PDA

View Full Version : Nơm nớp lo cháy ở lò sản xuất chăn ga, gối đệm



linhpc66cb
09-12-2015, 05:42 PM
Có cả trăm lý do có thể dẫn đến hỏa hoạn tại xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội, nơi sản xuất chăn, ga, gối, đệm lớn của miền Bắc. Và nguy cơ lớn nhất chính là sự chủ quan, thiếu ý thức của người dân ở làng nghề truyền thống này.


http://static.anninhthudo.vn/uploaded/123/2015_09_12/chay.jpg?width=500


Hiện trường vụ hỏa hoạn tại đội 6, 7, 8 xã Tiền Phong xảy ra trong các ngày cuối tháng 8


Bó tay... vì tính chủ quan

“Cái này phải đốt lâu mới cháy chứ vứt tàn thuốc vào thì cháy sao được.Vải vóc làm chăn ga của chúng tôi thường rất dày nên khó bén lửa” - anh Nguyễn Trọng Hùng, một chủ cơ sở sản xuất ở đội 6, xã Tiền Phong chỉ vào đống chăn, ga gối, đệm trong xưởng với thái độ tự tin rất… ấu trĩ. Không riêng anh Hùng mà nhiều người dân ở làng nghề này đều có chung suy nghĩ như vậy. Có người thậm chí còn quả quyết, tàn thuốc mà đã vô hại thì những ổ phích cắm hay mối nối dây điện còn lâu mới có thể chập thành ngọn lửa được. Từ những suy nghĩ chủ quan ấy, cùng với lối sản xuất thủ công bấy lâu nay khiến cho làng nghề luôn tiềm ẩn nỗi lo cháy lớn.

Về thực tế tại nhiều hộ kinh doanh sản xuất ở làng nghề Tiền Phong, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những hình ảnh thực sự đáng ngại trước “giặc lửa”. Về nguyên tắc phòng cháy, những thiết bị, máy móc sản xuất phải được vệ sinh sạch sẽ, che chắn và có khoảng cách nhất định với khu tập kết nguyên liệu. Tuy nhiên, quy định ấy luôn bị phớt lờ. Máy móc tại đây phủ dày lớp mùn bông vải. Các ổ điện nham nhở, những mối nối hở toang hoác được treo lủng lẳng ngay trên đống bông nguyên liệu, những đường dây điện cũ nát không hề được đi vào ống gen theo quy định tối thiểu. Tất cả những nguy cơ ấy đều có trong những xưởng may tạm bợ lợp tôn, nơi mà nhiệt độ luôn nóng hầm hập thì việc xảy ra hỏa hoạn chỉ là vấn đề thời gian.

Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 12 cho biết: “Có cả trăm tồn tại đang là nguy cơ hỏa hoạn tại làng nghề Tiền Phong, từ ý thức chủ quan, tồn tại xã hội cho tới lịch sử làng nghề… Song, việc khắc phục không đơn giản”. Trong thời gian qua, để nâng cao nhận thức về phòng ngừa hỏa hoạn cho người dân, Phòng Cảnh sát PCCC số 12 đã tổ chức hàng trăm cuộc tuyên truyền, tập huấn, đồng thời kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm nâng cao ý thức của người dân làng nghề. Tuy nhiên, câu chuyện an toàn phòng cháy cho làng nghề này không thể làm được trong ngày một, ngày hai.

Chỉ trong những ngày cuối tháng 8 vừa qua, tại xưởng sản xuất chăn ga, gối, đệm của các đội 6, 7, 8 ở xã Tiền Phong đã liên tiếp xảy ra hỏa hoạn. Thiệt hại tài sản ước tính hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, đó mới chỉ là phần thiệt hại của các hộ sản xuất, chứ chưa tính những chi phí khác cho công tác chữa cháy. Trong khi đó, những thiệt hại từ các sự cố hỏa hoạn có thể hạn chế được nếu như ý thức người dân được nâng lên. Đó là tuân thủ các quy định an toàn PCCC; kiểm tra máy móc trước khi sản xuất; thực hiện nghiêm ngặt quy định an toàn PCCC trong lao động, sản xuất. Cùng với đó, các chủ hộ sản xuất cần phải nâng cấp đường dây dẫn điện, đảm bảo đúng công suất với các thiết bị máy móc nhà xưởng.

Loay hoay phòng “giặc lửa”

Trở lại 3 vụ cháy trong những ngày cuối tháng 8 vừa qua, theo tài liệu của Phòng Cảnh sát PCCC số 12, nguyên nhân hỏa hoạn được xác định do sự cố chập điện. Đáng nói, nguyên nhân này đã không ít lần được cán bộ kiểm tra, hướng dẫn khuyến nghị nâng cấp, khắc phục. Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 12 phân tích: “Một hộ sản xuất đang dùng 1 máy cán bông công suất 500W, nhưng do nhu cầu phát triển cần nâng cấp thêm 2 hoặc 3 máy với công suất lớn hơn 500W, đồng thời tăng số lượng công nhân. Trong khi đó, hệ thống nhà xưởng, dây dẫn điện vẫn chỉ là dây dẫn cũ, như vậy về mặt thông số kỹ thuật an toàn điện đã không đáp ứng được hệ thống máy móc mới. Do đó trong thời gian hoạt động, sản xuất sẽ tiềm ẩn nguy cơ cháy cao”.

Đứng dưới những mớ dây điện loằng ngoằng dọc các hộ sản xuất tại làng nghề Tiền Phong, ông Hồ Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong lo ngại: “Từ hôm mấy vụ cháy xảy ra, mỗi khi nhìn thấy đường điện này tôi lại thêm lo lắng. Bình thường, không ai nghĩ nó sẽ bốc cháy. Vậy mà nó đã thiêu rụi nhiều kho hàng của các hộ gia đình”. Cũng theo ông Thắng, làng nghề ngày càng phát triển nhưng hệ thống phòng cháy, dây dẫn điện lại không được các hộ dân quan tâm đầu tư, nên những năm qua, mỗi năm xảy ra ít nhất 3, 4 vụ cháy do chập điện. Nguy cơ cháy tiềm ẩn lớn nhất là khi làng nghề vào vụ từ tháng 7 trở đi. Khi ấy đường làng ngõ xóm và tại các hộ sản xuất, bông vải nguyên liệu chất cao như núi.

Trước tính chất phức tạp của làng nghề, Phòng Cảnh sát PCCC số 12 đã đề xuất với xã, huyện chú trọng công tác phòng cháy, trước mắt trang bị phương tiện chữa cháy cơ bản ở mỗi hộ gia đình. Cùng với đó, Cảnh sát PCCC số 12 đưa ra phương án tối ưu xây bể nước chung, cứ 5 hộ dân có 1 bể với đầy đủ máy bơm, vòi phun. Về lâu dài, những tồn tại mất an toàn PCCC tại làng nghề Tiền Phong đã được cơ quan PCCC đề xuất giải pháp giãn dần các hộ sản xuất đến cụm công nghiệp làng nghề Tiền Phong được quy hoạch, xây dựng gần đó. Ở cụm công nghiệp này, nhà xưởng đã dựng xong từ lâu nhưng vẫn chưa nhận được sự ủng hộ, quan tâm từ phía các hộ kinh doanh, sản xuất. Có những lý do khách quan dẫn đến tâm lý này, song đã đến lúc, huyện Thường Tín và xã Tiền Phong phải có giải pháp quyết liệt để ngăn ngừa nguy cơ hỏa hoạn trở thành hiện thực.