Bạn sẽ nghĩ gì nếu thấy trong một đám cháy, chiến sỹ chữa cháy không phun nước vào ngôi nhà đang cháy mà phun nước vào những ngôi nhà bên cạnh…không có cháy.

Tôi sẽ hỏi các bạn độc giả một câu là: nếu thấy một vĩ bánh nướng nhưng có một cái bị bốc cháy, bạn sẽ làm gì ?
Có phải đa phần chúng ta là sẽ hất cái bánh bị cháy đó ra để tránh cháy lan vào những cái khác và dập lửa nó đúng không ? Đối với mọi người thì đó là điều bình thường.

Tôi sẽ hỏi các bạn thêm một câu nữa: bạn sẽ nghĩ gì nếu thấy trong một đám cháy, chiến sỹ chữa cháy không phun nước vào ngôi nhà đang cháy mà phun nước vào những ngôi nhà bên cạnh…không có cháy. Chắc hẳn mọi người sẽ nói đó là cách chữa cháy “kỳ lạ”.

Và các bạn sẽ nghĩ như thế nào khi biết rằng ngôi nhà bị cháy đó rất giống với cái bánh bị cháy trong vĩ nướng, và thay vì những chiến sỹ của chúng ta hất ngôi nhà đó ra chỗ khác (điều bất khả thi) thì họ sẽ làm một điều tương đương (có khả thi) đó là phun nước vào những ngôi nhà không bị cháy ở bên cạnh để tránh cháy lan.



Chiến sỹ chữa cháy phun nước vào ngôi nhà…không bị cháy để tránh cháy lan.


Khi lửa đã bao trùm 1 ngôi nhà hoặc 1 công trình nào đó thì những cán bộ, chiến sỹ PCCC sẽ có 2 cách để triển khai cứu chữa:
Thứ nhất: đó là những chiến sỹ chữa cháy sẽ phun nước trực tiếp vào ngôi nhà hoặc công trình bị cháy, tuy nhiên nếu ngọn lửa nhỏ thì không sao, còn nếu ngọn lửa lớn, mạnh thì những vật dụng trong gia đình đều đã bị tác dụng nhiệt gây nên sự biến dạng hoặc tổn hại làm mất giá trị sử dụng. VD: tivi, tủ, đèn, quạt,…(vì vậy nếu có cứu chữa được thì cũng không còn sử dụng được), và theo đó ngọn lửa sẽ có xu hướng cháy lan sang những ngôi nhà hoặc công trình bên cạnh. Lúc đó, những chiến sỹ của chúng ta không chỉ cứu chữa 1 mà là 2, 3 hoặc thậm chí là 4 ngôi nhà hoặc công trình cùng một lúc.

Thứ hai: đó là những chiến sỹ chữa cháy sẽ ưu tiên phun nước vào những ngôi nhà hoặc công trình bên cạnh nơi bị cháy trước, sau khi đã triển khai đầy đủ rồi thì mới phun nước trực tiếp vào ngôi nhà, công trình bị cháy. Lúc đó, những chiến sỹ của chúng ta chỉ còn phải cứu chữa 1 ngôi nhà hoặc công trình đang bị cháy mà thôi, còn những ngôi nhà hoặc công trình bên cạnh xung quanh thì đã được chống cháy lan từ trước rồi.

Trong 2 cách trên thì chúng ta thấy cách thứ hai có vẻ “kỳ lạ” hơn nhưng hiệu quả thì gia tăng rõ rệt, giảm thiểu được thiệt hại về người và tài sản hơn cách thứ nhất gấp nhiều lần.

Điển hình như vụ cháy xảy ra vào lúc 12h20 ngày 16/5/2016 (theo nguồn VTV.vn), ngôi nhà số 86 phố Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm đột nhiên phát hỏa; khói đen bốc cao nghi ngút, vệt khói lan rộng chung quanh khu vực tòa nhà "Hàm cá mập" gần đó, khiến người dân trong khu vực hốt hoảng.

Đám cháy nhanh chóng được xác định xuất phát từ tầng 4 (diện tích cơi nới) của ngôi nhà số 86 phố Cầu Gỗ. Nhận định có hỏa hoạn và nguy cơ đám cháy lan rộng, người dân trong khu vực đã thông báo cho lực lượng phòng cháy chữa cháy.

Theo Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 1 (Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội), ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy số 1 đã điều động 4 xe chữa cháy, xe chở nước đến hiện trường, triển khai các phương án khoanh vùng, dập lửa, không để đám cháy lan rộng. Vào lúc 12h55 cùng ngày, lực lượng PCCC đã khống chế, dập tắt đám cháy.




Rõ ràng, đây đúng là một cách chữa cháy “kỳ lạ” nhưng hiệu quả của nó mang lại thì không “kỳ lạ” một chút nào.





Theo pccc.hochiminhcity.gov.vn