Jindo
05-05-2012, 10:08 AM
Cục Kiểm lâm (Bộ NN-PTNT)ngày 02/5/2012 đã phát đi bản tin cảnh báo cháy rừng và yêu cầu các địa phương triển khai các biện pháp phòng cháy chữa cháy.
Theo đó, các khu vực Bảo Thắng, Văn Bàn, Bảo Yên và TP.Lào Cai (Lào Cai); Quế Phong, Quỳ Châu, Anh Sơn, Con Cuông (Nghệ An) đã có nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng đang ở cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm.
Nếu cháy rừng xảy ra thì hầu hết các kiểu rừng đều dễ bắt lửa với tốc độ lan tràn rất nhanh.
Nguy cơ cháy tại các khu vực rừng trên địa bàn toàn tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Hòa Bình, Phú Yên và Thái Nguyên đang ở cấp 4, cấp nguy hiểm.
Một loạt các khu vực rừng khác như: Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động (Bắc Giang); Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu); Kim Bảng và Thanh Liêm (Hà Nam); Khánh Sơn, Cam Ranh (Khánh Hòa); Mường Tè (Lai Châu); Kỳ Sơn, Tương Dương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Thanh Chương, Nam Đàn, Nghi Lộc, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Đô Lương (Nghệ An); Mường Lát, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Quan Hóa (Thanh Hóa); Quỳnh Nhai, Yên Châu, Sông Mã, Mai Sơn, Bắc Yên, Phù Yên (Sơn La); Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ, Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) và TP.Ninh Bình (Ninh Bình) nguy có cháy cũng đang ở cấp nguy hiểm.
Ban chỉ đạo T.Ư phòng cháy chữa cháy rừng yêu cầu UBND các cấp và chủ rừng thuộc các địa phương trên thực hiện ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.
Theo Thanhnien.com.vn
decomoto
05-08-2012, 12:20 AM
Hiện nay, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài khiến các khu rừng ở một số tỉnh, TP phía Nam có nguy cơ cháy ở cấp độ 5 – cấp độ nguy hiểm nhất và có khả năng lan tràn rất nhanh.
http://cms.infonet.vn/Images/Images/447/t447834.jpg
Trao đổi với PV Báo Điện tử Infonet, ông Đào Văn Đang, Chi cục phó Chi cục kiểm lâm TP.HCM cho biết, theo quan sát và theo dõi trong thời gian từ sau cơn bão số 1 thì thời tiết hiện diễn biến rất phức tạp, với nắng nóng kéo dài và xen kẽ những trận mưa trái mùa. Do đó tạo nên tâm lý lơ là trong công tác phòng, chống cháy rừng của nhiều địa phương.
Hiện tại, TP.HCM có diện tích rừng và đất lâm nghiệp vào khoảng 37.485 ha. Trong đó, tại các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Q.9 và Q.Bình Tân có nhiều khu rừng đã khô nên nguy cơ cháy rừng ở cấp độ cực kỳ nguy hiểm.
Nguồn lửa gây cháy chủ yếu do tập quán đốt mía của người dân khi chuyển vụ. Chẳng hạn như ở huyện Bình Chánh có hơn 1.270 ha mía nằm cận rừng như xã Bình Lợi, Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai có nguy cơ cháy rất cao. Song, việc điều tiết nguồn nước tại những khu vực này vào mùa khô lại bị chi phối bởi yêu cầu ngăn mặn bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Hơn nữa, theo ghi nhận của PV, ngoài bìa rừng, rất nhiều cây lâm nghiệp của người dân được trồng tràn lan, không theo bất cứ một quy hoạch nào. Và khi được hỏi có những dụng cụ phòng, chống cháy rừng không thì người dân đều lắc đầu.
Bên cạnh đó, ven các khu rừng phòng hộ và rừng sản xuất có rất nhiều đồng cỏ dại mọc um tùm. Thỉnh thoảng, vào buổi trưa, người dân đi săn bắt cá, ếch, chuột thường hay đốt lửa để nướng hoặc hun khói xong rồi bỏ đi, quên dập tắt đám khói nên tiềm ẩn hiểm họa cháy rừng do lan từ các trảng cỏ bên cạnh.
Ông Đang cũng thừa nhận: “Từ trước đến nay, những đám cháy thường xuất phát từ những đám cỏ cháy hay những rừng cây ngoài bìa rừng do người dân tự trồng. Do đó đến khi xảy ra sự cố rất khó truy xuất được nguồn gốc và trách nhiệm. Như mới đây nhất là ngày 2/5 tại Khu giãn dân, ấp Nhị Tân II, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn đã xảy ra 1 vụ cháy cỏ và cây tái sinh. Theo nhận định ban đầu thì nguyên nhân là do cháy lan từ xã Mỹ Hạnh Bắc, tỉnh Long An. Cũng may, lực lượng cứu hộ đã có mặt kịp thời dập tắt ngọn lửa nên diện tích cháy ước chỉ 1ha”.
Tuy nhiên, ông Đang cho rằng rất khó để thay đổi tập quán cũng như việc trồng cây không theo quy hoạch của người dân. Bởi, quan điểm của UBND TP.HCM là không chỉ bảo vệ rừng của Nhà nước mà còn phải bảo vệ các cây của dân để đảm bảo độ che phủ.
Song, lường trước được nguy cơ bắt cháy từ người dân, Chi cục đã tăng cường cảnh báo người dân và chỉ đạo các lực lượng bảo vệ rừng đốt các trảng cỏ dễ bắt cháy. Đồng thời, các phương tiện và lực lượng luôn sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra.
Tương tự, trước tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, hơn 60.000 ha rừng phòng hộ và rừng đặc dụng của tỉnh Tây Ninh cũng đang được cảnh báo có nguy cơ cháy ở cấp độ 5. Trong đó, đặc biệt lưu ý tới các khu rừrng như rừng quốc gia Lò Gò – Xa Mát, Khu rừng Văn hóa lịch sử Chàng Riệc, dự án rừng phòng hộ Dầu Tiếng.
Theo ông Tạ Văn Đáo, Thường trực Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống cháy và chống phá rừng tỉnh Tây Ninh, từ đầu mùa khô 2012 đến nay, toàn tỉnh chưa có trường hợp cháy rừng nào xảy ra dù thời tiết rất khắc nghiệt. Đây là do các chủ rừng đã chuẩn bị rất tốt các phương án phòng chống cháy rừng theo 4 phương châm tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
Ngoài ra, Cục Kiểm Lâm (Tổng cục Lâm nghiệp) cũng dự báo, những tỉnh phía Nam như Bình Phước, An Giang, Đắc Lắc, Kon Tum và Đồng Tháp cũng nằm trong diện “báo động đỏ” về cháy rừng. Đặc biệt, trong tình hình thời tiết vài tuần tới vẫn tiếp tục hanh khô và có gió mạnh, rất dễ xảy ra cháy rừng. Do đó, không chỉ các địa phương mà người dân cũng phải cảnh giác và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống cháy rừng.
Theo infonet.vn
Powered by vBulletin™ Version 4.0.8 Copyright © 2024 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.