Sét là một hiện tượng thiên nhiên thường xuất hiện vào những mùa giông bão. Nguồn điện từ tia sét có công suất cực kỳ lớn và có khả năng gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người cũng như các vật dụng, các công trình…
Để phòng tránh các nguy cơ do sét gây ra, nhiều hộ gia đình, nhiều chủ đầu tư, công trình đã lắp đặt hệ thống cột chống sét, bảo vệ an toàn cho công trình, thiết bị và con người.
Cột chống sét có chức năng quan trọng trong hệ thống chống sét, bao gồm:
cột chống sét
- Kim thu sét
- Dây dẫn sét
- Cọc tiếp địa và dây nối đất
- Các vật tư khác (đế và trụ đỡ kim, dây neo….)
Các bộ phận này được hàn nối với nhau, bảo đảm việc truyền toàn bộ dòng điện sét từ kim thu sét xuống đất, có tác dụng bảo vệ công trình, nhà ở… Khi bị sét đánh vào, hệ thống chống sét có tác dụng chuyển ngay dòng điện từ cột chống sét xuống đất một cách nhanh chóng và không phá hủy công trình, không gây nguy hiểm cho con người.
Sét có tính hướng nhiệt và tính hướng âm, cường độ của mỗi tia sét rất khó đoán định. Do đó, để bảo vệ thiết bị điện và gia đình trước, trong và sau mùa mưa bão, nên lắm đặt một hệ thống cầu chì, aptomat chuẩn để tránh hiện tượng cháy, chập, hỏng hóc vật dụng, thiết bị. Khi có mưa giông, nên tắt và rút các thiết bị khỏi ổ cắm (kể cả ăng ten và thiết bị dây nối chảo) để tránh hiện tượng sét nhiễm vào hệ thống điện, gây hư hại và tê liệt hoàn toàn máy móc điện – điện tử ; tránh đứng ở gần cửa, tường nhà và các khu vực ẩm ướt, ao nước…
Cột chống sét thường được đặt trên mái nhà ở vị trí cao và được dây thoát sét dẫn thẳng xuống hệ thống tiếp đất.
Để làm cột chống sét, cần chú ý mấy điểm sau:
- Cột chống sét cần được lắp đặt ở vị trí cao để tăng phạm vi bảo vệ. Tuy nhiên, cũng không nên lắp quá cao vì có thể bị gió bão làm nghiêng hoặc đổ, mất tác dụng và sức chịu lực của cột.
- Đế và trụ đỡ kim thu sét thường làm bằng sét tráng kẽm đường kính 60mm, dài hơn 2m.
- Dây dẫn sét nối từ cột chống sét xuống đất được làm từ dây đồng trần hay các loại cáp thoát sét chống nhiễu (Cáp ERICORE của hãng ERICO).
Tùy vào điều kiện và đặc trưng của từng công trình, nhà ở mà có sự tính toán, thiết kế và lắp đặt cụ thể, bảo đảm mang đến an toàn tối ưu cho công trình và người sử dụng.
Cách phòng chống khi gặp dông sét
Nước ta nằm ở tâm dông của châu Á, một trong ba tâm dông trên thế giới có hoạt động dông, sét mạnh. Cả nước có 820 vụ sét đánh trong mười năm trở lại đây làm nhiều người chết, làm sập nhiều nhà, gián đoạn dịch vụ viễn thông, điện lực… Trong khi đó những kiến thức và đầu tư về hệ thống phòng chống dông sét trong dân cư còn khá là yếu và lạc hậu.
Theo các nhà khoa học, dông là hiện tượng thời tiết kèm theo sấm, chớp. Cơn dông được hình thành khi có khối không khí nóng ẩm chuyển động thăng. Cơn dông có thể kéo dài từ 30 phút đến 12 giờ và có thể trải rộng từ vài chục đến vài trăm km. Ở nước ta mùa dông, sét thường bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc vào tháng 10; có khoảng 100 ngày có dông/ năm. Những cơn dông đầu mùa xảy ra khi có các khối khí giao tranh hoặc cơn dông hình thành sau nhiều ngày nắng nóng thường có nhiều sét.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh (Viện Vật Lý Địa cầu) khi trời sắp xảy ra dông (mây đen, không khí lạnh, gió), biện pháp tránh sét tốt nhất là mọi người nên về nhà có lắp đặt và kiểm định hệ thống chống sét. Khi ở trong nhà, chúng ta nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước, không nên dùng điện thoại, trừ trường hợp rất cần thiết. Nên rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc có dông. Với các đường dây điện thoại hay dây điện vì nối với lưới bên ngoài nên rất có thể bị ảnh hưởng sét đánh lan truyền. Nên tránh xa các dây này và các vật dùng điện với khoảng cách ít nhất là một mét.
Khi ở ngoài trời gặp cơn dông, trong trường hợp không kịp chạy tìm nơi ẩn náu an toàn, tuyệt đối không dùng cây cối làm chỗ trú mưa, tránh các khu vực cao hơn chung quanh, tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, xe máy, hàng rào sắt… Ðồng thời phải tìm chỗ khô ráo. Nếu chung quanh có cây cao hơn thì nên tìm chỗ thấp, tìm vị trí cây thấp. Người ở vị trí càng thấp càng tốt, tay ôm cổ. Phần tiếp xúc của người với mặt đất là ít nhất. Nhón chân, không được nằm xuống đất. Ðứng xa các vật cao, ra ngay khỏi những nơi chứa nước như bãi biển, ao hồ, mương. Các vùng đỉnh núi hay sườn núi nhô cao cũng rất nguy hiểm. Ðặc biệt, không đứng thành nhóm người gần nhau. Nếu như bạn cảm thấy tóc bị dựng lên, thì có thể bị sét đánh bất cứ lúc nào. Lập tức ngồi cúi xuống và lấy tay che tai, không nằm xuống đất hay đặt tay lên đất. Ðối với các vật có bề mặt kim loại như xe buýt, tàu hỏa, ô-tô… nếu không thò người ra ngoài và không chạm đến vỏ bọc thì ở những chỗ này là an toàn. Ngược lại đối với các ô-tô, tàu thủy để hở hay không có vỏ bọc kim loại thì lại nguy hiểm.
Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh tuyên truyền những kiến thức về phòng chống dông sét cho nhân dân, tăng cường đầu tư các hệ thống dự báo sớm going sét và các hệ thống chống sét tại hộ gia đình, các tòa nhà, hệ thống hạ tầng viễn thông và điện lực,… nhằm giảm thiểu tối đa những thiệt hại mà dông sét gây ra.
Bài viết được tổng hợp từ nhiều nguồn - Hi vọng mang lại lợi ích cho các bạn.
Bookmarks