Hà Nội hiện có cả nghìn chung cư cao tầng với hàng trăm nghìn dân sinh sống, song không phải ai cũng hiểu và biết những kiến thức cơ bản về thoát nạn và đảm bảo an toàn PCCC.
Sau sự cố, lộ ra thiếu sót

Mấy năm gần đây, Hà Nội xảy ra khá nhiều hỏa hoạn từ nhà cao tầng, chung cư. Gần đây nhất là vụ cháy nổ trạm biến áp tại chung cư Xa La, Hà Đông khiến hàng trăm cư dân gặp phen hoảng hồn.

Quận Hà Đông hiện có hàng chục khu chung cư cao tầng nằm trong diện “cấp báo” nguy cơ mất an toàn trong công tác PCCC. Thượng tá Trần Quốc Thường, Phó phòng Cảnh sát PC&CC Hà Đông liệt kê hàng loạt khu chung cư chưa nghiệm thu về PCCC, trong khi người dân đã đến ở từ lâu tại khu đô thị mới Văn Khê, Dương Nội, Xa La…

Ông Nguyễn Văn Nguyên, trú ở tòa nhà CT6A Xa La kể: “Hôm xảy ra sự cố nổ trạm biến áp, người dân của cả 4 tòa nhà đều hoảng loạn. Mọi người không biết phải làm gì trong bóng tối. Có người chạy vào thang máy, có người chạy lên tầng thượng và còn nhiều người không biết chạy đi đâu thì đành “cố thủ” trong phòng”. Khi đi thị sát những tòa nhà chung cư, trả lời câu hỏi về lối thoát hiểm của tòa nhà, nhiều người dân chỉ ngay vào… thang máy. Trong khi theo quy định, khi xảy ra sự cố phải theo đèn exit thoát nạn chứ không được chạy vào thang máy hoặc nơi khác.

“Từ khi toà nhà này đưa vào hoạt động, cư dân chuyển về ở đã được hơn 2 năm nhưng chúng tôi chưa được tập huấn về công tác đảm bảo an toàn PCCC” - ông Nguyễn Đốc Hưng, bảo vệ tòa nhà CT6A, Xa La, Hà Đông nói.

Thượng tá Trần Quốc Thường cho biết: “Theo quy định, phải tập huấn đảm bảo an toàn PCCC cho người dân. Tuy nhiên, tòa nhà CT6A Xa La chưa được nghiệm thu về đảm bảo an toàn PCCC. Hơn 2 năm hoạt động, khu này vẫn chưa thành lập tổ dân phố. Chúng tôi đã xây dựng phương án, kế hoạch tập huấn PCCC, cứu nạn, thoát nạn nhưng vẫn chưa triển khai được”.

Không có cầu thang thoát nạn bên ngoài khu chung cư, mà đây chỉ là lối đi và thoát hiểm ở tầng 2 nối thông giữa 2 tòa nhà A2 và A3

Không có cầu thang thoát nạn bên ngoài khu chung cư, mà đây chỉ là lối đi và thoát hiểm ở tầng 2 nối thông giữa 2 tòa nhà A2 và A3

“Osin” đi tập huấn PCCC

Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Cảnh sát PC&CC Hà Nội khẳng định tầm quan trọng của lực lượng PCCC cơ sở trong việc cứu nạn, cứu hỏa. Đã có hàng trăm buổi tập huấn công tác PCCC tại cơ sở, song vẫn thiếu sức hấp dẫn đối với người tham gia. Người có trách nhiệm tham gia chiếu lệ còn người dân thờ ơ với công tác này.

Khu chung cư Đền Lừ, quận Hoàng Mai có 5 tòa nhà được thiết kế từ 11-17 tầng. Nhưng qua kiểm tra, không một tòa nhà nào đạt tiêu chuẩn về đảm bảo PCCC. Trong tổng số 5 trạm bơm phục vụ cứu hỏa, chỉ có trạm bơm của tòa nhà A3 hoạt động. Đã vậy, pha điện của trạm bơm đấu cùng với tòa nhà là sai quy cách, không còn tác dụng cứu hỏa khi xảy cháy. Thang bộ thoát nạn không có đèn báo thoát hiểm, hộp cứu hỏa kẹt cứng không mở được. Đặc biệt, tòa nhà A2 không có thang bộ thoát hiểm, thoát nạn.

Hệ thống PCCC của khu A3 chung cư Đền Lừ không đạt yêu cầu

Hệ thống PCCC của khu A3 chung cư Đền Lừ không đạt yêu cầu

Khi được hỏi về khả năng ứng biến khi xảy ra sự cố cháy, ông Dương Ngọc Lương, cư dân tầng 7 nhà A 3 khu chung cư cao tầng Đền Lừ hài hước chỉ vào chiếc thang thoát hiểm đã hư hỏng, nói: “Đấy, nếu có xảy cháy thì nhảy xuống… đất thôi”. Còn ông Hoàng Ngọc Hào, cư dân tầng 13, nhà A3 cho biết, bà con về đây ở đã 7 năm rồi nhưng chưa một lần được ai hướng dẫn, chỉ bảo cách thoát nạn khi có sự cố cháy. Ông Chử Văn Tráng, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội nhìn nhận, những tồn tại trên do “lịch sử” để lại. Do đó, những chưng cư cao tầng tại khu Đền Lừ gần như “trắng” về an toàn phòng cháy và chữa cháy.

Bức xúc là thế, song nhiều gia đình vẫn xem nhẹ công tác tập huấn PCCC. Có nhiều gia đình “cử” “osin” hoặc người cao tuổi đi nghe hướng dẫn thoát nạn. Theo Đại tá Nguyễn Văn Sơn, “Lực lượng PCCC rất cần sự phối hợp có trách nhiệm từ cư dân các chung cư cao tầng để hạn chế những hậu quả nếu xảy hỏa hoạn. Bên cạnh đó, vấn đề cốt lõi là các nhà quản lý, chủ đầu tư phải chấp hành nghiêm pháp luật về PCCC…”.
Website: