PDA

View Full Version : Chống "giặc lửa" - Câu chuyện về lòng quả cảm



decomoto
05-20-2012, 11:17 PM
Những câu chuyện về lòng dũng cảm của lính chữa cháy có lẽ như "chuyện thường ngày", chẳng bao giờ kể hết. Nơi có tính mạng con người đang "ngàn cân treo sợi tóc", nơi tài sản của Nhà nước, nhân dân có nguy cơ bị thiệt hại lớn, nơi khói bụi, lửa cháy… chính là môi trường làm việc của người lính PCCC.

Sau cú điện thoại tới số máy 114, những chiếc xe chữa cháy đỏ rực lao đi với tiếng còi hụ vang xa, gấp gáp. Những người lính chữa cháy đã sẵn sàng nhảy vào lửa, cứu người và tài sản. Sự linh hoạt, lòng dũng cảm của họ đã được tôi luyện từ chính những quầng lửa nóng bỏng ấy.

Những câu chuyện về lòng dũng cảm

Thuở nhỏ, đọc truyện "Những tấm lòng cao cả", tôi cứ ấn tượng mãi về những người lính chữa cháy dũng cảm. Bây giờ, khi tiếp xúc với lính chữa cháy thực thụ, tôi như được trở lại cảm xúc hồi thơ bé, ngưỡng mộ, khâm phục lòng dũng cảm, sự nhanh trí của những người lính khi tham gia cứu chữa đám cháy.

Trung tá Ngụy Xuân Trường, Đội phó Đội Cảnh sát PCCC Hoàng Mai (Hà Nội) đã có thâm niên hơn 30 năm trong nghề chữa cháy nhớ lại những kỷ niệm không thể quên. Anh kể: "Tôi đã chết hụt 4 lần". Vụ cháy bông trên phố Bạch Mai nhiều năm trước để lại ấn tượng sâu sắc trong anh. Khi nhận tin báo có vụ cháy bông trên phố Bạch Mai, lực lượng chữa cháy được huy động đến kịp thời. Hiện trường là một ngôi nhà 4 tầng, có duy nhất một cửa ra ban công. Chiếc thang phải đặt đúng vị trí này thì lính chữa cháy mới leo vào bên trong được.

Khi anh Trường ôm vòi nước leo lên được chiếc thang đến tầng 4 thì đột ngột người phía trong nhà đẩy cửa chạy ra. Chiếc thang mất điểm tì, đổ nghiêng sang một bên. Người đứng bên dưới bàng hoàng. Nhưng may sao, thấy có đường ống nước cố định ở tầng 3, trong khoảnh khắc anh bám được ống nước rồi lăn vào phía trong lan can tầng 3, tay vẫn ôm vòi nước. Quên mất cả sự nguy hiểm suýt mất tính mạng, anh tiếp tục ôm vòi chạy cầu thang bộ lên tầng 4, thả xuống cho đồng đội nối với xe nước chữa cháy.

Vụ cháy vũ trường Màu Hồng trên phố Hàng Chiếu cũng để lại một dư âm dài trong tâm trí của người dân, cũng như những chiến sỹ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC). Trung tá Trường nhớ lại: Vũ trường là một mặt sàn rộng, tuy chỉ một tầng nhưng khá cao. Khi xảy ra cháy, cả vũ trường như một lò bát quái với lửa cháy rừng rực, sức nóng khủng khiếp.

Khi lực lượng chữa cháy vào đến cửa, tấm kính đột ngột vỡ tung, một luồng lửa đỏ như vòi rồng bùng ra phía ngoài (hiện tượng này được lý giải là do lửa cháy bên trong đốt hết ôxy, khi tấm kính vỡ do không chịu nổi nhiệt, lượng lớn ôxy từ bên ngoài ùa vào, lửa trào ra).


http://antgct.cand.com.vn/Uploaded_ANTGCT/linhchi1/12_cs2160-400.jpg


Cảnh sát PCCC chữa cháy một garage trên đê Yên Phụ, Hà Nội.

Ngay lập tức, anh Trường kéo một đồng đội của mình là Tuấn Anh nằm bẹp xuống đường, cắm đầu vào hố ga trước cửa vũ trường để ngọn lửa tràn qua rồi sau đó chạy vào bên trong làm nhiệm vụ. Do nhanh trí hành động nên hai anh đã thoát nạn trong gang tấc. Người dân chứng kiến tình huống xử trí ấy đã không khỏi thán phục.

Những câu chuyện về lòng dũng cảm của lính chữa cháy có lẽ như "chuyện thường ngày", chẳng bao giờ kể hết. Nơi có tính mạng con người đang "ngàn cân treo sợi tóc", nơi tài sản của Nhà nước, nhân dân có nguy cơ bị thiệt hại lớn, nơi khói bụi, lửa cháy… chính là môi trường làm việc của người lính PCCC. Bởi thế, chuyện tai nạn nghề nghiệp của các anh cũng xảy ra như cơm bữa.

Ví như, khi đi trong đám cháy, đinh xuyên qua ủng vào chân người lính chữa cháy là rất dễ xảy ra. Hay như gần đây, trong quá trình chữa cháy chùa Tảo Sách (quận Tây Hồ) thời gian đầu năm, mái ngói gian Tam Bảo đã bị sập làm 3 chiến sĩ của Đội Cảnh sát PCCC Bắc Thăng Long gồm đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, 21 tuổi; Đỗ Mạnh Đức, 24 tuổi; Nguyễn Quang Thuấn, 22 tuổi, bị thương… Cuộc chiến giành giật tài sản, tính mạng con người từ tay thần lửa lúc nào cũng gấp gáp, quyết liệt, cần sự dũng cảm, lòng yêu nghề, quý người, quý tài sản của mỗi chiến sỹ PCCC.

Ghi tại trung tâm chỉ huy

Trung tâm chỉ huy điều hành công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên phố Phan Chu Trinh, Hà Nội luôn duy trì lực lượng ứng trực 24/24 giờ. Tấm bảng điện tử lớn choán hết cả một bức tường hiển thị thông số về 14 đơn vị chiến đấu thuộc Phòng Cảnh sát PCCC. Trên tấm bảng này có số lượng cán bộ, chiến sỹ của từng đơn vị đang trực, số lượng xe trực (trong đó có xe chữa cháy, xe thang…), danh sách cán bộ kiểm tra, tên chỉ huy trực và cả số điện thoại liên lạc tới từng đơn vị trên các địa bàn. Ngồi trước bảng điện tử, các chiến sỹ trực tiếp nhận thông tin báo cháy luôn trong tư thế sẵn sàng xử lý thông tin.

Khi trung tâm nhận điện thoại báo cháy, việc đầu tiên là sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để xác định địa điểm cháy thật, báo cho đơn vị chiến đấu. Khi đơn vị chiến đấu xuất quân cũng là lúc cán bộ trực tại trung tâm phải kiểm tra trên máy tính tìm con đường đến hiện trường nhanh nhất, liên lạc bộ đàm hướng dẫn lái xe. Tiếp theo, công việc xác định trụ nước ở gần hiện trường cũng được tìm trên hệ thống máy tính và thông báo qua bộ đàm trực tiếp tới xe chữa cháy… Toàn bộ công việc ấy được diễn ra trong thời gian cực ngắn.

Để giúp phóng viên hiểu rõ hơn về quy trình này, Thượng tá Tô Mạnh Thắng, Đội phó Đội Tổng hợp, Phòng Cảnh sát PCCC đề nghị chúng tôi đưa một địa chỉ giả định có cháy. Và chỉ chưa đầy một phút sau, các anh đã xác định được chính xác địa chỉ, vị trí có họng nước gần nhất, đơn vị chữa cháy gần nhất và đường đi ngắn nhất cho xe và lính chữa cháy. Khi xảy ra cháy, phương pháp xử lý thông tin linh hoạt, triển khai quân nhanh chóng như thế sẽ giúp lực lượng PCCC đến hiện trường nhanh nhất, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người cũng như tài sản.

Đặc thù công việc được coi như "ngồi trên chảo lửa" như vậy, thế mà cũng có nhiều người lấy đó làm trò đùa. Thượng tá Thắng cho biết, mỗi ngày trung tâm nhận tới vài trăm cuộc điện thoại. Nhưng phần lớn là tin hoang báo, trêu đùa. Nếu nhân lên một tháng, số cuộc điện thoại gọi đến phải tới vài nghìn. Trong tháng 6, trung tâm tiếp nhận 64 tin báo cháy thật trên tổng số vài nghìn tin báo. Thế nên, khi nhận thông tin, các anh phải xử lý chuẩn để xuất quân cho chuẩn. Có những số máy gọi đến theo kiểu hoang báo liên tục sẽ bị đưa vào "danh sách đen", vĩnh viễn không gọi báo cháy cho số 114 được. Tuy nhiên, việc đưa số điện thoại vào "danh sách đen" cũng phải hạn chế tối đa.

Chỉ huy gương mẫu, chiến sỹ tuân thủ mệnh lệnh

Có mặt tại Đội Cảnh sát PCCC Hoàng Mai, một đơn vị chiến đấu trẻ (mới thành lập tháng 4/2010), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng về điều kiện làm việc và sinh hoạt của các cán bộ, chiến sỹ ở đây. Trụ sở của Đội là nơi mượn tạm tầng hai của tòa nhà chung cư 18 tầng Đền Lừ nên phòng làm việc cũng chỉ là tạm bợ, được ngăn bằng gỗ ép. Thế nhưng, khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, đơn vị được đánh giá cao trong công tác chuyên môn. Đội có gần 80 cán bộ, chiến sỹ thì có đến hơn 50 chiến sỹ nghĩa vụ, ăn ở, làm việc tập trung tại đây.


http://www.cand.com.vn/Uploaded_CANDONLINE/anhtu1/anhtu1/anhtu1/nguyenbinh/1-canh2160-450.jpg


Cảnh sát PCCC Công an Hà Nội dập tắt đám cháy tại một xưởng sản xuất ở Hà Đông (Hà Nội).


Công tác huấn luyện chuyên môn, việc chấp hành điều lệnh và xây dựng nếp sống văn hóa, giữ mối quan hệ tốt với khu dân cư… luôn được lãnh đạo đơn vị coi trọng. Phòng tiếp dân cũng được chú ý chỉnh trang để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân đến làm việc. Bởi vậy, ngoài việc làm tốt chuyên môn, các chiến sỹ của đội còn được khen thưởng với thành tích khác như hiến máu nhân đạo, nhặt được của rơi trả người đánh mất…

Ngoài việc chữa cháy, Phòng Cảnh sát PCCC còn có nhiệm vụ giải quyết các thủ tục hành chính khác. Trung tá Lê Ngọc Thanh, Đội trưởng Đội Chính trị Hậu cần cho biết, Phòng có 12 đầu mối giải quyết thủ tục hành chính, 14 đầu mối chiến đấu gồm 10 Đội PCCC khu vực và 4 đơn vị trực thuộc. Phòng có hơn 1.000 cán bộ, chiến sỹ, trong đó có tới hơn 600 chiến sỹ nghĩa vụ. Với đặc điểm quân số như vậy, công tác kiểm tra, chấp hành kỷ luật của ngành luôn phải được chú trọng. Lãnh đạo Phòng cũng luôn nhắc cán bộ, chiến sỹ phải giữ đúng tư thế, tác phong trong quá trình công tác, kể cả khi chiến đấu chống giặc lửa. Khi chiến đấu, cán bộ, chiến sỹ phải tuân thủ mệnh lệnh người chỉ huy.

Trung tá Trường cũng khẳng định: "Trong lực lượng Công an, đặc biệt là khi triển khai chữa cháy phải "quân lệnh như sơn". Mọi cán bộ, chiến sỹ phải tuân thủ mệnh lệnh của người chỉ huy. Mệnh lệnh sai thì người chỉ huy phải chịu trách nhiệm với tổ chức. Đồng thời, người chỉ huy phải gương mẫu, phải thể hiện được tinh thần dũng cảm ở nơi nguy hiểm nhất". Có lẽ, nguyên tắc đó đã giúp lực lượng Cảnh sát PCCC Thủ đô có phát huy sức mạnh, trưởng thành cùng thời gian.

Hà Nội hiện đã có quyết định thành lập Sở Cảnh sát PCCC. Dự kiến ngày 1/7, Sở Cảnh sát PCCC sẽ chính thức ra mắt và hoạt động với bộ máy mới. Các cán bộ, chiến sỹ PCCC sẽ có thêm một nhiệm vụ mới là cứu nạn, cứu hộ. Dù ở cương vị nào, nhiệm vụ nào thì trong mỗi cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát PCCC vẫn nêu cao tinh thần trách nhiệm, trên hết là lòng dũng cảm, quyết tâm bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.



Theo CAND