sài Gòn thì cũng là lúc Chiến dịch Hồ Chí Minh giành thắng lợi hoàn toàn. Chúng tôi càng mong tiến nhanh vào Sài Gòn. Khi còn cách Sài Gòn chừng 13 cây số, chúng tôi tiến vào đóng quân tại một xưởng sửa chữa xe của Mỹ - Ngụy để lại, sau đó báo cáo đồng chí Đinh Mười - Trưởng đoàn để xin ý kiến chỉ đạo. Nơi đóng quân đầu tiên ấy của đoàn chúng tôi giờ đây đã trở thành nơi đóng quân của Phòng Cảnh sát PCCC Quận 9 và Trung tâm đào tạo Huấn luyện PCCC&CNCH của Sở Cảnh sát PC&CC Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 30/4/1975, lễ tiếp quản Sở Cứu hỏa Đô Thành Sài Gòn đã diễn ra nhanh chóng. Quân giải phóng tiếp nhận từ ông Trương Văn Trữ - Chủ sự Sở cứu hỏa. Sở Cứu hỏa Đô Thành Sài Gòn khi đó trực thuộc tòa Đô chính Sài Gòn - Chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Dưới Sở là các Ban và Chi cứu hỏa gồm: Trung tâm, Quận 4, Quận 6, Quận 8, Quận Bình Thạnh, Ban Kiểm tra, Ban huấn luyện chiến đấu, Ban Hậu cần, Tổ Thông tin, Tổ trang bị kỹ thuật, Tiểu đội cấp cứu. Ban Giám đốc Sở lúc đó gồm 1 Giám đốc là Thiếu tá Quân đội biệt phái và 2 Thiếu úy - Phó Giám đốc, 2 Tổ giúp việc cho Ban Giám đốc (khoảng 300 người) chủ yếu là cấp “sỹ” và lính không có quân hàm. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ lúc đó cũng rất hạn chế, chỉ có 1 người đi tu nghiệp tại Mỹ được 1 năm về phụ trách công tác kiểm tra, còn lại chủ yếu là làm theo kinh nghiệm vì cả miền Nam lúc đó không trường đào tạo về nghiệp vụ. Trang bị phương tiện kỹ thuật của Sở Cứu hỏa Đô Thành Sài Gòn khi đó cũng hết sức nghèo nàn, chỉ có 2 xe thang với chiều cao tối đa là 16m và 30m, 15 xe chữa cháy và 8 máy bơm của Mỹ và của Pháp. Đội ngũ thợ máy, lái xe không có trình độ về nghiệp vụ (lý thuyết) mà chủ yếu là có kinh nghiệm thực hành….
Trước tình hình đó, đoàn chi viện cho miền Nam đã ưu tiên cho Thành phố Sài Gòn 30 xe chữa cháy, 5 máy bơm và 100 cán bộ, chiến sỹ. Chúng tôi trưng dụng lại toàn bộ quân số của Sở Cứu hỏa Đô Thành Sài Gòn và cải tạo tới 50% quân số đó. Đồng chí Đinh Mười và tôi được phân công ở lại chỉ huy lực lượng Cảnh sát PCCC Sài Gòn, sau đó bổ sung thêm đồng chí Mai Văn Tiền - cán bộ của Cục Cảnh sát PCCC làm phó đoàn. Căn cứ vào tình hình lúc đó, Sở Cứu hỏa Đô Thành Sài Gòn sau khi tiếp quản có tên là Sở Cảnh sát PCCC - Công an Thành phố Hồ Chí Minh.
Những ngày đầu giải phóng, địch đang trong thế tuyệt vọng, vì vậy, công tác giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn thành phố có ý nghĩa rất quan trọng. Sài Gòn vẫn tràn ngập tàn quân Ngụy cải trang dân thường để tìm cách trả thù. Đã có nhiều trường hợp bọn Ngụy quân đóng giả dân thường xin đi nhờ xe rồi đến những đoạn vắng chúng bắn cả dân thường trong khi tìm đường trốn chạy. Theo các số liệu do chế độ cũ để lại, thành phố còn có hơn 170.000 thương phế binh, gần 100.000 gái mại dâm, hàng chục nghìn tên lưu manh, tệ nạn cờ bạc, buôn lậu...Chúng tôi vừa làm công tác PCCC vừa phải đối phó với tất cả những điều đó.
Thành phố Sài Gòn lúc đó là thành phố có nền công nghiệp lớn nhất nước ta, là thành phố đông dân cư và là trung tâm thương mại, văn hóa lớn nhất nước. Nơi đây đã từng được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”. Xác định được tầm quan trọng đó, cùng với các lực lượng, các đơn vị khác, chúng tôi đã bắt tay ngay vào ổn định trật tự. Việc đầu tiên mà chúng tôi bắt đầu là làm sao để người dân Sài Gòn tin tưởng vào cách mạng. Nhưng có một nhiệm vụ cấp thiết của chúng tôi lúc đó là việc ổn định công tác tổ chức và cơ sở vật chất, nơi ăn chốn ở cho cán bộ, chiến sỹ. Cấp ủy và lãnh đạo đã quyết định sắp xếp lại phương tiện và tổ chức xen kẽ giữa cũ và mới, thay thế các chỉ huy từ trên Sở đến các Đội và các chi chữa cháy hình thành một tổ chức hệ thống như lực lượng PCCC Hà Nội (do Bộ Nội vụ) quy định. Chúng tôi tiếp nhận 60 sỹ quan quân đội chuyển sang bổ sung vào các đơn vị, thành lập thêm một số đơn vị mới: 5 đơn vị tham mưu, thành lập thêm các đội chữa cháy khu vực như: Gò Vấp, Thủ Đức, Nhà Bè, Quận 3, Quận 11, Cảng Sài Gòn, Đội PCCC trên sông, Đội PCCC Nhà Bè. Thành lập trường đào tạo lái xe cho PCCC thành phố, cho Công an thành phố và các tỉnh phía Nam, trường đào tạo chiến sỹ mới...
Quá trình ổn định tổ chức và thành lập các đơn vị mới cũng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là địa bàn đóng quân. Chúng tôi cũng phải trải qua một thời kỳ hết sức cam go. Nhưng từ đó, chúng tôi cũng rút ra được bài học quý báu đó là công tác tổ chức khó mà cũng rất đơn giản, khó là do tình hình, điều kiện thực tế; đơn giản là do sự tài tình của những người lãnh đạo chỉ huy. Bên cạnh việc ổn định công tác tổ chức và cơ sở vật chất, chúng tôi rất chú trọng đến việc xây dựng phong trào quần chúng trong công tác PCCC. Tất cả các phường, xã trọng điểm và thị trấn, các huyện đều được thành lập Đội PCCC cơ sở và dân phòng. Chúng tôi thường xuyên tổ chức huấn luyện cho lực lượng này theo nội dung thống nhất với hàng vạn cán bộ, hội viên, trang thiết bị PCCC cũng hết sức đa dạng và phong phú, vừa có phương án riêng, vừa có phương án phối hợp với lực lượng PCCC chuyên nghiệp khi cần thiết. Vì thế, việc phát huy sức mạnh của lực lượng PCCC tại chỗ đã đạt được kết quả tốt, kịp thời dập tắt các đám cháy ngay từ khi mới phát sinh và hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra….
Trong niềm vui náo nức về chiến thắng vĩ đại của cả dân tộc Việt Nam và nhân loại tiến bộ trên thế giới, sau 30 năm chiến đấu, chiến thắng tên đế quốc đầu sỏ của thế kỷ 20, chúng tôi càng thấm thía công lao vĩ đại của Đảng, của Bác Hồ, sự anh dũng, can trường của quân và dân ta. 36 năm đã trôi qua, cho đến bây giờ, trong tôi vẫn vẹn nguyên những kỷ niệm, hồi ức về những ngày đầu tiếp quản Sài Gòn; vẫn nặng lòng với nghề PCCC, với những người đi trước, cũng có khi cả với những thế hệ trẻ sau này. Tôi vẫn theo dõi từng bước đi của ngành và vui mừng biết bao khi lực lượng PCCC nói chung và PCCC Hồ Chí Minh nói riêng ngày một phát triển vững mạnh….
(Ghi theo lời kể của đồng chí Đoàn Văn Vinh - Phó đoàn tiếp quản Sở Cứu hỏa Đô Thành Sài Gòn - Nguyên Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC Thành phố Hồ Chí Minh)
Nguồn: pccc.hochiminhcity.gov.vn
Bookmarks