“Toát mồ hôi” tìm nước chữa cháy
Ngày 7/11, quán cà phê văn phòng Hoa Lan, số 6A phố Phạm Sư Mạnh, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã bén lửa do rò rỉ khí gas tại bếp của quán. Ngày 30/10, kho gỗ của Công ty Lâm sản Giáp Bát tại phố Đại Từ (quận Hoàng Mai) bùng cháy. Trước đó, ngày 18/10, vụ cháy tại Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh), vụ cháy tại đường Dương Đình Nghệ đã gây thiệt hại lên tới gần 140 tỷ đồng. Nguy cơ cháy nổ khiến UBND TP Hà Nội rất lo ngại: Tình hình cháy nổ trên địa bàn thành phố thời gian qua vẫn “diễn biến phức tạp, thiệt hại do cháy vẫn ở mức cao”.
Qua kiểm tra, UBND TP nhận thấy: Nguồn nước chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu cấp nước chữa cháy trên địa bàn TP, đặc biệt các khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao nằm sâu trong các ngõ nhỏ ở các quận nội thành Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng thiếu nguồn nước chữa cháy nghiêm trọng. Theo quy định, cứ 150m đường phố phải có một trụ nước chữa cháy, TP cần tới 6.000 trụ nước chữa cháy nhưng hiện mới có khoảng 1.000 trụ. Trong vụ cháy kinh hoàng hơn 1.000m2 nhà xưởng tại Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh ngày 18/10 vừa qua, trụ nước không có, quanh đó cũng chả còn một hồ nước nào khiến lực lượng chữa cháy “toát mồ hôi”. Cũng may, chính quyền huyện huy động được thêm 3-4 xe nước từ công ty rau sạch gần đó để kịp thời… dập lửa. Chưa kể những bất cập về hạ tầng giao thông cũng có nhiều trở ngại. Đơn cử những đám cháy xảy ra vào giờ cao điểm, trong các khu dân cư, xa trụ sở Cảnh sát PCCC thì khi vượt qua được những điểm ùn tắc thì đám cháy đã gây nhiều thiệt hại...
Qua kiểm tra, tại một số nhà chung cư tái định cư, lực lượng liên ngành mà nòng nốt là Cảnh sát PCCC phát hiện nhiều khu nhà chưa có nội quy, quy định về PCCC hoặc có nội quy nhưng không niêm yết ở nơi có tính chất nguy hiểm về phòng, chống cháy nổ. Trong khi đó, lực lượng chữa cháy tại các khu chung cư tái định cư phần lớn là bảo vệ tòa nhà. Lực lượng này quá mỏng (1 - 3 người quản lý cả một tòa nhà) và cũng chưa thành thạo và không đủ khả năng vận hành hệ thống PCCC của tòa nhà. Thêm nữa, một số hộ dân sống trong các nhà chung cư vẫn giữ thói quen cũ như dùng than tổ ong, đun nấu tại hành lang, cầu thang, đốt vàng mã… Đây là những nguy cơ tiềm ẩn cho những vụ cháy nổ.
Tại các địa điểm công cộng, các khu vui chơi cũng đầy rẫy nguy cơ cháy nổ. Qua kiểm tra, lực lượng liên ngành xác định, phần lớn các cơ sở hoạt động dịch vụ vui chơi giải trí, vũ trường… không đảm bảo lối ra thoát nạn (777/988 cơ sở cơ sở), không có giải pháp ngăn chữa cháy lây lan. Còn kết quả kiểm tra 243 chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn Hà Nội cho thấy, nhiều nơi bày hàng hóa chiếm lối đi lại ảnh hưởng đến công tác thoát nạn. Một số chợ tạm, chợ phiên sử dụng thiết bị điện câu móc dễ chập điện, cháy nổ.
Lực lượng Cảnh sát PCCC Hà Nội triển khai dập lửa trong vụ cháy tại kho gỗ ở phố Đại Từ. Ảnh: Tiến Dũng .
Không để các công trình thiếu an toàn PCCC tiếp tục “tồn tại”
Chỉ đạo PCCC tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Bùi Văn Thành, nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền và công tác quản lý nhà nước của chính quyền địa phương. TP Hà Nội mà nòng cốt là Cảnh sát PCCC cần có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao kiến thức PCCC cho lực lượng cơ sở, dân phòng cũng như tiến hành rà soát, xây dựng các cơ sở PCCC mới để có thể xử lý khi sự cố xảy ra ngay từ đầu. UBND TP Hà Nội xiết chặt công tác quản lý PCCC với các tòa nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, các hộ gia đình, nơi cho thuê mặt bằng SXKD, các nơi vui chơi đông người… Không thể tiếp tục “làm ngơ” cho các công trình không đảm bảo an toàn PCCC tiếp tục tồn tại gây nguy hại cho hàng ngàn người.
Đồng tình với chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn yêu cầu rõ ràng, lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, đơn vị cần nâng cao ý thức trách nhiệm đối với công tác PCCC, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Ông Lê Hồng Sơn yêu cầu: Nâng cao công tác phòng là chính, vì nhiều khu vực lực lượng PCCC tiếp cận rất khó khăn, nguy hiểm. Tăng cường phối hợp giữa PCCC với môi trường, xây dựng. Rà soát các cơ sở gây nguy cơ về cháy nổ nhất là ở các khu vực dân cư để có kế hoạch di dời. TP Hà Nội cũng sẽ tăng cường quản lý nhà nước, thanh tra, xử lý vi phạm, đặc biệt quan tâm nơi có nguy cơ cháy nổ cao như nhà cao tầng, phố cổ… Về lực lượng Cảnh sát PCCC, TP Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện bồi dưỡng lực lượng, đầu tư trang thiết bị để tăng cường năng lực cho lực lượng PCCC sẵn sàng ứng trực, xử lý các vụ cháy nổ trên địa bàn. Lãnh đạo TP chỉ đạo, phấn đấu đến năm 2020, mỗi quận, huyện, thị xã có một Phòng Cảnh sát PCCC, mỗi khu công nghiệp, khu chế xuất có một Đội PCCC chuyên trách… Lãnh đạo TP Hà Nội cũng cho biết, dự kiến trong năm 2015, Sở Xây dựng sẽ lắp đặt xong 5.000 trụ nước chữa cháy còn thiếu trên các tuyến phố.
Bookmarks