Cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào chỉ vì những thói quen hay hành động bất cẩn của con người.

Những năm gần đây, tình hình cháy nổ tại các khu vực nhà riêng, chung cư đang trở thành vấn đề đáng báo động đối với các hộ gia đình, đặc biệt là vào mùa khô hạn, nắng nóng. Mối nguy hiểm tiềm tàng này có thể xảy ra với bất cứ ai, vào bất cứ lúc nào chỉ vì những thói quen hay hành động bất cẩn của con người.

Thực trạng qua những con số

Theo thống kế của Cục Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an, năm 2015, cả nước xảy ra 2.792 vụ cháy, làm chết 62 người, bị thương 264 người, tiêu hủy về tài sản trị giá 1.498,3 tỷ đồng. Với các vụ nổ, cả nước đã xảy ra 35 vụ, làm chết 12 người, bị thương 41 người, thiệt hại về tài sản 896 triệu đồng.

Tình hình diễn biến phức tạp nhất là cháy nổ nhà dân với 1.121 vụ (chiếm 40,2%). Ngoài ra còn nhiều vụ cháy xảy ra tại các chung cư cao tầng. Theo thống kê, nguyên nhân chủ yếu là sự cố hệ thống và thiết bị điện chiếm 51%; sơ suất trong sử dụng lửa, điện, xăng dầu, khí đốt, hóa chất chiếm 23,3%.

Hậu quả nghiêm trọng

Cháy nổ gây ra thiệt hại về tính mạng con người, tài sản, để lại hậu quả và gánh nặng cho xã hội. Theo các năm, số lượng các vụ cháy lớn không ngừng gia tăng. Cuối năm 2014 xảy ra hai vụ cháy tại nhà dân gây hậu quả nghiêm trọng. Vụ thứ nhất ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh làm chết 3 người, bị thương 3 người. Vụ thứ hai tại quận Lê Chân, TP Hải Phòng làm chết 6 người. Năm 2015, một loạt các vụ cháy tại chung cư cao tầng xảy ra ở Hà Nội, TP.HCM… Vụ cháy chung cư Xa La (Hà Nội) gây hiệu quả nghiêm trọng về tài sản khi lửa thiêu rụi khoảng 250 phương tiện. Mới đây, vụ nổ tại khu đô thị Văn Phú, Hà Đông vào giữa tháng 3-2016 khiến 4 người chết, 10 người bị thương, 36 căn hộ bị hư hỏng nặng, 95 căn hộ phía sau hiện trường vụ nổ và nhiều xe máy bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân gây ra các vụ cháy nổ là do một bộ phận người dân, chủ đầu tư, quản lý tòa nhà chưa có ý thức, trách nhiệm cao đối với công tác PCCC. Họ còn chủ quan trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị điện trong sinh hoạt gây mất an toàn về PCCC cho chính gia đình mình và các hộ xung quanh.

Nâng cao ý thức, trách nhiệm

Để thực hiện công tác phòng chống cháy nổ hiệu quả, điều đầu tiên cần làm là nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, khuyến khích việc trang bị các phương tiện phòng cháy như bình chữa cháy, hệ thống chữa cháy, báo cháy trong nhà; thường xuyên kiểm tra các địa điểm dễ xảy ra cháy nổ; luôn đề cao cảnh giác, đề phòng cháy nổ trong mọi tình huống; thực hiện tốt công tác phòng chống cháy nổ… Chính quyền cơ sở cũng nên tổ chức các buổi tập huấn, huấn luyện kỹ năng thoát hiểm, hướng dẫn cách ứng phó, xử lý sự cố, sử dụng bình chữa cháy cho người dân.

Không những vậy, người dân cũng nên tự trang bị các kiến thức về an toàn PCCC; thường xuyên kiểm tra và vệ sinh các thiết bị sử dụng điện; không để đồ đạc dễ cháy gần bóng điện, ổ cắm, cầu dao, chấn lưu, đèn nê-ông; khi ra khỏi nhà phải kiểm tra tắt tất cả các thiết bị tiêu thụ điện, đồ dùng điện; không đặt các chất gây cháy (gas, xăng, dầu, giấy…) gần các thiết bị, dụng cụ tiêu thụ điện; đóng ngắt bình gas sau khi sử dụng; không tồn trữ các chất cháy nổ gây nguy hiểm trong gia đình… Đặc biệt là trang bị giải pháp nhằm mang lại tiện nghi, đảm bảo an toàn cho gia đình mình





Theo xaluan.com