PDA

View Full Version : Cảnh giác với giặc lửa trên sông, trên biển của các phương tiện thủy



hothang
12-07-2012, 05:14 PM
Mặc dù nước là chất chữa cháy hữu hiệu nhưng không vì thế mà công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên sông, trên biển của các phương tiện thủy hoạt động trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trở nên đơn giản. Bởi ngoài nước, để chữa cháy hiệu quả còn đòi hỏi phải có sự đồng bộ của nhân lực cũng như phương tiện chữa cháy. Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Trên Sông thuộc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố Hồ Chí Minh - lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp trên sông nước duy nhất của TPHCM.


Do điều kiện chữa cháy phức tạp nên các vụ cháy phương tiện thủy thường để lại hậu quả lớn. Trước hết, khi cháy tàu, người đang làm việc, hoạt động trên tàu, nhất là dưới khoang máy rất khó thoát ra ngoài. Ngay cả khi kịp thời mặc áo phao, nhảy khỏi tàu vẫn phải đối diện với nguy cơ két dầu nổ văng mảnh kim loại vỡ vào người. Mặt khác, khi không kịp thời chữa cháy, để lửa cháy tự do trong thời gian dài, có thể dẫn tới kết cấu thiết kế tàu bị phá vỡ, gây chìm. Khi tàu cháy bị chìm, các đơn vị chịu trách nhiệm phải “đầu tư” một khoản tiền lớn để trục vớt. Đối với những con tàu không thể trục vớt được, nằm lại dưới đáy biển, sông, sẽ gây mất an toàn giao thông hàng hải.

Ngoài ra, những vụ cháy tàu có thể dẫn tới sự cố tràn dầu trên biển, gây ô nhiêm môi trường biển, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân khu vực ven biển và gây mất cân bằng sinh thái biển. Khắc phục hậu quả này cần nhiều kinh phí và thời gian để phục hồi nguyên trạng hệ sinh thái.

Nếu trên sông nước xảy ra một đám cháy thì thiệt hại thường gấp 10 lần so với cùng đám cháy xảy ra trên cạn. Bởi, ngoài điều kiện về tự nhiên (thoáng đãng, gió lớn…) thì vấn đề ở đây còn là sự phối hợp, tương trợ giữa các đơn vị. Nếu xảy ra cháy ở trên bờ, các đơn vị chữa cháy chuyên nghiệp của Sở có thể tương trợ, phối hợp với nhau một cách dễ dàng nhưng dưới sông, do là lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp duy nhất, với những đặc thù riêng nên các chiến sĩ của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Trên Sông cũng chỉ biết… độc lập tác chiến.


Thờ ơ với công tác PCCC trên các phương tiện thủy

Hậu quả rõ ràng nhưng công tác chủ động PCCC trên các phương tiện thủy còn hạn chế. Thiết kế ban đầu khi đăng kiểm, các tàu đều phải xây dựng hệ thống PCCC. Nhưng trong quá trình sử dụng, chủ phương tiện cũng như những người trực tiếp làm việc trên tàu rất chủ quan. Trên các phương tiện thủy thường xuyên chứa tới hàng nghìn lít xăng, dầu. Tất cả đều là những chất dễ bắt lửa, chỉ một chút sơ ý khi sửa chữa, những tia lửa điện phát sinh do hàn, cắt kim loại có thể dẫn tới cháy bất cứ lúc nào. Để tránh hậu quả khôn lường do cháy tàu, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Trên Sông đã tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức của chủ phương tiện, lao động trên tàu về an toàn PCCC. Đồng thời Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Trên Sông đã tư vấn cho chủ tàu trang bị đầy đủ các trang thiết bị PCCC trên phương tiện, tổ chức tập huấn kỹ năng an toàn PCCC cho các thuyền viên. Trên cơ sở đó, các thuyền viên chủ động phòng cháy từ cơ sở và xây dựng các phương án chữa cháy phù hợp từng loại phương tiện, nhất thiết phải xây dựng các trạm chữa cháy tại cơ sở để kịp thời ngăn chặn giặc lửa ngay khi mới bùng phát. Trong số các trường hợp vi phạm an toàn về PCCC đều bị sự phạt nghiệm khắc, hầu hết không được trang bị đầy đủ các phương tiện chữa cháy như bình bọt, phi cát. Các chủ phương tiện cũng không xây dựng phương án chữa cháy tại chỗ. Bên cạnh đó, khi làm việc trên tàu, các thủy thủ còn lơ là công tác phòng cháy. Việc tự ý sửa chữa, khắc phục các sự cố, hỏng hóc trên tàu thường xuyên diễn ra, nhất là ở các phương tiện vận tải hàng hóa.

Điều đáng nói, do những nỗ lực của cấp, ngành chức năng, và nữa – còn do nỗ lực không ngừng của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Trên Sông, từ đầu năm 2012 cho tới nay, trên các tuyến thủy ở địa bàn thành phố Hồ Chí Minh chưa xảy ra vụ cháy nổ nào. Thế nhưng, không xảy ra cháy, chủ tàu, chủ doanh nghiệp xem ra lại nẩy sinh tâm lý rất chủ quan.

Liên tục trong những tháng cuối năm 2012, được sự quan tâm của cấp ủy ban chỉ huy phòng, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Trên Sông đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra thường xuyên và đột xuất các phương tiện giao thông thủy nội địa đang hoạt động thuộc phạm vi quản lý của Phòng, từ đó phát hiện rất nhiều trường hợp vi phạm mang tính chất nghiêm trọng. Hàng chục chủ tàu đã bị lập biên bản xử lý.

Để khắc phục phần nào khó khăn, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Trên Sông đã phối hợp Sở Cảnh sát PC&CC tỉnh Đồng Nai, Sở Cảnh sát PC&CC tỉnh Bình Dương và với các công ty có chức năng cứu hộ cứu nạn thường được trang bị phương tiện PCCC hiện đại như Tổng công ty Tân Cảng sài Gòn, công ty CNHH cứu nạn cứu hộ Đại Minh, … sự kết hợp ăn ý giữa các chiến sĩ chữa cháy chuyên nghiệp với điều kiện hiện đại của các đơn vị không chuyên đã phát huy hiệu quả. Điều đó cho thấy, nếu lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Trên Sông có được sự đầu tư tương xứng với nhiệm vụ chúng tôi mang trên vai, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Trên Sông sẽ còn phát huy hơn nữa chuyên môn nghiệp vụ của mình./.

Theo Sở Cảnh sát PC&CC TP.HCM