Liên tiếp những ngày qua, nhiều nơi lại liên tục xảy ra những vụ cháy, nổ. Chỉ riêng 2 ngày 17-18/10 đã xảy ra đến 3 vụ cháy, nổ lớn làm thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Trong khi dư luận, công luận, cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo, yêu cầu phải "phòng hỏa như cứu hỏa”, đặc biệt về mùa hanh, dịp cuối năm này, thế nhưng một bộ phận người dân, đơn vị vẫn cứ chủ quan. Rằng cứ "biết rồi, khổ lắm, nói mãi”...để rồi bỗng chốc trắng tay, gây vạ cho nhiều người.
KCN Quang Minh tan hoang sau vụ cháy kinh hoàng
Chuyện đã khá nghiêm trọng, đã thực sự "nóng”như lửa. Chỉ điểm thông tin thôi, người ta đã phải giật mình. 4 giờ chiều ngày 17-10, vụ nổ lớn đã xảy ra tại Xưởng sản xuất phân bón của Công ty TNHH SXDVTM Đặng Huỳnh ở 66/2 Lê Thị Riêng, phường Thới An, Quận 12, TP Hồ Chí Minh. Vụ nổ mà như nhiều người trong khu vực đã phải thốt lên "như bom trong thời chiến”. Đúng là hậu quả đã như chiến tranh: 3 người chết mà 2 người cơ quan chức năng đang phải dò tìm từng mảnh xác, 4 người bị thương, nhiều người bị ảnh hưởng. 7 căn nhà đã bị sập và hư hỏng hoàn toàn, 30 căn nhà khác bị ảnh hưởng nặng, chưa kể tài sản khác của Công ty này... Đó là "còn may”, như một số người nói, bởi nếu vụ nổ lại xảy ra muộn hơn một vài tiếng, khi trẻ em, người dân xung quanh đó đi làm về thì hậu quả còn nghiêm trọng hơn.
Trong khi ở phía Nam, vụ cháy nổ ở TP Hồ Chí Minh làm người dân bàng hoàng, thì ở phía Bắc, khoảng 18h30 ngày 18-10, đã xảy ra cháy tại Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh, TP Hà Nội). Vụ cháy đến đỏ "cả một góc trời” nơi đây. Hậu quả khu nhà xưởng, nhà kho rộng khoảng 12.000 m2 của hai Công ty Nippon Express Việt Nam và Woodsland chứa vật liệu sơn, gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu đã bị cháy rụi hoàn toàn, rất may không thiệt hại về người. Tiếp đó, trong khi lửa cháy ở Khu công nghiệp này chưa tắt thì vào lúc 21h 45 cùng ngày, đã lại xảy ra một vụ cháy lớn tại Khu đô thị Nam Trung Yên, phía sau Tòa cao ốc Keangnam quận Cầu Giấy, Hà Nội. Xưởng gỗ lớn trên mặt bằng hàng trăm mét vuông với một lượng lớn gỗ, bàn ghế thành phẩm đã bị thiêu rụi. Một ga ra ô tô ở bên cạnh, một số của hàng, cửa hiệu khác cũng bị vạ lây... nhiều người đã lâm vào cảnh trắng tay.
Với các vụ chảy nổ xảy ra, có thể nói các cơ quan "chống, chữa” đã rất vất vả, nhưng nhiều khi đành bất lực. Với vụ nổ tại TP. Hồ Chí Minh, thành phố cũng chỉ còn cách chỉ đạo "khắc phục hậu quả”, nhất là hỗ trợ các cá nhân, gia đình bị nạn. Còn với vụ cháy tại Khu công nghiệp Mê Linh, đã có hàng trăm xe cứu hỏa, xe tiếp nước; hàng ngàn con người tham gia chữa cháy. Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy TP Hà Nội đã điều động 13 xe cứu hỏa, Bộ Tư lệnh Thủ đô cũng điều động 4 xe. Hàng chục xe nước của Công ty Môi trường đô thị, hơn 40 xe của Công ty Rau sạch môi trường Sông Hồng cũng tiếp sức. 150 cán bộ chiến sĩ của Tiểu đoàn công binh 544 và Đại đội PCCC, 200 dân quân, tự vệ của huyện Mê Linh. Xe nhiều, nước đủ, lực lượng tham gia đã rất cố gắng, nhưng rồi cũng chỉ cố không cho đám cháy lan sang các kho khác. Và mặc dù đang dồn sức cho việc chữa cháy tại Mê Linh, vụ cháy ở Nam Trung Yên đã có hàng trăm chiến sĩ cảnh sát tham gia chữa cháy với gần chục xe cứu hỏa đến tiếp cứu. Việc cứu chữa rồi cũng chỉ tránh để không cho cháy lan. Bà hỏa đã mạnh, đặc biệt khi có sự tiếp sức của các vật liệu dễ cháy như gỗ, giấy... thì khó có cơ cứu vãn, chưa nói đến những bất cập, hạn chế trong công tác, nghiệp vụ chữa cháy. Như vụ cháy tại Nam Trung Yên, đến nhân viên cửa hàng cơm bên cạnh nghe tiếng cháy thì lửa đã đuổi, chạy thoát lấy thân đã là may.
Sau mỗi vụ cháy nổ, cơ quan chức năng lại truy tìm nguyên nhân, trách nhiệm. Lại vẫn chuyện bất cẩn, thiếu ý thức. Đặc biệt là việc vi phạm pháp luật trong việc PCCC. Đã từng xảy ra vụ nổ, cháy đau lòng vào tháng 2-2013 tiêu hủy sự nghiệp và 11 mạng người trong nhà ông "Phương-khói lửa”, chỉ vì tàng trữ chất dễ nổ cháy trong nhà. Vậy nhưng Công ty Đặng Huỳnh này vẫn tàng trữ hóa chất để sản xuất phân bón trái phép. Những cái chết, hậu họa như đã được báo trước.Vậy nhưng vì lợi nhuận, lòng tham, người ta vẫn cố tình làm. Lại nữa, nhiều khi xảy ra những việc vi phạm pháp luật này, xảy ra cháy nổ cơ quan chính quyền địa phương, lực lượng PCCC có trách nhiệm giám sát, kiểm tra vẫn lại tỏ ra không hay biết? Không biết hay đã cố tình làm ngơ?
Phòng hỏa như cứu hỏa. Từ cơ quan chức năng đến người dân, phải nâng cao trách nhiệm, phải truy cứu trách nhiệm thật nghiêm. Nếu như đêm 18-10 vừa qua lại tiếp tục xảy ra một vụ cháy lớn ở một khu chung cư, xảy ra ở nhà tầng cao thì cơ quan PCCC sẽ xử lý như thế nào? Ngay đối với người dân, khi xảy ra vụ cháy, việc cháy cần phải có ứng xử ra sao. Từ việc kiểm tra lại việc phòng cháy của nhà ở, đơn vị mình cho đến việc tham gia trực tiếp, hơn là hiếu kỳ tập trung chỉ để mà xem, gây ách tắc, khó khăn chính cho công tác PCCC.
Một sự nghiệp, gia tài có thể bị tiêu tan trong phút chốc. Khi kinh tế khó khăn, người ta càng phải gắng giữ gìn. Nhất là thời hiện đại, người ta lắm chuyện phải lo, sinh đãng trí. Một người vào quầy hàng ngắm nghía, so đo, trả giá nhưng khi về lại quên cả gói hàng của mình. Không ít người đi ra khỏi nhà, khỏi cơ quan, công xưởng giật mình vì không biết mình đã tắt bếp ga, tắt quạt, khóa điện hay chưa? Phải luôn luôn cảnh giác với giặc lửa, tuân thủ nghiêm mọi quy định về PCCC. Như một thói quen, ý thức, phản xạ. Nói đi, nói lại, nói mãi vẫn không thừa.
Xin vui lòng liên hệ:
Công ty Cổ phần phòng cháy chữa cháy Kiên Long
Website:
Website:
Bookmarks