Trước đòi hòi nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp được đầu tư xây dựng về cơ sở vật chất, nâng cao quy mô đào tạo. Trên địa bàn cả nước, các trường đại học, cao đẳng thường tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... Do đó, các thành phố lớn ngày càng đông đúc hơn khi mà sau mỗi kỳ thi đại học, hàng nghìn các tân sinh viên từ khắp mọi miền tập trung về thành phố để học tập. Để đảm bảo cho công việc học tập bắt buộc các bạn sinh viên phải có cho mình một nơi để nghỉ ngơi, sinh hoạt và lựa chọn của hầu hết các sinh viên là nhà trọ hoặc phòng trọ. Theo quy luật thị trường, trước nhu cầu của sinh viên thì các dãy nhà trọ, phòng trọ được xây dựng ngày càng nhiều. Bên cạnh các nhà trọ, phòng trọ được phép kinh doanh thì còn một bộ phận không ít các nhà trọ tự phát. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý hành chính, đặc biệt là công tác quản lý an toàn PCCC. Công tác đảm bảo an toàn PCCC tại các nhà trọ sinh viên vốn ít được chú trọng trong thời gian qua bởi rất nhiều lý do mặc dù mối nguy hiểm cháy, nổ tại đây luôn tồn tại và có thể gây thiệt hại về người bất cứ lúc nào. Khi mà hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể cho đối tượng này chưa hoàn chỉnh, cụ thể thì yêu cầu phải có các biện pháp để hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra cháy, nổ tại các nhà trọ, phòng trọ sinh viên.

Để làm được điều đó trước hết cần nhìn vào thực trạng hiện nay của các nhà trọ, phòng trọ.

Các nhà trọ thường có diện tích sử dụng không lớn, từ 12 đến 25 m2 nhưng có từ 2 – 4 sinh viên ở cùng nhau, toàn bộ đồ đạc phục vụ cho sinh hoạt, học tập đều được sắp xếp trong diện tích sử dụng này dẫn tới tải trọng chất cháy trên một đơn vị diện tích sàn khá lớn. Các vận dụng thường được làm bằng giấy, vải, nhựa... đều là những chất dễ cháy, khi cháy sinh ra nhiều khói, khí độc. Ngoài ra, trong quá trình học tập, sinh hoạt, nghiên cứu các bạn sinh viên còn mang các chất dễ cháy, nổ khác về nhà để nghiên cứu, chế tạo như: cồn, hóa chất, xăng dầu...

Hầu hết các phòng trọ sinh viên đều sử dụng gas để đun nấu, đặc biệt, một số sinh viên còn sử dụng bình gas mini cho việc đun nấu và tái sử dụng vỏ bình để nạp lại gas. Điều này cực kỳ nguy hiểm khi khí gas rò rỉ hay vỏ bình gas không còn đủ độ an toàn cần thiết có thể dẫn tới cháy, nổ khí gas thậm chí nổ bình gas mini.


Sinh viên sử dụng bếp gas du lịch (bếp gas mini) để đun nấu


Thiết bị điện được sinh viên sử dụng thường không đảm bản an toàn hoặc được sử dụng với công năng khác công năng chính của thiết bị nên dễ dẫn tới các sự cố điện, có thể dẫn tới cháy. Ngoài ra, một số bạn sinh viên còn sử dụng các thiết bị điện tự chế để phục vụ sinh hoạt. Đặc biệt vào mùa đông các bạn thường sử dụng sục đun nước thay cho việc sử dụng ấm điện. Điều này không những gây nguy hiểm tính mạng cho người sử dụng mà còn có nguy cơ gây cháy.
Nhận thức của phần lớn sinh viên về công tác đảm bảo an toàn PCCC cũng như các kỹ năng xử lý khi có sự cố cháy nổ xảy ra còn rất hạn chế. Nhiều sinh viên không biết số điện thoại khẩn cấp gọi cứu hỏa là 114. Do đó khi thuê nhà trọ, phòng trọ họ không chú ý tới an toàn PCCC của nơi mình thuê.
Nhằm thu được lợi nhuận tối đa từ việc cho thuê nhà, hầu hết các chủ nhà trọn không trang bị các phương tiện chữa cháy ban đầu như : bình chữa cháy, phuy cát, chăn chiên...cho từng phòng ở, hành lang giữa các dãy phòng trọ. Thậm chí các biển báo, nội quy, tiêu lệnh chữa cháy cũng không được niêm yết để cảnh báo.
Hệ thống cầu thang, hành lang thoát nạn không đảm bảo các yêu cầu về PCCC, cầu thang bộ không có chiếu nghỉ, không có tay vịn, không có hệ thống chiếu sáng sự cố, không có biện pháp chống tụ khói.... Rất khó khăn và nguy hiểm để mọi người có thể thoát ra ngoài khi có sự cố cháy, nổ.
Tường ngăn giữa các phòng thường là tường gạch 10 cm, khi có cháy xảy ra nhiệt từ phòng bị cháy sẽ nhanh chóng truyền sang các phòng bên cạnh làm cho đám cháy phát triển lớn, phức tạp hơn.
Đường, ngõ vào các nhà trọ thường là đường nhỏ, hẹp, không đảm bảo khoảng cách thông thủy cho xe chữa cháy tiếp cận đám cháy để tổ chức các hoạt động chữa cháy, cứu người.

Trước khi có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hoàn chỉnh để điều chỉnh nhóm đối tượng này, để giải quyết những tồn tại trên, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, với kiến thức đã học, nghiên cứu về công tác PCCC kết hợp tìm hiểu thực tế, cá nhân tôi mạnh dạn đưa ra một số biện pháp sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng PCCC cho các chủ nhà trọ, sinh viên bằng cách:
Liên hệ chặt chẽ với các trường Đại học, Cao đẳng để lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, hướng dẫn kỹ năng PCCC vào các buổi sinh hoạt tập thể của sinh viên hoặc tổ chức những buổi tuyên truyền riêng về công tác PCCC.
Yêu cầu các chủ nhà trọ, cũng như sinh viên thuê trọ tham gia các buổi tuyên truyền, tập huấn về PCCC đối với khu dân cư nơi sinh sống.

Hai là, nâng cao trách nhiệm của họ đối với công tác PCCC bằng việc yêu cầu các chủ nhà trọ phải thực hiện cam kết với cơ quan Cảnh sát PCCC bằng văn bản về việc đảm bảo an toàn phòng cháy cũng như các điều kiện cần thiết để chữa cháy khi có cháy xảy ra.

Ba là,cán bộ quản lý địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn an toàn PCCC đối với các nhà trọ sinh viên, thực hiện kiểm tra theo các chuyên đề hoặc kiểm tra đột xuất. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như lực lượng cảnh sát quản lý hành chính, cảnh sát trật tự các cấp để kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm nghiêm trọng quy định an toàn PCCC, không chấp hành các kiến nghị, yêu cầu của cán bộ phụ trách địa bàn, các nhà trọ có nguy cơ cháy, nổ cao gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Bốn là, cơ quan Cảnh sát PCCC nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về PCCC đối với nhóm đối tượng này.

Trần Văn Khả, Nguyễn Ngọc Quang – Khoa 4 - Trường ĐH PCCC