Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác phòng cháy, chữa cháy

Hỏa hoạn là mối “họa” lớn có từ lâu trong lịch sử nhân loại, gây nên rất nhiều thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và tính mạng của nhân dân toàn xã hội, chính vì thế mà cha ông ta đã có câu “Giặc phá không bằng nhà cháy” để nói lên tác hại ghê gớm của nạn cháy. Ngay từ xa xưa và cho đến ngày nay, phòng cháy, chữa cháy là một trong những công tác rất quan trọng nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ tài sản Nhà nước và của nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh và trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, mọi người dân trong xã hội cần nâng cao ý thức trong phòng hỏa, cứu hỏa.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm đặc biệt đối công tác phòng cháy, chữa cháy và lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy.

Năm 1954, khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng và bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Trong giai đoạn này công tác phòng cháy, chữa cháy được Đảng, Nhà nước quan tâm và đưa vào phong trào bảo vệ trị an và thể hiện rõ nhất với khẩu hiệu 3 phòng: “Phòng gian - Phòng hoả - Phòng tai nạn.”

Ngày 01/01/1955, khi Đại đội chữa cháy Hà Nội được cử một Tiểu đội 07 người, do đồng chí Lục Văn Giỏi chỉ huy tham gia bảo vệ lễ đài trên Quảng trường Ba Đình nhân dịp mít tinh chào mừng Đảng và Chính phủ sau 09 năm kháng chiến trường kỳ trở về Thủ đô.

Cuộc mít tinh diễn ra an toàn, Bác đã đi từ lễ đài xuống, rẽ qua thăm đơn vị chữa cháy đang làm nhiệm vụ. Bác ân cần bắt tay từng người và chúc: “Nhân dịp năm mới, Bác chúc các chú thất nghiệp”. Đối với lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, lời chúc vui vẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là lời động viên vừa là mục tiêu giao nhiệm vụ mà Người tin tưởng giao cho lực lượng công an trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

Năm 1958, một hôm, người đứng đầu cơ quan cảnh sát phòng cháy, chữa cháy được triệu tập đến Phủ Chủ tịch. Khó có thể diễn tả hết được tâm trạng của người cán bộ phòng cháy, chữa cháy trước lúc vào nơi lãnh đạo cao nhất của đất nước sống và làm việc. Đến nơi mới hay, trong Phủ Chủ tịch có một bể nước, nay do yêu cầu nhiệm vụ mới nên có người đề nghị phá bỏ. Mọi người hỏi ý kiến Bác, Bác yêu cầu “phải hỏi các chú phòng cháy, chữa cháy, nếu không cần bể nước để chữa cháy thì hãy phá đi”… Trước vai trò rất quan trọng của công tác phòng hỏa, cứu hỏa và từ câu chuyện rất đỗi giản dị ấy đã cho chúng ta thấy được sự quan tâm đặc biệt sâu sắc và nhận định, đánh giá đúng mực của Bác Hồ đối với công tác phòng cháy, chữa cháy.

Năm 1961, tình hình kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, cơ sở vật chất được xây dựng càng nhiều, vì vậy cần phải có những biện pháp tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt là trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh đế quốc Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc. Ngày 04/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 53/SL ban hành “Pháp lệnh quy định việc quản lý Nhà nước đối với công tác Phòng cháy chữa cháy”, đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thông qua ngày 27/9/1961. Trong giai đoạn này, Bác Hồ đã đổi cụm từ “Phòng hoả, cứu hoả” thành cụm từ “Phòng cháy, chữa cháy” khi Pháp lệnh này được trình lên Người.

Sau 35 năm ngày 02/6/1996, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 369/TTg lấy ngày 04 tháng 10 hàng năm là “Ngày Phòng cháy chữa cháy toàn dân”, tháng 10 là Tháng an toàn phòng cháy, chữa cháy. Và đó cũng là Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy.

Bac Ho voi cong tac phong chay 2

Thư khen gửi cán bộ, chiến sỹ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Hà Nội ngày 03/8/1966 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh Internet

Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, lực lượng Công an nhân dân luôn dành được sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Cùng với 6 điều Bác Hồ dạy lực lượng Công an nhân dân, trong Thư khen gửi cán bộ, chiến sỹ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Hà Nội ngày 03/8/1966, sau thành tích chiến đấu dũng cảm dập tắt đám cháy ở kho xăng dầu Đức Giang - Hà Nộ bị trúng bom giặc. Bác đã căn dặn lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy 4 điều:
“Thư khen Đội cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Sở Công an Hà Nội (03-08-1966)

Thân ái gửi cán bộ và chiến sĩ Đội phòng cháy, chữa cháy Công an Hà Nội.

Trong việc phòng cháy, chữa cháy, các đồng chí đã bình tĩnh, tích cực và dũng cảm. Các đồng chí đã phối hợp tốt với lực lượng quần chúng. Do đó các đồng chí luôn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, dù trong những điều kiện khó khǎn.

Bác rất vui lòng khen ngợi tất cả cán bộ và chiến sĩ. Nhân đây, Bác dặn thêm mấy điều này:

- Phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, chớ chủ quan, tự mãn.

- Phải thường xuyên thật sẵn sàng để nhanh chóng làm tròn nhiệm vụ bất kỳ trong tình hình nào để bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân.

- Phải không ngừng học tập, nghiên cứu, phát huy sáng kiến, tổng kết kinh nghiệm để tiến bộ hơn nữa trong công việc phòng cháy, chữa cháy.

- Phải thường xuyên hướng dẫn và bồi dưỡng về nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng ngày càng tiến bộ, để họ trở thành người giúp việc thật đắc lực cho các đồng chí.

Chào thân ái và quyết thắng

Bác Hồ”

Khắc ghi lời căn dặn quý báu của Người, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ luôn thường trực, ghi nhớ trong tim 6 điều Bác dạy lực lượng Công an nhân dân, 4 điều Bác dạy lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, coi đó là mục tiêu, phương hướng, kim chỉ nam cho mọi hành động, vận dụng sáng tạo, nghiên cứu triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý nghiệp vụ và tổ chức tốt công tác phòng ngừa cháy nổ, xây dựng lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại nhằm bảo vệ vững chắc an ninh trật tự của Tổ quốc.

Trong những năm đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã tích cực tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo Tổng cục cảnh sát phòng cháy, chữa cháy xây dựng nhiều văn bản quản lý nhà nước, văn bản pháp luật về công tác phòng cháy, chữa cháy. Đặc biệt trong kỳ họp Quốc hội khoá X, lần thứ IX ( từ ngày 22/5 đến ngày 29/6/2001) Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy. Đây là kết quả gần 8 năm làm việc của các cá nhân, cơ quan có liên quan. Đến ngày 12/7/2001, Chủ tịch Nước Trần Đức Lương đã ký Lệnh số 08/2001/L-CTN công bố Luật Phòng cháy, chữa cháy. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 4/10/2001 đúng dịp kỷ niệm 40 năm Ngày ban hành Pháp lệnh.

Mới đây nhất, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị số 47-CT/TW, ngày 25/6/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

1-Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân từ Trung ương đến cơ sở phải xác định công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên hằng ngày; việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy là một tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, hội viên, cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức và người lao động. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình.

2-Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Mở các chuyên trang, chuyên mục trên báo chí, phát thanh, truyền hình, phát hành cẩm nang, tờ rơi đến từng hộ gia đình, người lao động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Vận động cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức và người lao động thấy rõ trách nhiệm, tự giác chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; tích cực tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Gắn việc thực hiện các quy định phòng cháy, chữa cháy với nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Lồng ghép việc phổ biến kiến thức và kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy vào chương trình học tập, hoạt động ngoại khóa trong nhà trường và cơ sở giáo dục phù hợp với từng ngành học, cấp học.

3-Công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải lấy phòng ngừa là chính; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào việc thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; coi công tác phòng cháy, chữa cháy là công việc hằng ngày ở mọi nơi, mọi lúc.

Tập trung xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sâu rộng; gắn với xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, với phương châm bốn tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ), nòng cốt là lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở và chuyên ngành. Chú trọng xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến theo hướng tự nguyện, tự phòng, tự quản theo cụm dân cư, cụm doanh nghiệp an toàn phòng cháy, chữa cháy. Có chế độ, chính sách thỏa đáng đối với những người bị thương, hy sinh hoặc thiệt hại về tài sản khi tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

4-Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy. Xây dựng chiến lược phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhất là đối với các địa bàn, công trình trọng điểm quốc gia, khu đô thị, các khu công nghiệp, thương mại… có nguy cơ cháy, nổ cao. Từng bước thực hiện đồng bộ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với quy hoạch hệ thống hạ tầng bảo đảm cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật. Có phương án chuyển khu công nghiệp, khu chế xuất không bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy, các cơ sở sử dụng dây chuyền công nghệ sản xuất đã cũ, lạc hậu hoặc đã sử dụng nhiều năm, các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao như sản xuất, chế biến gỗ, sang chiết gas, xăng dầu, hóa chất… ra khỏi khu dân cư.

Chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Người đứng đầu chính quyền địa phương cần rà soát ban hành những quy định cụ thể quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình xây dựng, công trình văn hóa… bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy.

Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy ở các cấp. Phát huy trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc hướng dẫn các bộ, ban, ngành, địa phương thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy, nhất là đối với các chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại, chợ, rừng; khắc phục dứt điểm vi phạm, sơ hở về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy. Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

5-Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy. Có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy (giao thông, nguồn nước, thông tin liên lạc…); nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; mua sắm phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

6-Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế các vụ cháy, nổ lớn, nhất là ở các nơi có nguy cơ cháy, nổ cao; tăng cường phải thực hiện và giải quyết bằng lực lượng, phương tiện tại chỗ. Đồng thời, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện để ứng phó kịp thời khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả về người và tài sản.

7-Nâng cao hiệu quả công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy. Thường xuyên tổ chức tập huấn, diễn tập, thực tập các phương án, tình huống xử lý sự cố cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ có huy động nhiều lực lượng tham gia. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các lực lượng, nhất là phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa Công an nhân dân với Quân đội nhân dân trong triển khai thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ.

8-Xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy chính quy, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại, nắm vững pháp luật, tinh thông nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; bố trí phù hợp ở các địa bàn trọng điểm. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy; có chính sách đối với lực lượng trực tiếp tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Ưu tiên đầu tư ngân sách để xây dựng cơ cơ sở vật chất, trang bị phương tiện và các điều kiện bảo đảm phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ việc sản xuất, lắp ráp trang thiết bị, phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở trong nước.

Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế và trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tranh thủ công nghệ hiện đại và nâng cao trình độ chuyên môn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Đã hơn 46 năm kể từ ngày Bác Hồ đi xa, nhưng những lời dạy của Người về công tác phòng cháy, chữa cháy vẫn còn nguyên giá trị. Những câu chuyện tuy nhỏ nhưng giản dị, những chỉ dạy ân cần nhưng sâu sắc, gần gũi, thiêng liêng mà Bác dành cho cán bộ, chiến sỹ lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ luôn và mãi là nguồn động viên, cổ vũ để lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khắc phục khó khăn, không ngừng rèn luyện bản lĩnh chiến đấu chống giặc lửa, sẵn sàng xả thân vì sự an toàn, hạnh phúc của nhân dân; chủ động, tích cực vận động quần chúng nhân dân nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm trong phòng, chống cháy nổ ở mọi lúc, mọi nơi, góp phần mang lại sự an toàn, bình yên cho toàn cả xã hội, nhất là trong giai đoạn đất nước đang trên bước đường đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa./.
website:
website: