Báo chí đã nhiều lần lên tiếng, cơ quan chức năng cho biết đã thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn quyết liệt, tuy nhiên các vi phạm trong kinh doanh gas, sử dụng gas không an toàn, sang chiết gas trái phép vẫn diễn ra tràn lan tại TPHCM. Thực tế này đã và đang đẩy nguy cơ cháy nổ đến mức báo động, đe dọa tính mạng nhiều người.
Nhức nhối “bom gas”

6 tháng đầu năm 2014, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã xử phạt hành chính gần 2 tỷ đồng đối với các cơ sở kinh doanh, sang chiết gas trái phép, thu giữ và xử lý 668 bình gas các loại, hơn 12.000 bình gas mini… Trong đó, tại TPHCM, Chi cục Quản lý thị trường TP đã kiểm tra bắt 16 vụ (có 6 vụ chiết nạp gas chai mini không có giấy phép), tịch thu 33 cái bàn chiết nạp, 233 bình gas 12kg, 5.394 bình gas mini loại chiết nạp lại, 4.187 vỏ bình gas mini đã qua sử dụng.

Theo quy định, bình gas mini chỉ được phép sử dụng 1 lần để đảm bảo an toàn cháy nổ, thế nhưng một lượng lớn người dân ở TPHCM hiện nay vẫn bất chấp nguy hiểm, tự ý sang chiết gas nhiều lần từ các bình gas lớn vào bình gas loại này để kinh doanh và sử dụng. Chúng tôi đã có một cuộc khảo sát ngẫu nhiên tại hơn 50 địa chỉ (nhà trọ sinh viên, nhà trọ công nhân khu công nghiệp, nhà của các chủ hộ có hộ khẩu tại TP…) ở các khu dân cư thuộc quận 8, 12, Thủ Đức, Bình Tân và huyện Bình Chánh, kết quả cho thấy có đến hơn 80% số hộ dân sử dụng bếp gas mini và dùng bình gas mini sạc đi sạc lại nhiều để nấu ăn. Tiếp xúc với chúng tôi, các hộ dân ở “hẻm lao động” 304 tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân) cho rằng: “Biết sử dụng bình gas mini là nguy hiểm, thực tế ở khu dân cư này từng xảy ra hỏa hoạn do sử dụng bình gas mini, nhưng bà con ở đây vẫn phải sử dụng vì nó nhỏ gọn, tiện ích trong di chuyển. Tiện nhất là khi hết gas, có thể ghé bất kỳ tiệm tạp hóa nào để đổi bình có gas. Còn sử dụng bình gas lớn, hết gas gọi đại lý chở đến rất lâu”.

Một tiệm tạp hóa tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh kinh doanh bình gas mini qua sang chiết nhiều lần.
Trong khi đó, nhiều công nhân ở Khu chế xuất Linh Trung (quận Thủ Đức) cho rằng, với thu nhập thấp, họ không thể trang bị bếp từ, hoặc bếp và bình gas lớn, chỉ có thể sử dụng bếp và bình gas mini để nấu ăn. Để tránh nguy hiểm, các công nhân không muốn mua - đổi các bình gas mini sang chiết nhiều lần, nhưng để phân biệt được loại bình này với bình chưa bị sang chiết thật không đơn giản…(!). Trên thực tế, khi nhu cầu sử dụng bếp gas mini của người dân nhiều thì nạn sang chiết gas trái phép từ bình gas lớn qua bình gas mini cũng ngày càng phổ biến. Đây là một việc làm rất dễ dẫn đến cháy nổ, được các cơ quan quản lý về cháy nổ khuyến cáo từ lâu nhưng đến nay gần như TPHCM cũng như nhiều tỉnh thành khác vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.
Từng bước xử lý

Ngay sau khi vụ nổ bình gas 12kg xảy ra tại nhà số 116 Lê Thị Riêng (quận 1, TPHCM) vào trưa 25-9 khiến 1 cụ già tử vong, nhiều hộ dân sống ở hẻm C3/4 đường Phạm Hùng (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) gọi điện đến Báo SGGP, phản ánh trong hẻm này tồn tại một cơ sở sang chiết gas trái phép. Hàng ngày khí gas bốc ra nồng nặc vào sáng sớm và ban đêm. “Báo địa phương rồi nhưng không thấy xử lý, mong Báo SGGP can thiệp” - ông N., nhà đối diện Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam trên đường Phạm Hùng cho biết.

Để tránh các sự cố cháy nổ liên quan đến gas xảy ra, Cảnh sát PCCC TPHCM, cho biết, thời gian qua đã chỉ đạo các Phòng Cảnh sát PCCC quận huyện tăng cường mở các đợt kiểm tra chuyên đề về gas, kiên quyết phạt nghiêm các trường hợp vi phạm để răn đe, đồng thời tuyên truyền đến người dân những kiến thức về PCCC đối với mặt hàng gas. Tuy vậy, hiện các vi phạm về gas vẫn diễn ra nhiều là do còn nhiều bất cập. Chẳng hạn việc kinh doanh tràn lan các loại bình gas mini nạp gas nhiều lần, khi phát hiện, cảnh sát PCCC chỉ tịch thu, không thể phạt, vì quy định chỉ cho phép xử lý, phạt hành chính khi bắt quả tang người đó, hộ đó đang có hành vi sang chiết gas trái phép.

Hiện nay, Cảnh sát PCCC đã phối hợp UBND các quận thực hiện thí điểm mô hình xử lý đồng bộ, xuyên suốt, mỗi đơn vị chức năng được giao từng phần việc cụ thể. Cụ thể: Quản lý thị trường kiểm tra, xử phạt các trường hợp kinh doanh, cung cấp, sử dụng gas mini không có xuất xứ, nhãn mác; công an quận và cảnh sát PCCC nắm tình hình, vận động quần chúng đấu tranh tố giác vi phạm sang chiết, vận chuyển gas lậu; Phòng Kinh tế kiểm tra, xử lý tình trạng kinh doanh gas mini trái phép ở các tiệm tạp hóa, chợ, quầy sạp…; các đơn vị phải hướng dẫn các nhà hàng, quán ăn sử dụng gas an toàn, cam kết không sử dụng bình gas mini nạp gas nhiều lần… Mô hình này sẽ được triển khai xuyên suốt và tổng kết vào tháng 11-2014. Nếu kết quả phát huy hiệu quả, sẽ nhân rộng ra toàn TP. Ngoài ra, Cảnh sát PCCC TPHCM cũng sẽ hướng dẫn các cửa hàng kinh doanh gas có trước năm 2005 chưa được thẩm duyệt PCCC sẽ hoàn tất việc thẩm duyệt trong năm 2014. Đến nay, Cảnh sát PCCC TPHCM đã hướng dẫn thẩm duyệt PCCC cho hơn 2/3 trong tổng số hơn 1.000 cửa hàng kinh doanh gas trong diện này.
- See more at: