PDA

View Full Version : Chuyện về thiếu tướng Đỗ Văn Sơn



decomoto
05-20-2012, 11:09 PM
Chuyện của một sĩ quan Công an luôn ao ước mình "thất nghiệp"

Vào nghề chữa cháy từ năm 19 tuổi, trận "thử lửa" đầu tiên trong đời chữa cháy của Thiếu tướng Đỗ Văn Sơn (Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy & Cứu nạn cứu hộ) diễn ra ngay khi anh vừa mới được học động tác vác vòi, chưa biết thế nào là chữa cháy, thậm chí còn chưa được phát quần áo bảo hộ, phải đầu đội mũ lá, chân đi dép cao su đi chữa cháy.
Với một sự chuẩn bị đơn sơ từ trong ra ngoài như vậy, anh bắt đầu dấn thân vào nghiệp chữa cháy bằng một trận đấu ác liệt đã đi vào lịch sử của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Việt Nam.

Lực lượng mà từ những ngày đầu thành lập, Bác Hồ chỉ mong họ sẽ thất nghiệp dài dài. Là người đã kinh qua nhiều "cuộc chiến" khốc liệt với "giặc lửa", Thiếu tướng Đỗ Văn Sơn cũng luôn có một ao ước lớn nhất: không bao giờ nghe thấy tiếng còi báo cháy trên khắp các nẻo đường, ao ước những người lính PCCC như các anh sẽ luôn được "thất nghiệp".


http://cand.com.vn/Uploaded_CANDONLINE/thanhbinh1/2_dai46-400.jpg


Thiếu tướng Đỗ Văn Sơn (đứng thứ 3 từ trái sang), được ông Trần Duy Hưng - cố Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - trao tặng Huy hiệu Bác Hồ năm 1973.

Bản thân các kho xăng dầu luôn là mục tiêu quan trọng của máy bay địch, nhưng còn một điều khác mà thời điểm đó ít người biết đến, là ngay cạnh kho xăng chính là tổng kho Đức Giang, nơi tập trung hàng hóa chi viện của các nước bạn. Ngay sau khi bị đánh bom, cả tổng kho đã trở thành một vùng lửa, khói đen rực trời. Vừa mới chân ướt chân ráo về, chàng trai Đỗ Văn Sơn đội mũ lá, chân đi dép cao su, cấp tốc cùng các đồng nghiệp đi chữa cháy.

Cái buổi chiều ngày 16/4 năm đó, khi lực lượng cứu hỏa đến, kho xăng dầu đã là một biển lửa khổng lồ, bom bi rơi vãi, có thể nổ bất cứ lúc nào. Không chỉ bể chứa, téc xăng mà những đường ống dẫn ở khu vực này cũng bị cháy do bị bom bi và những mảnh bom găm thủng. Từ lỗ thủng, xăng phun lên gặp lửa rồi bốc cháy thành vòi.

Dù bị "choáng" trước đám cháy khổng lồ lần đầu tiên trong đời mới được thấy, nhưng khi ấy, có một hình ảnh nhỏ bé mà ấn tượng đã in sâu mãi mãi trong trí óc Thiếu tướng Đỗ Văn Sơn: "Trong đám cháy, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là một "ông" Trung úy bé nhỏ, chạy thoăn thoắt trong đám cháy, băng qua khói lửa lấy giẻ ướt nút vào những lỗ thủng trên va gông tàu chở xăng để lửa khỏi bén vào. Lúc đó trong lòng tôi bỗng dâng lên một sự khâm phục vô cùng. Hình ảnh đó đã cho tôi rất nhiều sức mạnh trong lần đầu tiên tham gia một trận đánh lớn như thế. Sau này thực sự bước vào "cuộc chiến" của những người lính PCCC, đúng là mình cũng quên hết, thấy khói lửa ở đâu là lao vào chữa, không kể đến bom đạn, hi sinh gì cả".

Lần chữa cháy kho xăng dầu Đức Giang hôm đó thực sự là một thử thách nhớ đời đối với một anh lính mới chân ướt chân ráo rời khỏi Trường Cảnh sát Nhân dân. Nhưng nó cũng để lại cho Thiếu tướng Đỗ Văn Sơn những ký ức không bao giờ quên.

Anh kể, hôm đó có những lúc lửa nó đuổi mình, thấy đường ống bục ra một chút, mải tiếp tục công việc, đến lúc nó loang ra chỉ trong nháy mắt lửa đã bao vây. Phương tiện thì thô sơ, hầu hết là dùng áp vòi nước áp lực cao để dập lửa, trong khi nguyên tắc chữa cháy xăng là phải dùng bọt. Nhưng lúc đó máy trộn bọt lại bị hỏng, phải dùng tay pha bọt để dập lửa. Vì chữa cháy bằng nước, nên không triệt để, chỉ cần ngừng phun nước, xăng dầu từ các ngóc ngách ở trong lớp đá chân bể xăng lại loang ra và tiếp tục cháy. Cứ chiến đấu như thế cho đến sáng hôm sau thì sức người đã thắng. Đám cháy kho xăng Đức Giang và kho hàng hóa được dập tắt.

Lửa thử "vàng"

Mũ lá bay vào lửa, chân bị thụt, rút chân lên được thì dép nằm lại dưới bùn, ướt nhẹp và tơi tả từ đầu đến chân, trận chiến đầu tiên của đời chữa cháy vô cùng khốc liệt đã trở thành bài học quí giá, khiến anh trở nên bản lĩnh và dạn lửa rất nhanh.

Sau đó, anh được phân về đội chữa cháy Giảng Võ, rồi về "trung đội mạnh" Phan Chu Trinh - nơi tập trung những người có thành tích tiêu biểu nhất, có sức khỏe, có nhiệt huyết để sẵn sàng chi viện cho miền Nam ruột thịt. "Được chọn để chi viện cho miền Nam thấy thiêng liêng lắm, dù biết là sẽ gặp nhiều nguy hiểm hơn". Trong những năm đó, anh cũng liên tục tham gia các trận chữa cháy lớn như Nhà máy Thuốc lá Thăng Long, nhà máy điện Yên Phụ, chữa cháy trận địa tên lửa ở Chèm, khu dân cư Lương Yên...

Một trận đáng nhớ khác đối với Thiếu tướng Đỗ Văn Sơn là chữa cháy tại Nhà máy dệt 8-3. Tiểu đội anh lúc đó được phân công chữa cháy kho, nhưng không biết là kho gì mà chỉ thấy khói đỏ bay ra. Sau mới biết đó là kho thuốc nhuộm. Khói thuốc nhuộm rất độc, anh em lại trang bị sơ sài, không có kính bảo hộ, không có mặt nạ, chỉ có quần áo và ủng. Khói thuốc nhuộm cộng với bụi nước vào, anh em lại dụi mắt làm xước hết giác mạc, mắt sưng đỏ, không nhìn thấy gì.

"Nhưng lúc đó mình còn trẻ nên hăng lắm. Hôm sau thấy tiểu đội tiếp tục đi chữa cháy, cũng đòi đi theo. Anh em hỏi: Mắt có nhìn thấy gì đâu, đi làm gì? Thì bảo: Tớ đi trông máy bơm chữa cháy, nghe tiếng máy nổ xem có vấn đề gì không, còn xử lý cho kịp".

Chân đất, mũ lá chữa cháy ở Tổng kho xăng dầu Đức Giang

Năm 1972, trong một đợt leo thang mới đánh phá khốc liệt miền Bắc, mà trọng điểm là Thủ đô Hà Nội, một lần nữa máy bay Mỹ lại lựa chọn mục tiêu là Tổng kho xăng dầu Đức Giang. "Khoảng 15 giờ ngày 16/4/1972, Mỹ ném bom vào hai mục tiêu trọng điểm là kho xăng Đức Giang và tổng kho kim khí hóa chất Đức Giang. Sau khi bị trúng bom, các mục tiêu này bốc cháy ngùn ngụt, đặc biệt là kho xăng Đức Giang, vì so với kim khí hóa chất, xăng dầu bắt lửa nhanh hơn và lan rộng chỉ trong chớp mắt.

Ngày kho xăng bốc cháy, Thiếu tướng Đỗ Văn Sơn vừa được điều động từ Trường Cảnh sát Nhân dân trên Suối Hai cùng 120 học viên cùng khóa về tăng cường cho lực lượng PCCC Hà Nội được khoảng chục ngày. Lúc đó, như lời Đại tá Đỗ Văn Sơn thì anh mới "đang học những bài vỡ lòng về chữa cháy". Thế nhưng ngay khi bắt đầu học "bài học vỡ lòng" đó, anh đã tham gia vào một trong những "trận chiến" với "giặc lửa" ác liệt nhất trong lịch sử của lực lượng.


Oanh liệt nhất là 12 ngày đêm Mỹ đánh phá Hà Nội. Cả 12 ngày đêm đó, đội Phan Chu Trinh trực chiến liên tục. Máy bay đánh bom xong là mình xuất kích ngay, chỗ nào cháy thì chữa. Thiếu tướng Đỗ Văn Sơn vẫn nhớ, năm đó mùa đông rất rét, quần áo mỗi người lại chỉ có 1 bộ, bằng vải bạt của Liên Xô, không hôm nào kịp khô. Xong trận này, quần áo ướt hết, cởi ra treo lên ráo nước lại mặc để vào ngay trận khác.

Sau liên tục những chiến công đó, đến năm 1973, anh lính chữa cháy Đỗ Văn Sơn, khi đó mới 20 tuổi, được bình chọn để nhận Huy hiệu Bác Hồ. Cả lực lượng PCCC Hà Nội khi đó chỉ có 3 đồng chí có vinh dự này. Hai người còn lại là Nguyễn Văn Miện ở đội Lộc Hà anh hùng, đã chiến đấu ngoan cường trong trận chữa cháy ga Yên Viên và Nguyễn Văn Nhân người liên tục bám trụ ở cao điểm Trần Quang Khải trong suốt những ngày bom Mỹ đánh phá. Dù chỉ trong quãng thời gian không dài, khoảng 1 năm rưỡi, anh Đỗ Văn Sơn đã trải qua rất nhiều trận đấu oanh liệt. "Nghĩ lại thời gian đó, tôi rất tự hào vì mình đúng là một người lính chữa cháy thực thụ".

decomoto
05-20-2012, 11:09 PM
23 ngày đêm chỉ huy chữa cháy rừng U Minh Thượng

Dù đã bị tàn phá rất nhiều trong chiến tranh, nhưng đến thời điểm 2002, Vườn quốc gia U Minh Thượng vẫn có tổng diện tích 21.000 ha, trong đó có 8.000 ha thuộc diện rừng bảo vệ nghiêm ngặt. Khu vực này là rừng tràm nguyên sinh, có hệ thống bì thực vật và dây leo chằng chịt, lau sậy dầy đặc. Không những thế, dưới bề mặt là một lớp than bùn dày 1- 2m, rất dễ bắt lửa nếu hạn hán.

Vào thời điểm đó, rừng U Minh Thượng đã nhiều lần bốc cháy, như lần 1 vào 9h ngày 23/1/2002. 20 ngày sau, vào 13/2/2002 lại xảy ra vụ cháy lần thứ hai. Dù lực lượng tại chỗ (vườn quốc gia, kiểm lâm, bộ đội địa phương..) đã dập tắt được cả 2 vụ cháy này, thì thiệt hại do lửa thiêu hủy vẫn là 24 ha rừng tràm, loại cây 20-30 tuổi. Nhưng đến vụ cháy thứ 3 xảy ra ngày 24/3/2002 (2 tháng sau vụ cháy lần 1), thì mọi việc vượt quá tầm kiểm soát của lực lượng địa phương.

Rừng tràm vốn đã dễ cháy, sau đó ngọn lửa ngún xuống gốc, bén vào lớp than bùn bên dưới và cứ âm ỉ cháy. Lực lượng chữa cháy cứ phun nước vào thì đám cháy có vẻ ngưng lại, nhưng ngừng phun nó lại bùng lên, vì than cháy âm ỉ ở dưới, trong khi mình chỉ phun được nước trên bề mặt. Đám cháy ngày càng lan rộng.

Ngày 28/3, tức là sau 4 ngày kể từ khi xảy ra cháy, tỉnh Kiên Giang đã huy động lực lượng của tỉnh xuống cứu rừng, ngăn lửa sang các tiểu khu lân cận, bơm phun nước dập lửa, làm vệ sinh khơi rộng kênh, đào kênh, phát quang dọn sạch đường ngăn lửa... tưởng là khống chế được đám cháy, nhưng không được. Tính đến 17h ngày 2/4/2002, hai nghìn héc ta rừng tràm già đã trở thành tro bụi.

Không thể chờ đợi thêm được nữa, cùng ngày 2/4, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi cho các tỉnh Nam Bộ và 5 Bộ về huy động các lực lượng của Trung ương và các địa phương tới vườn quốc gia U Minh Thượng để chống vụ cháy rừng lớn nhất của nước ta từ trước tới nay. Thiếu tướng Đỗ Văn Sơn lúc đó đang là Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC, đã đích thân bay vào để phối hợp chỉ huy các lực lượng PCCC 18 tỉnh từ Ninh Thuận trở vào, cùng hàng ngàn bộ đội, dân quân tự vệ hiệp lực dập lửa.

"Hàng mấy nghìn người chiến đấu ngày đêm, ra sức làm mọi cách, nhưng không thể dập tắt được đám cháy. Những lão nông địa phương bảo, những đám cháy kiểu này, mưa xuống nó cũng không tắt. Nó cứ âm ỉ bên dưới và cháy lan rộng ra mãi. Mà cái giống than bùn, càng có nước nó càng cháy đượm, hừng hực lên như muốn nuốt trọn cả U Minh. Rừng U Minh thời điểm đó, ngày thì nóng như thiêu như đốt, đêm xuống thì lạnh cắt da cắt thịt.

"Lính chữa cháy thì khổ vô cùng, nhưng lại cảm thấy biết ơn, vì may nhờ có đêm lạnh mà đám cháy tạm thời ngưng lại. Những ngày đầu công tác hậu cần chưa được chuẩn bị kịp, anh em gặp gì ăn nấy, gặm mì tôm sống mà chữa cháy. Sau được tổ chức tốt hơn thì cứ ngày 3 bữa cơm, bữa nào cũng 3 món cá: cá rán, cá luộc, cá kho. Muỗi nhiều như vãi trấu, anh em phải buông màn xuống, bê cơm vào trong mới có được bữa ăn yên lành. Đêm xuống, anh em đầm đất, chặt lau sậy đi làm chỗ ngủ. Có hôm sáng dậy thấy lưng đau, nhìn xuống mới biết đám lau sậy cây to như cây mía mình vừa chặt, chỉ qua một đêm đã mọc cao thần tốc, chọc cả vào lưng... Nhưng tất cả cái khổ đó không bằng cái khổ tâm chưa tìm ra phương cách chữa cháy. Chẳng lẽ cứ phí sức phí của như thế, một cách vô vọng.

"Có hôm anh em bảo vệ xung quanh một con mương lớn để chống lửa cháy lan sang rừng bên này. Vừa đến giờ cơm chiều, gió mạnh quá tạt lửa bén sang, thế là hò nhau bỏ cả cơm đi dập lửa. Lau sậy cao lút đầu người, không biết đường nào mà kéo vòi vào, anh em phải nghĩ ra cách rọi đèn pha công suất lớn, rồi cứ thế theo ánh đèn pha mà đi. Cứ thế đến 1h đêm, đám cháy mới chịu ngừng" - Thiếu tướng Đỗ Văn Sơn nhớ lại.

Trong cái khó ló cái khôn. Anh em chữa cháy nghĩ ra cách dùng máy đào đào các con mương rộng khoảng 1,5 m, sâu 1 m để chia cắt đám cháy. Đào tới đâu thì nước tràn vào tới đó, ngăn không cho cháy lan, và có thể dùng ngay nước đó để chữa cháy từng cụm nhỏ. Phương cách này đã phát huy tác dụng. Sau 23 ngày đêm vật lộn, cuối cùng con người đã thắng.

Các lực lượng Công an, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, bộ đội, dân quân tự vệ được sự tham gia hỗ trợ của đồng bào vùng U Minh Thượng đã phấn đấu gian khổ 24/24 giờ trong 23 ngày để đến ngày 25/4/2002, những nơi cháy lớn đã bị dập tắt, giảm độ cháy bùng và cháy lan, các đám ngún cháy trên lớp thực bì thảm rừng bị ngăn chặn. Các khu rừng tràm nguyên sinh còn lại được cứu thoát. Vụ chữa cháy này không chỉ là một dấu ấn đáng nhớ trong cuộc đời Đại tá Đỗ Văn Sơn, mà lực lượng PCCC cũng coi đây là một chiến công của mình trong thời kỳ đổi mới.

40 năm chữa cháy

Tính đến năm nay, Thiếu tướng Đỗ Văn Sơn đã có tròn 40 năm gia nhập lực lượng Công an nhân dân, trong đó có đến 39 năm rưỡi phục vụ trong lực lượng PCCC. Trong 40 năm đó, anh chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc về lựa chọn của mình, dù đã kinh qua nhiều khó khăn, nguy hiểm.

Làm nghề chữa cháy đồng nghĩa với việc sẵn sàng lao vào những nơi nguy hiểm mà người khác phải chạy ra. Có những trận đáng nhớ như chữa cháy trận địa tên lửa, bộ đội mình lúc đó còn không cho lực lượng chữa cháy vào vì sợ nguy hiểm, sợ hóa chất, sợ nổ. Nhưng với tinh thần "cháy là phải chữa", họ vẫn lao vào chiến đấu đến cùng.

Người xưa đã mang hình ảnh "đùa với lửa" ra để nói về sự nguy hiểm, và người lính chữa cháy thì thường xuyên phải "giáp lá cà" với nó. Trong đám cháy, có vô khối những nguy hiểm bủa vây. Có thể là bị lửa thiêu, có thể bất thần bị trần nhà, tường gạch và vô khối thứ khác sập xuống đầu, hay đường gas có thể nổ, điện có thể giật... bất cứ lúc nào. Thế nhưng người lính chữa cháy vẫn phải lao vào đống hỗn tạp đó để cứu người, để tìm gốc lửa.

Bởi thế mà chỉ những ai dũng cảm mới có thể làm nghề chữa cháy. Nếu không dũng cảm, không thể đối mặt với đám cháy. Họ còn phải có một sức khỏe hơn người. Quần áo bảo hộ rất nặng, những cuộn vòi cũng nặng. Nguyên việc giữ vòi phun áp lực cao để xối vào đám cháy, cũng phải vài người mới giữ nổi. Nhiều khi chữa cháy cả ngày, gần lửa, người nóng như muốn chảy ra. Anh em ở phía sau phải phun nước trực tiếp vào đồng đội mình để "làm mát". Nếu không khỏe, thì chẳng cần đến "giặc lửa", chẳng cần tường đổ đá đè, nguyên chuyện "nóng lạnh đột ngột" cũng đã đủ làm cho họ gục ngã.

Chữa cháy là một "cuộc chiến" với "giặc lửa" và người chỉ huy chữa cháy được coi như một "vị Tướng" điều binh khiển tướng, quyết định không nhỏ tới sự thành bại. Anh ta toàn quyền trong việc lựa chọn phương tiện, lực lượng, cũng như lựa chọn chiến thuật để giành thắng lợi nhanh nhất, bảo toàn được lực lượng và hạn chế thiệt hại đến mức tối thiểu.

Với người chỉ huy, họ phải biết nhìn khói của đám cháy bốc lên như thế nào là biết đám cháy đó ra sao - cháy nhỏ hay lớn, cháy chất gì. Ví dụ, nếu khói nhiều tất cháy lớn, còn khói màu đen kịt là cháy xăng dầu, khói có màu vàng vàng thì chắc chắn là cháy ở khu dân cư hoặc hóa chất, khói mà có màu đen cộng với mùi là cháy cao su… Vì thế, trên đường xuống hiện trường, khi ngồi trên xe, người chỉ huy phải nắm được 90% về kiểu "giặc lửa" mình sắp đối mặt, để tiên lượng mình có thể dập tắt được đám cháy hay không hoặc là cần chi viện cái gì.

Đồng thời, trong đầu người chỉ huy phải mường tượng được các nguồn nước chữa cháy xung quanh khu vực này như thế nào, địa hình, hướng gió ra sao để bày binh bố trận cho hợp lý, nếu không, chỉ "nướng lính" mà lửa vẫn không tắt. Khi tiếp cận hiện trường rồi, trong thời gian ngắn nhất, người chỉ huy phải quyết ngay cách đánh hợp lý. Nó giống như một cuộc "đấu trí" của những người lính PCCC với "hung thần lửa" để khuất phục sự hung hãn của nó.

Nguy hiểm là thế, nhưng Thiếu tướng Đỗ Văn Sơn rất tâm đắc một điều mà có thể người ngoài không biết. Ấy là "Người lính chữa cháy có một cái đặc biệt, hễ có báo động chữa cháy, đã nhảy lên xe rồi thì con người hừng hực khí thế, hăng hái lắm, chiến đấu dũng cảm lắm. Mọi nỗi sợ hãi lúc đó đều bị gạt lại đằng sau". Thế nên lính chữa cháy có một cái bệnh nghề nghiệp là bệnh "sẵn sàng chiến đấu", cứ "chuông reo là chạy". "Nhiều anh lính chữa cháy đã chuyển nghề vẫn còn bị "ám ảnh" thói quen này" - Thiếu tướng Sơn cho biết.

Có những người dân có mặt tại những đám cháy đã từng "mắt tròn mắt dẹt" khi thấy có những người lính cứu hỏa xuất hiện với tình trạng tóc "một mất một còn, chỗ đen chỗ trắng". Ấy là những anh đang cắt tóc, nhưng khi nghe thấy tiếng còi báo động, biết là có nhiệm vụ mới, họ lập tức lao vội ra xe. Với những người lính cứu hỏa, chuyện bị người yêu "chiến tranh lạnh" vì "cái tội" đang điện thoại, đang hẹn hò mà đột ngột đi mất là chuyện bình thường.

Thế nhưng vượt qua những khó khăn đó, những người lính cứu hỏa vẫn hồn nhiên sống và chiến đấu, "đặt việc cứu người lên hàng đầu". Trong những hoàn cảnh nguy nan, ngặt nghèo, họ đối diện với tận cùng bản chất thiện lương của con người. "Nguy hiểm thì ai mà không sợ. Nhưng đứng trước biển lửa, nhìn vào ánh mắt của những người bị kẹt lại, chúng tôi biết mình là tia hi vọng duy nhất của họ. Trong hoàn cảnh đó, không ai nỡ quay mặt bỏ đi. Có lẽ bởi thế mà chúng tôi có thêm dũng cảm" - Đó cũng là điều Thiếu tướng Đỗ Văn Sơn luôn cảm thấy tự hào, cảm thấy không một lần hối tiếc dù đã 40 năm gắn bó với nghiệp phòng cháy, chữa cháy: "Làm nghề của chúng tôi, để cứu người phải mạo hiểm tính mạng của chính mình, lúc nào cũng phải đối mặt với nguy hiểm bủa vây tứ phía. Có lẽ vì thế mà tự nhiên hình thành cho mình một tính cách là không vị kỷ, luôn biết lo cho tính mạng của mọi người".

Thiếu tướng Đỗ Văn Sơn tâm sự: "Tôi chỉ mong sao người dân hiểu hơn về phòng cháy, chữa cháy, hiểu được rằng sơ suất rất nhỏ, nhưng hậu quả lại vô cùng lớn. Chỉ một tàn thuốc lá, chỉ di chân là tắt, có thể gây ra đám cháy khổng lồ, lấy đi hàng chục mạng người, thiêu rụi bao nhiêu sản nghiệp. Có lẽ không ai như chúng tôi, luôn mong những lời Bác chúc trở thành sự thực, mong mình thất nghiệp trong việc chữa cháy dài dài".

Theo CAND