Lo cháy nổ mùa khô

Khu vực phía nam đang trong giai đoạn cuối mùa khô với nền nhiệt độ luôn ở mức cao. Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, công tác phòng cháy, chữa cháy luôn cần được người dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chủ động, đề cao cảnh giác. Tuy nhiên, nhiều vụ cháy lớn liên tiếp xảy ra thời gian qua tại TP Hồ Chí Minh đang cho thấy nhiều bất cập trong công tác phòng, chữa cháy, cần sớm được tháo gỡ, chấn chỉnh.

📌Xử lý tại chỗ kém

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy lớn, gây thiệt hại về tài sản tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp (DN). Đầu tháng 3 vừa qua, vụ cháy kho chứa hàng Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Đất Mới thuộc khu nhà xưởng của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thanh Danh (Lô F1, đường K1, Khu công nghiệp Cát Lái, phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2) đã gây thiệt hại tiền tỷ cho DN này.

Đáng nói, đây là vụ cháy mà sau đó Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC - CNCH), Công an TP Hồ Chí Minh đã họp rút kinh nghiệm vì tính chất nguy hiểm đã cho thấy. Theo đó, do khu vực phát hỏa có nhiều chất dẫn cháy, vật liệu cháy chứa ván ép và nhựa chứa trong diện tích nhà xưởng rộng 2.000 m² nên công tác dập lửa gặp nhiều khó khăn. Khi nhận tin cháy, Phòng PCCC - CNCH đã điều động nhiều nhân lực, phương tiện đến hiện trường dập lửa, gồm: các Đội Cảnh sát PCCC - CNCH thuộc Công an ba quận: 2, 7, 9 cùng ba đội Chữa cháy và CNCH các khu vực 1, 2, 5 với tổng số 113 cán bộ, chiến sĩ, 21 xe chữa cháy chuyên dụng các loại. Nhưng các lực lượng cũng phải mất hơn 6 giờ, đám cháy mới được khống chế hoàn toàn.

Tương tự, vào ngày 31-3 vừa qua, một đám cháy lớn xảy ra tại kho hàng của Công ty cổ phần Kho vận Khang Minh Hy (khu A75, đường Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình) cũng gây thiệt hại nặng nề cho DN này. Do đặc điểm hàng hóa của DN là sản phẩm tiêu dùng, vải, quần áo nên các lực lượng thuộc nhiều đơn vị PCCC - CNCH của các quận, khu vực phải cùng phối hợp để dập lửa.

Còn trong khu vực dân cư, một đám cháy lớn xảy ra tại cửa hàng tạp hóa cạnh chợ Hạnh Thông Tây (phường 11, quận Gò Vấp) khiến chủ cửa hàng bị thiệt hại rất lớn về tài sản. Rất may, khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp có mặt, đã kịp thời hỗ trợ thoát hiểm cho sáu người bị mắc kẹt, suýt gặp nguy hiểm về tính mạng.

Nguyên nhân của các vụ hỏa hoạn này và nhiều vụ khác xảy ra thời gian qua đang được các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra. Nhưng nhiều trong số các vụ cháy đều có điểm chung là khi xảy ra sự cố cháy, kỹ năng xử lý của người dân, người lao động tại các cơ sở đều chưa hiệu quả. Theo cơ quan chức năng, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều đám cháy bị lan rộng và mất kiểm soát trước khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp có mặt.

Theo Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH, năm 2019, các đơn vị tiếp nhận và xử lý 342 vụ cháy. Trong đó, 17 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, làm 11 người chết, 12 người bị thương, gây thiệt hại khoảng 10,7 tỷ đồng. Số vụ cháy xảy ra tại nhà ở đơn lẻ giảm vẫn chiếm gần 50% tổng số vụ cháy trên địa bàn thành phố. Từ đầu năm 2020 đến nay, thành phố liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy lớn xảy ra tại các cơ sở, DN, trong đó, nhiều vụ cháy xuất phát từ việc lơ là, chủ quan trong công tác PCCC của chủ cơ sở, DN và người lao động. Theo Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH, ý thức hạn chế vẫn là một trong những tồn tại gây khó khăn nhất cho công tác tuyên truyền, vận động người dân trong công tác PCCC. Nhiều thời điểm trong năm, nhất là vào mùa nắng nóng, các cơ quan chức năng triển khai tuyên truyền, kiểm tra xử phạt nhưng việc chấp hành, tự giác vẫn hết sức hạn chế.

📌Phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ cháy nổ

TP Hồ Chí Minh đang bước vào giai đoạn nắng nóng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ. Chính vì vậy, công tác PCCC cần được các người dân, địa phương quan tâm, nâng cao ý thức phòng chống. Hiện, các quận huyện đã triển khai nhiều giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ xảy ra. Trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 500 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lớn nhỏ, trong đó có 41.447 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC với 12.449 cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ. Bên cạnh tuyên truyền đến người dân, chủ cơ sở, DN, các lực lượng chức năng cũng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về PCCC.

Đối với các cơ sở tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao như nơi tập kết phế liệu, chợ, khu dân cư nhỏ hẹp, cơ quan chức năng đã tổng rà soát, kiểm tra, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC - CNCH Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo: Để công tác PCCC tốt thì các hộ dân không chứa trong nhà chất dễ cháy. Khi đun nấu phải có người trông coi. Khi ra khỏi nhà hoặc trước khi đi ngủ phải kiểm tra hệ thống điện và các nguồn lửa, nguồn nhiệt. Đối với các cơ sở sản xuất, chợ, trung tâm thương mại, cần bố trí sắp xếp hàng hóa bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC.

TP Hồ Chí Minh là đô thị lớn, có quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Trong trong công tác PCCC cũng phát sinh nhiều vấn đề mà các văn bản pháp luật, quy chuẩn về PCCC chưa đề cập. Đơn cử như tình trạng nhà ở kết hợp kinh doanh. Với số lượng lên đến hàng trăm nghìn như hiện nay nhưng các hộ này hiện chưa có đơn vị nghiệp vụ của ngành công an trực tiếp hướng dẫn, quản lý về PCCC. Công tác PCCC đối với các hộ này mới dừng lại ở mức tuyên truyền, vận động mà chưa áp dụng các chế tài để kiểm tra, xử phạt nên những nguy cơ về cháy nổ vẫn luôn hiện hữu. Thực tế đã cho thấy, nhiều vụ cháy trong các khu dân cư dạng nhà ở kết hợp kinh doanh đều gây thiệt hại nặng nề, thậm chí gây chết người, do các dạng nhà này chỉ có một lối thoát hiểm duy nhất phía trước nhưng đã bị trưng dụng làm nơi buôn bán.

Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng đang kiến nghị việc xã hội hóa trong công tác PCCC để thực hiện, thu hút các nguồn lực cho công tác PCCC. Cùng với đó, đề xuất các quy định phù hợp thực tế tại thành phố nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCCC như: Bổ sung quy định giao công an phường xã, thị trấn là đơn vị tham mưu cho UBND cùng cấp về công tác PCCC khu dân cư, nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất; giao cảnh sát khu vực là người trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền về PCCC khu dân cư, nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất. Lực lượng bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ cũng được đề xuất được xây dựng là nòng cốt của lực lượng PCCC tại chỗ.

Bên cạnh đó, cần xác định cơ chế phối hợp giữa chính quyền địa phương với các cơ quan, tổ chức về việc thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” trong công tác PCCC. Công an phường xã, thị trấn cần phải là đơn vị tham mưu tích cực và hiệu quả cho UBND cùng cấp về công tác PCCC. Thành phố cũng kiến nghị tăng mức phạt, nâng cao yêu cầu về biện pháp khắc phục hậu quả đối với trường hợp chủ đầu tư cho sử dụng công trình khi chưa được nghiệm thu, hoàn công về PCCC và xây dựng...

💢BÀI & ẢNH: ĐINH THÁI/https://www.nhandan.com.vn/…/44023602-lo-chay-no-mua-kho.ht…