Khái niệm tổng thầu EPC (tư vấn, thiết kế - cung cấp thiết bị - xây lắp, vận hành) hay nói cách khác là thực hiện dự án theo phương thức chìa khoá trao tay đã xuất hiện ở nước ta trong 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, lâu nay các DN Việt Nam mới chỉ đóng vai trò thầu phụ cho các nhà thầu nước ngoài, nghĩa là chỉ làm phần C (thường chỉ chiếm tỉ trọng 15% của một dự án).

Trong khi đó, các DNVN muốn vươn lên trở thành các tập đoàn xây dựng mạnh, các tập đoàn công nghiệp nặng như Siemens, Mitsubishi, Hyundai... (là những lĩnh vực xương sống của một nền công nghiệp phát triển) thì không thể không thực hiện vai trò tổng thầu EPC, mặc dù đây là một công việc rất khó khăn, phức tạp.

Kinh nghiệm ở các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và thực tế ở VN trong mấy năm qua cho thấy cơ chế tổng thầu EPC đã mang lại cho quốc gia lợi ích rất lớn.

Trước hết, cơ chế này tạo động lực ban đầu để hình thành những tập đoàn công nghiệp nặng về quản lý dự án, thiết kế kỹ thuật, công nghệ, tích luỹ kinh nghiệm, năng lực quản lý tiến tới tham gia dự thầu các dự án trong và ngoài nước.

Áp dụng cơ chế này cũng là một biện pháp để đầu tư cho ngành cơ khí chế tạo, bởi sau khi nhận được tổng thầu, các DN mới có điều kiện để đầu tư trang thiết bị, xây dựng mới các nhà máy cơ khí, nâng cao tỉ trọng nội địa hoá sản phẩm cơ khí, đồng thời phát huy nội lực tối đa nhất, thu hút được lực lượng lao động lớn nhất kể cả cán bộ, kỹ sư, công nhân.

Hiện nay, một sự thật đáng buồn là chúng ta đưa một lực lượng công nhân đi làm thuê cho các công ty, nhà máy của các nước và vùng lãnh thổ như Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc với đồng lương rất rẻ, song chúng ta lại bỏ ra hàng chục tỉ USD nhập khẩu lại chính thiết bị do các nhà máy ấy sản xuất.

Về lợi ích về kinh tế, hiện Lilama đang đảm nhận vai trò tổng thầu EPC ở các dự án điện Uông Bí 1-2, Cà Mau 1-2, Ximăng Sông Thao, Đô Lương... với tổng giá trị hợp đồng lên đến 1,5 tỉ USD. Với vị thế này, giá trị sản xuất công nghiệp được tính là của ta, góp phần tăng trưởng GDP của cả nước. Mặt khác, phần lợi nhuận sinh ra đương nhiên là của phía VN chứ không chui vào túi nước ngoài như cách làm trước đây.

Một lợi ích nữa của tổng thầu EPC mặc dầu không mang lại một lợi nhuận về kinh tế vật chất, song vô cùng quan trọng đó là tạo điều kiện để chúng ta dần dần làm quen với vị thế làm chủ, điều hành các nhà thầu phụ nước ngoài, làm thay đổi tư duy tự ti, phụ thuộc, làm thầu phụ cho nước ngoài vốn đã tồn tại rất lâu trong con người Việt Nam.

Mang lại lợi ích quốc gia lớn như vậy, song tổng thầu EPC là một chủ trương, cách làm mới, còn xa lạ với VN. Do vậy cơ chế này cần sớm được thể chế hoá bằng các giải pháp và chính sách lớn của Nhà nước.

Đại hội X của Đảng đã xác định đến năm 2020 cơ bản đưa nước ta trở thành nước công nghiệp. Có nhiều tiêu chí để đánh giá một nước công nghiệp và một nước công nghiệp phát triển, song có hai tiêu chí cơ bản nhất bắt buộc phải có. Đó là đất nước đó phải có một ngành công nghiệp nặng phát triển và phải hình thành được các tập đoàn công nghiệp nặng.

Để thực hiện được hai tiêu chí này, thì việc giao cho các DN trong nước làm tổng thầu EPC là giải pháp hiệu quả nhất, tạo được một động lực rất lớn để thúc đẩy ngành cơ khí chế tạo máy, các dây chuyền thiết bị đồng bộ cho các nhà máy thuộc các lĩnh vực nhiệt điện, thuỷ điện, ximăng, lọc hoá dầu, thép... thay vì hằng năm chúng ta phải bỏ ra từ 7 -8 tỉ USD để nhập khẩu các thiết bị này.

AHLĐ Phạm Hùng- Tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy VN (Lilama)

(theo Lao Động)