Vụ nổ kinh hoàng ở Hà Nội đặt ra nhiều vấn đề về quản lý việc thu mua, kinh doanh phế liệu, vật liệu nổ, nhất là tình trạng mua bán này đang tràn lan

Ngày 20-3, ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động cho thấy trên địa bàn TP Hà Nội, có rất nhiều hộ kinh doanh thu mua phế liệu nằm xen kẽ trong khu đông dân cư; tập trung chủ yếu ở các quận, huyện: Thanh Xuân, Mỹ Đình, Hà Đông, Đống Đa, Hoàng Mai… Đa số những cơ sở này không có giấy phép kinh doanh.

“Bom” trong thành phố


Theo quan sát, ngõ 9 khu phố Hoàng Cầu (quận Đống Đa) dài khoảng hơn 300 m nhưng có đến 3 cơ sở thu mua phế liệu. Các cơ sở xây dựng tạm bợ, bên trong ngổn ngang nhiều loại phế liệu như vỏ chai nhựa, sắt, thép, nhôm... Do diện tích nhỏ hẹp, không đủ sức chứa, các chủ cơ sở tận dụng vỉa hè chất thành đống các loại giấy, bìa cát-tông. Những loại phế liệu này có nguy cơ cháy cao song chủ cơ sở không hề trang bị bất cứ dụng cụ phòng cháy, chữa cháy nào.

Tại các cơ sở phế liệu trên phố Khương Đình (quận Thanh Xuân), Đại Kim (quận Hoàng Mai)… còn thu mua cả bình gas mini, thùng sơn… tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Khi được hỏi về độ an toàn của những chiếc bình này, các chủ cơ sở đều khẳng định an toàn.


Một cơ sở thu mua phế liệu trong khu dân cư ở Hà Nội tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy nổ
.


Dọc 2 bên đường Đê La Thành (quận Đống Đa) cũng có nhiều hộ kinh doanh đồ sắt thép cũ, bày bán đủ loại máy móc, sắt thép, bánh răng, ốc vít.... Cùng với đó, các hộ kinh doanh thường sử dụng bình hàn gió đá, ôxy và gas để cắt, phân loại phế liệu kim loại. Nếu không cẩn thận hoặc gặp sự cố thì hiểm họa sẽ khó lường.

Trao đổi với phóng viên, đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội, cho biết thời gian qua, đơn vị tích cực tuyên truyền phòng chống cháy nổ đến các hộ kinh doanh buôn bán phế liệu. Theo đại tá Sơn, từ vụ nổ tại khu đô thị Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông vào chiều 19-3, đặt ra nhiều vấn đề cho công tác quản lý nhà nước. Để công tác phòng chống cháy nổ đạt hiệu quả, phải có sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương trong kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân.

Rất khó nhận biết an toàn

Không chỉ Hà Nội, tình trạng mua bán phế liệu, vật liệu nổ cũng diễn ra ở nhiều địa phương khác, trong đó có Quảng Trị - địa phương có số lượng bom mìn còn sót lại sau chiến tranh cao nhất nước.

Theo thống kê của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị, toàn tỉnh có trên 2.600 người chết và 4.250 người bị thương do bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh. Hiện tỉnh còn gần 380.000 ha bị nhiễm bom, mìn và cần ít nhất trên 150 năm nữa mới xử lý hết. Bom mìn chưa xử lý xong, còn nằm trong lòng đất đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều người tìm kiếm, mua bán.

Vựa thu mua phế liệu của ông Nguyễn Văn Q. (thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) tồn tại bên Quốc lộ 1 từ năm 2001 đến nay. Ông Q. cho biết dù không còn nhiều như trước nhưng thỉnh thoảng vẫn có người mang vật liệu, mảnh vở bom đến bán. “Thường những quả bom chưa nổ thì dân rà phá phế liệu sẽ xử lý như tháo ngòi nổ, lấy thuốc. Sau đó đưa vỏ bom về bán. Nguy hiểm nhất là các loại bom bi, kíp nổ nhỏ mà dân rà phá phế liệu mang tới bán, họ bỏ lẫn lộn trong các thứ khác nên và rất khó nhận biết an toàn hay chưa” - ông Q. nói.

Tại thôn Hà Tây, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, có vựa thu mua phế liệu khá lớn của ông Dương Văn Th. Ông Hoàng Cộng Hòa, Chủ tịch UBND xã Triệu Đại, cho hay xã không thể biết được điểm thu mua này có thu mua bom, mìn còn sót lại trong chiến tranh hay không mà việc này thuộc về các cơ quan chức năng. “Trước đây, Công an huyện Triệu Phong kiểm tra vựa của ông Th. và phát hiện có thu mua vật liệu nổ, còn bây giờ thì chưa kiểm tra lại” - ông Hòa xác nhận.

Theo Dự án rà phá bom, mìn RENEW tại Quảng Trị, ở 2 huyện Triệu Phong và Cam Lộ trước đây có khoảng 26 điểm thu mua phế liệu chiến tranh nhưng hiện chỉ còn một vài điểm. Dự án này xây dựng tại mỗi điểm thu mua 1 giếng bê tông để xử lý khi bom, mìn chưa nổ, đồng thời tập huấn cho các chủ hộ về việc nhận biết vật liệu chưa nổ, cách xử lý.

Ông Võ Thanh, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, khẳng định nhằm đề phòng những tai nạn đáng tiếc, thời gian tới, huyện sẽ yêu cầu các phòng chức năng thường xuyên kiểm tra, nâng cao nhận thức, hiểu biết về phòng chống cháy nổ cho các hộ kinh doanh phế liệu.



Theo nld.com.vn