PDA

View Full Version : [26/11/2014 - Hà Nội] Ở nhà một mình, bé 3 tuổi ngộ độc khí cháy



hothang
11-28-2014, 10:26 PM
Bà đi vắng, bé Minh (Hà Nội) nghịch bật lửa, để tàn lửa rơi vào tấm đệm gây cháy. Bé được đưa đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu

Nhập viện từ ngày 26/11, tại khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Nhi trung ương, cháu Quang Minh vẫn đang phải thở máy oxy lưu lượng cao và điều trị phù não. Bé chưa qua cơn nguy kịch và đang được tích cực theo dõi.

Người bà cho biết, chiều hôm đó bố mẹ cháu đi làm xa, bà đi chợ để bé Minh chơi một mình trong phòng. Một tiếng sau bà về thì thấy cảnh tượng hãi hùng: đệm cháy, giường cháy còn bé Minh đã nằm hôn mê bất tỉnh trong căn phòng mù mịt khói. Gia đình vội vã đưa cháu vào bệnh viện cấp cứu, bác sĩ xác định bé bị ngộ độc khí CO.

Bác sĩ Trần Đăng Xoay, khoa Hồi sức cấp cứu cho biết, ngộ độc khí CO là một tai nạn sinh hoạt khá phổ biến. Khí này có trong khói các đám cháy, khói than, khói xả ôtô và các loại động cơ, vật dụng sinh hoạt sử dụng nhiên liệu xăng dầu… Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị ngộ độc, trong đó nhiều trường hợp do sự bất cẩn trong sinh hoạt của người lớn.

Trẻ ngộ độc khí biểu hiện các triệu chứng theo ba mức độ: nhẹ, trung bình và nặng. Nhẹ thì thở dốc, buồn nôn, đau đầu. Ở mức độ trung bình, trong vòng 10 phút, nạn nhân có thể xuất hiện các dấu hiệu đau đầu dữ dội, chóng mặt, rối loạn thần kinh, buồn nôn, ngất xỉu. Ở mức độ nặng, bệnh nhân bị co giật, hôn mê, ngừng tim dẫn tới tử vong.


http://m.f13.img.vnecdn.net/2014/11/28/be-ngat-4538-1417163661.jpg

Bé Trần Quang Minh là trường hợp ngộ độc CO mức độ nặng, tiên lượng sống dè dặt. Khả năng hồi phục của trẻ phụ thuộc nhiều vào mức độ tổn thương của não.

Các bác sĩ khuyến cáo, ở độ tuổi lên 3, trẻ rất hiếu động, tò mò, luôn muốn tìm tòi, khám phá mọi vật xung quanh. Chính vì thế, người thân cần chú ý đến mọi hoạt động của trẻ và tuyệt đối không bao giờ để bé ở một mình. Sự bất cẩn dù chỉ là nhỏ nhất của người lớn cũng có thể khiến trẻ gánh chịu những hậu quả nặng nề suốt đời.

Trong trường hợp trẻ bị ngộ độc khí CO, gia đình cần:

- Đưa nạn nhân ra khỏi nơi bị nạn, đặt ở chỗ thoáng khí.

- Hô hấp nhân tạo và hoặc ép tim ngoài lồng ngực nếu nạn nhân bị ngừng thở và hoặc ngừng tim.

- Đưa nạn nhân tốt nhất là bằng xe cấp cứu có trang bị ôxy tới cơ sở y tế gần nhất, đặc biệt là chọn các trung tâm có ôxy cao áp (bệnh viện lớn, hiện đại).