Từ những nguyên lý dẫn đến cháy đã được phân tích tại , ta có thể đưa ra các phương pháp đề phòng cháy xảy ra như sau:

1. Tác dụng vào chất cháy.

- Loại trừ hoặc hạn chế khối lượng chất cháy: Trong sản xuất và sinh hoạt hàng ngày, nhiều nơi, nhiều lúc cần đến nguồn nhiệt hoặc nguồn nhiệt có thể được sinh ra. Do vậy cần chú ý để loại trừ những chất cháy không cần thiết trong khu vực có nguồn nhiệt. Ví dụ: không phơi quần áo lên các máy sấy, máy ép, không để xăng dầu trong bếp đun nấu, không chứa hàng hóa, vật liệu dễ cháy dưới bảng điện, cầu dao điện để phòng chập mạch hoặc mối nối lỏng phòng tia lửa điện gây cháy.

- Hạn chế khối lượng chất cháy cũng như là một phương pháp phòng cháy và chống cháy lan. Ví dụ: Không đổ dầu quá đầy vào bếp dầu, không chất nhiều rơm rạ, củi trong bếp đun mà chỉ cần đưa vào một khối lượng đun nấu cho một bữa ăn. Tại những bộ phận sản xuất cần đến những chất nguy hiểm như xăng, dầu, a xê tôn... phải hạn chế số lượng theo quy định an toàn. Ví dụ chỉ đưa vào nơi sản xuất một khối lượng dùng trong một ca làm việc.

- Thay chất dễ cháy bằng những chất không cháy hoặc khó cháy hơn. Hiện nay ở nước ta nhiều nhà bếp, nhà ở, nhà kho, xưởng sản xuất còn được làm bằng vật liệu dễ cháy như: tre, nứa, lợp lá, giấy dầu. Nếu ta thay các vật liệu đó bằng đá, gạch, ngói, tôn... thì các công trình đó ít nguy hiểm cháy. Hoặc như trong một ngôi nhà được xây cất bằng gạch lợp ngói nhưng trần lại bằng cót thì rất nguy hiểm chấy, có thể thay trần cót bằng tôn, phibrô xi măng chẳng hạn, làm cho ngôi nhà đảm bảo an toàn hơn về mặt PCCC.

- Thay đổi tính chất nguy hiểm của chất cháy. Trong nhiều trường hợp có thể thay đổi tính chất nguy hiểm của chất cháy. Chẳng hạn như khi dùng gỗ ốp tường, ghép sàn, làm trần trong các công trình văn hóa, hội trường, người ta ngâm tẩm gỗ với những dung dịch chống cháy làm cho gỗ từ dễ cháy trở thành khó cháy. Nhiều loại chất dẻo dễ cháy để làm vật liệu xây dựng hay sản xuất ra các dụng cụ thiết bị, trong quá trình sản xuất ra các chất dẻo đó người ta đã pha trộn một số chất chống cháy làm cho nó khó cháy hơn.

- Bọc kín chất cháy: Có thể dùng vữa để trát kín lên bề mặt chất cháy được dùng trong các công trình, dùng sơn chống cháy quét lên bề mặt các vật liệu, cấu kiện dễ cháy. Hoặc như xăng, dầu, cồn.. được dựng trong các thùng lớn, không rò rỉ, không bay hơi thì không thể cháy được.

- Cách ly chất cháy với nguồn nhiệt: Cách ly là phương pháp dùng các thiết bị để che chắn ngăn cách chất cháy với nguồn nhiệt. Khoảng cách an toàn ấy nhiều hay ít phụ thuộc vào nhiệt độ bắt cháy cao hay thấp và đặc tính nguy hiểm cháy của từng loại chất cháy.

2. Tác động vào nguồn nhiệt.

- Triệt liêu nguồn nhiệt: ở những nơi có chất nguy hiểm cháy, nhiều chất dễ cháy cần loại trừ triệt để nguồn nhiệt không cần thiết. Ví dụ ở các kho chứa hàng nhất là kho xăng, bông vải sợi, thuốc lá... tuyệt đối không đun nấu, sưởi sấy, hút thuốc. Không dùng đèn dầu bật lửa, diêm đóm để soi khi bơm rót xăng dầu, không đốt lửa trong cac skhu rừng dễ cháy.

- Giám sát nguồn nhiệt: Việc giám sát nguồn nhiệt có thể do con người trực tiếp tham gia hoặc dùng thiết bị kỹ thuật. Ví dụ:
+ Khi đun nấu, đốt nương rẫy... phải có người trông coi.
+ Ở các máy sấy, máy ép nhiệt hay bàn là chẳng hạn, người ta lắp hệ thống bảo vệ như rơ le, cầu chì... tự động để đến một nhiệt độ nhất định hệ thống bảo vệ này tự ngắt không cho nhiệt độ các thiết bị hoạt động lên mức quá quy định, gây cháy.
- Cách ly nguồn nhiệt với vật cháy: Chẳng hạn ta để bếp, đèn dầu, bếp điện, lò sưởi cách xa vách nứa, giấy dầu, để đèn xa chăn màn, quần áo, không dùng bóng điện để sấy quần áo, sưởi ấm...

3. Tác động vào nguồn ô xy:

Ô xy tồn tại và đủ để duy trì sự cháy hầu như khắp mọi nơi. Làm giảm lượng ô xy để đám cháy không thực hiện được là điều rất khó khăn. Nhưng trong thực tế, để bảo vệ những máy móc, thiết bị tinh vi, vật tư quý hiếm người ta có thể dùng phương pháp kỹ thuật bằng cách bơm một lượng khí trơ hoặc CO¬2 vào phòng đặt máy, nơi tàng trữ vật tư quý hiếm để làm giảm lượng oxy tạo nên một môi trường không cháy.