1. Những vấn đề chung về công tác chữa cháy:

- Khái niệm về chữa cháy: Trong Luật PCCC giải thích từ ngữ chữa cháy là bao gồm các công việc huy động, triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy, cắt điện, tổ chức thoát nạn, cứu người, cứu tài sản, chống cháy lan, dập tắt đám cháy và các hoạt động khác có liên quan đến chữa cháy. Tuy vậy, trong khoa học về PCCC có nghiên cứu quá trình chữa cháy là việc sử dụng lực lượng và phương tiện để tạo thành các điều kiện làm ngừng sự cháy. Nói cách khác đó là giảm nhiệt độ cháy xuống thấp hơn nhiệt độ tắt dần. Tóm lại, để chữa cháy cần phải có lực lượng, phương tiện, nước và các vật liệu chữa cháy cùng người chỉ huy chữa cháy để tổ chức, điều hành các hoạt động cần thiết nhằm dập tắt đám cháy và hạn chế tối đa các thiệt hại về người và tài sản do đám cháy gây ra.

- Biện pháp cơ bản trong chữa cháy: Luật PCCC (Điều 30) đã quy định cụ thể biện pháp cơ bản cần phải thực hiện trong hoạt động chữa cháy là,

+ Huy động nhanh nhất các lực lượng, phương tiện để dập tắt ngay đám cháy.

+ Tập trung cứu người, cứu tài sản và chống cháy lan.

+ Thống nhất chỉ huy, điều hành trong chữa cháy.

- Thông tin báo cháy và chữa cháy: (Điều 32 Luật PCCC)

+ Thông tin báo cháy bằng hiệu lệnh hoặc bằng điện thoại. (đối với các thôn, ấp, bản nên chú trọng dùng hiệu lệnh để thông tin báo cháy cho đội viên dân phòng, còn điện thoại cũng cần được quan tâm để báo cháy cho đơn vị Cảnh sát PCCC biết).

+ Số điện thoại báo cháy được quy định thống nhất trong cả nước.

- Trách nhiệm chữa cháy và tham gia chữa cháy: (Điều 33 Luật PCCC)

+ Người phát hiện thấy cháy phải bằng mọi cách báo cháy nhanh nhất và chữa cháy; cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân gần nơi cháy phải nhanh chóng thông tin và tham gia chữa cháy.

+ Lực lượng PCCC khi nhận được tin báo cháy trong địa bàn được phân công quản lý hoặc nhận được lệnh điều động phải lập tức đến chữa cháy; trường hợp nhận được thông tin báo cháy ngoài địa bàn được phân công quản lý thì phải báo ngay cho lực lượng PCCC nơi xảy ra cháy, đồng thời phải báo cáo cấp trên của mình.

+ Cơ quan Y tế, điện lực, cấp nước, môi trường đô thị, giao thông và các cơ quan hữu quan khác khi nhận được yêu cầu của người chỉ huy chữa cháy phải nhanh chóng điều động người và phương tiện đến nơi xảy ra cháy để phục vụ chữa cháy.

+ Lực lượng công an, dân quân, tự vệ có trách nhiệm tổ chức giữ gìn trật tự, bảo vệ khu vực chữa cháy và tham gia chữa cháy.

- Nguồn nước và các vật liệu chữa cháy: (Điều 35 Luật PCCC)

Khi có cháy, mọi nguồn nước và các vật liệu chữa cháy phải được ưu tiên sử dụng cho chữa cháy.

- Người chỉ huy chữa cháy: Theo quy định của Luật PCCC và Nghị định hướng dẫn thi hành luật PCCC thì người làm chỉ huy chữa cháy là,

+ Trong mọi trường hợp, người có chức vụ cao nhất từ chỉ huy cấp đội Cảnh sát PCCC trở lên có mặt tại nơi xảy ra cháy là người chỉ huy chữa cháy.

+ Khi lực lượng Cảnh sát PCCC chưa đến nơi cháy thì trong phạm vi quản lý của mình, người làm chỉ huy chữa cháy là một trong số những người sau: Người đứng đầu cơ sở, đội trưởng đội PCCC cơ sở hoặc người được uỷ quyền; trưởng thôn (và cấp tương đương), đội trưởng đội dân phòng hoặc người được uỷ quyền; người chỉ huy phương tiện, chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới; chủ rừng hoặc người được uỷ quyền nếu rừng thuộc cơ quan, tổ chức.

+ Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, Chủ tịch UBND cấp xã trở lên có mặt tại đám cháy là người chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy.

2. Các phương pháp làm ngừng sự cháy:

Các nhà khoa học đã nghiên cứu về phương pháp làm ngừng sự cháy và chia ra làm 4 nhóm là:

- Phương pháp làm lạnh vùng cháy hoặc chất cháy.

- Phương pháp giảm nồng độ các chất phản ứng.

- Phương pháp cách ly các chất phản ứng với vùng cháy.

- Phương pháp kìm hãm (ức chế) hoá học phản ứng cháy.

+ Phương pháp làm lạnh là hạ nhiệt độ của vùng cháy xuống thấp hơn nhiệt độ tắt dần hoặc hạ nhiệt độ của chất cháy xuống thấp hơn nhiệt độ bốc cháy của nó. Phương pháp này được áp dụng chủ yếu để dập đám cháy chất rắn, còn đối với chất lỏng, khí ít khi áp dụng vì việc hạ nhiệt độ của vùng cháy xuống thấp hơn nhiệt độ bốc cháy của chúng là rất khó thực hiện. Trong thực tế, nước là chất chữa cháy có khả năng làm lạnh tốt để dập nhiều chất cháy khác nhau, tuy nhiên nước có tác dụng mạnh với các kim loại kiềm, kiềm thổ và một số chất khác, do vậy cần lưu ý khi sử dụng nước để chữa cháy khi xác định trong đám cháy có những loại chất này.

+ Phương pháp cách ly các chất phản ứng với vùng cháy là ngăn cách sự tiếp xúc giữa các phần tử chất cháy và chất ôxy hoá ở vùng phản ứng cháy. Trong chữa cháy có thể sử dụng các phương pháp cách ly bằng lớp bọt chữa cháy, lớp bột chữa cháy, bằng các sản phẩm nổ, bằng cá bộ phận ngăn cháy, bằng cách tạo khoảng cách. Phương pháp này được áp dụng để dập tắt hầu hết các dạng đám cháy, tuy nhiên cần kết hợp phun nước làm mát để loại trừ sự cháy trở lại.

+ Phương pháp giảm nồng độ các chất phản ứng (phương pháp làm loãng vùng cháy) là làm cho nồng độ của các chất tham gia phản ứng cháy giảm xuống thấp hơn giới hạn nồng độ bốc cháy thấp của chúng. Có thể thực hiện phương pháp này bằng cách thay đổi tỷ lệ giữa chất cháy và chất ôxy hoá hoặc giữ nguyên tỷ lệ mà giảm nồng độ thành phần của chúng bằng cách đưa thêm vào vùng cháy những loại chất trơ (không tham gia phản ứng cháy), cụ thể là bằng cách phun nước, phun sương hơi nước, khí trơ, bột chữa cháy, các sản phẩm cháy (khói, khí không cháy).

+ Phương pháp kìm hãm (ức chế) hoá học phản ứng cháy là làm mất khả năng hoạt hoá các tâm hoạt động của phản ứng cháy chuỗi. Các chất được sử dụng để dập cháy theo phương pháp này gồm một số loại bột chữa cháy.

Trong 4 phương pháp trên thì những phương pháp làm lạnh, làm giảm nồng độ các chất tham gia phản ứng cháy và cách ly là những phương pháp có tác dụng về mặt lý học. Phương pháp ức chế hoá học và tác dụng về mặt hoá học. Trong thực tế công tác chữa cháy thường sử dụng kết hợp nhiều phương pháp. Trong khi sử dụng một cách tổng hợp này thì bao giờ cũng có 1 phương pháp đóng vai trò chủ đạo còn các phương pháp còn lại chỉ là bổ trợ.