PDA

View Full Version : Kinh doanh hàng dễ cháy phải trang bị phương tiện chữa cháy



vanmac1102
10-01-2014, 08:35 AM
(ANTV) - Đó là một trong những quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.
Ngày 04/12/2013, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Lệnh số 15/2013/L-CTN về việc công bố ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy số 40/2013/QH13 (sau đây gọi tắt là Luật số 40) được Quốc hội thông qua ngày 22/11/2013, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2014.
Luật số 40/2013/QH13 đã bổ sung những quy định nhằm nâng cao hiệu lực quản lý của nhà nước đối với công tác PCCC, chỉnh lý một số quy định cho thống nhất với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành.
Luật số 40/2013/QH13 gồm 03 điều: Điều 1 có 33 khoản, Điều 2 có 02 khoản và Điều 3 có 02 khoản. Trong đó, bổ sung 5 điều mới và sửa đổi, bổ sung 28 điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10.
Luật sửa đổi, bổ sung lần này có 14 điểm quy định mới đáng chú ý quy định trong Điều 1 của Luật số 40/2013/QH13, cụ thể như sau:
Về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong công tác PCCC (Khoản 2): Đã quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong công tác PCCC nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với công tác PCCC của các đối tượng này
Về trách nhiệm tuyên truyền (Khoản 3) đã bổ sung quy định quan trọng: “Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quy định việc lồng ghép kiến thức và kỹ năng về phòng cháy và chữa cháy vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác phù hợp với từng ngành học, cấp học.
Về ban hành, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn (Khoản 4): Đã bổ sung các quy định cần thiết trong việc ban hành, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn mà Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn năm 2006 chưa quy định được.
Quy định về kinh doanh dịch vụ PCCC (Khoản 6). Đây là một quy định mới nhằm đẩy mạnh xã hội hóa PCCC, đồng thời đưa các hoạt động dịch vụ về PCCC vào dưới sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan quản lý về an ninh trật tự.
Trong đó, quy định tới đây mỗi doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phải có người được đào tạo chuyên ngành PCCC; đề xuất Chính phủ giao cho Bộ Công an quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề PCCC và các điều kiện cụ thể tổ chức kinh doanh dịch vụ PCCC (hiện tại các chứng chỉ chủ trì thiết kế PCCC; giám sát thi công đều do sở xây dựng cấp).
Chế độ, chính sách đối với người tham gia chữa cháy (Khoản 7): Đã bổ sung quy định người tham gia chữa cháy (không thuộc lực lượng PCCC nào) được hưởng chế độ bồi dưỡng về vật chất khi tham gia chữa cháy theo quy định của Chính phủ.
Về phòng cháy đối với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao (Khoản 12):Giao cho Chính phủ quy định cụ thể về quy mô khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao phải thành lập đội PCCC cơ sở hoạt động theo chế độ chuyên trách; quy định trang bị xe chữa cháy và phương tiện chữa cháy phù hợp với phương án PCCC cho toàn khu.
Về phòng cháy đối với một số công trình đặc thù về PCCC:
- Phòng cháy đối với nhà khung thép mái tôn (Khoản 14): Bổ sung quy định để tăng khả năng chịu lửa, hạn chế khả năng sụp đổ công trình khung thép mái tôn khi có cháy để phục vụ chữa cháy có hiệu quả. Đồng thời, giao bộ, ngành nghiên cứu xây dựng, ban hành, công bố quy chuẩn, tiêu chuẩn về loại hình nhà khung thép, mái tôn.
- Phòng cháy đối với cơ sở hạt nhân (Khoản 16):Đây là loại hình công trình có yêu cầu đặc biệt về PCCC và trong thời gian tới đây sẽ xuất hiện công trình nhà máy điện hạt nhân. Do vậy, cần có quy định cụ thể về việc bảo đảm an toàn PCCC đôí với loại hình công trình này.
- Phòng cháy đối với chợ (Khoản 17): Bổ sung quy định các chủ hộ kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ trong chợ phải trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ (ngoài các phương tiện chữa cháy được trang bị chung).
- Phòng cháy đối với cơ sở sản xuất, kho vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ: Các văn bản quy phạm pháp luật đã quy định về loại hình công trình này, để bảo đảm an toàn vể phòng chống cháy, nổ thì Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC quy định cụ thể hơn trong tổ chức công tác PCCC. Cụ thể: “Cơ sở sản xuất, kho vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ phải bảo đảm an toàn về phòng chống cháy, nổ; có vành đai an toàn đối với các khu dân cư và công trình công cộng”.
Về phương án chữa cháy (Khoản 20). Luật sửa đổi đã bổ sung quy định có 02 loại phương án: 01 loại do cơ sở lập Phương án chữa cháy sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ (Phương án này do cơ sở lập) và 01 loại do Cảnh sát PCCC lập. Quy định này khắc phục sự bất cập khi giao cho cơ sở phải lập phương án huy động lực lượng, phương tiện của Cảnh sát PCCC, của các cấp, ngành.
Về lực lượng PCCC chuyên ngành (Khoản 25), bổ sung cơ sở thuộc một số ngành phải thành lập đội PCCC chuyên ngành là: Hạt nhân; cảng hàng không, cảng biển; cơ sở khai thác và chế biến dầu mỏ, khí đốt; cơ sở khai thác than; cơ sở sản xuất, kho vũ khí, vật liêu nổ.
Về chế độ, chính sách cho lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở (Khoản 26): Đã bổ sung được quy định cho Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở không chuyên trách được hưởng chế độ hỗ trợ thường xuyên theo quy định của Chính phủ.
Về phòng cháy và chữa cháy tình nguyện. Tại Khoản 27, Điều 1 của Luật số 40 đã bổ sung quy định khung về lực lượng PCCC tình nguyện: “Người tình nguyện tham gia phòng cháy và chữa cháy được bổ sung vào đội dân phòng hoặc đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở”.
Về tổ chức của Cảnh sát PCCC (Khoản 28): Bổ sung quy định khẳng định cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thuộc Công an nhân dân “Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thuộc CAND, là một bộ phận của lực lượng vũ trang, được quản lý thống nhất từ trung ương đến địa phương”.
Về ngân sách cho hoạt động PCCC ở địa phương (Khoản 30): Bổ sung quy định “Trong danh mục chi ngân sách quốc phòng và an ninh hàng năm của ủy ban nhân dân các cấp phải có nội dung chi cho công tác phòng cháy và chữa cháy”. Quy định này khắc phục được tình trạng tại một số địa phương không có căn cứ để chi ngân sách cho hoạt động PCCC, đặc biệt là ở cấp huyện, cấp xã.
Ngoài ra, việc sửa đổi, bổ sung lần này đã bổ sung nhằm làm rõ các quy định, tăng tính khả thi thực hiện và thống nhất với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, như: sửa đổi Điều 3 Luật PCCC về giải thích từ ngữ; sửa đổi, bổ sung quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; bổ sung một số" hành vi bị nghiêm cấm; bổ sung quy định tăng cường PCCC đốỉ với khu dân cư; sửa đổi quy định nhằm phù hợp với chủ trương cải cách hành chính; bổ sung quy định về PCCC rừng; bổ sung quy định nhằm tăng cường các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC đối với một số công trình đặc thù (công trình cao tầng, công trình trên mặt nước, công trình ngầm, đường hầm, hầm lò khai thác khoáng sản. công trình điện lực, cảng, nhà ga, bến xe): sửa đổi, bổ sung quy định thông nhất trong cả nước số điện thoại báo cháy là 114; quy định giao cho ủy ban nhân dân các địa phương giáp ranh phải xây dựng phương án, quy chế phối hợp về công tác PCCC, quy định về người chỉ huy chữa cháy; bổ sung quy định giao cho lực lượng cảnh sát PCCC thực hiện một số chức năng quan trọng cần thiết trong công tác PCCC để tránh trường hợp giao cho lực lượng khác thực hiện; sửa đổi, bổ sung quy định chính sách ưu đãi về thuế đôi với các tổ chức, cá nhân sản xuất, lắp ráp phương tiện PCCC; sửa đổi, bổ sung một số nhiệm vụ, chức năng trong quản lý nhà nước về PCCC.
Dẫn nguồn: http://antv.gov.vn/xahoi/kinh-doanh-hang-de-chay-phai-trang-bi-phuong-tien-chua-chay/74773.html