(Thanh tra) - Lập biểu đồ phân tích rủi ro có thể xảy ra với từng địa phương, lên kịch bản ứng phó, tập huấn cho người dân, sử dụng trang thiết bị phù hợp… là những kinh nghiệm của Pháp trong phòng, chống thiên tai, cháy nổ.

Chống thiên tai, cháy nổ: Bài học từ Pháp Đại tá Ulliac Bruno, chuyên gia an ninh dân sự Pháp chia sẻ kinh nghiệm chống thiên tai, cháy nổ cho Việt Nam. Ảnh: Hải Hà
Sáng 24/9, đã diễn ra Hội thảo Pháp - Việt về An toàn và an ninh dân sự tại Việt Nam. Tại đây, các chuyên gia của Pháp trong lĩnh vực này đã chia sẻ những kinh nghiệm quý giá để Việt Nam có thể hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn gây ra.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều thiệt hại nhất do thiên tai gây ra và là một trong 5 nước chịu nhiều ảnh hưởng nhất của hiện tượng khí hậu nóng lên như: Bão, áp thấp nhiệt đới; lụt ở miền Trung; lũ quét nhanh ở vùng núi phía Bắc; cháy (cháy rừng) độc hại hơn dù đã có độ ẩm cao... Những hiểm họa trên làm cho 75% dân số Việt Nam có thể sẽ phải chịu các nguy cơ từ khí hậu. Là một nước vừa thoát khỏi nhóm nước có thu nhập thấp, nhu cầu về trang thiết bị hiện đại đang là một thách thức lớn với Việt Nam.

Để giảm thiểu tối đa những thiệt hại cho thiên tai gây ra, trong Luật Cứu hộ cứu nạn của Pháp quy định rất rõ thời gian lực lượng cứu hộ phải đến hiện trường. Cụ thể: Tại các khu đô thị thời gian chậm nhất là sau 10 phút kể từ khi nhận được thông báo của người dân, còn ở vùng nông thôn, vùng núi thời gian không quá 20 phút” - Đại tá Ulliac Bruno

Đến với hội thảo lần này, đoàn doanh nghiệp Pháp gồm 9 công ty cung cấp toàn diện các trang thiết bị và dịch vụ đáp ứng được 3 nhóm nhu cầu được ưu tiên của Việt Nam là: Hiện đại hóa và tăng cường hệ thống phòng cháy chữa cháy và các nguy cơ lớn, chương trình đào tạo hoàn chỉnh, trang thiết bị hiện đại và hiệu quả giúp xử lý nhanh chóng trong tình huống khẩn cấp.

Tại hội thảo sáng nay, Đại tá Ulliac Bruno, chuyên gia an ninh dân sự Pháp đã giới thiệu về mô hình cứu hỏa cứu hộ tại Pháp - mô hình điển hình trên thế giới và cách tổ chức các cơ quan phòng cháy chữa cháy và cứu hộ của Pháp ở cấp tỉnh/ thành.

Theo ông Bruno, cứu hộ cứu nạn là công việc hết sức nguy hiểm. Vì vậy người lao động phải được trang bị đầy đủ dụng cụ cần thiết và phải được đãi ngộ. Ông Bruno lấy ví dụ: Ở Pháp 1 năm chi 800 Euro/ 1 nhân viên cứu hộ để trang bị những đồ dùng cần thiết; thù lao cho mỗi lao động cũng được chi trả rất xứng đáng, 1 vụ cứu hộ 1 công nhân sẽ nhận được thù lao 1.000 Euro. Ngoài trả công xứng đáng, hàng năm Pháp đều mở các lớp đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên cứu hộ. Trong đào tạo Pháp phân chia chuyên ngành rất rạch ròi như cứu hộ trên đất liền, cứu hộ trên mặt nước…

“Việt Nam là nước có nhiều sông ngòi, hay xảy ra lũ lụt... Vì vậy, việc đào tạo chuyên ngành riêng trên mặt nước đóng vai trò rất quan trọng. Việt Nam cần phải có nhiều người thợ lặn được đào tạo bài bản để có đầy đủ kỹ năng làm việc dưới nước, hay trong môi trường có hóa chất… Không chỉ cứu hộ dưới nước, Việt Nam cũng nên đào tạo 1 bộ phận chuyên cứu hộ trong các nhà cao tầng, vì hiện nay ở các thành phố lớn của Việt Nam có rất nhiều nhà cao tầng”, ông Bruno đưa ra lời khuyên.

Lưu ý với người dân ở nhà cao tầng

Với người dân sống trong các tòa nhà cao tầng, ông Bruno lưu ý: Cần đề cao cảnh giác, nhất là vào ban đêm (thường xảy ra chập điện do sử dụng nhiều), mỗi hộ gia đình nên có sẵn thiết bị chống cháy. Ngoài ra, tổ dân phố cũng phải tuyên truyền tới người dân về các biện pháp phòng, chống cháy nổ. Trong mỗi nhà trường nên dạy cho các em nhỏ các biện pháp phòng ngừa cũng như chữa cháy khi có tình huống xấu, bởi chính các em sẽ là những tuyên truyền viên hiệu quả nhất tới gia đình mình.

Đi sâu vào phân tích cứu hộ tại các tòa nhà cao tầng, nhất là ở các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… khi xảy ra cháy, ông Bruno lưu ý: Việt Nam nên sử dụng xe chữa cháy bản vừa phải vì đường của Hà Nội hay các thành phố ở Việt Nam rất nhỏ, khó khăn trong việc di chuyển. Ngoài dùng xe đúng cách, công nghệ chữa cháy cũng rất quan trọng, nên sử dụng công nghệ dập cháy vừa dùng nước vừa dùng bọt. Để công tác cứu hộ diễn ra nhanh chóng, hiệu quả, người lính cứu hộ cần phải được trang bị tốt từ quần áo, mũ , đến máy thở… bởi theo tính toán người cứu hỏa có thể ở trong đám cháy từ 25 - 30 phút nếu được trang bị thiết bị tốt, nếu không sẽ chỉ 3 - 4 phút.

"Ở Việt Nam phải có những giải pháp thích hợp để cứu hỏa được diễn ra nhanh nhất, tránh trường hợp vừa có cháy, vừa có người bị thương, nhưng người dân lại phải chờ đợi các cơ quan chức năng đến giải quyết. Ở Pháp có hẳn 1 cơ quan độc lập quản lý vấn đề này, vì vậy khi có sự cố nghiêm trọng, bên cạnh điều lính cứu hỏa, chúng tôi có cả đội ngũ y bác sĩ đi theo", ông Bruno nói.

Chữa cháy ở khu công nghiệp



Chuyên gia 2 nước Việt - Pháp chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo. Ảnh: Hải Hà

Bên cạnh vấn đề cứu hộ trên nước, trên tòa nhà cao tầng, nhiều đại biểu tham dự hội thảo quan tâm tới việc cứu hộ tại các khu công nghiệp, nhà xưởng... bởi những thiệt hại do nó gây ra là rất lớn. Thực tế, thời gian qua, ở Việt Nam xảy ra rất nhiều vụ cháy như vậy. Tuy nhiên, công tác cứu hộ cứu nạn còn chậm, nên mặc dù nhận được thông báo sớm, nhưng hậu quả để lại rất nặng nề.

Giải bài toán này, ông Bruno cho biết: Ở Pháp cũng xảy ra những đám cháy lớn tại các khu công nghiệp, nhà xưởng, nhưng chúng tôi xử lý sự cố rất nhanh, nên hạn chế được thấp nhất thiệt hại gây ra. Để làm được điều đó, Pháp đã có những dự báo từ rất sớm qua việc lập bản đồ phân tích tất cả các rủi ro có thẻ xảy ra ở từng địa phương. Sau đó, các cơ quan chức năng của Pháp sẽ lên kịch bản để ứng phó phù hợp với từng rủi ro. Khi nhận được thông báo từ người dân, chúng tôi đã có kịch bản sẵn, cứ thế triển khai. Không chỉ dự báo, chúng tôi còn tiến hành tập huấn, đào tạo chuyên đề theo dự báo đã phân tích với người dân và lực lượng cứu hộ tại từng địa phương.

Riêng đối với các nhà xưởng, khu công nghiệp là nơi có mái tôn, khi xảy ra cháy cần phải nhanh chóng khoanh vùng, hạn chế tối đa việc dùng người trực tiếp để dập cháy, vì cháy mái tôn có lượng khói độc rất lớn. Thay vì dùng người, nên sử dụng bọt chất lượng cao để dập cháy. Trong trường hợp bất đắc dĩ phải dùng đến người thì phải bảo vệ tuyệt đối an toàn bằng các trang thiết bị như: Quần áo chống cháy, mặt nạ phòng độc, khí thở…

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nên đầu tư các bể nước lớn ngay tại các khu công nghiệp để chữa cháy được kịp thời. Ngoài các bể nước lớn, cần có những xe cứu hỏa lưu động…

"Với những kinh nghiệm của mình, Pháp sẵn sàng chia sẻ cho Việt Nam. Thời gian tới, Pháp sẽ có những hỗ trợ trong đào tạo, cung cấp trang thiết bị cứu hộ cứu hộ, cũng như có những buổi tập huấn thực tế cho Việt Nam", ông Bruno nhấn mạnh.
Dẫn nguồn: