cây cảnh để bàn amply karaoke jarguar Video chi tiết hướng dẫn cách mua thẻ zing bằng sms giá rẻ, chiết khấu cao, ưu đãi khủng. Bơm hỏa tiễn Ví da bò nam Túi nilon HDPE cong ty in poster camera quan sát xưởng bàn ghế cafe
Tổng thầu EPC là gì?
+ Trả lời Chủ đề
Kết quả 1 đến 3 của 3

Chủ đề: Tổng thầu EPC là gì?

  1. #1
    Member PhuThoTech's Avatar
    Thành viên thứ
    15
    Ngày tham gia
    Apr 2012
    Bài viết
    66
    Thanks
    0
    Thanked 19 Times in 13 Posts

    Tổng thầu EPC là gì?

    Khái niệm tổng thầu EPC (tư vấn, thiết kế - cung cấp thiết bị - xây lắp, vận hành) hay nói cách khác là thực hiện dự án theo phương thức chìa khoá trao tay đã xuất hiện ở nước ta trong 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, lâu nay các DN Việt Nam mới chỉ đóng vai trò thầu phụ cho các nhà thầu nước ngoài, nghĩa là chỉ làm phần C (thường chỉ chiếm tỉ trọng 15% của một dự án).

    Trong khi đó, các DNVN muốn vươn lên trở thành các tập đoàn xây dựng mạnh, các tập đoàn công nghiệp nặng như Siemens, Mitsubishi, Hyundai... (là những lĩnh vực xương sống của một nền công nghiệp phát triển) thì không thể không thực hiện vai trò tổng thầu EPC, mặc dù đây là một công việc rất khó khăn, phức tạp.

    Kinh nghiệm ở các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và thực tế ở VN trong mấy năm qua cho thấy cơ chế tổng thầu EPC đã mang lại cho quốc gia lợi ích rất lớn.

    Trước hết, cơ chế này tạo động lực ban đầu để hình thành những tập đoàn công nghiệp nặng về quản lý dự án, thiết kế kỹ thuật, công nghệ, tích luỹ kinh nghiệm, năng lực quản lý tiến tới tham gia dự thầu các dự án trong và ngoài nước.

    Áp dụng cơ chế này cũng là một biện pháp để đầu tư cho ngành cơ khí chế tạo, bởi sau khi nhận được tổng thầu, các DN mới có điều kiện để đầu tư trang thiết bị, xây dựng mới các nhà máy cơ khí, nâng cao tỉ trọng nội địa hoá sản phẩm cơ khí, đồng thời phát huy nội lực tối đa nhất, thu hút được lực lượng lao động lớn nhất kể cả cán bộ, kỹ sư, công nhân.

    Hiện nay, một sự thật đáng buồn là chúng ta đưa một lực lượng công nhân đi làm thuê cho các công ty, nhà máy của các nước và vùng lãnh thổ như Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc với đồng lương rất rẻ, song chúng ta lại bỏ ra hàng chục tỉ USD nhập khẩu lại chính thiết bị do các nhà máy ấy sản xuất.

    Về lợi ích về kinh tế, hiện Lilama đang đảm nhận vai trò tổng thầu EPC ở các dự án điện Uông Bí 1-2, Cà Mau 1-2, Ximăng Sông Thao, Đô Lương... với tổng giá trị hợp đồng lên đến 1,5 tỉ USD. Với vị thế này, giá trị sản xuất công nghiệp được tính là của ta, góp phần tăng trưởng GDP của cả nước. Mặt khác, phần lợi nhuận sinh ra đương nhiên là của phía VN chứ không chui vào túi nước ngoài như cách làm trước đây.

    Một lợi ích nữa của tổng thầu EPC mặc dầu không mang lại một lợi nhuận về kinh tế vật chất, song vô cùng quan trọng đó là tạo điều kiện để chúng ta dần dần làm quen với vị thế làm chủ, điều hành các nhà thầu phụ nước ngoài, làm thay đổi tư duy tự ti, phụ thuộc, làm thầu phụ cho nước ngoài vốn đã tồn tại rất lâu trong con người Việt Nam.

    Mang lại lợi ích quốc gia lớn như vậy, song tổng thầu EPC là một chủ trương, cách làm mới, còn xa lạ với VN. Do vậy cơ chế này cần sớm được thể chế hoá bằng các giải pháp và chính sách lớn của Nhà nước.

    Đại hội X của Đảng đã xác định đến năm 2020 cơ bản đưa nước ta trở thành nước công nghiệp. Có nhiều tiêu chí để đánh giá một nước công nghiệp và một nước công nghiệp phát triển, song có hai tiêu chí cơ bản nhất bắt buộc phải có. Đó là đất nước đó phải có một ngành công nghiệp nặng phát triển và phải hình thành được các tập đoàn công nghiệp nặng.

    Để thực hiện được hai tiêu chí này, thì việc giao cho các DN trong nước làm tổng thầu EPC là giải pháp hiệu quả nhất, tạo được một động lực rất lớn để thúc đẩy ngành cơ khí chế tạo máy, các dây chuyền thiết bị đồng bộ cho các nhà máy thuộc các lĩnh vực nhiệt điện, thuỷ điện, ximăng, lọc hoá dầu, thép... thay vì hằng năm chúng ta phải bỏ ra từ 7 -8 tỉ USD để nhập khẩu các thiết bị này.

    AHLĐ Phạm Hùng- Tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy VN (Lilama)

    (theo Lao Động)

    CÔNG TY CỔ PHẦN CÔNG NGHỆ PHÚ THỌ


    147 Đinh Bộ Lĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (08) 62.57.26.57 - Hotline: 0903.04.84.19
    Email: contact@phuthotech.vn
    Website: www.phuthotech.vn

  2. #2
    Member PhuThoTech's Avatar
    Thành viên thứ
    15
    Ngày tham gia
    Apr 2012
    Bài viết
    66
    Thanks
    0
    Thanked 19 Times in 13 Posts
    EPC là một hình thức quản lý mới trong triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình. EPC là các chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Engineering - Procurement of Goods - Construction. Khái niệm này được hiểu là, trong cùng một gói thầu, một hợp đồng nhà thầu được giao thực hiện cả 3 nội dung công việc: tư vấn, mua sắm hàng hóa và thi công xây lắp công trình. EPC là hình thức cụ thể của cách tiếp cận: giao cùng một nhà thầu vừa thiết kế, vừa thi công xây lắp (Design Build - DB), khác với cách tiếp cận truyền thống: thiết kế xong mới chọn nhà thầu thi công (Design - Bid - Build).

    Trong mỗi hoàn cảnh cụ thể, EPC bao hàm các phạm vi công việc khác nhau, có thể là việc thực hiện cả dự án, cũng có thể là thực hiện một gói thầu, một hạng mục công trình thuộc dự án. Tại Trung Quốc, công việc của nhà thầu EPC bắt đầu ngay từ giai đoạn chuẩn bị dự án và chỉ kết thúc ở giai đoạn sau xây dựng, đưa công trình vào vận hành. Ở Việt Nam, EPC có thể triển khai ở phạm vi gói thầu thực hiện một công trình của dự án như tại Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 1 - tổ máy 1, cũng có thể ở phạm vi cả dự án như tại Nhà máy Thủy điện Na Hang - Tuyên Quang.

    Theo khoản 21, Điều 4, Luật Đấu thầu, EPC là gói thầu bao gồm toàn bộ công việc thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp. Nghị định 48/2010/NĐ-CP ngày 7/5/2010 của Chính phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng (điểm g, khoản 1, Điều 31) quy định: Hợp đồng thiết kế - cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (Hợp đồng EPC) là hợp đồng để thực hiện các công việc từ thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ đến thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình; hợp đồng tổng thầu EPC là hợp đồng thiết kế - cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng tất cả các công trình của một dự án đầu tư. Nghị định cũng phân biệt hợp đồng EPC với hợp đồng chìa khóa trao tay với khái niệm: Hợp đồng tổng thầu chìa khóa trao tay là hợp đồng xây dựng để thực hiện toàn bộ các công việc lập dự án, thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình của một dự án đầu tư xây dựng công trình.

    EPC có sự khác biệt cơ bản so với cách triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình thông thường. Trong cách làm thông thường, chủ đầu tư chịu trách nhiệm thực hiện, hoặc lựa chọn nhiều nhà thầu khác nhau, với điều kiện có đủ năng lực hoạt động xây dựng, thực hiện các khâu khác nhau trong một dự án. Ví dụ, nhà thầu tư vấn A được lựa chọn thực hiện nhiệm vụ lập báo cáo nghiên cứu khả thi, nhà thầu tư vấn B lập thiết kế kỹ thuật và dự toán, nhà thầu xây lắp C thực hiện gói thầu xây lắp chính của dự án và nhà thầu cung cấp D cung cấp toàn bộ thiết bị của dự án.

    Nói cách khác, các khâu theo từng chuyên môn được tách bạch rõ ràng: công việc tư vấn do nhà thầu tư vấn đảm nhận, công việc xây lắp do nhà thầu thi công đảm nhận, hàng hóa và thiết bị của công trình do nhà thầu cung cấp đảm nhận. Điều này đồng nghĩa với yêu cầu: phải có thiết kế được duyệt rồi mới tính đến chuyện đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa và nhà thầu xây lắp.


    Những lợi thế của EPC

    Thứ nhất, chủ đầu tư được giảm thiểu về công việc quản lý đối với dự án, vì nhà thầu EPC thực hiện luôn các công việc điều phối, quản lý dự án thay chủ đầu tư. Trách nhiệm kết nối các khâu, các phần trong chuỗi công việc của dự án thuộc về nhà thầu EPC; kể cả việc tổ chức mua sắm, chế tạo và cung cấp thiết bị công nghệ đáp ứng yêu cầu và tiến độ thực hiện của hợp đồng; lựa chọn nhà thầu phụ (nếu có)...

    Với hình thức này, nhà thầu được phát huy tính sáng tạo, cũng như có cơ hội phát triển sâu hơn trong lĩnh vực ngành nghề của mình. Trong thời gian gần đây, nhằm xây dựng năng lực của các nhà thầu Việt Nam, một số nhà thầu trong nước được chỉ định thực hiện gói thầu EPC quan trọng như Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) thực hiện Dự án EPC nhiệt điện Uông Bí mở rộng 1, Tổng công ty Sông Đà thực hiện Dự án EPC thủy điện Na Hang/Tuyên Quang.

    Thứ hai, xuất phát từ việc thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp do một đầu mối đảm nhận, nên giảm thiểu những rủi ro khi có bất cập, hoặc khác biệt giữa thiết kế với thi công. Do nhà thầu thi công được tiếp cận dự án ngay từ đầu, nên giảm được thời gian nhà thầu làm quen với thiết kế, đề xuất điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với biện pháp thi công, hoặc ngược lại, đề xuất điều chỉnh biện pháp thi công cho phù hợp với thiết kế. Ngoài ra, tiến độ của dự án có thể được đẩy nhanh trong trường hợp triển khai công tác thi công ngay cả khi thiết kế chưa hoàn thiện. Với việc hiện thực hóa các lợi thế này, nhà thầu EPC còn có thể giảm được chi phí thực hiện dự án.

    Thứ ba, đối với chủ đầu tư, chi phí đối với gói thầu EPC dễ tiên lượng và kiểm soát hơn nhờ có một đầu mối thực hiện. Có một số hình thức hợp đồng có thể sử dụng như: hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá. Trong nhiều trường hợp sử dụng vốn từ các tổ chức tín dụng, hợp đồng EPC được ký theo hình thức trọn gói. Điều này tạo thuận lợi cho chủ đầu tư, cũng như tổ chức cho vay vốn trong kiểm soát chi phí dự án ngay từ khi bắt đầu triển khai gói thầu EPC.


    Những bất lợi của EPC

    Tuy nhiên, khi áp dụng EPC cũng cần nhìn ra những điểm bất lợi.

    Một là, yếu tố quyết định thành công hay hiệu quả của dự án phụ thuộc hoàn toàn vào trình độ của nhà thầu EPC. Bất lợi này đang có xu hướng lấn lướt trong triển khai EPC ở Việt Nam thời gian gần đây. Ví dụ, trường hợp Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng 1, nhà thầu EPC chưa có kinh nghiệm, dẫn đến tiến độ nhà máy chậm hơn 3 năm so với kế hoạch. Một số công trình do nhà thầu EPC Trung Quốc đảm nhận cũng rơi vào tình trạng tương tự. Việc khắc phục bất lợi này nằm trong cơ chế lựa chọn nhà thầu EPC - vấn đề sẽ được bàn tới trong các loạt bài sau.

    Hai là, chủ đầu tư tạo quyền tự chủ hơn cho nhà thầu, nhưng rủi ro trong việc giảm quyền được giám sát của chủ đầu tư là cao, do có một đầu mối chịu trách nhiệm toàn diện về các vấn đề của dự án/gói thầu. Điều này dẫn đến việc kiểm soát của chủ đầu tư, cũng như tư vấn giám sát đối với chất lượng của từng khâu, từng việc bị hạn chế, trong khi chủ đầu tư vẫn là người chịu trách nhiệm cuối cùng đối với chất lượng và hiệu quả nói chung của công trình. Vấn đề này được bàn tới trong các bài báo gần đây: vật tư không đúng chủng loại yêu cầu và đã được chủ đầu tư và tư vấn giám sát phát hiện, nhưng nhà thầu EPC vẫn đưa vào sử dụng cho công trình. Điểm bất lợi này trên lý thuyết sẽ được khắc phục một phần với quy định của Nghị định 48/2010/NĐ-CP, khi từng công việc phải nhận được sự đồng thuận của chủ đầu tư.

    Ba là, trong quá trình thực hiện hợp đồng, nhà thầu EPC có xu hướng tiết kiệm chi phí nhằm tăng lợi nhuận. Một số trường hợp không quan tâm đến chất lượng tổng thể, có thể dẫn đến rủi ro công trình không đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng như yêu cầu của chủ đầu tư. Nội dung này sẽ được bàn luận trong các bài viết tiếp theo.


    Khi nào nên áp dụng EPC?

    EPC nên áp dụng khi dự án có nhiều lựa chọn về biện pháp thi công, đặc biệt là công trình có công nghệ xây dựng tiên tiến, công nghệ thuộc bản quyền của nhà xây dựng. Khi đó, thiết kế của dự án phụ thuộc đáng kể vào từng biện pháp thi công. Việc tách khâu thiết kế với cung cấp hàng hóa và xây lắp đối với trường hợp này sẽ khiến chủ đầu tư khó xác định đâu là phương án tốt nhất. Mặt khác, trường hợp chủ đầu tư đã quyết định lựa chọn một thiết kế nhất định để đưa ra đấu thầu, thì cũng không đảm bảo tính cạnh tranh bởi thiết kế đó đã có định hướng cho một loại công nghệ/biện pháp thi công nhất định.

    EPC phù hợp với các công trình lắp đặt hệ thống cơ khí, hệ thống điện mà việc thiết kế và sản xuất thiết bị không thể thực hiện tách rời. Đây là các công trình, hạng mục công trình đòi hỏi tính đồng bộ hóa cao. Thực tế, nhiều công trình ngành điện, cơ khí, khai khoáng của Việt Nam đã và đang được triển khai theo EPC.

    Ngoài ra, các chuyên gia còn khuyến cáo sử dụng EPC trong trường hợp chủ đầu tư không đủ năng lực quản lý dự án khi chia thành nhiều gói thầu có tính chất khác nhau, hoặc trường hợp dự án có yêu cầu thực hiện theo tiến độ gấp rút mà không thể cho phép chờ thực hiện xong thiết kế mới bắt tay vào xây dựng.


    Vậy, khi nào thì không nên áp dụng EPC?

    Trong trường hợp chủ đầu tư không thể xác định được yêu cầu đối với công trình, các thông số chính của công trình về công suất, phương án kỹ thuật, việc áp dụng EPC sẽ chỉ gây bất lợi. Không nên triển khai EPC khi thực tế dự án cho thấy, nếu trao thầu theo hình thức EPC thì nhà thầu sẽ chịu rủi ro lớn (ví dụ: dự án/gói thầu có phần khối lượng công tác ngầm lớn mà nhà thầu lại không có điều kiện để thực hiện khảo sát trực tiếp tại hiện trường). Trường hợp này có thể xuất hiện tình huống quyền và nghĩa vụ của các bên không cân đối trong hợp đồng EPC, không đảm bảo tính khả thi của việc triển khai dự án.

    Ngoài các yếu tố thuộc về điều kiện cụ thể của dự án và con người làm dự án kể trên, việc lựa chọn có thực hiện theo gói thầu EPC còn phụ thuộc vào bối cảnh chung trong đó hoạt động đầu tư xây dựng được thực hiện. Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đang tạo một “độ mở” hay một sự “linh hoạt” nhất định để các chủ đầu tư lựa chọn ghép phần nào, khâu nào vào với nhau. Khi nhìn lại hiện tượng áp dụng EPC ở nhiều gói thầu trong thời gian gần đây dẫn đến việc nhà thầu trong nước “đứng ngoài cuộc” đối với các dự án lớn, nếu chỉ tìm cách đổ lỗi cho quy định của pháp luật, thì chắc chắn, có phần phiến diện. Nếu chủ đầu tư - người được giao quyền sử dụng nguồn vốn nhà nước, có trách nhiệm với xã hội khi tiêu đồng tiền đó, thì hoàn toàn có cách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia thực hiện các phần việc của dự án phù hợp với năng lực trong nước.

    Theo Báo Đầu tư

    CÔNG TY CỔ PHẦN CÔNG NGHỆ PHÚ THỌ


    147 Đinh Bộ Lĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (08) 62.57.26.57 - Hotline: 0903.04.84.19
    Email: contact@phuthotech.vn
    Website: www.phuthotech.vn

  3. #3
    Member PhuThoTech's Avatar
    Thành viên thứ
    15
    Ngày tham gia
    Apr 2012
    Bài viết
    66
    Thanks
    0
    Thanked 19 Times in 13 Posts
    Tổng thầu EPC là một mô hình kinh tế xuất hiện ở Việt Nam cách đây khoảng 5 năm. EPC đem lại lợi ích rất lớn cho quốc gia và đặc biệt giúp các DN trong nước có một tầm nhìn xa hơn để trở thành những đơn vị thực sự mạnh, có thể làm chủ về mọi mặt trong lĩnh vực hoạt động của mình. DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hùng - Tổng Giám đốc TCty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), Phó Chủ tịch Hiệp hội các DN cơ khí VN về những giải pháp và hiệu quả hoạt động theo mô hình này.


    - Thưa ông, thực hiện tổng thầu EPC sẽ đem lại hiệu quả thế nào cho DN?


    Tổng thầu EPC (thiết kế, cung ứng thiết bị và xây lắp), hay nói cách khác là thực hiện dự án theo phương thức chìa khóa trao tay mới xuất hiện ở Việt Nam khoảng vài năm trở lại đây. Lâu nay, các DN Việt Nam chỉ đóng vai trò thầu phụ cho các nhà đầu tư nước ngoài, nghĩa là chỉ làm phần C - phần xây lắp (chiếm khoảng 15% trong một dự án). Trong khi đó, các DN Việt Nam muốn vươn lên trở thành tập đoàn xây dựng mạnh, các tập đoàn công nghiệp nặng như Mitsubishi, Siemens, Hyundai… thì không thể thiếu vai trò tổng thầu EPC. Kinh nghiệm ở một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và thực tế ở Việt Nam những năm qua cho thấy, cơ chế tổng thầu EPC đã đem lại lợi ích rất lớn cho quốc gia. Thông qua EPC các DN sẽ tích lũy được những kinh nghiệm về quản lý dự án, thiết kế kỹ thuật, công nghệ,… khi đã đủ mạnh có thể tiến tới tham gia dự thầu các dự án trong và ngoài nước. Áp dụng cơ chế EPC cũng góp phần đưa ngành cơ khí chế tạo nước ta phát triển. Khi sản xuất phát triển, giá trị công nghiệp tăng lên sẽ góp phần vào tăng trưởng GDP của cả nước. Hơn nữa, tổng thầu EPC cũng tạo điều kiện để chúng ta dần làm quen với vị thế làm chủ, điều hành các nhà thầu phụ nước ngoài, làm thay đổi tư duy phụ thuộc, làm thầu phụ cho nước ngoài vốn đã tồn tại rất lâu trong con người Việt Nam.

    - Điều đó mang lại hiệu quả kinh tế lớn hơn nhiều?

    Một đất nước được gọi là công nghiệp không thể thiếu những tập đoàn công nghiệp nặng. Khi thực hiện được EPC tức là chúng ta đang dần tạo động lực để xây dựng những tập đoàn công nghiệp nặng. Thông qua EPC nhiệt điện Uông Bí, Cà Mau, Nhơn Trạch, xi măng Đô Lương, xi măng Thăng Long,… Lilama đang dần hình thành mầm mống một tập đoàn công nghiệp nặng. Khi thực hiện các dự án nhà máy Uông Bí, Cà Mau cũng như Nhơn Trạch… Lilama đã mạnh dạn đầu tư các thiết bị vào một số nhà máy để chế tạo các thiết bị phục vụ cho các dự án EPC. Ở dự án nhiệt điện Uông Bí, Lilama đã chế tạo được 60% thiết bị; Các dự án điện Nhơn Trạch, Cà Mau, Lilama đã cơ bản làm chủ trong việc cung ứng thiết bị. Với 5 nhà máy đã được Lilama thực hiện theo hình thức EPC, với tổng giá trị khoảng 2,5 tỷ USD. 2,5 tỷ USD tính vào giá trị sản lượng hay GDP của Việt Nam là sự tăng trưởng đáng kể. Thông qua việc chế tạo lò hơi cho dự án nhà máy Uông Bí, Lilama cũng đã xuất khẩu lò hơi sang Ấn Độ. Đây là một minh chứng rõ ràng nhất cho hiệu quả của EPC trong việc thúc đẩy cơ khí Việt Nam phát triển. Khi ngành cơ khí phát triển, GDP của Việt Nam tăng thêm, lợi nhuận sinh ra sẽ ở lại Việt Nam. Chẳng hạn, khi đàm phán hợp đồng về nhà máy điện Nhơn Trạch 1 với các đối tác nước ngoài nhưng đã không đem lại kết quả vì giá rất cao và không thực hiện được tiến độ đề ra. Khi Lilama vào đàm phán lại, giá trị giảm 30 triệu USD và tiến độ thi công lại hơn họ. Và đương nhiên 30 triệu USD này đã ở lại Việt Nam.

    - Hiện tại Việt Nam đang đầu tư xây dựng 13 nhà máy nhiệt điện đốt than nhưng chỉ duy nhất một nhà máy do Lilama thực hiện (NM nhiệt điện Uông Bí mở rộng), còn lại 12 nhà máy do các nhà thầu nước ngoài đảm trách. Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân chính?


    Thực trạng trên do chúng ta áp dụng quá cứng nhắc Luật đấu thầu. Ở các nước tư bản, chủ đầu tư và nhà thầu hầu hết là tư nhân, tiền của các dự án là của các nhà đầu tư. Còn ở nước ta phần lớn chủ đầu tư các dự án lớn là Nhà nước. Trong cơ chế thị trường, việc đấu thầu, cạnh tranh là cần thiết để phát triển, nhưng việc áp dụng cơ chế đấu thầu như hiện nay cần được xem xét lại. Chúng ta không nên "bê nguyên" cơ chế đấu thầu của các nước tư bản vào áp dụng tại Việt Nam. Một ví dụ về đấu thầu mà chúng ta cần học hỏi là tất cả các dự án có nguồn vốn ODA của Nhật Bản đầu tư vào nước ta như dự án Phả Lại 2, đường hầm đèo Hải Vân, cầu bãi Cháy, thủy điện Đa Nhim… mặc dù có tổ chức đấu thầu, nhưng tất cả các gói thầu đều thuộc về nhà thầu Nhật Bản.

    Một lý do nữa chính là các chủ đầu tư vẫn chưa thực sự tin tưởng vào năng lực các DN ngành cơ khí. Vừa qua, Lilama theo chỉ đạo của Chính phủ đã xây dựng 2 đề tài, một đề tài về nội địa hóa sản phẩm xi măng lò quay công suất 1 triệu tấn/năm và đề tài nhà máy nhiệt điện công suất 300 MW. Lilama mới đây cũng ký hợp tác với các đối tác bên Nga về chế tạo thiết bị lọc bụi tĩnh điện và chế tạo xe ủi, máy xúc, xe tăng. Đây là những chương trình Lilama đang làm về nội địa hóa ngành cơ khí… Trong khi đó không ít chủ đầu tư của Việt Nam lại chỉ thích vác tiền đi mua sản phẩm cơ khí nước ngoài. Điều này sẽ dẫn đến các chương trình mà các DN cơ khí Việt Nam làm trở nên vô nghĩa.

    - Để mô hình này hoạt động có hiệu quả, cần phải có những giải pháp gì, thưa ông?

    Thứ nhất, mang lại lợi ích quốc gia lớn như vậy, song tổng thầu EPC là một cách làm mới, do vậy, cơ chế này cần sớm được thể chế hóa bằng các giải pháp và chính sách của Nhà nước. Cần phải coi cơ khí là ngành công nghiệp trung tâm để phát triển các ngành công nghiệp khác. Bởi, một nước được coi là công nghiệp phát triển cần phải có một ngành công nghiệp nặng phát triển trên nền tảng của các lĩnh vực công nghiệp luyện kim, luyện cán thép, cơ khí chế tạo máy, các dây chuyền thiết bị, đóng tàu, công nghiệp ôtô... sản phẩm cơ khí quốc nội phải đạt trên 50% và phải hình thành các tập đoàn công nghiệp thuộc các lĩnh vực công nghiệp trên. Để thực hiện được tiêu chí này, giải pháp hiệu quả nhất chính là giao cho các DN trong nước làm tổng thầu EPC.

    Thứ hai, qui trình thực hiện tổng thầu EPC đã trở thành thông lệ quốc tế, nên việc định giá sản phẩm hợp đồng EPC và thỏa thuận giá cả giữa chủ đầu tư với nhà tổng thầu là dựa trên nguyên tắc "thuận mua vừa bán". Sau khi đáp ứng các yêu cầu về công nghệ, thiết bị, thông số kỹ thuật, chế độ vận hành, bảo hành... nhà thầu (người bán) có quyền quyết định giá sản phẩm của mình. Ngược lại, chủ đầu tư (người mua) sau khi xác định các yêu cầu về công nghệ, thương mại, giá cả nếu được thì đồng ý mua. Bằng cách làm này, chúng ta mới xây dựng được một cơ chế giá cả đích thực theo cơ chế thị trường. Một nhà máy có hàng nghìn thiết bị, hàng trăm khối lượng công việc… chủ đầu tư cũng như cơ quan giám sát, kiểm tra không thể bắt nhà tổng thầu kê khai ra được. Mặt khác, đấy là giải pháp, bí quyết kinh doanh của nhà cung ứng. Có quan điểm nhìn nhận như trên, chúng ta mới xây dựng được một cơ chế về giá trong lĩnh vực xây dựng theo cơ chế thị trường đích thực.

    Thứ ba, hợp đồng EPC là một hợp đồng kinh tế, cho nên nó phải được chi phối bằng Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế. Đây là cơ sở pháp lý để kiểm tra, xem xét trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện cũng như kết thúc hợp đồng. Mọi công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát phải dựa vào cơ sở Pháp lệnh Hợp đồng để thực hiện. Chúng ta không nên hình sự hóa việc này, trừ khi có phát hiện những hiện tượng tham ô, hối lộ... Ngoài ra, cần phải có những giải pháp, chính sách thích hợp về tài chính, kinh tế, vốn, ưu đãi thuế cho việc xây dựng các tập đoàn công nghiệp.

    Để thực hiện thành công cũng như nhân rộng và phát triển cơ chế tổng thầu EPC nhằm tạo động lực, điều kiện phát triển ngành công nghiệp nặng (cơ khí chế tạo) là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước song đây cũng là việc làm đầy khó khăn và thử thách, đòi hỏi chúng ta phải có một quan điểm nhất quán và một phương pháp tư duy hoàn toàn mới. Do đó, để thực hiện được điều này ta phải có một sự thống nhất từ trên xuống dưới, có một ý chí quốc gia vì một nền cơ khí hùng mạnh, một nền công nghiệp phát triển. Theo tôi, nếu làm được như thế nước ta không chỉ giàu mà còn mạnh.

    Theo Diễn đàn doanh nghiệp

    CÔNG TY CỔ PHẦN CÔNG NGHỆ PHÚ THỌ


    147 Đinh Bộ Lĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (08) 62.57.26.57 - Hotline: 0903.04.84.19
    Email: contact@phuthotech.vn
    Website: www.phuthotech.vn

  4. The Following User Says Thank You to PhuThoTech For This Useful Post:

    Ngoc Thuy (01-03-2013)

+ Trả lời Chủ đề

Bookmarks

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình