PDA

View Full Version : Với chúng tôi



Jindo
04-27-2012, 10:35 AM
Dẫu lúc ấy đang ngủ ngon, đang bắt đầu bữa ăn hay đang làm bất cứ việc gì, nghe tiếng chuông báo là tất cả chúng tôi bật dậy, buông chén, bỏ dở ngay những công việc khác. Tiếng chuông như hiệu lệnh giục giã, phải nhanh, thật nhanh!

Thời gian được tính từng giây. Nhanh! Kịp đến ngay nơi đang xảy ra cháy, kịp đến nơi để cứu người, cứu tài sản. Bởi, với chúng tôi thời gian là một yếu tố quyết định hiệu quả của hoạt động chữa cháy và cứu hộ- cứu nạn.

Lính Cảnh sát PC&CC chúng tôi là thế đó. Khi có cháy xảy ra, người ta chạy tránh ra, còn chúng tôi lại chạy đến, giáp lá cà, trực tiếp đối mặt với ngọn lửa. Càng gần với ngọn lửa thì hiệu quả chữa cháy càng cao. Chúng tôi cần phải nhanh chóng dập tắt ngay, không để lửa cháy lớn, cháy lan, gây thiệt hại nhiều hơn cho con người và tài sản. Nguy hiểm đến cho chúng tôi bất kỳ lúc nào. Khi đang chữa cháy, có thể những ngôi nhà, những công trình bất ngờ sụp đổ mà không thể tránh được. Thường gặp nhất là những chất độc hại từ các vật liệu, hóa chất bị cháy hay những nguy hiểm khác đe dọa như điện giật, nổ bình gas, nổ bình nén khí... sẽ gây cho chúng tôi bị thương thậm chí hy sinh. Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình, lực lượng Cảnh sát PC&CC TPHCM luôn xem công việc đó là một nhiệm vụ quan trọng.

Đồng chí Thiếu tướng Trần Triều Dương- GĐ Sở CS PC&CC TP.HCM cho biết: “Là một Sở thí điểm, chúng tôi thấy trách nhiệm của mình càng cao, vì vậy, chúng tôi xây dựng lực lượng của chúng tôi từ cơ cấu tổ chức cho đến cán bộ chỉ huy, CBCS luôn luôn sẵn sàng vì nước quên thân vì dân phục vụ, luôn thường trực sẵn sàng chiến đấu 24/24, khi có tin báo cháy, nhanh chóng kịp thời đến nơi để xử lý, mặc dù có khó khăn nguy hiểm đến tính mạng, đe dọa đến sức khỏe nhưng chúng tôi cùng CBCS luôn luôn bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân”.

34 năm qua, lực lượng cảnh sát PC&CC TP.HCM đã xuất hàng trăm ngàn lượt xe, máy đặc chủng của lực lượng cảnh sát PCCC và hàng trăm ngàn lượt cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia chữa cháy, kịp thời ngăn chặn hàng ngàn vụ cháy, không để xảy ra cháy lớn, cứu sống hàng trăm người và tránh được thiệt hại về tài sản của Nhà nước và của nhân dân hàng ngàn tỷ đồng. Chỉ tính từ năm 2007 đến nay, riêng công tác cứu hộ- cứu nạn đã nhận được tin và xuất xe đi cứu hộ- cứu nạn 199 vụ, tìm kiếm được 85 nạn nhân, cứu sống được 28 người. Đây là một đơn vị có chức năng và nhiệm vụ là cứu hộ- cứu nạn, cứu người trong đám cháy nhưng do yêu cầu thực tế cuộc sống và yêu cầu công việc, giờ đây còn có nhiệm vụ cứu hộ- cứu nạn, cứu người trong tất cả mọi trường hợp. Ngoài ra, chúng tôi còn có nhiệm vụ phục vụ cho công tác điều tra khám phá các vụ án khi có yêu cầu. Số máy điện thoại 114 gần như ai cũng biết để cần gọi khi có sự cố cháy xảy ra. Số máy này còn là một địa chỉ mà mọi người đã thân quen và đã được tin cậy bởi khi có gọi yêu cầu cứu giúp điều gì đó đang nguy hiểm là chúng tôi đến ngay.

“Ngoài công việc cứu người trong các đám cháy, chúng tôi còn có các vụ đáng nhớ như vụ xử lý các mái tôn, những vật dụng trên mái nhà bị lốc cuốn xoáy kẹt trên những cành cây cao gây nguy hiểm cho người dân khi đi đường qua lại. Đặc biệt là các trường hợp đáng nhớ như: tham gia giải bày tâm sự cùng những nạn nhân bị vướng mắc về vấn đề tình cảm, có ý định tự tử trên những tòa nhà cao tầng, những nạn nhân có triệu chứng bệnh tâm thần leo lên những trụ điện cao thế với độ cao 30 đến 40m để hóng mát,… Tất cả những vụ cứu hộ cứu nạn này chúng tôi điều phải tham gia xử lý khi có yêu cầu”. Trung úy: Huỳnh văn Tuấn- Đội phó Đội Cứu hộ- Cứu nạn, Sở CS PC&CC TP.HCM cười kể lại.

Dù trong đêm tối đen, dù nơi đó là dòng sông sâu, hay nơi đó có một con kênh đen đầy rác rưởi, ô nhiễm; dù nơi đó là cái giếng sâu đã lâu ngày bỏ hoang; một ngôi nhà, một công trình đổ sập đang đe dọa đến tính mạng của con người... Những nơi đó cần chúng tôi đến để cứu người, tìm kiếm nạn nhân, tìm tang chứng, vật chứng của các vụ án. Có những vụ tai nạn tàu thuyền mấy ngày liên tục, phải lặn tìm dưới sông sâu đỏ cả mắt, lạnh cóng cả người để tìm kiếm các nạn nhân. Có những vụ án giết người mà thủ phạm phân nhỏ ra từng khúc đem phi tang ở các dòng sông, kênh rạch khác nhau, cũng phải lặn tìm bằng được xác người chết đã nhiều ngày thối rữa để có tang chứng kết tội kẻ giết người. Nhưng với tinh thần, trách nhiệm công việc, chúng tôi lại vẫn tiếp tục.

Nguy hiểm còn có thể đến khi chúng tôi mắc kẹt trong các khoang tàu chìm sâu trong nước cả chục mét để tìm kiếm nạn nhân; có thể bị thương bởi những vật nguy hiểm sắc nhọn đâm vào người trong dòng nước đen ngòm ấy, hay khi đang lặn tìm có thể đụng các loại vũ khí như súng, lựu đạn đã ném xuống từ thời còn chiến tranh. Tai nạn đến là điều không thể tránh khỏi.

Tháng 5/1979, trong khi tìm một khẩu súng là vật chứng của bọn tội phạm trong vụ bắt cóc con của nghệ sĩ Thanh Nga, hai đồng đội của chúng tôi là Võ Quang Hà và Nguyễn Văn Bảy đã không may mò trúng bị lựu đạn nổ và đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ ở chân cầu Bình Lợi, sông Sài Gòn. Đồng chí Nguyễn Ngọc Tốt- Cán bộ Đội Cứu hộ cứu nạn-Sở Cảnh sát PC&CC TPHCM kể: “Tổ công tác đã lặn ròng rã ngày lẩn đêm suốt 02 ngày từ 10 -12 để tìm kiếm tang vật là một khẩu súng trong vụ án bắt cóc con nghệ sĩ Thanh Nga. Đỉnh điểm xảy ra sự cố là vào khoảng 14h30, ở ca lặn cuối cùng để báo cáo tìm kiếm tang vật ở vị trí xác định không có ở lòng sông, không may xảy ra sự cố đáng tiếc là bên dưới lòng sông có trái nổ đã gây nổ và 02 cán bộ Nguyễn Văn Bảy và Võ Quang Hà đã hy sinh”.

Cũng trong 34 năm qua, Sở Cảnh sát PC&CC TP.Hồ Chí Minh chúng tôi còn có những cán bộ chiến sĩ hy sinh cả xương máu và bị thương trong cuộc đấu tranh chống “giặc lửa”. Đó là các anh Nguyễn Văn Mót, hy sinh năm 1977, khi lái xe đến nơi chữa cháy. Đó là liệt sỹ Lê Văn Hà và Phạm Văn Sáu, hy sinh năm 1991 vì bị điện giật khi đang chữa cháy tại khu dân cư đường Tô Hiến Thành, quận 10 và gần đây nhất năm 2007- chiến sỹ Phạm Trường Huy đã hy sinh khi đang tham gia chữa cháy tại công ty Nam Thuận Hưng, Quận 6.

Những nỗi đau mất mát đó vẫn còn mãi trong chúng tôi nhưng đó cũng là niềm tự hào của gia đình và những người lính cảnh sát PCCC TPHCM. Họ đã hy sinh khi không còn chiến tranh, đã chiến đấu và cống hiến tuổi xuân cuộc đời mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Bà Trần Thị Kim Thoa - mẹ Liệt sỹ Phạm Trường Huy nói: Tôi cảm thấy buồn vì đã mất một người con nhưng nghĩ lại đó cũng là một niềm hãnh diện cho gia đình,

Jindo
04-27-2012, 10:46 AM
Sự hy sinh của các anh được Nhà nước, nhân dân ghi nhận và cảm phục. Cũng từ sự hy sinh của các anh, những người lính cảnh sát phòng cháy và chữa cháy luôn được sự tin yêu, quý mến, đùm bọc, giúp đỡ của hàng triệu người dân thành phố. Đó cũng là phần thưởng quý báu nhất, vinh dự nhất để chúng tôi tiếp tục nhận trách nhiệm, làm tốt công tác PCCC, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do cháy gây ra.

Chúng tôi còn có hàng trăm cán bộ chiến sỹ bị thương tật trong quá trình tham gia chữa cháy, cứu hộ- cứu nạn hiện đang công tác tại các đơn vị. Thượng tá Nguyễn Văn Tuyền- Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PC&CC quận Gò Vấp kể lại: Vào ngày 09/5/2005 lúc đó còn là đội PCCC Gò Vấp, khi nhận được tin cháy tại số 3, Nguyễn Kiệm, phường 3, quận Gò Vấp, lực lượng xuất 03 xe đến hiện trường triển khai cứu chữa. Do cấu kiện xây dựng tạm bị đổ sập, điện trung thế phóng xuống làm tôi và 02 đồng chí bị thương nặng và bất tỉnh, trong đó, một số đ/c bị thương nhẹ và được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện chữa trị hơn 01 tháng. Qua giám định, bị thương tật 18%, nhưng với tinh thần nghề nghiệp và phục vụ công tác hơn 30 năm trong ngành nên vẫn xác định rõ nhiệm vụ và cố gắng công tác để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cũng là người trực tiếp tham gia chữa cháy vụ cháy trên và là một trong bảy người bị thương, chiến sỹ Thái An Khang bị gãy chân trái, bỏng toàn thân, thương tật 31% vẫn tiếp tục theo đuổi nghề nghiệp. Sức khỏe có yếu hơn do những vết thương để lại, anh vẫn thường xuyên tập luyện tăng cường thể lực, khi đã xác định được tính chất nghề nghiệp. “Lúc đó tôi không suy nghĩ gì đến nguy hiểm, tôi chỉ biết là đến địa điểm cháy thật nhanh để cứu chữa nhà cho nhân dân, kịp thời cứu nạn cho người dân với hết sức mình.Chiến sỹ Thái An Khang- Phòng Cảnh sát PC&CC quận Gò Vấp nói như thế.

Rất nhiều CBCS hy sinh thầm lặng khác trong cuộc sống riêng tư của gia đình để làm tốt nhiệm vụ được giao. Có người cha mẹ già yếu đang bị bệnh vẫn đợi người con trai về khi đang cần đi cấp cứu ở bệnh viện; có những người vợ chờ chồng đến mỏi mòn; có những đứa con nhỏ tan trường đang chờ được đón về mà mẹ đang giao ca, còn cha thì đi chữa cháy, cứu người trong tai nạn mãi chưa về... Nhờ có sự hy sinh thầm lặng đó, chúng tôi đã giành lại sự sống cho bao người. Chị Nguyễn Dương Quế Phượng- Công ty TNHH Một Thành Viên nước ngầm Sài Gòn- nạn nhân được cứu từ vụ sập hầm tại công ty Sawaco tâm sự: Tôi rất hiểu về công việc cứu hộ cứu nạn rất nguy hiểm và khó khăn. Tôi ghi nhận sự nhiệt tình của anh làm công tác cứu hộ cứu nạn xuống cứu tôi. Hôm đó, tôi chưa bị ngất nhưng bị thương rất nặng, anh xuống cứu động viên tô lài cố gắng bằng mọi cách anh sẽ cứu em lên. Điều đó thật đáng quý, tôi mong là điều đó càng được phát huy nhiều hơn. Tôi chân thành cảm ơn rất nhiều tinh thần dũng cảm ấy.

Luôn ghi nhận và tri ân tinh thần cao đẹp, những tấm gương dũng cảm hy sinh, những người hết mình trong phòng cháy và chữa cháy, cứu người và cứu tài sản. Sự đóng góp bằng xương máu, bằng tâm sức ấy đã làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Không có sự hy sinh của các anh, không có sự góp sức của nhân dân, chúng tôi không thể nào làm tốt hơn nhiệm vụ được giao. Trên 70 % số vụ cháy trên địa bàn thành phố đã được lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở, lực lượng dân phòng, lực lượng bảo vệ khu phố và người dân tại chỗ kịp thời dập tắt khi vừa mới phát sinh, hạn chế đáng kể những thiệt hại mà không lường hết được. Con số ấy nói lên tất cả công lao đóng góp của nhân dân suốt bao năm tháng.

Thành phố Hồ Chí Minh có tốc độ phát triển nhanh, nhiều công trình lớn, nhiều khu công nghiệp, cơ sở sản xuất lớn với nhiều hàng hóa, tài sản vật tư thì nguy cơ xảy ra cháy và cháy lớn khó mà tránh khỏi. Phía trước chúng tôi còn nhiều khó khăn và thử thách, chúng tôi cần phải chủ động, sáng tạo, nghĩ suy những cách thực hiện, tìm ra các giải pháp tốt nhất cho công tác phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn thành phố.

Thiếu tướng Trần Triều Dương- Gíam đốc Sở Cảnh sát PC&CC TP.HCM cho biết thêm: “Theo như Chỉ thị 09 của Thường vụ Thanh ủy cũng như kế hoạch của UBND thành phố là phải xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC TPHCM cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại ngang tầm với khu vực và thế giới. Chúng tôi xây dựng làm sao lực lượng Cảnh sát PCCC TPHCM từ đây về sau phải có những chuyên gia cấp quốc gia về PCCC mà chúng tôi đang gửi đi đào tạo tại nước ngoài. Bên cạnh đó, hàng năm Sở còn đào tạo hàng trăm CBCS để đào tạo trình độ đại học PCCC; tập trung nghiên cứu những khoa học, công nghệ, thành tựu của thế giới hiện nay đang là công nghệ cao và những chất, phương tiện chữa cháy; cập nhật, đề xuất trang bị cho lực lượng Sở tương đương ngang tầm phát triển; nghiên cứu, tiếp cận tổ chức bộ máy về chiến thuật, kỹ thuật những đội hình của các nước có nền kỹ thuật tiên nhằm cải thiện bộ máy ngày càng chính quy hiện đại hơn”.

Qua thời gian, qua thực tế công tác, mỗi cán bộ chiến sỹ Sở Cảnh sát PC&CC TP. Hồ Chí Minh đã trưởng thành hơn, với nhiều kinh nghiệm hơn, thêm vững bước thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao của mình tốt hơn trong thời gian tới. Điều đó cũng là điều mà nhân dân luôn mong đợi.

Niềm tin của nhân dân đã có trong chúng tôi, như ngọn lửa phải biết giữ gìn, trân trọng để ngọn lửa ấy đem lại cuộc sống bình yên và hạnh phúc.


Phạm Hồng Quân - Phòng 2
website Sở Cảnh sát PC&CC TP.HCM