“Cho đến nay, thủy điện đã vắt kiệt các dòng sông. Thủy điện xây dựng làm chia cắt, manh mún hệ thống sinh thái, thủy văn. Vì vậy khi làm thủy điện, các bộ ngành, địa phương cần quan tâm và hết sức thận trọng, không thể làm với mọi giá”, PGS.TS Bảo Huy cảnh báo.
Khu bảo tồn lý tưởng
Có thể nói rằng, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (Kbang, Gia Lai) là khu bảo tồn vô cùng quý giá của nước ta hiện nay. Bởi hiếm có khu bảo tồn hay khu rừng nào lại có mật độ che phủ rừng lên đến 98,5%, sở hữu nhiều loại gỗ quý, nhiều loài động thực vật phong phú và đa dạng như ở đây.
Nói về Khu bảo tồn mà mình đang bảo vệ, ông Trịnh Viết Ty - Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng - tự hào: “Chúng tôi giờ không dám tăng độ che phủ của rừng lên nữa, bởi nó sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của một số loài cần có ánh sáng”.
Phong cảnh của Khu bảo tồn cũng rất đẹp khi sở hữu nhiều hệ thống thác đẹp, hoang sơ.
Câu hỏi đặt ra là tại sao các doanh nghiệp luôn muốn xây dựng dự án thủy điện trong khu bảo tồn này? Ông Ty phân tích, rừng ở khu bảo tồn cơ bản là rừng giàu, khả năng giữ nước rất tốt, có nước quanh năm, độ chênh nước giữa 2 mùa mưa và khô tương đối ít vì nơi đây có đến 9 tháng mùa mưa. Đặc biệt, độ dốc của suối Say trong khu bảo tồn tương đối cao, đặc biệt là đoạn cuối giáp danh với tỉnh Bình Định.
Chính vì vậy, Khu bảo tồn thiên nhiên này vô tình trở thành địa điểm lý tưởng để các doanh nghiệp nhắm vào làm nhà máy thủy điện. Một dòng suối dài chỉ vài chục km nhưng có đến 4 doanh nghiệp “nhăm nhe” xin lập dự án xây dựng thủy điện. Trong đó có Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn- Sông Hinh đã đeo đuổi dự án này cả chục năm nay.
"Vì lợi ích quốc gia"?
Tỉnh Gia Lai đã có đơn trình lên Thủ tướng Chính phủ và một số Bộ ngành để phản đối các dự án thủy điện trong khu bảo tồn Kon Chư Răng.
Theo nội dung đơn của UBND tỉnh Gia Lai, dự án thủy điện không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến hệ sinh thái của khu bảo tồn mà còn làm cạn kiệt khoảng 10km dòng suối Say. Trong văn bản của UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ rõ hệ lụy của thủy điện “sai lầm thế kỷ” An Khê- Ka Nak, khi cả dòng sông Ba rộng lớn đã bị “chết”. Thủy điện An Khê- Ka Nak đã làm cho 7 huyện, thị tại Gia Lai với 45.000 người dân bị ảnh hưởng, nhiều ha hoa màu bị thiệt hại, môi trường sinh thái ở khu vực dòng sông cũng đang có diễn biến xấu. Đó là chưa tính đến hàng vạn người dân đang sinh sống ở tỉnh Phú Yên, nơi dòng sông Ba chảy qua cũng bị ảnh hưởng.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trịnh Viết Ty cho rằng, tất cả những dự án xây dựng thủy điện trong Khu bảo tồn Kon Chư Răng đều ảnh hưởng đến khu bảo tồn. Thủy điện sẽ làm mất một phần diện tích cây rừng, diện tích đất rừng cũng mất vĩnh viễn, ảnh hưởng đến công tác quản lý bảo vệ rừng…
Giải thích cho quyết tâm "10 năm đeo bám" dự án thủy điện tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, ông Huỳnh An- Phó Ban quản lý dự án thủy điện Vĩnh Sơn 2, Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn- Sông Hinh- cho rằng, việc làm của công ty chỉ là “vì lợi ích quốc gia” (?!)
Đánh giá về việc xây dựng thủy điện hiện nay, PGS.TS. Bảo Huy, công tác tại Khoa Nông lâm nghiệp, Trường Đại học Tây Nguyên nhận định, thực tế cho thấy ở Việt Nam những năm qua, việc xây dựng thủy điện chủ yếu chạy theo lợi nhuận, nhiều khi bất chấp các tác động của nó. Một thủy điện xây dựng không hợp lý sẽ gây ra việc mất cân bằng thủy văn, gây hạn hán mùa khô, lũ lụt mùa mưa; mất cân bằng sinh học các loài, chuỗi thức ăn của hệ sinh thái tự nhiên gồm sông suối, rừng. Theo PGS.TS. Bảo Huy, điều này còn có thể làm biến mất một số loài đặc hữu và dần dẫn đến suy kiệt rừng, sinh cảnh tự nhiên; làm mất sinh kế của những cư dân sống dựa vào hệ thủy văn...
“Cho đến nay, thủy điện đã vắt kiệt các dòng sông. Thủy điện xây dựng làm chia cắt, manh mún hệ thống sinh thái, thủy văn. Vì vậy khi làm thủy điện, các bộ ngành, địa phương cần quan tâm và hết sức thận trọng, không thể làm với mọi giá”, PGS.TS Bảo Huy cảnh báo.
Bookmarks