PDA

View Full Version : Giải pháp phòng ngừa hữu hiệu nhằm hạn chế nguy cơ cháy chợ và TTTM



hothang
07-06-2014, 10:49 PM
Thời gian qua, tình hình cháy chợ và trung tâm thương mại (TTTM) trên địa bàn cả nước diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Qua phân tích các vụ cháy cho thấy, hầu hết các chợ, TTTM đều thiết kế không đảm bảo an toàn PCCC. Những tồn tại, vi phạm các quy định trong công tác PCCC chợ, TTTM chủ yếu ở các nội dung sau:

Đường giao thông phục vụ cho xe chữa cháy

Thứ nhất: Đường giao thông từ đơn vị chữa cháy đến chợ, TTTM.

Đối với các chợ, TTTM ở các trung tâm ở huyện, thị, xã do địa bàn xa xôi, địa hình khó khăn, nhiều huyện miền núi khoảng cách từ đơn vị chữa cháy đến các chợ, TTTM từ 100 đến 200km, nhiều vụ cháy xảy ra tại các chợ, TTTM ở địa bàn các huyện, thị thì sau hàng giờ lực lượng Cảnh sát PCCC mới đến được đám cháy. Do vậy, khi đến nơi thì chợ đã bị cháy gần hoàn toàn và chỉ có thể tham gia việc khống chế đám cháy của chợ, TTTM và chống cháy lan sang các khu vực lân cận xung quanh.

Thứ hai: Đường giao thông xung quanh chợ phục vụ cho xe chữa cháy.

Một thực tế là ở trong số các chợ, TTTM hiện nay, rất ít cơ sở đáp ứng được đường giao thông xung quanh chợ đảm bảo cho các phương tiện xe chữa cháy hoạt động khi có cháy, nổ xảy ra do việc quy hoạch xây dựng chợ đan xen cùng phố xá, nhà ở, mặt bằng chật hẹp. Phổ biến nhất hiện nay là tại các chợ, TTTM là tình trạng các quầy sạp kinh doanh, các bến bãi gửi xe (phương tiện chuyên chở hàng, ôtô, xe máy...) việc cơi nới của các quầy sạp kinh doanh, sử dụng mái che, mái vẩy đã chiếm hết diện tích đường giao thông, gây cản trở cho việc lưu thông cho các phương tiện xe ô tô chữa cháy.

Vi phạm về công năng sử dụng và tổ chức sắp xếp ngành hàng, dãy quầy sạp kinh doanh

Về công năng sử dụng của chợ, TTTM: Đây là một trong những điều kiện hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an toàn PCCC của các chợ, TTTM. Nhiều chợ ở địa bàn thị xã, huyện, xã còn tồn tại tình trạng sử dụng chợ là nơi ở sinh sống của các gia đình, các gác xép của mỗi hộ kinh doanh vừa là nơi để hàng, vừa là nơi ăn, ngủ, sinh hoạt hàng ngày.

Việc sắp xếp bố trí hàng hóa, khoảng cách an toàn chống cháy lan giữa các dãy, quẩy sạp kinh doanh trong chợ, TTTM không đảm bảo theo quy định: Sự quá tải số lượng các hộ kinh doanh so với diện tích thiết kế ban đầu của chợ, trung tâm thương mại theo đó là lượng hàng hoá (tải trọng chất cháy) cũng vượt quá nhiều so với khả năng cho phép của các chợ là rất phổ biến. Hàng hoá xếp chồng lên cả ổ điện, sát với bóng đèn điện, lấn chiếm lối đi, lối thoát nạn và không đáp ứng yêu cầu theo tiêu chuẩn quy định. Khối tích các sàn, gian kinh doanh vượt quá tiêu chuẩn nhưng không có giải pháp ngăn cháy bổ sung hoặc có nhưng không đảm bảo theo quy định; các khu vực có tính chất hoạt động khác nhau nhưng không có giải pháp ngăn cháy.

Vi phạm các quy định an toàn PCCC của các hộ kinh doanh

Tự ý cải tạo quầy, sạp, cơi nới, ngăn che, làm mái vẩy, lều bạt...sai, trái với thiết kế ban đầu. Xếp hàng hoá sát với nguồn nhiệt có khả năng gây cháy (bóng đèn, quạt điện, ổ cắm điện...). Cất giữ, mua bán các loại hàng đặc biệt nguy hiểm về cháy nổ, như: xăng dầu, hoá chất dễ cháy, nổ. Thắp hương, hoá vàng mã, đốt lửa tại những nơi không cho phép.

Hiện nay, việc các hộ kinh doanh vi phạm các quy định trên là khá phổ biến và là nguyên nhân dẫn đến khi xảy ra cháy sẽ gây ra cháy lan nhanh thành cháy lớn.

Vi phạm các quy định an toàn trong sử dụng điện

Đại đa số các chợ, TTTM hiện nay, hệ thống điện không đảm bảo an toàn PCCC, thể hiện qua một số tồn tại dưới đây:

Về nguồn điện: Không đảm bảo việc tách riêng 3 hệ thống điện cung cấp cho: Điện phục vụ cho sinh hoạt, kinh doanh, sản xuất; điện chiếu sáng, bảo vệ, chiếu sáng sự cố và điện phục vụ cho hệ thống thiết bị chữa cháy.

Về hệ thống đường dây điện, thiết bị bảo vệ an toàn: Đây là tình trạng vi phạm phổ biến nhất hiện nay ở các chợ, TTTM hiện nay, cụ thể như: Các thiết bị bảo vệ như áp-tô-mát, cầu dao, cầu chì không được lắp đặt bảo vệ theo các cấp cho từng khu vực riêng, từng tầng và cho các hộ kinh doanh, về chất lượng của các thiết bị bảo vệ thường bị hư hỏng, tự ý đấu nối tùy tiện, không đáp ứng tiêu chuẩn quy định, phổ biến nhất là việc sử dụng tùy tiện các dây chảy của cầu chì bằng dây đồng, dây nhôm... của các hộ kinh doanh. Hệ thống đường dây điện trong nhiều chợ, TTTM thường không đảm bảo an toàn PCCC theo quy định, thể hiện như: Đường dây điện do lâu ngày đã bị hư hỏng, ải mục không đảm bảo cách điện, dễ dẫn đến nhiều sự cố, chạm chập gây cháy; một trong những vi phạm nghiêm trọng theo tiêu chuẩn quy định đối với hệ thống đường dây điện trong chợ, TTTM là khi các đường dây điện di xuyên qua, lắp đặt vào các trần, tường, vách ngăn của nhà, quẩy sạp là vật liệu dễ cháy (như: trần cót ép, lớp cách nhiệt gỗ, xốp...) phải được lắp đặt, luồn trong các ống bảo vệ là vật liệu không cháy, song thực tế những vi phạm về quy định này diễn ra ở hầu hết các chợ, TTTM. Những vi phạm nghiêm trọng về an toàn trong việc sử dụng điện ở các chợ, TTTM còn được thể hiện trong việc ý thức chấp hành và trình độ hiểu biết của Ban Quản lý chợ, của các hộ kinh doanh, đặc biệt là ở những khu vực phụ cận thành thị, khu vực nông thôn.

Vi phạm các điều kiện thoát nạn

Về lối thoát nạn: Việc vi phạm tập trung vào lối đi trong chợ, TTTM không đảm bảo kích thước quy định, hàng hoá bố trí, sắp xếp gây cản trở lối thoát nạn, nhiều chợ, TTTM còn để hàng hoá che chắn cả lối thoát nạn, trên đường thoát nạn. Nhìn chung các điều kiện đảm bảo an toàn của lối thoát nạn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Về các hệ thống, thiết bị đảm bảo an toàn thoát nạn khi có cháy: Việc không đảm bảo các hệ thống chiếu sáng thoát nạn này thường thể hiện là không có đèn chiếu sáng sự cố hầu như tất cả các chợ, TTTM mới chỉ được trang bị, bố trí một số đèn chỉ dẫn thoát nạn ở các cửa ra thoát nạn mà thiếu đèn chiếu sáng sự cố trong khu vực kinh doanh để đảm bảo cho mọi người nhận biết các lối, đường đi trên lối thoát nạn trong trường hợp cắt điện chung của chợ, TTTM khi có cháy, nổ xảy ra. Có nhiều chợ, TTTM còn không có hệ thống chiếu sáng cho thoát nạn.

Vi phạm trong quản lý, sử dụng phương tiện PCCC

T Tại các chợ, TTTM hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy vách tường, phương tiện PCCC không được bảo quản, bảo dưỡng, không tiến hành kiểm tra phương tiện chữa cháy theo quy định; di chuyển, thay đổi vị trí phương tiện PCCC đặt tại các vị trí không đảm bảo, nhiều phương tiện đã hỏng, cũ nhưng không được thay thế nên khi có cháy hoạt động kém hiệu quả; nhiều chợ, TTTM còn bố trí việc trông xe, tập kết hàng hóa ở khu vực đặt máy bơm chữa cháy nên khi xảy ra cháy rất khó tiếp cận để khởi động máy bơm hoặc tiếp cận được thì cũng mất thời gian rất dài.

Một số giải pháp phòng ngừa hạn chế nguy cơ cháy tại các chợ, TTTM

Từ các tồn tại trên, nguy cơ xảy ra cháy và cháy lớn tại các chợ, TTTM sẽ ngày càng gia tăng nếu như công tác PCCC ở nơi đó không được quan tâm, chú trọng. Trước tình hình đó, để tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC cho các chợ, TTTM cần triển khai đồng bộ một số giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất: UBND các địa phương khi phê duyệt các đề án quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương trong từng giai đoạn, trong đó có đề án quy hoạch, phát triển mạng lưới chợ, TTTM phải đồng bộ với quy hoạch xây dựng các khu dân cư, các công trình giao thông, điện, cấp thoát nước và các công trình công cộng khác, việc quy hoạch phải đảm bảo đủ diện tích để bố trí các điểm kinh doanh, khu vực dịch vụ như: bãi để xe, kho hàng, khu ăn uống, vui chơi giải trí và các dịch vụ khác, khoảng cách an toàn PCCC với các công trình, khu vực xung quanh, đường giao thông xung quanh chợ và các điều kiện phục vụ PCCC theo quy định (hệ thống cấp nước chữa cháy, các thiết bị chiếu sáng, thông gió, thoát nạn ...).

Thứ hai: Đối với các công trình chợ, TTTM khi xây dựng mới và cải tạo.

Chủ đầu tư, đơn vị tư vấn dự án, giám sát thi công, đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công, cơ quan phê duyệt dự án, cơ quan cấp giấy phép xây dựng khi thiết kế, xây dựng mới hoặc cải tạo các chợ, TTTM phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu, quy định về PCCC theo các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam hiện hành.

Đối với chợ kiên cố, TTTM có từ 300 hộ buôn bán trở lên hoặc có tổng diện tích gian hàng từ 1.200m2 trở lên khi xây dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng phải được cơ quan Cảnh sát PCCC thẩm duyệt trước khi thi công xây dựng, quá trình thi công phải thực hiện theo đúng thiết kế đã được phê duyệt, trước khi đi vào hoạt động phải tiến hành nghiệm thu các điều kiện về PCCC theo quy định.

Đối với chợ kiên cố, bán kiên cố, TTTM có dưới 300 hộ buôn bán hoặc có tổng diện tích gian hàng dưới 1.200m2 khi xây dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng do cơ quan quản lý xây dựng và chủ đầu tư tự thẩm định các nội dung thiết kế về PCCC theo quy định của tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về PCCC khi phê duyệt dự án, thiết kế. Đối với những công trình xét thấy gặp khó khăn về nghiệp vụ chuyên môn thẩm định về PCCC thì cơ quan cấp giấy phép xây dựng hoặc cơ quan phê duyệt dự án, thiết kế cần xin thêm ý kiến của cơ quan cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy bằng văn bản. Trước khi đưa vào sử dụng, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cam kết với cơ quan Cảnh sát PCCC về việc công trình đã được thẩm định, phê duyệt thiết kế và nghiệm thu về PCCC theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ ba: Các biện pháp tăng cường đảm bảo an toàn PCCC đối với các chợ, TTTM đang hoạt động.

Chủ đầu tư, Ban Quản lý chợ phải tổ chức thực hiện đầy đủ các văn bản pháp luật, quy định về PCCC và các yêu cầu về đảm bảo an toàn PCCC của các cấp chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền, trong đó đảm bảo các nội dung sau:

Ban hành quy định, nội quy an toàn PCCC trong chợ, TTTM.

Tổ chức tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành các quy định về PCCC đối với các hộ kinh doanh trong việc chấp hành các quy định PCCC trong chợ, TTTM như: thực hiện quy dịnh an toàn sử dụng điện trong kinh doanh, chiếu sáng không tự ý câu móc điện; không thắp hương thờ cúng... không kinh doanh các mặt hàng nguy hiểm cháy, nổ như: xăng dầu, khí gas trong chợ, TTTM...

Tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC đối với chợ, TTTM theo chế độ thường xuyên, định kỳ, nhất là vào thời gian cao điểm, lúc đông người nhằm phát hiện kịp thời những sơ hở thiếu sót, và các nguồn nhiệt do sơ suất có thể dẫn đến cháy, nổ. Đi đôi với việc kiểm tra cần có biện pháp kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm quy định về PCCC của các hộ kinh doanh.

Tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở của chợ, TTTM và các hộ kinh doanh trong việc sử dụng các trang thiết bị PCCC và sẵn sàng kịp thời xử lý dập tắt các đám cháy mới phát sinh.

Trang bị các phương tiện PCCC theo quy định, trước hết là trang bị các phương tiện chữa cháy tại chỗ trong khu vực kinh doanh. Đặc biệt là đối với các chợ ở xa các đơn vị chữa cháy cần phải trang bị các máy bơm chữa cháy để đảm bảo khả năng tự chữa cháy của cơ sở khi có cháy, nổ. Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các hệ thống, thiết bị PCCC để đảm bảo luôn luôn ở chế độ thường trực.

Tổ chức thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC
của chợ, trong đó cần thực hiện ngay các giải pháp như: Giải toả các hộ kinh doanh vi phạm hành lang an toàn phòng chống cháy lan, tự ý cơi nới quầy sạp, làm các mái che tạm, mái vẩy bằng vật liệu dễ cháy. Cải tạo hoặc lắp đặt mới hệ thống điện của chợ để đảm bảo việc tách riêng 3 hệ thống điện: sinh hoạt, chiếu sáng kinh doanh; điện bảo vệ và chiếu sáng sự cố và điện phục vụ cho hệ thống chữa cháy phải được độc lập với nhau theo quy định tại Điều 25 - Luật PCCC. Tổ chức thực tập phương án chữa cháy theo đúng quy định, đảm bảo theo các tình huống đã được phê duyệt và tổ chức thực tập vào các khung thời gian khác nhau để tăng cường hiệu quả công tác chữa cháy khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Đảm bảo phải luôn duy trì nguồn nước phục vụ chữa cháy, lối vào khu vực bể chứa nước chữa cháy phải đảm bảo thông thoáng thuận lợi cho việc lấy nước của máy bơm và xe chữa cháy. Hàng năm phải đầu tư kinh phí phục vụ cho việc bảo dưỡng phương tiện, duy trì và tổ chức các hoạt động về PCCC tại cơ sở. Tổ chức ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC đối với các hộ kinh doanh. Thực hiện việc mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy dịnh.

Thứ tư: Trách nhiệm của các cấp, các ngành.

Tham mưu cho chính quyền địa phương ban hành các văn bản, chỉ thị về tăng cường thực hiện các biện pháp PCCC đối với chợ, TTTM cho phù hợp với điều kiện đặc điểm kinh tế của cơ sở, của địa phương.

Tổ chức các cuộc họp với các ban, ngành chức năng của địa phương nhằm giải quyết, tháo gỡ những khó khăn lớn trong công tác PCCC chợ, TTTM trong việc: Lập quy hoạch phát triển và xây dựng mới các chợ, TTTM trên địa bàn quản lý nhằm giảm bớt sự quá tải về số hộ kinh doanh và lượng hàng hóa ngày càng tăng trong các chợ hiện nay. Giành một phần ngân sách của địa phương, kinh phí của cơ quan chủ quản của chợ, TTTM cùng với sự đóng góp của các hộ kinh doanh để mua sắm trang bị phương tiện chữa cháy, làm hệ thống cấp nước chữa cháy (bao gồm máy bơm chữa cháy, nguồn nước chữa cháy...) theo tiêu chuẩn quy định và thực hiện các giải pháp PCCC đảm bảo khi xảy ra cháy, cơ sở có đủ khả năng dập tắt đám cháy ngay từ ban đầu.

Củng cố công tác nắm tình hình, hồ sơ theo dõi công tác PCCC của tất cả các chợ, TTTM thuộc địa bàn quản lý để có các biện pháp chỉ đạo sâu sát với cơ sở.

Tăng cường kiểm tra việc chỉ đạo hướng dẫn công tác PCCC các chợ, TTTM trên các mặt công tác: tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật an toàn PCCC, xử lý xử phạt những vi phạm an toàn PCCC.

Hướng dẫn các chợ, TTTM tổ chức xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ, trang bị phương tiện PCCC, chuẩn bị các điều kiện phục vụ chữa cháy như: nguồn nước, thông tin báo cháy, đường cho xe chữa cháy hoạt động.

Đại tá ĐOÀN HỮU THẮNG

Phó Cục trưởng C66 - Bộ Công an