Vụ cháy xảy ra vào khoảng 16h chiều 27/11/2015. Thông tin ban đầu cho biết, tàu Contship ACE, chở khoảng 20 container chứa photpho vừa mới cập cảng, đang tiến hành dỡ hàng thì cần cẩu đã va chạm với container và bốc cháy dữ dội.

Ngay sau khi vụ cháy xảy ra, lực lượng Cảnh sát PCCC Hải Phòng đã huy động nhiều xe cứu hỏa đến hiện trường dập lửa. Các chiến sỹ phòng cháy phải trang bị mặt nạ chống độc. Khói bốc lên từ vụ cháy có thể được thấy từ xa. Phải mất hơn 2 h đồng hồ các chiến sĩ Cảnh sát PCCC mới khống chế được ngọn lửa. Trong quá trình chữa cháy đã có 52 chiến sĩ Cảnh sát PCCC Hải Phòng phải nhập viện do ngộ độc khí. Rất may thời điểm cháy mọi người kịp thời di tản hết nên không có thiệt hại nào về người, tuy nhiên 20 container chứa photpho của tàu thì bị thiêu rụi hoàn toàn. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến vụ cháy nói trên.

Trước hết cần tìm hiểu đặc tính nguy hiểm cháy của photpho. Photpho là một phi kim điển hình tồn tại dưới ba dạng thù hình cơ bản có màu: trắng, đỏ và đen. Các dạng thù hình khác cũng có thể tồn tại. Phổ biến nhất là photpho trắng và photpho đỏ. Cả hai đều có cấu tạo phân tử gồm các nhóm nguyên tử phân bố theo kiểu tứ diện gồm 4 nguyên tử phốtpho.


Các tứ diện của photpho trắng tạo thành các nhóm riêng dạng P4; các tứ diện của photpho đỏ liên kết với nhau thành chuỗi (polime) dạng (P4)n. Chính vì sự khác nhau về cấu tạo mạch mà tính chất nguy hiểm cháy của photpho trắng và photpho đỏ rất khác nhau. Photpho đỏ tự bốc cháy ở khoảng 250oC, tương đối bền nhiệt ở nhiệt độ thường và không độc Photpho trắng cháy khi tiếp xúc với không khí ở khoảng trên 40oC hay khi bị tiếp xúc với nguồn nhiệt yếu (trên 40oC) hoặc ánh sáng mạnh. Photpho trắng rất độc và có thể gây bỏng nếu rơi vào da. Tuy nhiên cả 2 thù hình của photpho đều không tan trong nước và không phản ứng với nước, nên có thể dùng nước đề bảo quản và dập tắt các đám cháy có chứa photpho.

Chính vì vậy, có thể thấy rằng, vụ cháy xảy ra tại cảng Nam Hải – Hải Phòng là vụ cháy của photpho trắng, không phải photpho đỏ. Do photpho trắng rất kém bền nhiệt còn photpho đỏ bền nhiệt hơn nhiều. Đám cháy này đặc biệt nguy hiểm và tiềm ẩn yếu tố độc hại cho bản thân các chiến sĩ tham gia chữa cháy cũng như cứu nạn cứa hộ. Đây cũng là nguyên nhân khiến 52 chiến sĩ Cảnh sát PCCC Hải Phòng phải nhập viện vì ngộ độc khí. Khí độc này không chỉ là photpho trắng bay hơi thoát ra từ đám cháy, mà còn có axit photphoric bay hơi (H3PO4) sinh ra trong quá trình Photpho cháy gặp nước cứu hỏa.

4P + 5O2 → 2P2O5
P2O5 + 3H2O → 2H3PO4


Cháy container chở photpho tại cảng Nam Hải - Hải Phòng


Cho nên, khi tham gia chữa cháy các chiến sĩ cần được trang bị mặt nạ phòng độc và phải chống cháy lan kịp thời. Chất chữa cháy tối ưu nhất là nước. Khi vận chuyển photpho trắng, cần chú ý tránh các va chạm không đáng có phát sinh tia lửa điện, hoặc gây rơi vãi ra ngoài không khí ở điều kiện nhiệt độ cao trên 40oC.

Hữu Hiệu (BM2) - Đại học PCCC