Đột nhiên, ngọn lửa bùng lên và chỉ trong vài phút ngắn ngủi, nạn nhân cháy tan thành tro, để lại lớp khói mịt mù, muội đen và những phần thân thể còn vương vãi.


Đôi khi, sự việc xảy ra nhanh đến nỗi những vật thể chung quanh còn chưa kịp bắt nhiệt, thậm chí quần áo nạn nhân vẫn còn vẹn nguyên. Cho đến nay vẫn chưa có nhà khoa học, nhà nghiên cứu bệnh học hay chuyên viên pháp y nào đưa ra được lời giải thích thỏa đáng.

Những “ngọn đuốc sống” đáng sợ

Năm 1951, bà cụ Mary Riser tại Mỹ đã bất ngờ bốc cháy cùng với chiếc ghế bà đang ngồi. Hiện trường còn lại chỉ là một chiếc cẳng chân còn đi chiếc giày màu đen, trong khi những tờ báo bên cạnh không hề cháy.

Điều ngạc nhiên là trên tường và sàn nhà không hề có dấu muội của đám cháy, cũng không có mùi khét của một vụ cháy thông thường.

Nhưng trường hợp tự cháy đầu tiên được chính thức ghi nhận là vào ngày 5-7-1835. Khi đó, Giáo sư toán học James Hamilton của Trường đại học Tổng hợp thành phố Nesville bỗng cảm thấy đau nhói ở chân trái. Chỉ một giây sau, cái chân này... bùng cháy với ngọn lửa cao tới 10cm. Tuy nhiên, ông Hamilton đã kịp dập tắt lửa bằng đôi tay trần của mình.


Vào tháng 12-1966, người ta phát hiện xác của ông Irvin Bentley (92 tuổi), trong ngôi nhà của ông. Thật ra cơ thể ông chỉ còn lại một phần của cẳng chân và bàn chân đang mang dép, còn tất cả đã bị cháy thành tro.

Nhưng kỳ lạ thay chỉ có một cái hố trên sàn nhà tắm là chứng cớ duy nhất tiết lộ ông đã bị đốt cháy, toàn bộ các phần khác của ngôi nhà vẫn hoàn toàn nguyên vẹn, không bị ảnh hưởng gì bởi ngọn lửa ghê gớm đã thiêu ông thành tro.

Năm 1982, tại ngôi nhà của mình ở Anh, khi đang ngồi trong bếp, bà Jeannie Saffin (61 tuổi) bỗng dưng phát lửa. Trong giây phút kinh hoàng đó, cụ ông Jack (82 tuổi) - cha của bà Jeannie đang ngồi ngay cạnh.

Cụ ông Jack nhìn thấy một luồng sáng chợt lóe lên xung quanh người con gái. Cụ ông vội hỏi con gái liệu có cảm nhận được điều mà ông đang tận mắt thấy hay không.

Theo lời cụ, đến khi ngọn lửa đã cháy xung quanh cơ thể mà bà Jeannie vẫn không hề nhúc nhích hay khóc lóc như thể không biết chuyện gì kinh khủng đang xảy ra với bản thân.

Trong nỗ lực cứu con gái, cụ ông Jack đã bị thương nặng ở tay. Cụ đã đẩy được Jeannie vào một thùng nước rửa bát. Nhờ đó mà Jeannie may mắn sống sót.

Sau giây phút tạm ổn, cụ ông Jack lớn tiếng kêu sự giúp đỡ của mọi người. Cậu con trai cả Donald chạy tới khi nghe thấy lời kêu cứu: “Giúp cha! Jeannie đang bốc cháy”. Donald kể lại rằng khi ông chạy vào bếp thì trên mặt và bụng của Jeannie, ngọn lửa lại bùng cháy.


Khi ngọn lửa được dập, Jeannie như choàng tỉnh và bắt đầu khóc sợ hãi. Gia đình vội vã đưa Jeannie đến bệnh viện. Sự việc khinh hoàng xảy ra với Jeannie nhanh chóng được trình báo tới cảnh sát. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy không có dấu hiệu nào chứng tỏ ngọn lửa phát ra từ nhà bếp.

Trong khi đó, cha và anh trai thì luôn khẳng định rằng ngọn lửa phát ra từ chính người Jeannie. Họ cũng nói thêm rằng ngọn lửa đó cháy tạo ra một thứ tiếng gầm gừ rất đáng sợ.

Còn hồ sơ bệnh án tại bệnh viện lại cho thấy, cơ thể của bà Jeannie bị bỏng cấp độ 3. Từ mặt, cổ, vai, tay, bụng đến đầu gối, đâu đâu cũng bị thương. Ở một số chỗ mức độ bỏng còn nặng đến nỗi tế bào da bị phá hủy hoàn toàn, rất khó có thể hồi phục, nhất là khuôn mặt bị biến dạng. Một tuần sau, bà Jeannie chìm sâu vào hôn mê rồi qua đời do chứng viêm phổi.

Người ta phải ghi vào bản báo cáo rằng “không có nguyên nhân nào được tìm thấy” khi tường trình về hiện tượng bốc cháy của bà Jeannie. Bản báo cáo cũng nhấn mạnh rằng ghế và bàn trong phòng ăn tuy ngay sát ngọn lửa nhưng không hề bị cháy.

Nguồn lửa gần nhất lúc đó là cái bếp gas cách bà Jeannie ít nhất 1,5m và hoạt động hoàn toàn bình thường. Nói cách khác, chỉ có một khả năng có thể xảy ra, Jeannie đã… tự bốc cháy.

Năm 1996, người dân gần một khách sạn ở thành phố Brisben (Australia) bất ngờ nghe thấy tiếng hét khủng khiếp, trước khi một cô gái trên người không một mảnh vải lao ra ngoài. Khi hồi tỉnh, cô gái này kể là đang nghỉ cùng với bạn trai trong khách sạn. Tắm xong, anh ta lên nằm cạnh cô và bất ngờ... bốc cháy rồi biến thành tro chỉ sau vài giây.


Hậu trường còn sót lại

Tính ra chỉ trong vòng hai thế kỷ qua, thế giới đã ghi nhận gần 100 trường hợp của hiện tượng Pyrokinesis - “hiện tượng người tự bốc cháy”.

Trong hầu hết các trường hợp, cơ thể những người tự bốc hỏa bị cháy xém và hủy hoại tệ hại hơn nhiều so với các nạn nhân chết cháy thông thường. Ngọn lửa không phân tán đều khắp mà chỉ tập trung đốt cháy ở một vùng nhất định, thường là giữa thân người, sau đó xương tan thành tro. Trong khi đó, những bộ phận ở xa như cánh tay, ngón chân, có thể cả đầu... thậm chí còn được để lại nguyên vẹn.

Chỉ những vật dụng gắn liền với cơ thể nạn nhân có thể bắt lửa cháy. Có trường hợp nạn nhân bốc cháy khi đang nằm trên giường nhưng ga đệm vẫn y nguyên, quần áo vẫn không hề xém lửa, mấy thứ đồ dễ cháy nằm cách đó vài phân cũng không hề hấn gì...

Tuy nhiên lại có dấu hiệu của sự hủy hoại do sức nóng: Nến tan chảy, gương bị rạn nứt... Tàn tích dễ thấy nhất sau những vụ phát hỏa kiểu này là muội đen và hồ bóng - chúng bám chặt xung quanh tường và trần nhà trong phạm vi bán kính 1m.


Những giả thiết còn bỏ ngỏ

Khi chứng kiến những hiện tượng người tự cháy kinh hoàng đầu tiên, các tín đồ theo đạo giải thuyết rằng đó chính là sự trừng phạt của Chúa trời. Nhưng dần dần khoa học phát triển đã đưa ra những giải thích có phần thực tế và hợp lý hơn.

Ban đầu, mọi tội lỗi được đổ cho ma quỷ, trước khi cho rằng người bị cháy đã uống quá nhiều rượu cồn. Tuy vậy kết quả điều tra cho thấy nhiều nạn nhân không hề có thói quen uống bia rượu. Hơn nữa với lượng chất cồn lớn tới mức bão hòa thì có lẽ họ đã chết vì ngộ độc chứ chẳng chờ đến khi bốc cháy.

Một lý giải khác có phần “khoa học” hơn là ruột của những người tự bốc cháy đã sản sinh ra quá nhiều khí metan.


Thời gian gần đây, cùng với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học và nhận thức, các chuyên gia đã đưa ra một loạt giả thuyết mới, từ việc quá trình oxy hóa trong cơ thể bị bất ngờ đột biến gấp hàng trăm lần, hay hiện tượng tổng hợp hạt nhân diễn ra một cách tự phát trong các tế bào sống...

Một số nhà khoa học còn quả quyết, hiện tượng người tự bốc cháy là hậu quả của quá trình điện phân bất ngờ khi nước trong cơ thể bị phân tách ra thành hydro và oxy trước khi bốc cháy.

Vào những năm 1800, nhà văn nổi tiếng người Anh Charles Dicken đã rất quan tâm đến hiện tượng người tự bốc cháy đến nỗi ông đã dùng “biện pháp” này để giết chết một nhân vật trong tiểu thuyết “Bleak House” (Căn nhà hoang). Nhân vật Krook là một tay nghiện rượu. Vào thời điểm đó người ta tin rằng lượng cồn quá dư thừa trong máu là nguyên nhân của hiện tượng người tự bốc cháy.

Đến tháng 1-1982, nhà nghiên cứu Larry Arnold đưa ra giả thuyết về mối liên hệ giữa hiện tượng người bốc cháy và “đường lửa”. Trên lý thuyết, đây là những đường từ lực của trái đất chạy ngang dọc khắp hành tinh; và theo phát hiện của Arnold, các đường này đều chạy qua những nơi xảy ra vụ “phát hỏa” kì bí - trong đó có đường dài hơn 400 dặm, nối liền 5 địa điểm có 10 trường hợp người bốc cháy liên tiếp suốt từ năm 1852 đến năm 1908.

Một số người khác thì cho rằng hiện tượng này có liên quan tới trạng thái tâm lý siêu nhiên, ví dụ như thần giao cách cảm, lên đồng, ảo giác...

Trong khi đó, các nhà khoa học lại cho rằng, hiện tượng người tự bốc cháy cũng tương tự như khi ta đốt nến, và chính ngọn lửa là nguồn gây cháy chứ không phải cơ thể tự bốc cháy. Nguồn gây cháy ở đây rất có thể là một điếu thuốc đang cháy, một cục than hồng hoặc một nguồn lửa gần đó.

Họ lý giải rằng, một cây nến gồm có tim nến được bao quanh bởi một lớp sáp làm từ các axít béo dễ cháy. Lớp sáp này sẽ giúp tim nến bén lửa và giữ cho ngọn lửa cháy. Cơ thể người, tương tự như cây nến, cũng có một lớp mỡ đóng vai trò như sáp nến, còn quần áo hay tóc sẽ là tim nến.

Khi nhiệt độ làm mỡ tan, nó thấm ra ngoài vào quần áo và giữ cho những thứ này cháy âm ỉ. Điều này giải thích tại sao vật dụng xung quanh nạn nhân ít khi bị ảnh hưởng.

Vậy tại sao những phần cơ thể cách xa trung tâm như chân tay thường ít bị tổn hại? Giới khoa học khẳng định đó là do sự chênh lệch nhiệt độ của cơ thể - khi ngồi thì nhiệt độ phần trên cơ thể cao hơn phần dưới cơ thể.

Tuy nhiên, những giả thuyết trên mới chỉ dừng lại ở mức phỏng đoán, chưa có cơ sở khoa học vững chắc cũng như chứng cứ xác thực. Cho đến nay, hiện tượng người bốc cháy vẫn là dấu hỏi lớn trong kho tàng bí ẩn về loài người.

Theo vtc.vn