PDA

View Full Version : An toàn PCCC đối với xe ô tô



Khanh114
04-25-2012, 02:59 PM
ĐẶC TÍNH NGUY HIỂM CHÁY Ô TÔ

- Bản thân ô tô có tính nguy hiểm cháy nổ cao do sử dụng nhiên liệu là xăng, dầu. Nội thất và nhiều chi tiết khác trên xe là chất dễ cháy; đa số hàng hóa chuyên chở trên xe là chất dễ cháy, thậm chí rất dễ cháy nổ.

- Trên xe luôn tồn tại khả năng phát sinh nguồn nhiệt từ hệ thống điện, khí thải động cơ, thành máy, hệ thống điều hòa, hành khách hút thuốc…

- Cháy có thể xảy ra cả khi xe đang chạy và khi xe đang đậu.

- Phần đa các xe không có hoặc thiếu, hoặc có nhưng lái xe không biết sử dụng phương tiện chữa cháy, thoát nạn.

- Cháy thường xảy ra sau tai nạn giao thông nên những người bị thương, bị kẹt ít có cơ hội chạy thoát.

- Cháy thường xuất phát từ khu vực đặt máy, cháy lan rất nhanh ra khoang ngồi, khoang hàng hóa và ngược lại. Cháy kèm theo khói đen đặc, khí độc gây khó khăn cho thoát nạn.

- Cháy luôn kèm nguy cơ nổ và ngược lại; các bộ phận có nguy cơ nổ cao gồm: bình nhiên liệu, lốp (vỏ) xe, bình hơi, túi khí, máy lạnh, két nước và hàng hóa trên xe… gây cháy; cháy lan và gây sát thương cao.
- Cháy xe thường ở xa các đội PCCC, mất nhiều thời gian tiếp cận và khó khăn về chất chữa cháy. Khi lực lượng PCCC đến nơi, đám cháy đã phát triển lớn

NGUYÊN NHÂN

- Không tắt hoàn toàn nguồn điện (cắt mát) khi rời xe; đấu nối thêm thiết bị dùng điện khi xe không nổ máy như khóa điện điều khiển từ xa, báo trộm.

- Đấu nối thêm thiết bị điện ngoài thiết kế như: loa, video, sạc máy tính, đèn trang trí; sử dụng bóng đèn có công suất lớn hơn thiết kế; lắp thêm còi – kèn, sử dụng đèn xenon của Trung Quốc nhái…

- Đấu tắt cầu chì, dây điện, chuột cắn dây gây chập, dây điện, dây nguồn từ bình điện (acquy) lỏng

- Do khí hậu nóng ẩm hay mưa ngập bất thường gây chập, mát… - Không thường xuyên bảo dưỡng, không thay hay không bổ sung nước, dầu mỡ làm mát, dây cuaroa sờn đứt… gây nóng máy, cháy máy hay các chi tiết quay, chuyển động.- Do hút thuốc
- Do lái xe hay thợ máy quên giẻ lau trên lốc máy, để dầu mỡ rớt ra bộ phận sinh nhiệt

- Do đè qua các chướng ngại dễ cháy trên đường như áo che mưa nilon, rơm rạ, vải giẻ dính vào ổng xả gây cháy hay kẹt vào lốp sinh ma sát gây cháy.


BIỆN PHÁP PHÒNG CHÁY

- Chọn mua xe tốt, nên mua bảo hiểm cháy cho xe để đảm bảo bù đắp thiệt hại nếu chẳng may gặp hỏa hoạn.- Chấp hành tốt luật giao thông; lái xe an toàn để tránh tai nạn giao thông. - Không để chất dễ cháy, nổ trên xe, không hút thuốc trên xe, không sử dụng lửa trần trên xe
- Không đấu nối thêm thiết bị điện ngoài thiết kế. Không thay cầu chì nguyên bản bằng các cầu chì có dòng lớn hơn. Không đấu tắt cầu chì

- Thường xuyên bảo dưỡng xe, thay thế các bộ phận, chi tiết hỏng, cũ, bổ sung nước làm mát; thăm và thay dầu máy…

- Không để dầu máy, mỡ… vương vãi trên lốc máy, dây cua roa…- Không để các giẻ, vải lau xe, đặc biệt là giẻ có dính dầu mỡ trong khoang máy…- Khi phát hiện thấy mùi khác lạ, đặc biệt là mùi khét, phải kiểm tra ngay
- Nhất thiết phải trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy, phù hợp với từng loại xe và dành thời gian học cách sử dụng loại bình đó.

- Luôn chuẩn bị dụng cụ mở nắp capo để dùng khi cần.

- Nên chọn mua loại xe có cửa thoát hiểm trên nóc

HÀNH ĐỘNG KHI CÓ CHÁY XẢY RA:

- Khi phát hiện ra cháy, bình tĩnh đỗ xe vào vệ đường, tắt máy.

- Nhanh chóng ra khỏi xe đồng thời cầm theo bình chữa cháy; giúp mọi người ra nhanh chóng thoát ra khỏi xe.

- Xác định vị trí cháy và điểm phát sinh cháy; lựa chiều và vị trí để phun bình chính xác vào điểm cháy lớn nhất.

- Nếu cháy ngầm trong capo, phải mở nắp để phun; nếu bị kẹt hay nóng do nhiệt không mở được, phải dùng thanh thép hay dụng cụ thích hợp để mở ra và phun bình chữa cháy.

- Nếu không mở được nắp capo, có thể đập vỡ 2 đèn pha để mở chốt và mở nắp capo; hoặc phun bình vào theo lối đó.

- Nếu không có bình chữa cháy nhưng đang ở gần chỗ có cát, đất, bùn… hãy dùng chúng để phủ lên vị trí cháy.

- Nếu không có bình hay cát, đất... gần đó hãy dùng áo quần, chất liệu cotton để dập cháy.

- Cố gắng ngăn chặn cháy lan đến bình nhiên liệu.

- Nếu nhiên liệu chảy ra mặt đất, hãy dùng đất cát hay vật dụng thích hợp để hạn chế diện tích chảy loang của chúng.

- Đừng quên điện thoại 114 để gọi lực lượng CS PCCC đến giúp.


Trần Kim Khánh - Giảng viên ĐH PCCC
Bài viết đăng trên Tạp chí Khoa học và Giáo dục PCCC - số 2/2008