Dự án xây dựng Trung tâm hội nghị quốc gia (HNQG) tại Hà Nội là một công trình lớn, nhận được sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước. Thế nhưng, hiện dư luận đang thắc mắc vì sao ở một gói thầu của công trình này, nhà thầu được chấm điểm kỹ thuật cao nhất, giá chào thấp nhất... lại không trúng thầu?
Gói thầu cung cấp và lắp đặt thiết bị báo cháy, thoát nhiệt, khói và thiết bị chữa cháy cho Trung tâm HNQG được Bộ Xây dựng giao cho Tổng công ty (TCT) xây dựng Hà Nội tổ chức đấu thầu. Hồ sơ thiết kế gói thầu do Liên danh nhà thầu Gmp International GmbH và Inros Iacker AG (Đức) thiết kế và được bán ngày 22/9/2005.
Đã có 9 đơn vị đến mua hồ sơ nhưng đến ngày 7/10/2005, chỉ có 4 đơn vị đến nộp hồ sơ. Sau đó 1 ngày, tổ chấm thầu (gồm 11 người) mở hồ sơ của các đơn vị để chấm và tổ này đã loại 2 nhà thầu do "năng lực tài chính không đáp ứng yêu cầu".
Trong 2 nhà thầu còn lại, Công ty TNHH PCCC Hà Nội được 88 điểm kỹ thuật; giá chào loại cáp dò nhiệt thường là 12,679 tỉ đồng và cáp dò nhiệt laser là 13,85 tỉ đồng; Liên danh Công ty Thăng Long và Công ty TNHH Bình Yên đạt điểm kỹ thuật 86, giá chào cáp dò nhiệt thường là 13,68 tỉ đồng và loại cáp dò nhiệt laser là 14,85 tỉ đồng. Tổ chấm thầu đã thống nhất xếp Công ty TNHH PCCC Hà Nội đứng thứ nhất, đề nghị làm đơn vị trúng thầu.
Thế nhưng theo thông báo của TCT xây dựng Hà Nội, đơn vị trúng thầu lại chính là đơn vị xếp thứ 2 là Liên danh Công ty Thăng Long với Công ty TNHH Bình Yên. Lý do loại nhà thầu xếp thứ nhất được đưa ra dựa trên ý kiến của phía tư vấn thiết kế.
Theo tư vấn thì Công ty TNHH PCCC Hà Nội đã đưa ra giải pháp kỹ thuật không giống với yêu cầu thiết kế. Tổ chấm thầu đã mời Công ty TNHH PCCC Hà Nội giải trình và công ty này chứng minh giải pháp kỹ thuật của Hãng Hochiki (Nhật Bản) không hề làm thay đổi thiết kế ban đầu.
Sau đó, Ban quản lý dự án cũng đã có Công văn số 1011 cho rằng, vẫn có thể áp dụng giải pháp như nhà thầu này đưa ra với điều kiện không ảnh hưởng tới kiến trúc, công năng của tòa nhà, ổn định hệ thống, thông báo đầy đủ, rõ ràng, thông tin báo cháy... Tuy nhiên, cuối cùng Công ty TNHH PCCC cũng không được xét trúng thầu.
Do có khiếu kiện từ công ty trượt thầu, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C15) của Bộ Công an đã vào cuộc và khẳng định, công tác chấm thầu của TCT xây dựng Hà Nội là đúng các quy định hiện hành. Tuy nhiên, việc TCT này lại chỉ căn cứ vào ý kiến của tư vấn thiết kế để loại bỏ nhà thầu - Công ty TNHH PCCC Hà Nội là trái với quy định của Luật Xây dựng và Quy chế đấu thầu.
Ngày 17/1/2006, Cục C15 đã có công văn gửi Ban quản lý dự án đầu tư - xây dựng nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới), TCT xây dựng Hà Nội cho rằng việc TCT xây dựng Hà Nội loại bỏ nhà thầu Công ty TNHH PCCC Hà Nội là "trái các quy định của quy chế đấu thầu..." đồng thời yêu cầu các cơ quan trên phải quyết định chọn thầu đúng quy định, tránh gây thiệt hại tài sản Nhà nước. Tuy nhiên, đến nay, Liên danh nhà thầu Công ty Thăng Long và Công ty TNHH Bình Yên vẫn được xét trúng thầu và đã ký hợp đồng triển khai gói thầu trên.
Trả lời báo chí, một chuyên gia trong Tổ tư vấn chấm thầu cho biết, 11 thành viên của tổ chấm thầu này vẫn bảo lưu quan điểm không chấm thầu lại do việc chấm thầu trước đó là hoàn toàn đúng và khẳng định các giải pháp kỹ thuật của Công ty PCCC Hà Nội đưa ra là hoàn toàn đạt yêu cầu và nếu chọn nhà thầu này sẽ tiết kiệm cho Nhà nước hơn 1 tỉ đồng.
Các chuyên gia này cũng tỏ ý nghi ngờ về năng lực của phía tư vấn thiết kế do phía tư vấn thiết kế thực chất không có kỹ sư thiết kế nước ngoài, không có chuyên gia về PCCC nước ngoài như yêu cầu mà chỉ sau khi ký được hợp đồng mới đi thuê, mượn về làm việc.
Hợp đồng thi công, lắp đặt hệ thống PCCC cho Trung tâm HNQG đã được ký và cho dù yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công hạng mục này để phục vụ tiến độ chung của toàn bộ công trình là cấp thiết. Nhưng không phải vì thế mà có thể chấp nhận những việc làm trái quy định, trái pháp luật, khiến ngân sách bị thất thoát, lãng phí...
Theo Báo Thanh niên
Bookmarks