PDA

View Full Version : An toàn PCCC đối với cửa hàng kinh doanh kết hợp nhà ở



Anphat Fire
03-28-2016, 04:41 PM
Hiện nay loại hình cửa hàng kinh doanh nằm trong nhà ở rất phổ biến, tồn tại nhiều tại các điểm dân cư để phục vụ tại chỗ cho người dân trong khu vực cư trú. Trừ một số cửa hàng có quy mô lớn, mặt bằng rộng, điều dễ nhận thấy khi đến các cửa hàng là sự bừa bộn, kho chứa thiếu ngăn nắp tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Để đảm bảo an toàn PCCC Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội khuyến cáo chủ hộ gia đình và người dân thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.

Cửa hàng kinh doanh nằm trong nhà ở là loại hình tự thành lập, người chủ sử dụng một phần diện tích căn nhà để bỏ vốn mua và bày bán các loại hàng hóa theo mô hình cửa hàng loại nhỏ là nơi lưu trữ hàng hóa và bày bán nhiều loại hàng hóa khác nhau trong đó có bán đầy đủ những thứ cần thiết cho cuộc sống hàng ngày. Thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ cháy nghiêm trọng, trong đó có nhiều vụ cháy cửa hàng kinh doanh trong ngôi nhà ở của các hộ gia đình, gây thiệt hại lớn về người và tài sản…

Điển hình như vào khoảng 02 giờ 45 phút ngày 5/3/2016, một đám cháy đã xảy ra tại nhà dân, ở ngõ 366 đường Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Đây là công trình nhà ở và kết hợp thuê mặt bằng để kinh doanh. Tầng 1 của ngôi nhà được sử dụng để làm cửa hàng kinh doanh điện thoại và phụ kiện điện tử, tầng 2 đến 4 làm phòng ở. Ngọn lửa bùng phát từ khu vực bếp tại tầng 1 của ngôi nhà và nhanh chóng bốc khói lan lên các tầng phía trên. Nhận được tin báo cháy, Phòng Cảnh sát PC&CC số 3 đã nhanh chóng điều 02 xe chữa cháy tới hiện trường cứu người bị nạn và khống chế, dập tắt đám cháy. Khi xảy ra cháy có 06 người ở trong ngôi nhà bị thương do tác động của khói, lửa và 01 người bị thương nặng do nhảy từ tầng 3 xuống để thoát nạn (đã tử vong trong quá trình cấp cứu tại bệnh viện do vết thương quá nặng).


http://canhsatpccc.hanoi.gov.vn/Uploaded/manhtuan/2016_03_24/1.jpg?maxwidth=600
Tầng 1 của khu nhà xảy ra cháy

Vào khoảng 05h00 phút ngày 17/03/2016 xảy ra vụ cháy tại nhà dân ở thôn 3, Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội. Đây là công trình nhà ở kết hợp cửa hàng kinh doanh tạp hóa (2 mặt tiếp giáp công trình xung quanh, trước mặt là trục đường chính, đằng sau nhà có một cổng phụ). Tầng 1 làm cửa hàng tạp hóa và bếp nấu ăn nên chứa nhiều vật dụng dễ cháy; tầng 02 làm phòng ở; chiếu nghỉ cầu thang được tận dụng làm kho chứa hàng tạp hóa. Khu vực xảy ra cháy tại tầng 1 của ngôi nhà, sau đó đã cháy lan lên tầng 2 và gác xép tầng 3 làm sập mái ở tầng 3 của ngôi nhà. Khi xảy ra cháy mọi người có mặt ở các tầng phía trên đã mở cửa ban công thoát nạn an toàn ra bên ngoài. Nhận được tin báo cháy, Phòng Cảnh sát PC&CC số 11 đã điều động 02 xe chữa cháy, 01 xe thang nhanh chóng tiếp cận hiện trường triển khai cứu chữa và dập tắt đám cháy. Rất may đám cháy không gây thiệt hại về người, nhưng đã thiêu hủy hoàn toàn cửa hàng tạp hóa tại tầng 1, phòng ngủ tầng 2 và nhiều hàng hóa để ở cầu thang. Nguyên nhân vụ cháy đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.



http://canhsatpccc.hanoi.gov.vn/Uploaded/manhtuan/2016_03_24/2.jpg?maxwidth=600
Hiện trường tầng 1 cửa hàng tạp hóa nơi xảy ra vụ cháy

http://canhsatpccc.hanoi.gov.vn/Uploaded/manhtuan/2016_03_24/3.jpg?maxwidth=600
Khu vực cầu thang bộ nơi để hàng tạp hóa


Từ những vụ cháy nêu trên nhận thấy các cửa hàng kinh doanh nằm trong khu vực nhà ở có đặc điểm bất cập chung về PCCC là:

- Diện tích nhà không lớn, tận dụng tối đa diện tích bầy hàng hóa, chắn lối thoát nạn nên không có lối ra thoát nạn an toàn, chỉ có duy nhất 01 cầu thang bộ bên trong nhà làm lối lên xuống các tầng. Thang bộ này cũng không đảm bảo chiều rộng, không kín, không có cửa chống cháy để có thể ngăn được khói do vậy khi có cháy khói sẽ theo cầu thang bộ lan lên tất cả các tầng.

- Tầng 1 thường tận dụng diện tích để kinh doanh bầy hàng hóa hoặc các vật dụng dễ cháy, chiếm hết các lối đi do vậy khi xảy ra sự cố cháy, nổ tại tầng này thì người bên trong ngôi nhà rất khó khăn để thoát nạn.

- Ban công, lô gia các tầng (thường chỉ có ở mặt trước của nhà), người dân thường làm lồng sắt, chuồng cọp, hoặc xây kín (không có ban công); Cửa ra mái của ngôi nhà cũng thường được khóa và làm kiên cố, một số ngôi nhà tận dụng tầng mái làm các phòng ở hoặc xây tường kín dẫn đến không có lối ra khẩn cấp và các vị trí lánh nạn tạm thời chờ lực lượng ứng cứu.

- Nhiều hộ kinh doanh sử dụng biển quảng cáo, đấu nối, câu móc điện che hết các ban công, lô gia nên khi xảy ra sự cố cháy, nổ lực lượng Cảnh sát PC&CC rất khó khăn trong việc tiếp cận, triển khai cứu nạn và chữa cháy.

- Bố trí nơi thờ cúng chưa hợp lý, bàn thờ làm bằng vật liệu dễ cháy và đặt gần hàng hóa, vật dụng dễ cháy xung quanh. Đèn, hương, nến đặt phía trên, gần các vật dễ cháy, dự trữ nhiều vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ; khi đốt vàng mã không có người trông coi, che chắn để xảy ra cháy.

- Trong nhà không trang bị các phương tiện chữa cháy tối thiểu như bình chữa cháy, dụng cụ trữ nước, dụng cụ phá dỡ …

- Trong nhà thường tập trung nhiều người ở nhiều độ tuổi, khác nhau về trình độ, nhận thức và giờ giấc sinh hoạt. Mọi người hiểu biết chưa cao về những kỹ năng thoát nạn, xử lý khi có những tình huống cháy, nổ xảy ra.


Từ những bất cập nêu trên việc phòng ngừa cháy, nổ ở các cửa hàng kinh doanh là rất cần thiết. Để đảm bảo an toàn PCCC và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra, Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội khuyến cáo chủ hộ gia đình và người dân khi sử dụng nhà ở kết hợp cửa hàng kinh doanh cần thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC sau đây:

1. Không kinh doanh, tàng trữ, sử dụng các chất có nguy hiểm cháy nổ như xăng dầu, cồn, gas và hóa chất dễ cháy khác ở trong nhà. Hạn chế sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp… để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế cháy lan.

2. Phải lắp thiết bị bảo vệ (Cầu chì, rơ le, Aptomat …) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị điện tiêu thụ điện công suất lớn. Không để hàng hóa dễ cháy gần bóng điện, ổ cắm, cầu dao, chấn lưu đèn neon. Không bố trí hệ thống điện (dây dẫn, ổ cắm, thiết bị) sát gần các tường, sàn, trần, vách là các vật liệu dễ cháy.

3. Không bầy hàng hóa và vật dụng dễ cháy gần nơi thờ cúng, trần phía trên ban thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách xa vật dễ cháy, hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ. Chỉ đốt nến, thắp hương khi có người lớn ở nhà trông coi. Khi đốt vàng mã phải trông coi, có che chắn tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan.

4. Không bố trí nơi đun nấu tại cửa hàng kinh doanh và không để hàng hóa, các vật dụng dễ cháy gần bếp ăn.

5. Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.

6. Không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng. Trường hợp đã lắp thì phải có cửa chốt trong và không được khóa. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra.

7. Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có nhiều biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khóa cửa phòng.

8. Chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn. Không bố trí đồ vật cản trở đường lối, cửa thoát nạn.

9. Mỗi gia đình nên có dự kiến các tình huống thoát nạn khi có cháy xảy ra để thoát nạn an toàn khi cháy. Trang bị dụng cụ trữ nước, xô thùng xách nước để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy, trang bị bình chữa cháy và mọi người trong gia đình phải biết sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị.

10. Khi cháy, nổ xảy ra phải bình tĩnh xử lý, tìm lối thoát nạn an toàn, đồng thời báo cho mọi người xung quanh để kịp thời ra khỏi khu vực nguy hiểm. Báo cháy nhanh nhất cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH theo số máy 114./.






Theo canhsatpccc.hanoi.gov.vn