Quan sát hiện trường 7 người thiệt mạng trong hỏa hoạn sáng 16/9 tại TP HCM, nhân viên cứu hộ cho rằng, nếu bình tĩnh nạn nhân có thể trổ mái tôn hoặc leo cửa sổ qua nhà bên cạnh mà thoát chết.
Theo chiến sĩ cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy Huỳnh Quang Tâm, trong các vụ hỏa hoạn, đa phần nạn nhân tử vong vì nghẹt thở do khói nhiều hơn là bỏng hay chết cháy. Do đó nguyên tắc đầu tiên là quan sát thật kỹ, tìm mọi cách di tản ra khỏi khu vực nhiễm khói càng nhanh càng tốt và tri hô để mọi người ứng cứu.

chay-cong-ty-sach14-52-28-0000-6018-7726
Giữ bình tĩnh là nguyên tắc quan trọng nhất để thoát khỏi hỏa hoạn. Ảnh: Seatimes.
Theo ông Tâm, khi bị "bà hỏa" tấn công, mọi người thường hoảng loạn và có rất ít thời gian để suy nghĩ. Chính tâm lý đó khiến nạn nhân không đủ tỉnh táo để quan sát tìm ra lối thoát hiểm.

Nhân viên cứu hộ này khuyên, yếu tố quan trọng để con người thoát khỏi đám cháy là bình tĩnh và nhanh nhẹn thực hiện theo đúng phương pháp, kỹ năng thoát nạn để xử lý các tình huống xảy ra. Phải tuân thủ nguyên tắc cúi thấp người khi di chuyển vì khói luôn bay lên cao. Đôi lúc, cần bò dưới sàn nếu lượng khói tập trung nhiều, để tránh ngạt rồi thoát ra ngoài.

Để chống nhiễm khói, nên lấy khăn thấm nước che kín miệng và mũi để lọc không khí khi hít thở hoặc sử dụng mặt nạ chống khói. Muốn thoát ra khỏi đám lửa, dùng chăn, mền nhúng nước trùm lên người và chạy nhanh ra ngoài, tránh để lửa bén vào trang phục.

Cần nhanh chóng di chuyển đến lối thoát nạn an toàn, là lối ra không bị khói, bụi, sản phẩm cháy che phủ, không bị các tác động nguy hiểm của đám cháy uy hiếp tới tính mạng. Lối này có thể là cửa đi, hành lang dẫn tới các khu vực an toàn hoặc lối dẫn tới cầu thang bộ, lối ngang dẫn sang công trình liền kề...

Khi thoát ra ngoài cửa sổ hay hành lang hãy gây chú ý với nhân viên cứu hỏa bằng cách vẫy tay, la hét. Nếu bị lửa làm cháy quần áo, phải ngưng chuyển động, che mặt, nằm xuống và lăn qua, lăn lại cho đến khi lửa được dập tắt. Không được chạy vì gió có thể làm lửa cháy bùng thêm. Không nhảy vào hồ bơi, bể chứa hay thùng nước vì nước có thể bị nấu sôi khi bị lửa tác động.

264ImageViewaspx-8578-1411026190.jpg
Tư thế khom lưng, dùng khăn ướt che miệng và mũi khi di chuyển trong đám cháy.
Ở góc độ khác, một giảng viên khoa Phòng cháy, Đại học Phòng cháy Chữa cháy nhìn nhận, trong những vụ hỏa hoạn, trẻ em thường trở thành nạn nhân đầu tiên bởi các em không biết cách thoát hiểm. Do đó để phòng tránh, ông khuyên các bậc cha mẹ nên giáo dục cho trẻ những kỹ năng thoát hiểm ngay từ khi các em còn nhỏ.

Chẳng hạn, người lớn có thể đặt cho trẻ những bài trắc nghiệm như: Nếu bị kẹt trong đám cháy mà có người lớn, các con sẽ làm gì?

a. Làm theo sự chỉ dẫn của người lớn.

b. Kêu cứu.

c. Khóc lóc ầm ĩ.

Từ những câu hỏi này, cha mẹ có thể dẫn ra các tình huống giúp các bé thực hành kỹ năng thoát hiểm khi gồm:

Kỹ năng một: Nếu bị kẹt trong đám cháy có người lớn bên cạnh, các con phải bình tĩnh làm theo sự chỉ dẫn của người lớn (tất nhiên người lớn cần có kỹ năng thoát nạn).

Kỹ năng 2: Trường hợp ở nhà một mình, hãy chỉ cho bé những lối có thể thoát ra ngoài. Chẳng hạn nếu nhà đơn lẻ chỉ có một cửa ra, đó chính là lối thoát nạn. Nếu nhà có cửa trước và cửa sau đều dẫn ra ngoài thì 2 lối này thoát nạn được. Còn nhà trên tầng, hãy thoát ra bằng cửa vào buồng thang bộ chống nhiễm khói. Dặn bé cố gắng thoát ra ngoài càng nhanh càng tốt. Tuyệt đối không chần chừ mang theo đồ đạc hoặc nán lại gọi cứu hỏa.

Kỹ năng 3: Trường hợp cửa khóa, nếu ngửi thấy mùi khét hoặc trông thấy khói, lửa cháy, phải cố gắng giữ bình tĩnh, kêu gọi sự trợ giúp của người lớn trong gia đình bằng cách hô lớn "Cháy".

Nếu bên cạnh có hàng xóm, bé hãy nhanh chóng gọi họ giúp đỡ. Dùng điện thoại gọi ngay cho đội cứu hỏa, số điện thoại 114 (chỉ bấm 114, không thêm bất cứ số nào khác, rồi làm theo hướng dẫn của các chú). Đồng thời cầm khăn vải sáng màu và di chuyển ra ban công của bất cứ tầng nào của ngôi nhà, tốt nhất lên sân thượng, đứng vào một bên lan can của ban công phía có tường nhà che chắn để kêu cứu.

Kỹ năng 4: Nếu ở nhà cao tầng hoặc khu chung cư, trẻ cần hô hoán báo động, kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người. Trường hợp cháy ở nơi khác, khi có chuông báo cháy thì cần nhanh chóng di chuyển để thoát nạn. Khi di chuyển nên mang theo khăn nhúng nước che mũi, miệng để thở. Nếu thấy các bác, cô, chú hàng xóm đang thoát nạn thì cầu cứu sự giúp đỡ và di chuyển cùng họ, bằng không hãy tự mình di chuyển.

Kỹ năng 5: Nếu ở chung cư, trẻ hãy di chuyển từ cửa căn hộ, theo hành lang, đến cầu thang bộ hay cửa vào buồng thang bộ gần nhất (có chữ EXIT màu xanh). Quan sát không có khói, hãy chạy xuống dưới mặt đất.

Kỹ năng 6: Khi thấy khói ở cầu thang hoặc mở cửa buồng thang có khói, hãy tìm cầu thang bộ hoặc cửa vào buồng thang bộ khác gần đó. Trường hợp toàn bộ đều có khói, hãy trở về căn hộ của mình, dùng điện thoại gọi 114 thông báo con đang ở phòng số mấy của tòa nhà đang cháy. Bên cạnh đó, cần dùng khăn nhúng nước, chèn kín vào khe cửa căn hộ. Sau đó ra cửa sổ, ban công (ra hẳn ngoài ban công, đóng cửa ban công lại), dùng khăn, vải, áo sáng màu (màu đỏ là tốt nhất) vẫy và cầu cứu.

Lưu ý: Nhiều tòa nhà luôn khóa cửa ở tầng thượng thì không nên di chuyển lên trên bởi nếu lối thang bộ bị nhiễm khói, đây là nơi tập trung khói bay lên. Do đó cha mẹ hãy kiểm tra xem lối cầu thang bộ của tòa nhà mình là loại nào.

Kỹ năng 7: Phần lớn nạn nhân thiệt mạng trong các đám cháy do ngạt, ngộ độc khói và khí độc kèm trong khói. Do đó trong quá trình di chuyển thấy khói, hãy dạy bé dùng khăn hay vải thấm nước buộc quanh mặt ra sau tai hoặc bịt lên miệng, mũi để hô hấp. Khi di chuyển cúi người ở tư thế đi khom, hạ thấp hoặc bò sát mặt đất, men theo tường để tìm lối ra.

Nếu gia đình tự trang bị bình chữa cháy mini nên hướng dẫn trẻ cách sử dụng chữa đám lửa nhỏ nếu độ tuổi của bé có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi tốt. Không dạy trẻ dùng nước hắt vào đám lửa đề phòng trường hợp cháy thiết bị điện có thể gây hậu quả lớn.