Bạn đọc ở địa chỉ mail có hỏi : Điều 4.3, TCVN 7435 - 2:2004 có quy định về việc kiểm tra, bảo dưỡng bình chữa cháy CO2 (loại 5):"Cân bình chữa cháy (có hoặc không có cơ cấu vận hành theo hướng dẫn của người chế tạo) hoặc sử dụng phương thức thích hợp để kiểm tra bình chứa khối lượng chất chữa cháy chính xác. Đối chiếu khối lượng so với khối lượng được ghi khi bình chứa sử dụng lần đầu"
Vậy khi khối lượng khí CO2 trong bình giảm xuống bao nhiêu % thì yêu cầu phải nạp lại? Yêu cầu này nằm trong tiêu chuẩn nào?
Trả lời:
Tiêu chuẩn TCVN 7435-2:2004 “Phòng cháy, chữa cháy – Bình chữa cháy xách tay và xe đẩy chữa cháy. Phần 2: Kiểm tra và bảo dưỡng” có một số quy định về bảo dưỡng, nạp lại bình chữa cháy, cụ thể là:
+ Điều 4 có quy định: “Người chủ hoặc đại lý hoặc người ở nơi các bình chữa cháy được bố trí phải có trách nhiệm kiểm tra, bảo dưỡng và nạp lại”.
+ Điều 4.3 có quy định bình chữa cháy CO2 phải được bảo dưỡng định kỳ trong vòng không quá một năm nhưng không ít hơn 6 tháng một lần.
+ Điều 4.4 có quy định: “Tất cả các loại bình chữa cháy nạp lại được phải được nạp lại sau khi sử dụng hoặc khi được thanh tra yêu cầu hoặc bảo dưỡng bị thiếu. Khi tiến hành nạp lại, phải theo hướng dẫn của nhà sản xuất”.
Tại Điều c, Điều 9.7.2 của TCVN 7026:2013 “Chữa cháy – Bình chữa cháy xách tay – Tính năng và cấu tạo” có quy định “Đối với bình chữa cháy dùng cacbon dioxit, tổn thất lớn nhất của dung lượng không được vượt quá 6% mỗi năm”.
Như vậy tất cả các loại bình chữa cháy xách tay dùng cacbon dioxit (không kể bình loại bao nhiêu kg) khi tổn thất lớn nhất của dung lượng vượt quá 6% một năm thì đều phải thực hiện nạp lại.
Theo canhsatpccc.gov.vn
Bookmarks