Nhằm tăng cường cấp bách các biện pháp đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, kéo giảm số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra.
Phòng Cảnh sát PC&CC Quận 1 đề nghị Chủ các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Quận 1, Quận 10 tổ chức thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC, trong đó tập trung một số nội dung sau:
1. Thực hiện nghiêm túc quy định về trách nhiệm phòng cháy và chữa cháy của người đứng đầu cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 3 Nghị định 35/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy.
2. Chấp hành nghiêm túc các quy định trong TCVN 4530-1998 “Cửa hàng xăng dầu – Yêu cầu thiết kế”; Quyết định số 17/2012/QĐ-UBND ngày 09/5/2012 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc sửa chữa, nâng cấp, xây dựng lại cửa hàng xăng dầu hiện hữu đã hoạt động từ 16/3/2007 trở về trước tại Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Kiện toàn, bổ sung hồ sơ theo dõi, quản lý công tác PCCC theo quy định tại Mục I Thông tư 04/2004/TT-BCA ngày 31/3/2004 của Bộ Công an.
4. Trong mọi trường hợp, cửa hàng có tổng dung tích xăng dầu không lớn hơn 150m3.
5. Quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt trong khu vực cửa hàng. Khoảng cách tối thiểu từ trụ bơm, bể chứa của cửa hàng cấp 1, 2, 3 tới khu vực phát sinh lửa, tia lửa tối thiểu lần lượt là 30m, 25m và 18m theo quy định.
6. Các khu vực bể chứa xăng dầu, họng nạp, van thở, cột bơm, nơi chứa và bán dầu mỡ nhờn trong nhà hệ thống điện phải là loại phòng nổ theo quy định. Dây dẫn và cáp điện đi trong các khu vực cửa hàng xăng dầu nhất thiết phải luồn trong ống thép, các ống này được nối với nhau bằng ren. Khi nối hoặc chia nhánh dây dẫn, dây cáp phải dung hộp nối dây và hộp chia dây phòng nổ.
Dây dẫn và cáp điện cho các khu vưc khác phải sử dụng loại ruột đồng, cách điện bằng nhựa tổng hợp.
Đường dây dẫn điện trên cột phải cách cột bơm, bể chứa ít nhất 1,5 lần chiều cao cột điện.
7. Các khu vực, hạng mục của cửa hàng đều phải được bảo vệ bằng hệ thống chống sét đánh thẳng có điện trở nối đất không vượt quá 10 ôm. Tổ chức kiểm tra, đo đếm định kỳ hệ thống chống sét trước mùa mưa theo quy định của TCXDVN 46:2007 “Hệ thống chống sét công trình xây dựng – Hướng dẫn thiết kế, kiểm tra và bảo trì hệ thống”. Các kết cấu bằng kim loại trong khu vực cửa hàng phải được nối đất an toàn chống tĩnh điện theo quy định.
8. Tùy theo quy mô cửa hàng phải trang bị phương tiện đầy đủ theo quy định của TCVN 4530-1998 “Cửa hàng xăng dầu – Yêu cầu thiết kế”. Phương tiện PCCC gồm Bình chữa cháy, cát, xẻng, chăn sợi, phuy hoặc bể chứa nước. Các phương tiện PCCC phải được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ theo quy định TCVN 3890:2009.
9. Cửa hàng phải cách lộ giới (chỉ giới đường đỏ) ít nhất 5 m (tính từ tâm cột bơm), khoảng cách an toàn từ tâm cột bơm của cửa hàng xăng dầu đến chân các công trình công cộng tụ họp đông người (trường học, chợ trong hệ thống quy hoạch của thành phố và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt) tối thiểu là 25 m. Khoảng cách giữa cột bơm và bể chứa với các công trình lân cận ngoài cửa hàng, khoảng cách giữa các hạng mục trong cửa hàng phải đảm theo quy định của TCVN 4530-1998 “Cửa hàng xăng dầu – Yêu cầu thiết kế”.
10. Trong cửa hàng xăng dầu cần thiết phải lắp đặt hệ thống thu hồi hơi xăng dầu, họng nạp kín, van thở, thiết bị ngăn lửa theo đúng quy định nhằm hạn chế hơi xăng, dầu thoát ra môi trường bên ngoài và khả năng cháy lửa, ngăn cháy khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
11. Tất cả các cửa hàng xăng dầu phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo quy định của Nghị định 130/2006/NĐ-CP “Quy định chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc”.
12. Tại cửa hàng phải được niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc theo quy định.
13. Tăng cường công tác tự kiểm tra an toàn PC&CC. Trong đó tập trung kiểm tra hệ thống điện, việc sử dụng nguồn lửa nguồn nhiệt, khả năng hoạt động của phương tiện PCCC tại chỗ, khả năng xử lý của lực lượng PCCC cơ sở, việc chấp hành các quy định an toàn PCCC của CBCNV và khách hàng trong quá trình hoạt động, kinh doanh, vận chuyển và xuất nhập xăng dầu…
14. Củng cố lực lượng PCCC cơ sở. Tổ chức tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố cháy, nổ xảy ra. Tất cả nhân viên làm việc tại cửa hàng đều phải được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và được cấp “Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC” theo quy định.
15. Thường xuyên bổ sung phương án chữa cháy – cứu hộ phù hợp với điều kiện thực tế. Tổ chức thực tập phương án chữa cháy - cứu hộ hàng năm theo quy định của Thông tư 04/2004/TT-BCA của Bộ Công an.
16. Không được phép xuất nhập xăng dầu trong khoảng thời gian từ 06 giờ 00 đến 21 giờ 00. Khi tổ chức xuất nhập xăng, dầu phải ngừng kinh doanh và tổ chức thông báo cảnh giới, bố trí lực lượng, phương tiện PCCC xử lý hiệu quả khi có cháy, nổ xảy ra.
17. Khi xảy ra cháy nổ, tổ chức chữa cháy kịp thời, phát huy phương châm 4 tại chỗ “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ”, đồng thời nhanh chóng báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PC&CC chuyên nghiệp theo số 114 để có những biện pháp chữa cháy hiệu quả, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra.
Trên đây là các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC đối với các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Quận 1, Quận 10. Phòng Cảnh sát PC&CC Quận 1 đề nghị chủ các cửa hàng kinh doanh xăng dầu tổ chức thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các biện pháp an toàn PCCC trên.
Theo Sở CS PC&CC TP.HCM
Bookmarks