PDA

View Full Version : Nhiều quán bar, karaoke coi thường phòng ngừa cháy nổ



hothang
06-15-2013, 07:39 PM
Tối 12/6/2013, quán karaoke Gran ở số 300 phố Xã Đàn xảy ra vụ cháy lớn đã làm dày thêm danh sách các vụ hỏa hoạn xảy ra ở Hà Nội. Nó khiến người dân lo ngại bởi không chỉ ở cây xăng, nhà để xe, nhà xưởng... mà cả ở những nơi vui chơi giải trí, nguy cơ cháy vẫn luôn rình rập.


Chủ và khách đều “ngó lơ” với bà hỏa

Điều dễ nhận thấy, thời gian trở lại đây, trên địa bàn TP Hà Nội nhất là khu vực các quận nội thành (Cầu Giấy, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm…) số lượng các quán bar, karaoke gia tăng đáng kể. Dạo quanh các tuyến phố như: ven sông Tô Lịch, Hồ Tây, Nguyễn Chí Thanh, đường Láng, Phùng Hưng, Chả Cá, Hồ Tùng Mậu v.v.., không khó để bắt gặp hình ảnh các biển hiệu kinh doanh loại hình giải trí bar – karaoke lòe loẹt ánh đèn. Nào là karaoke X.X., nào là karaoke “hát với nhau”, nào là bar N., bar Z..v.v… Lượng khách ra vào các điểm vui chơi, giải trí này luôn nườm nượp nhất là vào các buổi tối cuối tuần, dịp nghỉ lễ, Tết.

Không thể phủ nhận việc gia tăng các điểm kinh doanh bar – karaoke đã góp phần đáp ứng nhu cầu giải trí (liên hoan, tổ chức sinh nhật…) của một bộ phận không nhỏ người dân. Tuy nhiên có một thực tế tại nhiều điểm kinh doanh bar – karaoke hiện nay, công tác PCCC đang bị bỏ ngỏ. Nguy cơ hỏa hoạn lơ lửng trên đầu.

22h45 ngày thứ bảy, chúng tôi tìm đến quán bar N. nằm trong khu vực phố cổ (quận Hoàn Kiếm – Hà Nội) vốn được giới trẻ biết đến như bar “hot” hút đông dân chơi đến vào thời điểm hiện nay. Quán bar trên được thiết kế theo hình ống. Các bàn rượu được bài trí ken kín nhau. Dân chơi thỏa sức “đốt” thuốc lá, trong khi không hề có sự xuất hiện của các bình bọt chữa cháy cũng như các dụng cụ cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra hỏa hoạn. Cả khoảng không gian chật hẹp nơi đây trong chốc lát ngột ngạt khói thuốc pha lẫn tiếng nhạc nhảy inh ỏi.

Chứng kiến hình ảnh trên, chúng tôi chợt nhủ, liệu khi xảy ra hỏa hoạn, cả trăm dân chơi có mặt trong quán bar lúc này có được báo động, thoát hiểm kịp thời? Hỏa hoạn có được dập tắt? Vâng, xin thưa rằng là điều khó thực hiện được.

Cũng như quán bar, để cách âm, hạn chế việc kinh doanh làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ dân sinh sống liền kề, chủ các quán karaoke luôn thiết kế, tận dụng tối đa phần diện tích, không gian (chủ yếu là lan can các toàn nhà) để phục vụ cho phòng hát.

Điển hình như quán karaoke P.S. nằm trên đường ven hồ Tây (quận Tây Hồ), các phòng hát của quán karaoke này đều được thiết kế khép kín, hệ thống cách âm được làm kiên cố. Trong khi đó, tại các phòng hát không hề có các thiết bị PCCC như: bình bọt, rìu cứu nạn…

Thêm vào đó, toàn bộ phần mặt tiền tòa nhà cao tầng này đã được chủ tận dụng căng đèn, làm biển trang trí, thay vì tạo khoảng không gian thông thoáng, tạo điều kiện cho công tác PCCC khi có hỏa hoạn xảy ra.

Những tồn tại trên cũng là vấn đề đã và đang xuất hiện ở nhiều cơ sở kinh doanh bar – karaoke trên địa bàn thành phố hiện nay. Điều này đòi hỏi, các cơ quan chức năng cần lưu tâm hơn nữa trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. Bởi, khi xảy ra hỏa hoạn, hậu quả khôn lường đi kèm là khó tránh khỏi.


http://www.cand.com.vn/Uploaded_CANDONLINE/hakhong/7_hien2879-450.jpg


Hiện trường vụ cháy quán Karaoke ở phố Xã Đàn tối 12/6.


Nâng cao trách nhiệm của chủ các cơ sở kinh doanh

Gần đây, ven sông Tô Lịch, đoạn từ phố Hoàng Quốc Việt đến cầu Mới đang trở thành phố “vui chơi giải trí”. Rất nhiều quán bar, karaoke mọc lên với quy mô ngày một lớn. Khi vào một quán bar có cái tên rất kêu bắt đầu bằng chứ L, chúng tôi như lạc vào mê cung bởi hệ thống phòng loằng nhoằng, lối đi lại nhỏ hẹp. Nếu chẳng may xảy ra sự cố gì, khách hàng rất khó để tìm cách thoát ra.

Tại một số quán karaoke cao tầng (trên 4 tầng), chúng tôi thấy chủ quán đã thu hẹp lối cầu thang bộ thoát hiểm để dành đất cho việc xây dựng thang máy; tận dụng diện tích đường thoát hiểm vào việc bày biện bàn rượu phục vụ khách uống rượu khi có đông khách lui tới (đối với một số quán bar); “cất” dụng cụ chữa cháy để tạo không gian đẹp cho khách hát, khách nhảy nhót v.v... mà nào biết rằng, những việc làm trên đã vi phạm quy định về PCCC. Và rồi, khi có hỏa hoạn, hiểu ra thì đã là quá muộn.

Theo đánh giá của Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2013, trên địa bàn toàn thành phố xảy ra 76 vụ cháy, nổ làm 3 người chết; 11 người bị thương. Đáng chú ý, địa bàn nội thành Tây Hồ, Ba Đình, Hai Bà Trưng…- nơi tập trung nhiều cơ sở kinh doanh bar, karaoke xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn với 47 vụ. Nguyên nhân gây cháy: do chập điện 40 vụ; nghi đốt 2 vụ; thắp hương thờ cúng 2 vụ; Hút thuốc 3 vụ; rò rỉ gas 2 vụ; sơ xuất khi hàn cắt 1 vụ v.v..

Đại tá Nguyễn Văn Sơn – Phó Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Hà Nội cho biết, hiện ý thức chấp hành các quy định về PCCC của một bộ phận người dân còn chưa tốt; nhiều cơ quan, đơn vị không thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC, chưa đầu tư đầy đủ về lực lượng, phương tiện cho các hoạt động PCCC tại cơ quan, đơn vị… Những tồn tại trên đã tác động tiêu cực đến công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố.

Để chấn chỉnh vi phạm, ngăn ngừa các vụ hỏa hoạn, trong đó có liên quan đến các cơ sở kinh doanh bar – karaoke, ngay từ lúc này, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các quy định an toàn phòng chống cháy nổ, các cơ quan chức năng hữu quan cần mở đợt ra quân kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh bar – karaoke vi phạm, có như vậy mới tránh được tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.


Theo cand.com.vn