Trong công tác khám nghiệm hiện trường cháy nổ nói riêng và công tác điều tra nguyên nhân cháy nói chung, lời khai nhân chứng có ý nghĩa rất quan trọng. Đối với một vài vụ cháy nó có thể quyết định tới sự thành công, thất bại hay tiến độ nhanh - chậm của các hoạt động điều tra.

Một số trường hợp sau khi ngọn lửa hung dữ tràn qua, dường như mọi thứ đều biến thành than tro, phế liệu, chưa kể tới những cột nước xối xả được phun vào chữa cháy sẽ cuốn trôi đi rất nhiều thứ “đối mặt” với nó. Những mẩu tàn thuốc lá, que nhang, đèn cầy hoặc chiếc hộp quẹt, chút mồi lửa… hay thậm chí cả những thiết bị, dây dẫn điện cũng chẳng còn lại gì ngoài chút kim loại, muội than. Trong trường hợp như vậy, lời khai nhân chứng sẽ là chìa khoá để cơ quan chức năng tìm ra manh mối xác định nguyên nhân cháy. Ngoài ra nó còn giúp xác định vùng cháy đầu tiên, điểm phát cháy hay chất cháy và nguồn nhiệt. Lời khai người làm chứng có ý nghĩa như vậy song trong một số vụ cháy vì muốn che dấu những vi phạm của mình hoặc muốn đẩy trách nhiệm cho người khác hay một lý do nào khác mà người làm chứng đã khai báo gian dối, gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều tra. Có lẽ đinh ninh rằng sau khi cháy, mọi dấu vết sẽ chẳng còn chi, cơ quan chức năng sẽ không tìm thấy gì ngoài tàn tro, phế liệu và những lỗi của họ sẽ chìm trong im lặng. Tuy nhiên sự thật khách quan thì luôn tồn tại bên ngoài ý thức của con người, sau quá trình khám nghiệm hiện trường kiên trì, cẩn trọng, bằng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và đôi mắt kinh nghiệm, cán bộ khám nghiệm đã tìm ra dấu vết chứng minh nguyên nhân cháy từ trong những đống hỗn độn vô tri kia. Điển hình là vụ cháy tại Công Ty Pou Yuen ở phường Tân Tạo, quận Bình Tân ngày 15/5/2013 hay vụ cháy tại công ty TNHH Greystone Data System ở KCX Linh Trung II, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức ngày 19/5/2013. Trong các vụ cháy này, nhân viên của các công ty đều khẳng định sau khi hết giờ làm đã tắt hết các công tắc điện, cúp cầu dao điện và kiểm tra lại kỹ càng nơi làm việc trước khi ra về. Song qua công tác khám nghiệm hiện trường đã phát hiện nhiều dấu vết chứng minh trước và trong khi cháy tại hiện trường có điện, nguồn điện chỉ bị ngắt sau khi cháy gây chập dây dẫn làm nhảy cầu dao tự động. Từ những chứng cứ không thể chối cãi được đó, cuối cùng các nhân chứng phải thừa nhận là khi ra về chưa cúp cầu dao điện hoặc không nhớ là cúp hay chưa.

Trên đây chúng tôi mới chỉ nêu lên một vài trường hợp nhân chứng khai báo gian dối trong các vụ cháy gần đây. Quá trình tiến hành một số hoạt động điều tra từ trước tới giờ, tình trạng khai báo gian dối hay từ chối khai báo vẫn luôn là vấn đề gây “đau đầu” cho các cán bộ điều tra. Việc điều tra nguyên nhân cháy là yếu tố tiên quyết để xử lý các vụ cháy được đúng đắn, kịp thời, giúp cơ sở, công ty, hộ gia đình nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, giúp các hợp đồng bảo hiểm được giải quyết mau lẹ. Tuy nhiên, vì sự nhận thức hạn chế hoặc sợ trách nhiệm mà một số nhân chứng đã không chịu khai báo hoặc khai báo không đúng sự thật, điều đó vô hình chung gây trở ngại cho hoạt động sản xuất kinh doanh của chính cơ sở, công ty của họ. Sau các trường hợp nêu trên, hy vọng rồi đây khi tiến hành điều tra các vụ cháy, nổ, chúng tôi sẽ nhận được sự hợp tác đầy đủ, trung thực của các cơ sở, công ty và các nhân chứng, từ đó giúp việc điều tra vụ cháy, nổ được chính xác, nhanh gọn.

Theo Sở CS PC&CC TP.HCM