Độc giả Trần Quang Vũ có hỏi:

Kính gửi: “ Cảnh sát PC&CC tỉnh Đồng Nai. Hiện tại công ty tôi có quy mô khoảng 45 công nhân, diện tích khuôn viên nhà máy khoảng dưới 1ha, sản xuất sản phẩm đúc áp lực nhôm, tôi có câu hỏi như sau:

Câu hỏi 1: Về vấn đề huấn luyện PCCC thì định kỳ bao lâu? 6 tháng, 1 năm hay 2 năm? Có quy định nào ghi rõ vấn đề này không?

Câu hỏi 2: Giấy chứng nhận huấn luyện có thời hạn bao lâu? Số lượng người có giấy chứng nhận trong công ty có quy định cụ thể là bao nhiêu % không? Và chi phí cho 1 lần huấn luyện khoảng 15 người, với 2 giảng viên là khoảng bao nhiêu?

Câu hỏi 3: Nếu đến định kỳ mà công ty chưa tổ chức huấn luyện được thì thời gian trễ đó xử phạt như thế nào? Nếu cần huấn luyện thì liên hệ trực tiếp với Cảnh sát PC&CC tỉnh đúng không?

Xin chân thành cám ơn.”​



Cảnh sát PCCC tỉnh Đồng Nai xin trả lời thắc mắc của độc giả Trần Quang Vũ với nội dung sau:

Câu hỏi 1
: Việc tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC định kỳ 02 năm/ lần được quy định tại Khoản 3, 6 Điều 16 Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16/12/2014 của Bộ Công an.

Câu hỏi 2: Theo Khoản 6 Điều 16 Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16/12/2014 của Bộ Công an quy định giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy do Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh, Trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an cấp tỉnh cấp và có giá trị sử dụng trên phạm vi cả nước trong thời hạn 02 năm kể từ ngày cấp. Hết thời hạn này, phải huấn luyện lại để được cấp giấy chứng nhận mới.

Đối tượng phải có giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC được quy định tại khoản 1 điều 16 Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16/12/2014 của Bộ Công an gồm:

- Người có chức danh chỉ huy chữa cháy quy định tại Khoản 2 Điều 37 Luật phòng cháy và chữa cháy;

- Cán bộ, đội viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành;

- Người làm việc trong môi trường có nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thường xuyên tiếp xúc với các chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ;

- Người chỉ huy tàu thủy, tàu hỏa, tàu bay, người làm việc và phục vụ trên phương tiện giao thông cơ giới có từ 30 chỗ ngồi trở lên, trên phương tiện vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ;

- Người làm việc trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh phương tiện phòng cháy và chữa cháy;

- Các cá nhân khác có yêu cầu được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy.

Theo Khoản 2 Điều 15 Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16/12/2014 của Bộ Công an quy định Tổ chức, biên chế đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở hoạt động theo chế độ không chuyên trách:

- Cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới có dưới 10 người thường xuyên làm việc thì tất cả những người làm việc tại cơ sở đó là thành viên đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và do người lãnh đạo cơ sở, chỉ huy phương tiện giao thông cơ giới đó chỉ huy, chỉ đạo;

- Cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới có từ 10 người đến 50 người thường xuyên làm việc thì biên chế của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở tối thiểu là 10 người, trong đó có 01 đội trưởng;

- Cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới có trên 50 người đến 100 người thường xuyên làm việc thì biên chế của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở tối thiểu là 15 người, trong đó có 01 đội trưởng và 01 đội phó;

- Cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới có trên 100 người thường xuyên làm việc thì biên chế của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở tối thiểu là 25 người, trong đó có 01 đội trưởng và 02 đội phó;

- Phương tiện giao thông cơ giới, cơ sở có nhiều phân xưởng, bộ phận làm việc độc lập hoặc làm việc theo ca thì mỗi bộ phận, phân xưởng, mỗi ca làm việc có 01 tổ phòng cháy và chữa cháy cơ sở; biên chế của tổ phòng cháy và chữa cháy cơ sở tối thiểu từ 05 đến 09 người, do đội trưởng hoặc đội phó kiêm tổ trưởng.

Trách nhiệm tổ chức huấn luyện và kinh phí huấn luyện được quy định tại Khoản 2 Điều 16 Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16/12/2014 của Bộ Công an quy định, cụ thể:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở có trách nhiệm tổ chức các lớp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý. Người đứng đầu cơ sở đào tạo, dạy nghề lái xe ô tô có trách nhiệm đưa nội dung kiến thức phòng cháy và chữa cháy vào nội dung, chương trình đào tạo.

Trường hợp cơ quan, tổ chức, cơ sở không tự tổ chức được lớp huấn luyện hoặc cá nhân có nhu cầu được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy thì phải có đơn đề nghị cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tổ chức lớp huấn luyện. Kinh phí tổ chức lớp huấn luyện do cơ quan, tổ chức, cơ sở hoặc cá nhân tham gia lớp huấn luyện chịu trách nhiệm.

Câu hỏi 3: Theo Khoản 3 Điều 43 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy theo quy định (theo khoản 2 Điều 4 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này (từ điều 5 đến điều 65) là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân).




Theo socanhsatpccc.dongnai.gov.vn