Nghề chữa cháy được biết đến là một trong những nghề nguy hiểm nhất và ẩn chứa nhiều rủi ro nhất so với các ngành nghề khác. Mỗi vụ cháy xảy ra có thể gây thiệt hại vô cùng lớn đến các cơ sở cũng như thành phố và chính quốc gia đó. Khi sự cố sảy ra thì kĩ năng xử lý các tình huống kịp thời để đảm bảo an toàn cho cở sở xảy ra sự cố cũng như chính các nhân viên của ngành phòng cháy chữa cháy là điều rất quan trọng. Bên cạnh đó việc xây dựng các mối quan hệ nội bộ trong cơ quan và các mối quan hệ với cộng đồng cũng là vấn đề cần chú ý của ngành phòng cháy chữa cháy. Vậy câu hỏi đặt ra là trong ngành phòng cháy chữa cháy có cần đào tạo kĩ năng mềm? Nếu có thì những kĩ năng gì là cần thiết và phương pháp đào tạo kĩ năng mềm như thế nào? Chuyên gia nghiên cứu về nghề nghiệp Alison Doyle đã liệt kê một danh sách các kĩ năng cần thiết của lính chữa cháy, trong đó các các kĩ năng mềm sau:

Lắng nghe tích cực (Active Listening)
Tư duy phản biện (Critical Thinking)
Ra quyết định (Decision Making)
Giải quyết vấn đề (Problem Solving)
Làm việc nhóm (Team Work)
Nói (Speaking)
Giao tiếp bằng lời (Verbal Communication)
Giao tiếp bằng văn bản (Written Communication)

Bên cạnh đó, một dự án nghiên cứu chi tiết hơn: “Determining components of and delivery methods for soft skills education for the Fire Service – Xác định các thành phần và phương pháp giáo dục kĩ năng mềm cho ngành phòng cháy chữa cháy” đã được tiến hành tại trung tâm học liệu của Học viện Phòng cháy chữa cháy Quốc gia, tại Emmitsburg, Maryland, các nghiên cứu bổ sung được thực hiện tại đại học Rutgers, tiểu bang New Jersey. Nghiên cứu này đã thực hiện điều tra khảo sát những câu hỏi cụ thể sau :

Câu hỏi 1: Nhân viên phòng cháy chữa cháy đã được dạy các kĩ năng hoạt động cho nghề nghiệp của họ. Liệu kĩ năng mềm có cần được đào tạo cho nhân viên phòng cháy chữa cháy? Nếu có, thì các đối tượng cần được đào tạo kỹ năng mềm là những ai?
Câu hỏi 2: Các thành phần “kĩ năng mềm” nào cần được đưa vào đào tạo cho ngành phòng cháy chữa cháy để thúc đẩy mối quan hệ nội bộ trong cơ quan phòng cháy chữa cháy và quan hệ bên ngoài cộng đồng?
Câu hỏi 3: Những phương pháp đào tạo nào có thể tạo điều kiện tốt nhất cho quá trình giáo dục kĩ năng mềm trong ngành phòng cháy chữa cháy?

Kết quả khảo sát của câu hỏi 1, các con số điều tra thu được như sau: số câu trả lời có chiếm 98%, số câu trả lời không chiếm 2%. Đối tượng cần được đào tạo kỹ năng mềm bao gồm: nhân viên phòng cháy chữa cháy, giáo viên hướng dẫn, thanh tra phòng cháy chữa cháy và các cơ quan tổ chức trong ngành phòng cháy chữa cháy. Với câu hỏi 2 và câu hỏi 3, kết quả khảo sát thể hiện trong bảng 1, bảng 2.

Bảng 1: Kết quả khảo sát các thành phần kĩ năng mềm cần thiết cho ngành PCCC để thúc đẩy mối quan hệ nội bộ trong cơ quan phòng cháy chữa cháy cũng như mối quan hệ bên ngoài cộng đồng

Kĩ năng mềm - Số lựa chọn (%)
Giao tiếp (ngôn ngữ / phi ngôn ngữ) - 94%
Kĩ năng lắng nghe - 80%
Sửa đổi hành vi / thái độ - 59%
Xây dựng mối quan hệ / mạng lưới - 53%
Đa văn hóa / phân biệt giới tính - 51%
Tự tạo hình ảnh - 45%
Xây dựng sự đồng thuận / giải quyết xung đột - 43%
Lịch sự và lòng nhân ái - 33%
Đồng cảm - 30%
Sự an ủi - 18%
[Nguồn: Determining components of and delivery methods for soft skills education for the Fire Service].

Bảng 2: Kết quả khảo sát phương pháp đào tạo kĩ năng mềm
cho ngành phòng cháy chữa cháy
PP đào tạo - Số lựa chọn (%)
Đào tạo thực hành - 76%
Bài giảng - 64%
Tài liệu phát tay - 44%
[Nguồn: Determining components of and delivery methods for soft skills education for the Fire Service].

Như vậy các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc đào tạo kĩ năng mềm cho ngành phòng cháy chữa cháy là cần thiết để hoạt động cũng như xử lý các tình huống kịp thời và có hiệu quả. Đồng thời, nghiên cứu cũng xác định các thành phần kĩ năng mềm cần thiết và phương pháp đào tạo cho các kĩ mềm này.

Trường Đại học PCCC đã ban hành chuẩn đầu ra trình độ đại học phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, trong đó có các chuẩn kĩ năng mềm. Những kết quả nghiên cứu trên đây về đào tạo kĩ năng mềm cho ngành phòng cháy chữa cháy ở Hoa Kỳ là những kinh nghiệm có thể tham khảo trong quá trình thực hiện.

Theo ĐH PCCC