Thân gửi những người lính chữa cháy mà tôi trân quý!
Bài viết lâu quá rùi, nhưng là cảm xúc thật, là tấm lòng chân thật của người viết!
Xin tôn vinh nghề nghiệp và công việc của các Anh!
- Lê Vũ Minh Châu


Vụ chữa cháy tại Nhà máy bia Hà Nội là lần đầu tiên tôi giáp mặt “lửa dữ”. Tôi chỉ từng biết ngọn lửa nghĩa tình giúp con người nấu chín thức ăn, sưởi ấm trong những ngày đông giá rét nên thực sự khiếp sợ khi lưỡi lửa chồm lên, vươn dài như muốn nuốt chửng mọi thứ. Không có đường cho xe tiếp cận đám cháy, các chiến sĩ chữa cháy phải nằm rạp trên mái tôn của khu nhà tiếp giáp, ghì chặt lăng phun nước vào đám cháy. Khi chiến thuật chữa cháy thay đổi, những người lính lại chạy như con thoi trên những bức tường cao 3, 4 mét để rải vòi chữa cháy. Tận mắt chứng kiến các anh làm nhiệm vụ mới thực sự cảm nhận được tính chất nguy hiểm của nghề chữa cháy. Khi ngọn lửa đã bị khuất phục, tôi hỏi một chiến sĩ chữa cháy của đội của đội chữa cháy Giảng Võ cũ, nay là đội chữa cháy Ba Đình: “Nghề chữa cháy nguy hiểm thế, anh có cảm thấy sợ không?”. Nụ cười làm rạng rỡ khuôn mặt lem luốc vì mồ hôi và khói bụi, anh vồn vã trả lời: “Làm việc thiện thì sợ gì nguy hiểm”. Tôi chưa kịp hỏi tên thì anh đã vội vã thu vòi về doanh trại để chuẩn bị cho trận chữa cháy mới. Vụ cháy Nhà máy bia Hà Nội không phải là vụ cháy lớn và mọi người chắc cũng không còn nhớ nhưng lý lẽ giản dị của người lính chữa cháy trẻ đã để lại trong tôi dấu ấn sâu sắc, đầy thiện cảm với những con người sẵn sàng đối mặt với giặc lửa, bảo vệ bình yên cuộc sống.

Chữa cháy, cứu người là làm việc thiện nhưng ai đã trót mang “nghiệp” chữa cháy đều phải chấp nhận tính chất khắc nghiệt của nghề. Đó là khi cháy xảy ra, mọi người tìm mọi cách để thoát ra thì các anh lại phải xông vào, tìm mọi cách để cứu người bị nạn, dập tắt đám cháy. Không những thế, công việc của các anh còn rất căng thẳng, 24/24 giờ trong trạng thái trực để “chờ cháy”, việc tăng ca là chuyện “cơm bữa”, khi nghe tiếng chuông, sau một phút các anh đã phải xuất phát đến đám cháy. Trong đội hình chữa cháy, khoảng cách của chiến sĩ cầm lăng với ngọn lửa là 3 đến 4 mét, đây là vị trí nguy hiểm nhất trong đội hình chữa cháy nên chỉ có những người lính đã dạn dày với lửa mới có thể trụ được. Lăng A với cường độ phun 7 lít nước/giây, lăng B, với cường độ phun là 3,5 lít nước/giây. Với áp lực đầu lăng A khoảng từ 5 đến 7at đòi hỏi người cầm lăng phải có bản lĩnh, sức khoẻ và sự dẻo dai. Nếu để lăng rời khỏi tay, phản lực có thể gây tai nạn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng người lính chữa cháy. Thế nên đã ôm lăng là phải “chiến đấu” đến cùng. Trong nhiều vụ cháy lớn, thời gian chữa cháy kéo dài, người lính chữa cháy phải cầm lăng liên tục trong nhiều giờ đồng hồ, trong lúc chữa cháy thì chỉ biết một điều là làm sao đẩy lùi được ngọn lửa, đến lúc trở về doanh trại mới thấy “2 vai đau nhức”. Tính chất của nghề chữa cháy như vậy nên việc đào tạo một chiến sĩ chữa cháy cũng nhiều công phu. Bất kể ngày nắng, ngày mưa, các anh đều phải đổ mồ hôi trên thao trường, luyện tập các phương án chữa cháy, cứu người bị nạn sao cho thật thành thục để đến khi đối mặt với “giặc lửa” những người lính chữa cháy không bị “ngợp” và có đủ bản lĩnh để chế ngự ngọn lửa. Người lính chữa cháy ngoài việc có sức khoẻ tốt còn phải có kiến thức trong nhiều lĩnh vực. Học viên PCCC ngoài những kiến thức cơ bản của hệ đào tạo cảnh sát phải còn phải học các môn lý, hoá, vẽ kỹ thuật, cơ xây dựng, cơ kết cấu… Những môn học này sẽ trang bị cho học viên kiến thức nền tảng về tính chất nguy hiểm cháy của các chất cháy, khả năng chịu lực, chịu nhiệt của các cấu kiện xây dựng để áp dụng vào công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Theo quy định, khi đến đám cháy, nhiệm vụ đầu tiên của những người lính chữa cháy là làm công tác trinh sát tìm cứu người bị nạn sau đó mới tổ chức chữa cháy. Trong thời khắc giữa cái sống và cái chết của người bị nạn, người lính chữa cháy phải quên đi mệt nhọc, quên đi những nguy hiểm có thể đến bất cứ lúc nào do công trình sụp đổ, do ngộ độc khói… lao vào khói lửa, cứu người bị nạn. Nhớ vụ cháy xảy ra tại Bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh, do không có phương tiện cứu hộ, cứu nạn, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC đã phải chạy như con thoi cứu và cõng bệnh nhân từ tầng 11 chạy theo cầu thang bộ xuống để thoát ra ngoài. Vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Trung tâm thương mại Quốc tế Tp Hồ Chí Minh, những người lính chữa cháy đã phải xông vào nơi khói lửa, phá 3 lớp cửa để cứu những người bị nạn ra ngoài. Trong vụ cháy này, chỉ với 01 xe thang nhưng lực lượng Cảnh sát PCCC đã cứu sống 40 người và tổ chức phun nước làm mát từ tầng 1 đến tầng 5 để hàng trăm người thoát ra ngoài an toàn bằng thang bộ. Đây là một nỗ lực lớn của lực lượng Cảnh sát PCCC trong điều kiện thiếu thốn phương tiện phá dỡ, phương tiện cứu nạn, cứu hộ. Vụ chữa cháy, cứu nạn ở toà nhà JSC 34 mới đây, đám cháy bắt nguồn từ ống xả rác nên khói toả ra nhiều, bao trùm toàn bộ hành lang, cầu thang và các phòng từ tầng 16 đến tầng 18 của toà nhà, bức xạ nhiệt rất lớn. Nhiều người không thoát được đã ra đứng ở ban công các căn hộ kêu cứu. Những người lính chữa cháy đã mưu trí, dũng cảm, vượt qua khó khăn, nguy hiểm, sử dụng bình thở và mặt nạ phòng độc đi đến từng tầng, gõ cửa từng nhà để tìm kiếm, cứu nạn, nhiều chiến sĩ chữa cháy đã dũng cảm, quên mình cõng, dìu người bị nạn từ tầng 16, 17, 18 xuống đất an toàn. Trong thời gian 30 phút vừa chữa cháy, vừa tổ chức cứu nạn, các anh đã cứu được 44 người, chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ nhỏ và hướng dẫn cho hầu hết những người còn lại thoát ra ngoài. Khi hoàn thành nhiệm vụ, những chiến sĩ chữa cháy cũng không thể ngờ tại sao mình lại có sức khoẻ phi thường như vậy, có lẽ vì “cứu sống được người bị nạn là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn của người chiến sĩ chữa cháy” và vì phải chứng kiến nạn nhân thiệt mạng trong đám cháy “thật kinh khủng và vô cùng thương tâm”, Thiếu tá Đỗ Anh Quyến, đội trưởng Đội PCCC Thanh Trì tâm sự. Và mong muốn của những người lính chữa cháy là các đơn vị, cơ sở và người dân luôn tuân thủ nghiêm các quy định an toàn PCCC, phòng nổ để các anh được “thất nghiệp”.
Trong báo cáo hiệu quả công tác chữa cháy của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH có ghi: “Hằng năm chỉ riêng công tác chữa cháy đã cứu và giải thoát được hàng trăm người, cứu và bảo vệ được một lượng tài sản của nhà nước và nhân dân trị giá khoảng 2.000 đến 3.000 tỷ đồng”. Kết quả này là trí tuệ, sự mưu trí, dũng cảm và cả những mất mát, hy sinh xương máu của những người lính đối mặt với giặc lửa./.