Thời gian gần đây, tình trạng cháy, nổ đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh diễn ra hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng về số vụ cháy đặc biệt có một số vụ cháy gây ra những hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức bất cẩn, chủ quan, lơ là của các cơ sở kinh doanh xăng dầu và kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng trong công tác phòng cháy chữa cháy. Nhằm đẩy mạnh việc tăng cường công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy trên địa bàn thành phố. Cũng như tăng cường các biện pháp phòng ngừa, không để xảy ra cháy, nổ liên quan đến các cơ sở kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng, các chủ doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh xăng dầu, các cơ sở kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) cần thực hiện một số nội dung sau:

I. Đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu:

1. Rà soát lại việc thực hiện các điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ và Tiêu chuẩn Việt Nam liên quan như TCVN 4530:2011 “Cửa hàng xăng dầu – Yêu cầu thiết kế”, TCVN 3890:2009 “Phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình”, TCVN 4756-1989 “Yêu cầu về lắp đặt trang thiết bị điện cho cửa hàng xăng dầu”. Trong đó cần chú ý đối với các điều kiện về khoảng cách an toàn phòng cháy chữa cháy giữa các công trình, hạng mục bên trong và bên ngoài cửa hàng, hệ thống điện, hệ thống chống sét bảo vệ, việc trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy tại chỗ,…

2. Niêm yết bảng nội quy, tiêu lệnh phòng cháy chữa cháy, biển báo, biển cấm ở những nơi có nguy cơ cháy, nổ cao hoặc có khả năng gián tiếp gây cháy, nổ. Nơi bố trí niêm yết phải dễ thấy để mọi người biết và thực hiện.

3. Tăng cường công tác tự kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy trong quá trình kinh doanh xăng dầu để kịp thời phát hiện và khắc phục các thiếu sót và nguy cơ không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Trong đó chú ý kiểm tra việc thực hiện các quy định về phòng cháy chữa cháy đối với hệ thống điện như: Vị trí lắp đặt, sử dụng các thiết bị điện, bảng điện, cầu dao điện, tiết diện dây dẫn, hệ thống thiết bị bảo vệ, đặc biệt là khu vực đảo bơm, trụ bơm và khu bồn chứa phải là thiết bị điện phòng nổ. Ngoài ra, chủ các cửa hàng xăng dầu cũng cần chú ý nhắc nhở cán bộ công nhân viên làm việc tại các khu dịch vụ tiện ích (khu rửa xe, sửa chữa bảo dưỡng xe, nơi bán phụ tùng cho phương tiện,…) phải đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng cháy chữa cháy.

4. Trang bị, lắp đặt các hệ thống, phương tiện phòng cháy chữa cháy đầy đủ theo định mức quy định, đồng thời duy trì các điều kiện khác phục vụ cho công tác chữa cháy tại chỗ của cơ sở như yêu cầu về giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy bên trong và bên ngoài… Định kỳ tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng, bảo trì, đảm bảo về số lượng, chất lượng và khả năng hoạt động của các hệ thống, phương tiện phòng cháy chữa cháy tại chỗ để kịp thời triển khai sử dụng khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
5. Nghiêm cấm việc tiến hành sửa chữa các phương tiện giao thông hoặc tồn trữ xăng, dầu trong các can nhựa, thiết bị chứa không đảm bảo an toàn trong khu vực cửa hàng kinh doanh xăng dầu.

6. Khi nhập xăng dầu từ ôtô xitec vào bể chứa phải nối tiếp địa cho xe và tạm dừng hoạt động bán hàng cho các phương tiện bố trí sẵn phương tiện phòng cháy chữa cháy; cương quyết từ chối bán hàng cho các phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn cần thiết hoặc cá nhân cố tình không chấp hành quy định về phòng cháy chữa cháy như: không tắt máy phương tiện, sử dụng điện thoại di động hoặc hút thuốc trong khu vực cấm lửa,…

7. Tổ chức lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ đảm bảo về quân số ứng trực trong thời gian kinh doanh, sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy tại chỗ và khả năng triển khai xử lý các tình huống cháy, nổ phát sinh ngay từ đầu.
8. Tổ chức thực tập, diễn tập phương án xử lý các tình huống sự cố để chủ động triển khai, huy động lực lượng và phương tiện ứng phó khi cần thiết, đặc biệt là các phương án, kế hoạch ứng trực sẵn sàng trong các tình huống bình thường và khi có sự cố đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu, kể cả khi có những biểu hiện bất thường như số lượng người tập trung mua xăng dầu quá đông, nhiều người mua đựng vào can, phuy,…


II. Đối với các cơ sở kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG):

1. Thực hiện nghiêm các điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy theo quy định của các tiêu chuẩn TCVN 6223:2011 “Cửa hàng khí đốt hóa lỏng – Yêu cầu chung về an toàn”, TCVN 6304:1997 “Chai chứa khí đốt hóa lỏng – Yêu cầu an toàn trong bảo quản, xếp dỡ và vận chuyển” và Nghị định số 107/2009/NĐ-CP ngày 26/11/2009 của Chính phủ về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng.

2. Thường xuyên kiểm tra về các điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy như: Bậc chịu lửa của khu vực cửa hàng, kết cấu tường, trần, mái và điều kiện thoát nạn, khoảng cách đến các nguồn gây cháy, diện tích mặt bằng, thông gió tự nhiên, thông gió cưỡng bức, lối thoát nạn, hệ thống điện, chống sét bảo vệ, khoảng cách giữa các hạng mục xây dựng trong cửa hàng, hệ thống điện,…

3. Thực hiện các quy định về phòng cháy chữa cháy đối với hệ thống điện như: Vị trí lắp đặt, sử dụng các thiết bị điện, bảng điện, cầu dao điện, tiết diện dây dẫn, hệ thống thiết bị bảo vệ. Ngoài ra, chủ cơ sở cũng cần chú ý nhắc nhở cán bộ công nhân viên phải đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng cháy chữa cháy.

4. Đảm bảo các yêu cầu an toàn trong quá trình xếp dỡ, tồn chứa và bày bán chai khí dầu mỏ hóa lỏng như: cách sắp xếp và vị trí tồn chứa chai gas, khối lượng gas tồn trữ bên trong cơ sở,…; tình trạng, chất lượng hoạt động của hệ thống thiết bị phát hiện rò rỉ gas.

5. Niêm yết bảng nội quy, tiêu lệnh phòng cháy chữa cháy các biển báo, biển cấm ở khu vực kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG). Nơi bố trí niêm yết phải dễ thấy để mọi người biết và thực hiện.

6. Nghiêm cấm nạp sạc, sang chiết gas trái phép và mua bán các bình gas mini đã qua sử dụng nhiều lần.

7. Tăng cường công tác tự kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy trong quá trình kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) để kịp thời phát hiện và khắc phục các thiếu sót có nguy cơ không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.

8. Định kỳ tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng, bảo trì, đảm bảo về số lượng, chất lượng và khả năng hoạt động của các phương tiện phòng cháy chữa cháy tại chỗ để kịp thời triển khai sử dụng khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Theo Sở CS PCCC TP.HCM