PDA

View Full Version : Người chỉ huy chữa cháy và cuộc đấu trí với ‘giặc lửa’



hothang
11-09-2012, 06:46 PM
Trong cuộc chiến đấu với “giặc lửa”, người chỉ huy phải dồn hết tâm trí, sức lực để làm sao vừa cứu người nhanh nhất vừa đảm bảo an toàn cho lực lượng làm nhiệm vụ.

Tiếp câu chuyện về nghề cứu hỏa, PV VTC News đã có cuộc tiếp xúc với Thiếu tá Nguyễn Văn Thắng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Hoàng Mai, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội – một người chỉ huy cứu hỏa tài năng, nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua của ngành PCCC, nghe anh kể về phút đấu trí với “giặc lửa” trên cương vị là người chỉ huy.

Trong phòng làm việc ấm cúng, Thiếu tá Thắng sôi nổi kể về những chiến công của đồng đội rồi nghẹn ngào khi nói về những đau thương, mất mát do cháy gây ra đối với nhân dân…


Nghẹt thở phút chỉ huy dập lửa, cứu hộ

Năm 1992, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Thắng tốt nghiệp cấp 3 và lập tức xin đi nghĩa vụ trong lực lượng Công an nhân dân rồi sau đó được phân về Phòng CS PCCC – CATP Hà Nội. Từ đây, anh quyết tâm, phấn đấu để được ở lại, phục vụ lâu dài trong ngành.


http://res.vtc.vn/media/vtcnews/2012/10/28/DSC0431.JPG

Thiếu tá Nguyễn Văn Thắng - Phó Trưởng Phòng CS PCCC quận Hoàng Mai

Kỷ niệm đầu tiên, gắn bó với đời chữa cháy là lần anh được tham gia chữa cháy tại chợ Đồng Xuân tháng 7 năm 1994.

Vẫn nhớ như in giây phút nhận được tin và đến hiện trường, khi anh có mặt chợ Đồng Xuân đã biến thành biển lửa, giống như một “lò bát quái”.

“Sức nóng của đám cháy mạnh rát người dù đứng cách xa hàng chục mét, anh em phải thường xuyên dùng nước dội vào người để làm mát. Rồi khi đi vào trong, mình mới cảm nhận được sự nguy hiểm giữa khí nóng, khói mịt mù. Anh em phải lần nhau bằng đường vòi để đi vào, đi ra chữa cháy.

Vào thời điểm đó, phương tiện chữa cháy còn hết sức hạn chế, nước chữa cháy chưa được dồi dào nên phải ra tận hồ Gươm để hút nước, tập trung khoanh vùng, chống cháy lan.

3 ngày ròng rã chữa cháy, anh em chỉ được nghỉ một lát để ăn xôi, bánh mì và uống nước. Có những lúc quá mệt mỏi, anh em thay nhau, tranh thủ trèo lên xe chữa cháy đang nổ để ngủ, mỗi giấc kéo dài chỉ 10-15 phút nhưng rất ngon lành và quý giá, cảm giác đó đến bây giờ vẫn không thể quên” – Thiếu tá Thắng bồi hồi nhớ lại.

Chưa kịp vui mừng khi dập tắt được hỏa hoạn, người lính trẻ lúc bấy giờ cảm nhận được sự thiệt hại khủng khiếp khi hàng hóa, tiền bạc cháy sạch khiến nhiều người rơi vào cảnh sạt nghiệp.


http://res.vtc.vn/media/vtcnews/2012/10/28/1318911518-chay-xuong-go-1.jpg


Trước những diễn biến khôn lường của đám cháy, người chỉ huy cứu hỏa phải bình tĩnh, mưu trí, bản lĩnh và kinh nghiệm.

Chưa dứt được nỗi trăn trở trong câu chuyện chữa cháy ở chợ Đồng Xuân gần 20 năm trước, vị Thiếu tá lắng giọng, đắng lòng kể lại chuyện cứu hộ ở vụ nổ khí gas trên phố Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng) khiến 2 cháu bé tử vong cách đây chừng một năm.

Đó là khoảnh khắc vào buổi sáng sớm mùa đông, lúc anh đang ở nhà thì nhận được tin về vụ việc, lãnh đạo yêu cầu lên ngay hiện trường để chỉ huy công tác cứu hộ.

“Cảm giác đầu tiên của mình khi nhìn thấy hiện trường là một sự hoang tàn, một ngôi nhà 3 tầng hơn chỉ còn là đống đổ nát khi tầng 1 nổ tung, trần tầng 2 sập xuống và bị tầng 3 đè lên. Khối bê tông nằm vắt vẻo trên nóc tủ và những vật dụng yếu trong nhà, tầng 3 của ngôi nhà chỉ dựa vào tường của nhà hàng xóm và sẵn sàng đổ sập bất cứ lúc nào” – Thiếu tá Thắng nhớ lại.

Chưa hết bàng hoàng về hiện trường, anh nhận được tin có hai cháu bé vẫn đang nằm trong khối bê tông.

Anh cho biết, đặt mình vào vị trí của người bố, người mẹ khi đứng trong hoàn cảnh con mình đang gặp nguy kịch, thông cảm và thấu hiểu được nỗi đau của họ từ đó đặt cho mình quyết tâm, phải làm sao để đưa được hai cháu ra khỏi đó một cách nhanh nhất, an toàn nhất.

Với quyết tâm đó, anh đã chỉ huy đơn vị huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện cứu hộ như đệm kích bằng hơi, chèn chống… nâng tấm bê tông khổng lồ một cách nhanh nhất nhưng phải an toàn nhất vì “nếu như khối bê tông đổ xuống thì sẽ không biết chuyện gì sẽ xảy ra đối với nạn nhân và chiến sỹ tham gia cứu hộ”.


http://res.vtc.vn/media/vtcnews/2012/10/28/IMG2079resize.JPG


Hiện trường vụ nổ khí gas sập nhà, 2 cháu bé tử vong tháng 11/2011.

Công tác cứu hộ khẩn trương, nhưng hiện trường nằm trong ngõ ngách, mặt trước còn bị bể nước án ngữ nên xe cứu hộ không thể tới gần. Mặc dù đã huy động chiếc cần cẩu ở công trường bên cạnh quay sang nâng tấm bê tông lên nhưng vướng bể nước và trạm biến áp không thể tới được.

Tình thế khó khăn, anh Thắng xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Sở và chỉ đạo anh em cắt phá bê tông, vừa cắt vừa dò tìm.

Khi cắt được 2/3, cháu bé thứ nhất được phát hiện nhưng nằm dưới lớp chăn màn, quần áo, tủ bàn, bê tông lẫn lộn… lực lượng quay sang đục khoét và cắt trong điều kiện tấm bê tông lơ lửng, sinh mạng của cháu bé "ngàn cân treo sợi tóc".

“Tâm trí lúc bấy giờ rất căng thẳng, sự phức tạp của hiện trường khiến lực lượng phải cẩn thận nhưng phải nhanh chóng cứu cháu bé. Lãnh đạo Sở cũng thường xuyên gọi điện thúc giục anh em toàn lực cứu hộ. Mãi đến hơn 10h, khi đưa được cháu thứ nhất ra, mình mới ngẩng mặt xem đồng hồ” – Thiếu tá Thắng nói.

Sau khi đưa cháu thứ nhất ra ngoài, lực lượng lại dồn sức cứu cháu thứ hai, vị trí nơi cháu nằm phức tạp hơn rất nhiều so với cháu thứ nhất khi bị thang và bê tông đè lên, lại nằm trong góc.

Mặc dù đã phát hiện thấy cháu nhưng không thể nào đưa cháu ra được vì thang đè nặng lên vai buộc lực lượng phải đưa máy cắt vào nên lâu hơn.

“Xác định tinh thần là đưa cháu bé ra ngoài một cách nhanh nhất nhưng không dám nói sẽ trong tình trạng nào. Bản thân vẫn luôn đặt hy vọng và cố gắng hết sức, nếu như cứu sống được cháu thì thực sự là một niềm hạnh phúc của lực lượng. Nhưng khi đưa hai cháu ra đã tử vong, lực lượng rất đau lòng vì không còn cách nào khác, đó là điều không ai mong muốn” – Thiếu tá Thắng xúc động


http://res.vtc.vn/media/vtcnews/2012/10/28/IMG2046_1.JPG


Cứu hộ là công tác quan trọng trong PCCC.

Theo lời Thiếu tá Thắng, trong công tác cứu nạn hôm đó, lực lượng còn thiếu kinh nghiệm. Phương tiện chữa cháy còn yếu và thiếu. “Ví dụ trong trường hợp này có thiết bị camera dò tìm thì việc xác định vị trí cháu bé sẽ sớm hơn, công tác cứu hộ sẽ được triển khai nhanh hơn” – Người chỉ huy cứu hộ xót xa.

Bản lĩnh đối chọi với "giặc lửa"

Tròn 20 năm cống hiến trong ngành chữa cháy, trải qua nhiều nhiệm vụ khác nhau như trực tiếp chữa cháy, làm công tác chính trị, đoàn thể rồi trở thành lãnh đạo, chỉ huy, vị Thiếu tá trẻ vẫn khẳng định rằng, dù làm bất cứ nhiệm vụ gì, người chữa cháy phải thực sự có bản lĩnh, phải có trình độ kiến thức, kinh nghiệm.

Anh tâm sự: “Một người lính chữa cháy trước đám cháy phải biết nhìn nhận đám cháy, xác định được khả năng sụp đổ của khấu kiện, phải tính được chịu lực của tầng như thế nào, nung nóng bao nhiêu tiếng, có nên cho cán bộ chiến sỹ vào không, một số chất cháy chứa hóa chất thì có được phun nước vào không?”

Đối với công việc chữa cháy, khi làm nhiệm vụ phải thường trực 24/24, có báo động là phải thực hiện nhiệm vụ ngay, trong vòng 1 phút phải xuất xe cứu hỏa.

Với người chỉ huy, theo anh Thắng thì từ lúc nhận tin cho đến khi triển khai lực lượng đến hiện trường, người chỉ huy phải tập trung suy nghĩ để làm thế nào đưa được lực lượng và phương tiện đến hiện trường cháy nhanh nhất, an toàn nhất.

Trong quá trình di chuyển, người chỉ huy bằng biện pháp nghiệp vụ phải nắm bắt được tình hình đám cháy, cháy cái gì, cháy như thế nào… để lên kế hoạch, triển khai lực lượng khi tới nơi, cứu người bị nạn.

“Người chiến sỹ chữa cháy trong lúc này đặt toàn tâm, toàn trí, toàn lực vào việc cứu người, dập tắt đám cháy nhanh nhất, hiệu quả nhất. Hiệu quả ở đây phải cứu được người bị nạn, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, Nhà nước”.

Trong những trường hợp khác nhau, bản lĩnh của người chữa cháy còn thể hiện ở tinh thần động viên, trấn an người dân trong khi bị hoảng loạn.

Ví dụ như vụ hỏa hoạn mới đây ở Làng sinh viên Hacinco (quận Thanh Xuân), ngay khi tiếp cận, hiện trường cháy có rất nhiều khói, khí độc và còn nhiều người mắc kẹt ở trên cao.

“Bài toán đối với người chỉ huy trong lúc này là phải lập ra phương án dập lửa, dập khói và triển khai đưa cán bộ chiến sỹ lên tiếp cận được với số người mắc kẹt từ trên cao.

Khi bị mắc kẹt, tâm lý của người dân rất hoảng loạn, đặc biệt đối với phụ nữ, trẻ em, người già… Người lính cứu hỏa phải tiếp cận nhanh để cứu và phải động viên, trấn an tinh thần người đang hoảng loạn” – Thiếu tá Thắng cho biết.

Dù công việc được tiến hành khẩn trương nhưng nhiều vụ việc, người dẫn vẫn phàn nàn về việc lực lượng chữa cháy và cứu hộ chậm. Về điều này, anh Thắng cho rằng, tâm lý của người chủ khi có cháy là hết sức nóng lòng, mong muốn lực lượng phải nhanh.

>>> Lính cứu hoả kể phút sinh tử trong biển lửa

“Chúng tôi biết rằng, một giây đứng trước biển lửa thì cũng cảm thấy lâu bằng một giờ những lúc khác, lực lượng cũng hết sức cố gắng nhưng với điều kiện phương tiện, giao thông hiện tại chưa đáp ứng được sự mong mỏi nên người dân vẫn cho rằng chậm, thực sự thì không còn cách nào khác...” – anh Thắng nói.

Trong câu chuyện nghề của mình, anh Thắng cho biết, điều anh trăn trở nhất là ý thức PCCC nhân dân mặc dù đã được nâng cao nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, khi có cháy xảy ra, người dân chỉ coi nhiệm vụ chữa cháy là của lực lượng chuyên nghiệp nên chỉ dứng ngoài nhìn, bàn tán, ít hỗ trợ lực lượng.

“Chúng tôi mong muốn người dân có hiểu biết và ý thức về cháy, trực tiếp là trong gia đình đặc biệt là về điện, khí hóa lỏng, đốt vàng mã…

Người dân đôi khi có quan niệm là lực lượng PCCC rất nhàn nhưng thực ra không phải như vậy, muốn không có cháy nổ xảy ra thì phải thường xuyên làm tốt công tác phòng cháy, thường xuyên phải hướng dẫn, kiểm tra, tuyên truyền về công tác PCCC” – Thiếu tá Nguyễn Văn Thắng bộc bạch.


Theo VTC

decomoto
11-10-2012, 02:40 AM
http://sphotos-a.xx.fbcdn.net/hphotos-prn1/14323_4557086498953_411733318_n.jpg

Mới đi đá bóng với anh này xong :hehe: