I. Đặc điểm tình hình về PCCC chung cư cao tầng:
1. Đánh giá chung về công tác PCCC tại nhà cao tầng
- Nhận thức được tầm quan trọng trong công tác PCCC đối với cơ sở và nhất là bài học kinh nghiệm của vụ cháy tại các nhà cao tầng trên địa bàn cả nước nói chung và Thành phố nói riêng, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, công tác PCCC đối với nhà cao tầng đã có những chuyển biến rõ rệt. Lãnh đạo nhiều tòa nhà, khách sạn, cao ốc văn phòng, chung cư cao cấp đã đầu tư kinh phí để thực hiện các giải pháp an toàn PCCC đối với cơ sở mình như: làm cầu thang thoát nạn, lắp đặt cửa chống cháy tại buồng thang, lắp đặt hệ thống chữa cháy và báo cháy tự động… Việc thực hiện công tác PCCC trong các nhà cao tầng đã dần đi vào nề nếp, tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn về PCCC, do đó công tác PCCC đối với các nhà cao tầng trong thời gian qua cũng đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Công tác tự kiểm tra an toàn PCCC được thực hiện thường xuyên hơn nhờ lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tổ chức tập huấn công tác tự kiểm tra an toàn PCCC đối với người đứng đầu cơ sở, chất lượng công tác tự kiểm tra an toàn an toàn PCCC đã được nâng lên rõ rệt.
- Chủ đầu tư các dự án công trình xây dựng nhà cao tầng đã nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật PCCC trong đầu tư xây dựng, các công trình trước khi xây dựng đều đã được thẩm duyệt thiết kế về PCCC theo quy định.
- Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Ủy ban nhân dân Thành phố về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn tại các nhà cao tầng nói chung và đặc biệt tập trung đấu tranh ngăn chặn cháy lớn tại các chung cư cao tầng. Trong những năm qua Cảnh sát PC&CCTP đã tổ chức triển khai thực hiện kiểm tra chuyên đề, định kỳ, đột xuất tại các chung cư cao tầng trên địa bàn Thành phố đã phát hiện và hướng dẫn khắc phục kịp thời nhiều các thiếu sót không đảm bảo an toàn PCCC và cũng đã xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi cố tình vi phạm và chậm khắc phục theo kiến nghị của cơ quan PCCC.
- Trong những năm gần đây cùng với sự tăng trưởng kinh tế, và xu hướng hội nhập quốc tế của Việt Nam nói chung và tại TP.HCM nói riêng, việc xây mới các công trình nhà cao tầng, với nhiều công năng đa dạng như: cao ốc văn phòng, khách sạn, chung cư, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí và các công trình có tầng hầm có xu hướng phát triển nhanh trên địa bàn thành phố.
Theo số liệu thống kê của Cảnh sát PC&CC trên địa bàn TP Tính đến tháng 9/2015, trên địa bàn thành phố có 608 công trình nhà cao tầng (trong đó có 488 công trình cao từ 10 đến 20 tầng; 103 công trình cao từ 20 đến 30 tầng và 17 công trình cao trên 30 tầng). Riêng nhà chung cư cao tầng có 223 nhà cao từ 10 tầng trở lên. Trong đó có 84 chung cư xây dựng từ trước năm 1975.
2. Tính chất nguy hiểm về cháy, nổ chung cư cao tầng:
- Thực tế cho thấy các vụ cháy tại các chung cư cao tầng đặc biệt nguy hiểm vì là nơi tập trung đông người, khi xảy ra cháy đám cháy sẽ lan nhanh chóng từ dưới lên trên, có thể có sự tích tụ khói trong các lối và đường thoát nạn làm ảnh hưởng lớn đến công tác cứu người bị nạn và dập tắt đám cháy. Số tầng của công trình càng cao, công trình có tầng hầm càng nhiều thì tính chất, mức độ nguy hiểm về cháy, nổ càng phức tạp. Nhất là các công trình có tầng hầm việc đối lưu không khí rất hạn chế nên khói không thoát ra ngoài được, mật độ khói dày đặt tăng lên rất nhanh, nếu không có biện pháp thoát khói hữu hiệu sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng con người và công tác tổ chức chữa cháy;
- Nhiệt độ đám cháy gia tăng nhanh và truyền nhiệt mạnh làm giảm độ bền vật liệu và kết cấu xây dựng dẫn đến sự biến dạng và gây sụp đổ công trình;
- Công tác thoát nạn và chữa cháy đối với công trình gặp khó khăn, phức tạp vì số lượng lối tiếp cận hạn chế. Đối với công trình cao tầng khi xãy cháy, diện tích đám cháy phát triển nhanh theo chiều cao công trình, công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn do việc tiếp cận của lực lượng và phương tiện chữa cháy bị hạn chế.
3. Những tồn tại về an toàn PCCC
- Bên cạnh những nhà cao tầng xây dựng mới gần đây được thiết kế đầy đủ các giải pháp về an toàn PCCC như: khoảng cách; giao thông; giải pháp ngăn cháy; hệ thống thoát nạn; hệ thống thông gió hút khói; hệ thống phòng cháy chữa cháy;... thì còn nhiều nhà cao tầng xây dựng cách đây hàng chục năm đã xuống cấp nghiêm trọng và không đảm bảo các yêu cầu về PCCC theo quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, trong đó phải kể đến các chung cư cao tầng xây dựng từ năm 1975 đến năm 1996. Các vi phạm về an toàn PCCC thường gặp là thiếu hoặc không đảm bảo các yêu cầu theo quy định như: hệ thống tăng áp buồng thang; thông gió, hút khói hành lang, tầng hầm; giải pháp chống cháy lan trong hộp kỹ thuật giữa các tầng; hệ thống kỹ thuật PCCC, và hệ thống điện…Do nhu cầu trong sinh hoạt, kinh doanh nên đã tự ý xây dựng cơi nới, lấn chiếm hành lang, lối đi, bố trí bãi giữ xe trên đường nội bộ và xung quanh công trình làm giảm khoảng cách an toàn và không đảm bảo giao thông cho xe chữa cháy, cứu hộ hoạt động khi có sự cố. Các chung cư với nhiều hộ gia đình sinh sống với nhiều công việc khác nhau nên có thể tồn trữ hàng hóa là những chất cháy khác nhau nhưng rất khó quản lý và phân loại đám cháy khi có cháy xảy ra.
- Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay tốc độ đô thị hóa đang nhanh dần, với mật độ dân cư tập trung đông tạo nên áp lực lớn về chỗ ở cho người dân đô thị, bên cạnh đó việc giải phóng mặt bằng để làm dự án mới tạo nên áp lực với các khu chung cư tái định cư, nhà chung cư giá rẻ đang thi công xây dựng nhanh đáp ứng yêu cầu nơi ở của một phần lớn người dân, nhưng việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng dẫn đến nhiều thiếu sót về công tác PCCC và hồ sơ pháp lý chưa đảm bảo theo quy định. Việc bàn giao từng phần, từng căn hộ khi công trình chưa hoàn thành, chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC, chưa thành lập Ban quản lý, Ban quản trị cũng như Đội PCCC nhưng chủ đầu tư đã đưa công trình vào hoạt động.
- Tại các chung cư tái định về ý thức trách nhiệm và kiến thức về PCCC của người dân chưa cao nên việc chấp hành các quy định về PCCC chưa đầy đủ và triệt để. Ban quản lý còn chủ quan, tránh né, chậm thực hiện các kiến nghị khắc phục về an toàn PCCC của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy do nguồn kinh phí còn hạn hẹp và chưa thống nhất được mức phí cho công tác PCCC đối với các hộ dân, nhất là tại các khu chung cư đã giao về cho các hộ dân tự quản lý.
+ Hệ thống chữa cháy được trang bị nhằm phục vụ cho công tác chữa cháy kịp thời, hiệu quả, tuy nhiên qua kiểm tra không thấy bố trí lăng, vòi chữa cháy, bình chữa cháy tại các tầng mà đem bố trí tập trung tại phòng bảo vệ ở tầng 1 ( vì sợ bị mất cấp các phương tiện nêu trên);
+ Hệ thống báo cháy tự động được trang bị nhưng do không có kinh phí để kiểm tra bảo trì, bảo dưởng định kỳ nên hệ thống này thường xãy ra sự cố báo cháy giả gây hoản loạn cho người dân, nên Ban quản lý cho ngắt nguồn cung cấp cho Tủ trung tâm báo cháy.
- Công tác tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ ở tầng cao còn gặp nhiều khó khăn do phương tiện khó tiếp cận; việc thông tin báo cháy cho lực lượng PCCC chuyên nghiệp còn chậm dẫn đến cháy lớn, cháy lan làm giảm khả năng khống chế đám cháy ở giai đoạn ban đầu là giai đoạn dập tắt đám cháy hiệu quả nhất.
II. Giải pháp thực hiện trong thời gian tới
Nhà chung cư cao tầng là nơi tập trung đông người với nhiều thành phần, lứa tuổi khác nhau, nếu có sự cố cháy sẽ rất khó khăn cho việc thoát nạn và chữa cháy. Qua đợt tổng kiểm tra chuyên đề chung cư trên địa bàn thành phố, đặc biệt là qua những vụ cháy chung cư cao tầng trong những ngày qua tại phía Bắc, Cảnh sát PC&CC TP. Hồ Chí Minh đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường đảm bảo an toàn PCCC trong thời gian tới như sau:
1. Về cơ chế quản lý các chung cư:
- UBND thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các Sở, ban ngành chức năng, UBND các cấp tham mưu xây dựng Quy chế về quản lý chung cư, trong đó quy định về mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các Ban quản lý, Ban quản trị chung cư, đảm bảo cho tổ chức này có đủ điều kiện về nhân sự cũng như về kinh phí để thực hiện tốt công tác quản lý điều hành các hoạt động của chung cư, trong đó có công tác PCCC.
- Các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần kiểm tra thường xuyên và yêu cầu các hộ dân thực hiện nghiêm quy định tại Văn bản số 2544/BXD-QLN ngày 19/11/2009 của Bộ xây dựng về việc cấm sử dụng căn hộ để ở vào mục đích khác. Ban quản lý các chung cư có trách nhiệm nhắc nhở các hộ dân không được tự ý cơi nới thêm diện tích, hàn song sắt cửa sổ hoặc ngăn phòng bằng các vật liệu dễ cháy.
- Chủ đầu tư dự án đầu tư và thiết kế xây dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng công trình chung cư cao tầng thuộc mọi nguồn vốn đầu tư phải lập dự án thiết kế theo đúng quy định. Hồ sơ thiết kế phải do đơn vị tư vấn thiết kế xây dựng có đủ năng lực và tư cách pháp nhân thực hiện tuân theo các quy định của tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hiện hành. Lưu ý các đơn vị chủ đầu tư trong giai đoạn lập dự toán xây dựng cần phải tính toán dự trù kinh phí ngay từ ban đầu cho việc lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống và trang thiết bị PCCC, đồng thời xây dựng kế hoạch sử dụng kinh phí bảo dưỡng hàng năm của chung cư để thực hiện công tác này trong thời gian về sau.
2. Lãnh đạo các cấp ở địa phương và người đứng đầu cơ sở, phụ trách quản lý tòa nhà phải chủ động ban hành các nội quy, quy định và biện pháp PCCC phù hợp với cơ sở và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả những nội quy, quy định đó; tổ chức tham gia các hoạt động PCCC, tuyên truyền, huấn luyện kỹ năng PCCC; trang bị các phương tiện PCCC tại chỗ; tổ chức tự kiểm tra, khắc phục kịp thời những vi phạm không đảm bảo về PCCC; huy động các nguồn kinh phí cho hoạt động PCCC.
Tùy vào điều kiện thực tế, Ban quản lý chung cư phải có kế hoạch xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ và thường xuyên tổ chức huấn luyện cho lực lượng này, đảm bảo sử dụng thành thạo các loại phương tiện PCCC được trang bị. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến cư dân nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC, nắm được kiến thức cơ bản về PCCC, thoát nạn, đặc biệt tại các khu chung cư cao tầng.
3. Cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy:
- Thực hiện nghiêm các quy định về xây dựng, các quy định về an toàn PCCC trong quá trình xây dựng và đưa công trình vào hoạt động. Làm tốt công tác thẩm duyệt về PCCC ngay từ ban đầu đối với các công trình xây dựng thuộc diện phải thẩm duyệt về PCCC. Tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện các công trình chung cư, nhà cao tầng đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC, tiến hành xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn PCCC kể cả đình chỉ hoạt động.
Đối với các nhà cao tầng hiện hữu đã đưa vào hoạt động trước khi có Luật PCCC phải rà soát, kiểm tra việc thực hiện công tác thẩm duyệt về PCCC, nếu không đảm bảo các yêu cầu về an toàn PCCC phải tiến hành thẩm duyệt lại để thực hiện đúng các giải pháp đảm bảo an toàn PCCC theo quy định hiện hành.
- Tăng cường tổ chức tuyên truyền ý thức, kiến thức về PCCC cho người dân sống trong các khu chung cư nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC, nắm bắt và thực hiện các kiến thức cơ bản về PCCC như: thoát nạn, sử dụng điện, quản lý sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, quản lý chất hàng nguy hiểm về cháy nổ trong các khu chung cư cao tầng.
- Công tác kiểm tra an toàn PCCC cần tập trung lưu ý các điều kiện về giải pháp ngăn cháy, hệ thống thông gió hút khói, hệ thống thoát nạn, hệ thống PCCC, hệ thống ống đổ rác, gas trung tâm (LPG), hệ thống điện, thang máy dùng cho lực lượng chữa cháy. Trong quá trình kiểm tra phải kích hoạt các hệ thống nêu trên để có đánh giá về tình trạng hoạt động của hệ thống nhằm có biện pháp xử lý kịp thời theo quy định.
- Để đáp ứng yêu cầu phát hiện cháy sớm và chữa cháy kịp thời, giải quyết ngay từ đầu các sự cố cháy, nổ khi mới phát sinh hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản yêu cầu các chung cư cao tầng phải kết nối với Trung tâm cảnh báo cháy của Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy Thành phố Hồ Chí Minh.
- Củng cố, huấn luyện, trang bị kỹ năng, chiến thuật cho lực lượng PCCC tại chỗ biết cách sử dụng và sử dụng thành thạo các kỹ năng chữa cháy, cứu nạn cứu hộ. Lập và tổ chức thực tập thường xuyên phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với nhiều tình huống khác nhau ở cơ sở để lực lượng này có khả năng sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
- Chuẩn bị sẵn sàng phương án, lực lượng, phương tiện chữa cháy, cứu hộ-cứu nạn đối với các chung cư cao tầng trong địa bàn quản lý với các tình huống cháy phức tạp nhất và phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, có sự phối hợp của các lực lượng chuyên ngành làm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra cháy ở các công trình.
Theo
Bookmarks