Sau hơn 20 năm làm đạo diễn bộ phim truyền hình “Tây Du Ký” (1986), nữ đạo diễn Dương Khiết quyết định thực hiện cuốn hồi ký “Ôn giấc mộng xưa”, nhớ lại quá trình làm phim Tây Du Ký. Trong đó có những chuyện hậu trường thú vị chưa từng được kể.
Cuốn sách đã được xuất bản cuối năm 2012, ghi lại chi tiết những kỷ niệm hậu trường mà đạo diễn Dương Khiết đã trải qua cùng đoàn làm phim, những vui – buồn, yêu thương – giận dỗi xảy ra trong đoàn.

Có lúc tất cả mọi người cùng mệt mỏi, chán nản nhưng sau đó lòng yêu nghề đã giúp họ có đủ động lực để tiếp tục tiến bước, làm nên một bộ phim huyền thoại của dòng phim truyền hình Trung Quốc, đi vào lòng khán giả suốt hơn 20 năm qua.

Nói tới “Tây du ký”, những người trong nghề, những bậc lão thành trong giới làm phim Trung Quốc thường nhắc ngay tới tinh thần lao động siêng năng, sức sáng tạo không mệt mỏi cùng sự vô tư cống hiến của những con người đã làm nên bộ phim thần kỳ “Tây Du Ký”.

Cát-xê bèo bọt của đoàn làm phim “Tây du ký”



25 tập phim “Tây du ký” (1986) quay suốt 6 năm trời, không chỉ ghi hình tại Trung Quốc mà còn sang cả những nước lân cận để quay ngoại cảnh, vậy mà tổng chi phí sản xuất chưa tới 6 triệu tệ (tương đương 20,4 tỉ VND).

Để đạt được điều này, cả đoàn phim đã phải thắt lưng buộc bụng để tiết kiệm tối đa mọi chi phí. Hàng ngày, mỗi nhân viên và diễn viên chỉ được phát 5 hào để chi dùng lặt vặt trong ngày. Về cát-xê, “khủng” nhất là vai diễn của Lục Tiểu Linh Đồng, ông được trả 100 tệ một tập (tương đương 340.000 VND).

Tuy vậy, dù thù lao thấp, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn nhưng Tây du ký (1986) vẫn thu hút rất đông nghệ sĩ tham gia, trong đó có không ít những tên tuổi lớn của điện ảnh Trung Quốc bấy giờ. Tất cả họ đều tham gia với tinh thần yêu nghệ thuật, không hề quan tâm tới tiền bạc.

Cả đoàn từng phải ăn bánh bao mốc đựng trong túi chứa phân



Địa điểm quay ngoại cảnh cho tập phim về Hồng Hài Nhi được đặt ở khu rừng nguyên sinh thuộc vùng núi Trường Bạch của tỉnh Cát Lâm. Cả đoàn quyết định ở lại một lâm trường đặt trong rừng và nhờ nhà bếp lâm trường chuẩn bị bữa ăn cho cả đoàn.

Tuy vậy, sang đến ngày thứ hai, có người trong đoàn phát hiện ra bánh bao mang tới cho đoàn ăn được đựng trong bao tải chứa phân hóa học. Nhiều chiếc còn xuất hiện đốm xanh vì nấm mốc, mọc lông tua tủa. Đoàn liền góp ý với nhà bếp nhưng qua mấy ngày sau, tình hình vẫn không được cải thiện. Tìm hiểu kỹ thì ngay các nhân viên trong lâm trường cũng ăn như vậy.

Chẳng còn cách nào khác, ở đây điều kiện sống của họ thiếu thốn. Mọi người đành cố ăn và loại đi những chiếc bánh bao mốc. Ai bị đau bụng thì tự uống thuốc. Cả đoàn gấp rút quay phim để sớm thoát khỏi những bữa bánh bao nghẹn ứ vì kinh hãi.

Hồng Hài Nhi xấu hổ, không chịu ở truồng



Nam diễn viên nhí đóng vai Hồng Hài Nhi là do thư ký trường quay Vu Hồng (cũng chính là vợ của nam diễn viên chính Lục Tiểu Linh Đồng) tìm ra. Tuy vậy, vì sợ để bố mẹ cậu bé đi theo đoàn sẽ xót con mà không cho cậu bé đóng phim nữa nên đoàn đã khéo léo thuyết phục để bố mẹ cậu bé Triệu Hâm Bồi đồng ý giao con trai cho đoàn làm phim.

Tập phim có sự xuất hiện của Hồng Hài Nhi được quay trong rừng, đến sát ngày quay, Hâm Bồi mới biết nhân vật Hồng Hài Nhi chỉ mặc độc một mảnh yếm và không mặc quần, cậu kiên quyết không chịu. Cuối cùng, đoàn làm phim đành phải thỏa hiệp bằng cách yêu cầu các nữ diễn viên và nữ nhân viên lánh đi hết, chỉ có đạo diễn nữ Dương Khiết và các anh em nam diễn viên được ở lại đóng cùng Hồng Hài Nhi.

Chính vì không được mặc quần áo dài nên Hồng Hài Nhi là diễn viên phải chịu khổ nhất trong tập này, em bị côn trùng cắn mẩn đỏ khắp người. Sau mỗi cảnh quay, cả đoàn lại xúm vào bôi thuốc cho cậu bé nhưng tuyệt nhiên Hâm Bồi không than thở nửa tiếng. Ngược lại, em rất thích được đóng phim và luôn vui vẻ, phấn khích khi được đi diễn cùng đoàn.

Đoàn làm phim bị nghi chứa chấp tù nhân vượt ngục



Khi quay tập “Ngọa khởi Quan Âm viện” ở Phúc Châu, vì thiếu diễn viên quần chúng vào vai hòa thượng, tất cả nhân viên phục vụ trong đoàn đều được huy động tham gia, ai nấy đều phải cạo trọc đầu. Ngày đó, chỉ những thành phần bất hảo mới để đầu trọc. Vì vậy, chuyện phải cạo trọc đầu là một sự hy sinh đáng quý của các thành viên.

Sau khi quay xong tập phim, cả đoàn được phát mũ lưỡi trai để che đầu trọc và tiếp tục lên đường tới Hải Nam. Ở Hải Khẩu, xe bị cảnh sát biên phòng chặn lại. Họ lăm lăm tay súng, mặt mũi nghiêm trọng ra hiệu dừng xe.

Một tốp cảnh sát lên xe yêu cầu mọi người bỏ mũ thì phát hoảng khi thấy cả xe đều đầu trắng hếu, chủ nhiệm sản xuất lúc này mới nhẹ nhàng giải thích khiến các nhân viên cảnh sát vô cùng hứng thú. Sau khi lần lượt xem mặt bốn thầy trò Đường Tăng, xe được cho đi tiếp.

Hóa ra trước đó ở khu vực này vừa có tù nhân vượt ngục, lúc xe đang chạy, có một thành viên trong đoàn thò đầu qua cửa sổ xe để lộ đầu trọc khiến cảnh sát nghi là phạm nhân.

Khỉ con ở Hoa Quả Sơn trở thành cậu bé vàng của thể thao Trung Quốc



Vai bầy khỉ con ở Hoa Quả Sơn được giao cho đám trẻ ở đội thể thao chuyên nghiệp của tỉnh Hồ Nam. Được đóng phim, lũ trẻ hiếu động nghịch ngợm vô cùng, đúng như một bầy khỉ. Cảnh quay khi đó được thực hiện tại khu hang động.

Mỗi khi quay xong, lũ trẻ lại chạy tán loạn, nô đùa ầm ĩ cả động. Trong số này có một cậu bé, tuy nhỏ con nhất nhưng lại nghịch ngợm nhất, chỉ vì nhảy quá cao mà có lần đầu cậu va vào nhũ đá mọc rủ từ trên trần hang xuống, rách cả đầu, máu chảy ồ ạt.

Cả đoàn làm phim hốt hoảng, gấp rút đưa cậu bé đi bệnh viện và phải khâu liền 20 mũi. Cậu bé này là Hùng Nghê, về sau đã trở thành quán quân thế giới môn nhảy cầu tại 3 kỳ Thế vận hội Olympic 1988, 1996 và 2000.