(ANTV) - Từ lâu dân gian đã có câu “Thủy – Hỏa – Đạo Tặc” hay “Giặc phá không bằng nhà cháy”. Thực tế, nhiều vụ cháy và thiệt hại nặng nề do người dân thiếu hiểu biết và các kỹ năng cần thiết để ứng phó với tình huống cháy.
Chính vì vậy, với mong muốn có thể giúp ích người dân bình tĩnh xử lý để giảm thiểu, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi cháy xảy ra, ANTV online xin giới thiệu tới bạn đọc một số tình huống xử lý cụ thể ứng phó với cháy trên cơ sở tài liệu hướng dẫn của Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ - Bộ Công an:
Do đặc điểm chuyển động của con ngư*ời trong điều kiện cháy là chuyển động đồng thời, cùng một lúc, hỗn loạn, tự phát, không được tổ chức hợp lý, cộng thêm bị tác động bởi các yếu tố nguy hiểm như: khói, khí độc, sản phẩm cháy, ngọn lửa, nhiệt độ cao…
Nên khi có cháy xảy ra cần:
- Bình tĩnh suy xét tình hình (Đây là yếu tố quan trọng nhất).
- Nghe theo hướng dẫn của người có trách nhiệm hoặc người có kiến thức về PCCC.
- Sử dụng bình chữa cháy các loại, họng nước chữa cháy để dập tắt đám cháy. Nếu đám cháy quá lớn, không cố chữa cháy.


- Cách ly vùng cháy bằng cách đóng cửa phòng bị cháy hoặc sơ tán chất cháy gần vùng cháy.


- Tìm các lối thoát nạn sẵn có hoặc theo sự chỉ dẫn của người có trách nhiệm hoặc các phương tiện truyền thông (vô tuyến, truyền thanh) để thoát ra ngoài.


- Sử dụng cầu thang bộ để thoát nạn. Lối thoát nạn là các lối có đèn “LỐI RA” hoặc “EXIT” báo hiệu. Trên đường thoát nạn cần thông báo cho những người chưa biết hoặc những người ở các phòng lân cận biết; nếu phải băng qua lửa để ra ngoài, hãy sử dụng vải cotton nhúng ướt trùm lên đầu, thân mình; nếu lửa bắt vào người, hãy ngừng chuyển động, nằm lăn qua lại dưới đất.




- Tuyệt đối không dùng thang máy để thoát nạn.


- Đi khom hoặc bò để di chuyển khi trong phòng, trên hành lang có nhiều khói để tránh nhiễm khói.


- Che mặt bằng khăn tay thấm ướt nếu có thể.


- Phải kiểm tra nhiệt độ bên ngoài cánh cửa trước khi mở cửa. Khi cần mở cửa để thoát ra ngoài phải ép người về phía cửa mở để tránh lửa tạt vào mặt; nếu thấy nhiệt độ cao, tuyệt đối không được mở cửa thoát ra ngoài.


- Lấy giẻ ướt chèn vào các khe hở để tránh khói lọt vào trong phòng.


- Phải thông báo cho mọi người biết bạn đang bị kẹt từ cửa sổ hoặc ban công. Khi bạn không thoát ra được bằng cửa chính, bằng các cách sau:
+ Gọi, kêu to,
+ Dùng khăn, áo, vật nhiều màu sắc để vẫy báo hiệu.
+ Dùng đèn, vật phát sáng…để báo hiệu.
- Gọi điện thoại 114 và 115, 113… hay cho người thân thông báo vị trí bạn đang bị kẹt.
- Bình tĩnh, yên tâm, tin tưởng rằng mọi lực lượng luôn luôn sẵn sàng để giúp đỡ bạn khi cần thiết.

Dẫn nguồn: