Từ năm 1999 đến nay, nhà sáng chế Phan Đình Phương, Đà Nẵng, cùng với đội ngũ cộng sự đã nghiên cứu, sáng chế ra hàng loạt các thiết bị máy móc phục vụ đắc lực cho xã hội như thiết bị phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tự động, thiết bị môi sinh, môi trường… được các tổ chức có uy tín trong nước và quốc tế công nhận.

Công ty cổ phần Khoa học công nghệ An Sinh Xanh của ông Phương hiện là nơi hội tụ những con người đam mê trường phái thiết kế máy móc hoạt động bằng nguồn năng lượng tự nhiên, thân thiện với môi trường.

Từ máy quét rác


Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 1972, ông Phương tham gia kháng chiến tại chiến trường Khe Sanh (thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Đất nước thống nhất hai miền, ông nhận nhiệm vụ tại Bộ Tư lệnh Phòng không không quân, phụ trách lĩnh vực xăng dầu máy bay. Tiếp đến, ông được điều động về làm việc tại Nhà máy dưỡng khí Đà Nẵng từ năm 1977, Kho xăng dầu KV5 từ năm 1985,…

Chính môi trường làm việc đã thôi thúc ông sáng tạo. Và lần lượt những sáng chế hữu ích cho xã hội ra đời như: phương pháp ướp tinh bò bằng nitơ lỏng; sản xuất chất axetilen để hàn kim loại với giá rẻ; thiết bị thu hồi khí xăng, CO2 vào bình, …

Đặc biệt, sáng chế máy hút rác bụi khí động lực cao tốc đã được Bộ Khoa học và Công nghệ trao Cúp vàng Techmart Vietnam và cấp Bằng Độc quyền Sáng chế năm 2009 và được nhà nước tuyển chọn thực hiện đề án Phát triển Công nghiệp Môi trường Việt Nam đến năm 2025.


Những sản phẩm của ông Phương có tính ứng dụng cao

Theo ông Phương, đây là máy hút rác đầu tiên trên thế giới được sáng chế theo nguyên lý khí động lực hàng không, chạy cực nhanh mà hút được cả rác lẫn bụi khi nắng và bùn đất khi mưa. Máy chỉ trang bị động cơ Honda 110 - 500cc hoặc loại 35HP nhưng có năng suất quét 10-20m2/giây, nhanh hơn 20-30 người quét; điều khiển dễ dàng.

Dù nắng hay mưa, máy lướt đến đâu sạch đến đấy, rất hữu dụng cho các khu công nghiệp, trang trại, nhà máy, từ đường phố lớn đến các hẻm nhỏ. Với tốc độ quét 15-20km/giờ, chi phí hút sạch rác bụi cho 1m2 thấp hơn 3 lần so với máy nước ngoài và thấp hơn 3 lần so với quét bằng tay.

Đến thiết bị chữa cháy đa năng

Công trình sáng tạo mang lại thành công nhất đối với ông Phương đến thời điểm này là máy chữa cháy thế hệ mới-TCVN 7884:2008. Ông Phương cho biết, thiết bị này được hình thành từ sáng chế của con trai, anh Phan Trọng Nghĩa, đó là “Hệ thống chữa cháy bằng nước tự động CO2 lỏng thay máy bơm” được Cục cảnh sát PCCC (Bộ Công an) công nhận là công trình khoa học ứng dụng sáng tạo năm 1999.

Từ hệ thống này, ông Phương bắt tay vào khắc phục những thiếu sót, dần hoàn thiện trở thành một thiết bị chữa cháy hữu ích như hiện nay. Ông cho biết máy có cấu tạo đơn giản gồm các bình chất chữa cháy (N2, CO2, bọt, nước...) và có kết nối với các loại đầu báo cháy nhiệt điện tử, chủ động phát hiện và phun chất thích hợp để dập lửa, bảo vệ tính mạng con người, vật chất…

Nguyên lý hoạt động của máy là tự vận hành nhờ năng lượng tích trữ sẵn của chính các chất khí chữa cháy nên không cần nguồn cung cấp năng lượng truyền thống như điện, máy nổ, máy bơm, xăng dầu, ắc quy. Các chất chữa cháy kết hợp với nhau tạo nên chất chữa cháy mới, đồng thời sẵn sàng bùng phát thành hỗn hợp hơi/bọt/CO2, tạo hiệu ứng cách ly, làm lạnh, làm ngạt, ức chế phản ứng cháy trên bề mặt và cả không gian để dập tắt lửa nhanh.



Tính năng độc đáo của loại máy chữa cháy do ông Phương sáng tạo là có thể phun một vòi hay đồng loạt nhiều vòi cùng một thời gian.

Điểm độc đáo là máy chủ động chữa cháy, không có tiếng ồn, không gây hoảng loạn. Thời gian kích hoạt máy chữa cháy không quá 5 giây, phun chất chữa cháy thích hợp ngay khi đám cháy mới phát sinh. Ngoài ra, thiết bị này còn trang bị quạt hút khói và quạt cấp gió cứu người thoát hiểm, có máy phát điện cấp cho đèn exit, camera, wifi, để hỗ trợ cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn.
Tính năng độc đáo của loại máy chữa cháy này là có thể phun một vòi hay đồng loạt nhiều vòi để chữa các đám cháy cực lớn mà không cần bất kỳ sự điều chỉnh nào trên thiết bị. Chỉ cần 1m3 CO2 lỏng đã đủ sức đẩy 100m3nước lên cao 50m hoặc đẩy 100m3 nước/bọt lên cao hàng trăm mét và phun thành hàng vạn mét khối hơi nước.

Máy có thể lắp đặt ở các khu công nghiệp, nhà máy, trên chiếc xe máy, ô-tô, hay nhà cao tầng hay cả trong nhà máy điện hạt nhân…

Hiện thiết bị chữa cháy đa năng này được áp dụng tại các trạm biến áp của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ở kho của Công ty gas Thành Tài, ở các phân xưởng dệt may của Tập đoàn công nghiệp MORITO (Nhật Bản), một vũ trường ở Hải Phòng. Đặc biệt, Bộ Khoa học Công nghệ đã đồng ý nghiên cứu sử dụng máy chữa cháy đa năng này để đẩy nước ứng cứu sự cố cho lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của Việt Nam tại tỉnh Ninh Thuận. Theo tính toán, trong 1 giờ, máy có thể dùng đến 400m3 nước, đủ chữa cháy cho cả một nhà máy điện hạt nhân nếu xảy ra sự cố.

Với những ứng dụng của thiết bị chữa cháy đa năng, ông Phương đã được cả Việt Nam và Hoa Kỳ cấp bằng Độc quyền sáng chế. Ông Phương cũng được trao Cúp vàng Sở hữu trí tuệ Việt Nam và giải WIPO của tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội vào tháng 5/2012.



Theo phatminh.com