PDA

View Full Version : Hà Nội: Lo lắng trước “giặc” hỏa



pccckienlong
11-11-2014, 08:01 AM
Hà Nội: Lo lắng trước “giặc” hỏa

TP. Hà Nội hiện có nhiều khu chung cư cũ kĩ, 637 công trình cao từ 10 tầng trở lên, 125 chợ lớn và bán kiên cố, 90 siêu thị lớn, 28 trung tâm thương mại và nhiều khu dân cư tập trung đông người. Điều đáng lo ngại là tại các địa điểm kể trên, hệ thống phòng cháy chữa cháy trong tình trạng ít, cũ, thậm chí không có.

Thiếu ý thức phòng cháy và chữa cháy Theo khảo sát của phóng viên tại các khu tập thể như Kim Liên, Bạch Mai, Trung Tự, hệ thống phòng cháy và chữa cháy (PCCC) bên trong những tòa nhà này hoàn toàn không có. Tại các tuyến đường bao quanh khu nhà như: Lương Định Của, Phương Mai, Phạm Ngọc Thạch, Đào Duy Anh cũng thấy rất ít sự xuất hiện của các họng cứu hỏa, bể nước ngầm phục vụ cho công tác PCCC. Nguy hiểm hơn, do là tập thể cũ, hệ thống dây điện được đi nổi, chồng chéo, vắt qua mái nhà, hệ thống cây xanh (sát với nhà dân) nên nguy chập điện, nguy cơ xảy ra cháy nổ rất lớn (Theo thống kê của Sở PCCC Hà Nội, tỷ lệ cháy do chập điện tại Hà Nội là 43%). Tập thể cũ đã vậy nhưng tại các khu chung cư mới trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội) như: B5, B6, B7 (Phạm Ngọc Thạch- Hà Nội)... số lượng hộp chữa cháy tại các tầng được bố trí rất ít. Cơ sở vật chất đã vậy nhưng ý thức của người dân trong việc chủ động PCCC cũng còn nhiều hạn chế. Theo Thiếu tá Mai Văn Năm- Phòng Cảnh sát PCCC Cầu Giấy: “Tại các khu chung cư, ý thức của người dân trong việc bảo vệ thiết bị chữa cháy còn yếu. Nhiều tòa nhà mặc dù đã được trang bị hệ thống PCCC hiện đại nhưng do sự bất cẩn của người dân trong sinh hoạt như đun, nấu dẫn đến nguy cơ cháy nổ lớn. Đặc biệt tình trạng hệ thống thang thoát hiểm, cung cấp gió tươi cho tòa nhà thường xuyên bị người dân chèn, mở cửa. Trường hợp xảy ra cháy, thang thoát hiểm mở trên 3 cửa thì hệ thống cung cấp gió tươi sẽ hoàn toàn không có tác dụng. Do đó, người dân bên trong tòa nhà chạy ra lối thoát hiểm cũng sẽ bị ngập trong khói độc”. Bên cạnh đó, do đặc thù của Hà Nội là đô thị sâu, nhiều nhà cao tầng, cơ sở kinh doanh, đường đi lại nhỏ hẹp nên việc chữa cháy và di chuyển của phương tiện PCCC rất khó khăn. Trung tá Phạm Văn Đồng- Phòng Cảnh sát PCCC Cầu Giấy cho biết: “Xe cứu hỏa có đặc thù nặng hơn 10 tấn, trở thêm 3 tấn nước cùng dụng cụ, nhân lực nên không thể di chuyển nhanh. Tuy nhiên, khi đi trên đường người dân khi thấy xe PCCC của chúng tôi hú còi ý thức tự giác nhường đường cho xe ưu tiên rất kém, nhiều người còn tạt đầu xe cứu hỏa; đó là chưa kể đường đi lại vào giờ cao điểm, việc di chuyển đặc biệt khó khăn do tắc nghẽn giao thông. Thực trạng đó dẫn đến việc, xe cứu hỏa chỉ đến được hiện trường sau khi đám cháy diễn ra 5-7 phút”. Ngoài ra, theo tìm hiểu của phóng viên, tại các tòa nhà cao tầng, hệ thống chữa cháy chỉ giải quyết được việc chữa cháy ban đầu khoảng 1-2 mét vuông. Còn tất cả những đám cháy lớn hơn như vậy thì các phương tiện chữa cháy của cơ sở hoặc lực lượng Cảnh sát PCCC chuyên nghiệp phải vào cuộc mới có thể giải quyết được. Cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế Mặc dù đã được Nhà nước đầu tư nhiều cơ sở vật chất nhưng hiện nay cơ sở vật chất dành cho việc PCCC vẫn còn nhiều hạn chế, công tác chữa cháy còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại khu công nghiệp, nhà cao tầng. Theo Đại tá Nguyễn Văn Sơn- Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội: Việc cứu hoả ở các khu công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do mặt bằng cháy quá rộng, vòi phun chuyên dụng không thể nào đưa nước tới trung tâm của đám cháy được nên việc cứu hoả diễn ra mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, tại các khu công nghiệp này còn có rất nhiều vật liệu bắt lửa (gỗ, gas, hóa chất, xăng dầu) nên ngọn lửa càng có điều kiện bùng phát, trong khi phương tiện kỹ thuật của ta chưa đủ mạnh để khống chế ngọn lửa trong thời gian ngắn. Đặc biệt nhấn mạnh nguồn nước chữa cháy tại nhiều khu vực rất yếu và thiếu, Đại tá Nguyễn Văn Sơn dẫn chứng trong vụ cháy tại khu công nghiệp Quang Minh vừa qua tại huyện Mê Linh (Hà Nội), chỉ có một bể nước có thể tích hơn hơn 100m3, chỉ đủ cung cấp nước trong một thời gian ngắn. Trong khi đó, các trụ nước tại khu vực Quang Minh đều không đủ để cung cấp nước cho xe cứu hoả, kể cả khi Sở Cảnh sát PCCC yêu cầu tăng cường áp suất nước cho khu vực này nhưng cũng không đủ. Chính vì vậy, cơ quan chức năng phải huy động 30 xe téc chở nước của Công ty môi trường đô thị cung cấp nước. “Với vụ cháy như vừa xảy ra tại Khu công nghiệp Quang Minh, nhiều xe cứu hỏa phải hoạt động cầm chừng do bể chứa nước 100 m3 không cung cấp đủ. Vụ cháy Khu công nghiệp Quang Minh, bể chứa phải có 1.000 m3 mới cung cấp đủ nước”- Đại tá Sơn nói. Chia sẻ về việc cứu hộ tại các nhà cao tầng, theo Trung tá Phạm Văn Đồng: “Xe thang của lực lượng PCCC hiện nay trong quá trình sử dụng nếu 4 chân thang không nằm trên một mặt phẳng nhất định, cân bằng thì thang không lên được hoặc nếu trong quá trình sử dụng 1 trong 4 chân thang bập bênh thì thang sẽ lập tức tụt xuống. Ngoài ra, khi đưa xe thang lên cao để cứu hộ nếu gió từ 5-7 mét/giây thì cabin sẽ lắc lư, cảm biến lập tức đẩy xe thang xuống. Cũng chính vì điều này, khi lực lượng PCCC tiếp cận để cứu nhiều người sợ và không chịu vào cabin để thoát khỏi đám cháy”. Hiện xe thang của lực lượng PCCC loại có thể lên thẳng chỉ dài 32 mét. Loại xe thang cánh tay đòn mới được nhập về khi lên được độ cao tối đa 52 mét cũng phải mất 12 phút. Ngoài ra, lực lượng PCCC cũng có loại xe thang 72 mét, tuy nhiên do xe này nặng 52 tấn nên nếu đường không đủ 6 mét xe này sẽ không di chuyển. “Nhiều người dân nghĩ nhà cao bao nhiêu sẽ có thang dài bấy nhiêu để cứu là hoàn toàn không có. Tất cả hoạt động chữa cháy, cứu hộ đều hướng vào bên trong tòa nhà”- Trung tá Đồng cho biết thêm. Trước thực trạng trên, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, kỹ sư Nguyễn Quốc Tản (Ban Điều hành xây lắp Tổng công ty xây dựng 319- Bộ Quốc phòng) cho rằng cần có giải pháp đồng bộ để giải quyết vấn đề: Thứ nhất, phải kiểm soát, sắp xếp lại việc sử dụng nhà ở làm điểm kinh doanh; khi cấp phép hộ kinh doanh cá thể, buộc phải có phương án PCCC, thoát nạn. Thứ hai, phải có quy định về phê duyệt thiết kế PCCC đối với nhà ở riêng lẻ cho cả nhà mới và nhà cũ. Theo đó, đưa vào quy định buộc nhà dân trong quá trình cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới, phải bố trí lối thoát hiểm, khu vực thoát hiểm. Nếu do vướng nhà liền kề không thể làm cửa sổ, cửa thoát hiểm phía sau nhà được thì phải có phương án trổ mái tôn... Thứ ba, bắt buộc nhà ở trang bị bình chữa cháy. Trước mắt, có thể tập trung trang bị cho các tổ dân phố để kịp thời tự ứng cứu, sau đó tiến tới từng nhà phải trang bị. Thứ tư, tăng cường năng lực cứu hộ, cứu nạn của lực lượng PCCC; đầu tư hồ chứa nước trong khu dân cư để có nguồn nước đáp ứng ngay tại chỗ, lắp đặt đầy đủ trụ cứu hỏa. Theo thống kê của Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội: Trong 9 tháng đầu năm, Hà Nội xảy ra 126 vụ cháy, nổ (124 vụ cháy, 2 vụ nổ) làm 18 người chết, 14 người bị thương, thiệt hại ước tính trên 50 tỉ đồng. So với cùng kỳ năm 2013, số vụ cháy, nổ không tăng, không giảm, tuy nhiên, số người chết lại tăng 12 người, số người bị thương thì giảm 9 người. Nguyên nhân cháy nổ chủ yếu là chập điện với 54 vụ, rò rỉ khí gas 3 vụ, hàn cắt 2 vụ, sơ suất khi sử dụng lửa 15 vụ, thắp hương thờ cúng 2 vụ… So với cùng kỳ 2013, số vụ cháy nổ không tăng nhưng số người chết tăng. Địa bàn xảy ra cháy nội thành Hà Nội chiếm tỷ lệ 57%; ngoại thành chiếm 43%; thành phần xảy ra cháy tập trung vào 2 đối tượng lớn là nhà dân (44%); xưởng sản xuất, nhà kho (24%)... Nguyên nhân các vụ cháy do điện, liên quan đến điện chiếm 43%; do bất cẩn sử dụng lửa chiếm 16%.
Xin vui lòng liên hệ:
Công ty Cổ phần phòng cháy chữa cháy Kiên Long
Website: www.pccckienlong.com
Website: www.maybomchuachaygiare.com
Địa chỉ: 172/27 Nguyễn Cửu Đàm,P. Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú,TP.HCM
ĐT: 08 - 38102791 Fax: 08 - 38102786
Hotline: Mr Nam Mobile: 090.886.3355
Hotline: Ms Yến Mobile: 0902.065.988
Email: kienlong.pccc@gmail.com