PDA

View Full Version : Chuyện của những người cứu nạn, chữa cháy



PhuThoTech
07-26-2012, 08:52 PM
(ANTĐ) - Vụ cháy tại chung cư 18 tầng JSC34 - ngõ 164 đường Khuất Duy Tiến đã qua được 5 ngày; nhưng hình ảnh những người lính cứu hoả vừa tham gia chữa cháy, vừa trực tiếp cứu nạn vẫn in đậm trong tâm trí người dân nơi đây… Mưu trí, dũng cảm, Cảnh sát PCCC CATP Hà Nội đã giải cứu thành công 44 người mắc kẹt, gặp nạn.


http://www.anninhthudo.vn/Xa-hoi/Chuyen-cua-nhung-nguoi-cuu-nan-chua-chay/ImageView.aspx?ThumbnailID=72886


Lực lượng cứu hộ gõ cửa, kiểm tra đảm bảo không còn người mắc kẹt

Khẩn trương ứng cứu

Nhớ lại vụ cháy hầm thu rác chung cư JSC34 và công tác cứu hộ, cứu nạn người mắc kẹt hôm đó, Trung tá Ngô Thanh Lâm - Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC Ba Đình kể: Sau khoảng 10 phút nhận lệnh điều động của trung tâm chỉ huy, Đội PCCC Ba Đình đã có mặt tại hiện trường. Lực lượng Cảnh sát PCCC nhanh chóng triển khai 2 mũi công tác, mũi thứ nhất triển khai xe thang cứu người mắc kẹt trên tầng cao do Đội Cảnh sát PCCC Từ Liêm phụ trách.

Mũi thứ 2 gồm 6 CBCS, do Trung tá Ngô Thanh Lâm phụ trách lên toà nhà bằng cầu thang bộ chữa cháy, cứu người gặp nạn. Vừa vào sảnh toà nhà, Hạ sĩ Trương Quang Sơn - Đội PCCC Ba Đình bị một phụ nữ ngoài 60 tuổi níu lại, giọng tuyệt vọng: “Có một cháu bé tên là N.N.Q.A - 16 tháng tuổi mắc kẹt ở phòng 1812 (tầng 18), nhờ anh lên cứu cháu với”. Không chần chừ, tổ công tác mang theo 6 mặt nạ, kèm bình oxy nặng 20kg lao nhanh lên tầng cao nhất. Tới tầng 18, điện đã bị cắt, khói đen mù mịt, dù lực lượng cứu hộ dùng đèn pin công suất lớn, nhưng cũng chỉ quan sát được mờ mờ ở khoảng cách 0,5m.

Để tìm vào phòng 1812 và các phòng khác, lực lượng cứu hộ phải dùng tay lần theo các bức tường hành lang. Tới phòng 1812 mà không thấy ai bên trong, các anh nhanh chóng toả đi các phòng khác đập cửa kiểm tra. Sau nhiều phút tìm kiếm, Q.A được phát hiện đang ở phòng 1712 (tầng 17) cùng với 2 sinh viên Nhâm Đức Duy - Đại học Kiến trúc và Nhâm Ngọc Hà - Đại học Y tế cộng đồng. Biết bé gái và mọi người vẫn an toàn, lực lượng cứu hộ mà trực tiếp là Hạ sĩ Trương Quang Sơn tháo mặt nạ chống độc đang đeo đeo cho bé gái này, tuy nhiên Q.A nhất quyết giật ra không đeo.

Khói đen đặc quánh bao trùm tầng 17, không còn cách nào khác, Hạ sĩ Sơn lấy khăn ướt ấp vào mặt Q.A tránh cho cháu bị ngạt khói và ôm bé đưa ra ngoài ban công. Sơn ôm ghì bé gái vào lòng, ấp đầu cháu vào vai áo đã thấm nước mồ hôi và cùng đưa cả 3 người xuống đất an toàn. Thấy con an toàn trong vòng tay lực lượng cứu hộ, gia đình Q.A ôm chầm lấy cháu khóc trong niềm vui khôn tả và đưa bé tới bệnh viện kiểm tra sức khoẻ. Sơn và đồng đội tiếp tục lao lên các tầng cao cứu người.

Phương án không có trong giáo án

Hơn 20 năm trong nghề, Trung tá Ngô Thanh Lâm chưa chứng kiến vụ cháy nhà cao tầng nào nghiêm trọng như ở chung cư JSC34 chiều 10-3. Theo anh, lực lượng cứu hộ tham gia vụ cháy đã phải đối mặt với những tình huống nguy hiểm, có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Mấy ngày nay, anh em tham gia chữa cháy, cứu hộ đều bị chảy máu cam liên tục, trong máu dính nhiều tro than đen, mũi khô rát. Một số anh em vẫn thấy tức thở…

Trung tá Ngô Thanh Lâm cho biết thêm: Trong các vụ cháy, bình oxy thường được lực lượng cứu hoả dùng để trinh sát hiện trường, cứu người bị nạn, tuy nhiên, các bình được tính toán sử dụng lần lượt để có thể “quay vòng”. Trong vụ cháy chung cư JSC34, trước tính chất nghiêm trọng của vụ cháy với hàng trăm người đang bị mắc kẹt, cả 6 bình oxy trên xe chữa cháy đã được sử dụng cùng lúc. Sự nguy hiểm ở chỗ, mỗi bình oxy chỉ sử dụng được từ 20-25 phút, cứu người trên tầng 18, anh em có thể không đủ thời gian thoát thân khi bình hết oxy.

Với số anh em còn lại, họ chủ yếu sử dụng mặt nạ phòng độc. Tuy nhiên, loại mặt nạ này chỉ phù hợp chữa cháy dướt mặt đất, còn khi leo 18 tầng cầu thang bộ, cơ thể cần nhiều oxy, mặt nạ không đủ duy trì sự thở cho anh em cứu hộ. Chiến sĩ chữa cháy Lê Trung Đức nhớ lại: Khi tôi cùng một số đồng đội chạy lên tầng 18 thì phát hiện một căn hộ cửa mở toang, trong nhà khói đen nghi ngút. Tìm kiếm người bị nạn, chúng tôi phát hiện dưới sàn nhà có 2 mẹ con nằm bất tỉnh. Tôi và đồng đội xốc họ dậy, nhường họ mặt nạ chống độc và thay nhau dìu, cõng xuống tầng 1. Chúng tôi phải ghì mũi vào vai áo, nín thở băng qua “biển” khói.

Trung sĩ Phạm Anh Tuấn thì không nhớ mình “cuốc bộ” lên xuống 18 tầng chung cư JSC34 bao nhiêu lần, anh nói: Khi chạy lên tầng 14, tôi và đồng đội nghe tiếng kêu cứu phát ra từ một căn hộ, chúng tôi mò mẫm trong làn khói đen và phát hiện người phụ nữ mang thai ngồi trên ghế ngoài lan can với vẻ mặt hoảng sợ. Sau khi hỏi thăm sức khỏe và nhường người này mặt nạ phòng độc, tôi dùng khăn ướt quấn vào mặt mình rồi bế người này rời khỏi đám khói. Dọc quãng đường giải cứu nạn nhân, Tuấn liên tục hỏi chuyện. Đến tầng 8, quá mệt nên Tuấn ngồi bệt xuống đất vì hai cánh tay mỏi nhừ. May mắn, đúng lúc đó, đồng đội đã kịp mang cáng đến đưa chị ấy xuống đất an toàn.

Có lẽ trước nay, ít người trong chúng ta biết tới một công việc thầm lặng của lực lượng Cảnh sát PCCC, đó là tham gia cứu hộ, cứu nạn trong các thảm hoạ, thiên tai và đặc biệt trong các đám cháy. Hình ảnh những người lính mặt mày đỏ tía băng qua “biển” lửa, gần như kiệt sức do hít nhiều khói độc… song vẫn dũng cảm xông pha cứu thoát người bị nạn, sẽ mãi là những dấu ấn không thể quên với người dân.